Bí kíp “vàng” ngăn chặn lừa đảo chuyển tiền những ngày cận tết
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, đặc biệt là người già ở các vùng thôn quê, trong những ngày giáp tết nguyên đán, nhiều đối tượng đã giả danh lực lượng Công an, những người thực thi pháp luật để gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần rồi yêu cầu chuyển tiền. Nhưng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an các cấp và sự cảnh giác cao độ của người dân, nhiều vụ việc đã được ngăn chặn kịp thời.
Gia tăng tội phạm giả danh Công an gọi điện yêu cầu chuyển tiền
Trưa 10/1, khi đang tranh thủ dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón Tết thì bà Hà Thị Thanh (sinh năm 1965, trú tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhận được cuộc điện thoại lạ gọi đến. Đầu dây bên kia, một người đàn ông tự xưng là cán bộ Công an huyện Cẩm Xuyên, đang phối hợp với Công an TP Hà Nội điều tra mở rộng liên quan đến vụ án đưa người đi xuất khẩu lao động trái phép sang Campuchia và bà Thanh là người có liên đới. Người đàn bà thôn quê này chưa kịp định thần thì đã bị vị “cán bộ công an” kia dẫn dắt vào ma trận của sự u mê.
Trước hết, bà Thanh được yêu cầu phải tuyệt đối giữ bí mật toàn bộ nội dung trao đổi. Tiếp đó, có khoảng 2-3 người khác tự xưng là công an, thay nhau gọi điện thúc ép, đe dọa yêu cầu kê khai tài sản hiện có. Bà Thanh không do dự cho biết còn có 700 triệu đồng gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Khi đối tượng yêu cầu phải chuyển toàn bộ số tiền này đến số tài khoản do chúng cung cấp để bỏ qua sự việc, bà đã đến ngân hàng rút sổ tiết kiệm mà không dám nói với bất cứ ai. Tuy nhiên, đúng vào thời điểm đang đạp xe đến ngân hàng để làm thủ tục rút tiền, bà Thanh nghe trên loa truyền thanh của xã cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, trong đó có tội phạm lừa chuyển tiền qua điện thoại.
Định thần lại, thay vì ra ngân hàng, bà Thanh đã rẽ vào trụ sở Công an xã Cẩm Hưng để trình báo và tại đây, sau khi nghe cán bộ giải thích rõ thủ đoạn của các đối tượng, người đàn bà này đã yên tâm quay xe trở về nhà.
Cùng thời điểm này, Công an xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tiếp nhận trình báo từ người nhà ông Phan Thanh Sơn (sinh năm 1962, trú tại thôn Bình Thủy) về việc ông Sơn có biểu hiện lạ khi bất ngờ gom toàn bộ giấy tờ tùy thân, tài sản, điện thoại và sổ tiết kiệm ngân hàng ra thuê một nhà nghỉ trên địa bàn để ở.
Tiếp nhận nguồn tin, Công an xã Kim Hoa đã cử cán bộ đến nhà nghỉ thuyết phục ông Sơn về trụ sở công an xã để làm việc. Tại đây, ông này hoảng loạn cho biết, sớm ngày 19/1, ông bị một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an TP Hà Nội gọi điện thông báo việc ông có liên quan đến hành vi phạm tội hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và đường dây bắt cóc trẻ em, hiện đã cơ quan điều tra đã có 2 lệnh bắt ông để điều tra. Để xóa tội, ông Sơn phải mang tiền bạc, giấy tờ nhà đất đến nhà nghỉ hoặc khách sạn trên địa bàn để các đối tượng tiếp tục làm việc về việc cung cấp thông tin của các giấy tờ nói trên. Thông qua công tác trấn an tư tưởng, giải thích và động viên, ông Sơn dần lấy lại bình tĩnh và không nghe theo kẻ xấu để chuyển tiền cho chúng.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh, những ngày giáp Tết Nguyên đán, cùng với việc gia tăng các loại tội phạm khác, tội phạm sử dụng không gian mạng, lừa đảo qua điện thoại có chiều hướng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay, công an các đơn vị, địa phương và nhân viên một số ngân hàng, tổ chức tín dụng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng trăm vụ lừa đảo qua điện thoại bằng cách gọi điện khủng bố tinh thần, đe dọa, sau đó không chế nạn nhân chuyển tiền, với số tiền ngăn chặn thành công lên đến hàng chục tỷ đồng. Để nạn nhân dễ dàng sập bẫy, các đối tượng thường tìm hiểu rất kỹ gia cảnh nạn nhân, thường nhắm vào người già, người có con cái, thân nhân đang đi học tập, lao động ở nước ngoài hoặc sinh sống khu vực có người liên quan đến vi phạm pháp luật để giăng bẫy lừa đảo.
Đơn cử, như địa bàn các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh thường tập trung nhiều người đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, nên khi nhằm vào nạn nhân ở các địa phương này, đối tượng sẽ đưa ra các thông tin liên quan để nạn nhân hoảng loạn, tin mình đang bị liên đới trong một vụ việc vi phạm pháp luật nào đó. Hoặc, như địa bàn huyện Hương Sơn, giáp biên giới Việt - Lào từ trước đến nay luôn nóng bỏng về ma túy nên tội phạm lừa đảo thường đưa ra các thông tin gian dối về lĩnh vực này để chiếm đoạt tiền bạc.
Ngoài việc Công an xã Kim Hoa ngăn chặn kịp thời trường hợp của ông Phan Thanh Sơn, ngày 20/12/2023 bà Nguyễn Thị Khánh (sinh năm 1959, trú tại thị trấn Phố Châu cũng nhận được cuộc điện thoại của người lạ, xưng cán bộ điều tra Công an TP Hà Nội liên quan đến vụ án ma túy đang trong quá trình điều tra, yêu cầu bà này chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản do chúng cung cấp. Tuy nhiên, trước đó, do đã được tuyên truyền về thủ đoạn này nên bà Khánh đã trình báo Công an huyện Hương Sơn.
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ tính riêng từ cuối tháng 10/2023 đến nay, lực lượng Công an trên địa bàn huyện Hương Sơn đã ngăn chặn 5 vụ lừa đảo trên không gian mạng, giúp người dân không mất số tiền trên 1,7 tỉ đồng.
Cảnh giác với tội phạm lừa đảo trong “tháng củ mật”
Để góp phần ngăn ngừa tội phạm trong lĩnh vực này, đồng thời nâng cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác đến tất cả người dân, năm 2023 Công an tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng đề cương tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng, thường xuyên và liên tục như tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của khối xóm, tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt tập thể hoặc qua ứng dụng của các mạng xã hội Zalo, Facebook... Nội dung được lực lượng công an xã biên soạn ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu, mục đích nhằm khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo của tội phạm.
Cùng với đó, từ những vụ việc người dân trình báo để Cơ quan công an kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì quy luật chung là để chiếm đoạt được tiền, một trong những hành vi không thể thiếu là buộc nạn nhân phải đến ngân hàng hoặc các cơ sở tín dụng để chuyển tiền. Do đó, Công an Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân viên các ngân hàng trên địa bàn, đặc biệt lưu ý đến những người già đến ngân hàng giao dịch nhưng có biểu hiện bất thường như không có người thân đi cùng, biểu hiện lo sợ, hoang mang thì báo ngay cho Cơ quan công an hoặc phối hợp ngăn chặn kịp thời. Nhờ vậy, trong thời gian qua, cùng với lực lượng công an cơ sở, nhân viên hệ thống ngân hàng cũng đã ngăn chặn được hàng chục vụ đe dọa chuyển tiền, với số tiền nhiều tỷ đồng.
Đơn cử, chiều 9/1, nhân viên Agribank Chi nhánh Thạch Hà (Hà Tĩnh) tiếp nhận khách hàng là bà Trần Thị Tứ (sinh năm 1946, trú trên địa bàn đến giao dịch chuyển số tiền 392,7 triệu đồng trong trạng thái tinh thần lo lắng, bất an. Nghi vấn bà T. có dấu hiệu bị lừa đảo, nhân viên ngân hàng đã tạm dừng hoạt động giao dịch và liên hệ với công an để được hỗ trợ. Ngay sau đó, được sự động viên, giải thích của Công an thị trấn Thạch Hà, bà Tứ đã ngừng giao dịch và cho biết, một người lạ gọi điện cho biết số CCCD của bà liên đới đến đường dây ma túy, nếu không nộp tiền khắc phục sẽ bị phạt 15 năm tù. Cả tin, bà lặng lẽ đi bán 3 chỉ vàng, rút 2 sổ tiết kiệm để chuẩn bị chuyển tiền. Trước đó, nhân viên phòng giao dịch Ngân hàng BIDV Can Lộc cũng đã kịp thời ngăn chặn việc bà Đặng Thị Chương (sinh năm 1963), trú tại xã Tùng Lộc đến để chuyển số tiền 270 triệu đồng cho người lạ vì bà này nhận được điện thoại đe dọa con trai bà đang dính vào đường dây ma túy lớn, cần tiền để thoát tội.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, do được tuyên truyền, khuyến cáo hằng ngày nên ý thức cảnh giác của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Ghi nhận thực tế cho thấy, ngoài việc được phát hiện kịp thời, nhiều người dân khi bị gọi điện, đe dọa đã nhận thức rõ vấn đề nên thay vì đi chuyển tiền, đã đến trụ sở công an để trình báo. Có thể kể đến câu chuyện của bà Cù Thị Hồng (sinh năm 1960) trú tại xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn. Vào đầu tháng 12/2023, bà Hồng bị đối tượng lạ gọi điện tự xưng là cán bộ công an, cho biết bà đang liên quan đến 2 vụ án, phải chuyển số tiền 850 triệu đồng, nếu không sẽ bị bắt giam. Do được tuyên truyền từ trước, bà Hồng sau đó đã đến Công an xã Sơn Trà để trình báo sự việc.
Ngoài ra, trong thời gian qua, lực lượng Công an trên toàn tỉnh đã ghi nhận, có hàng chục trường hợp người dân tự đến trình báo sự việc tương tự, với số tiền bị yêu cầu chuyển khoản hàng chục tỷ đồng. Đây là dấu hiệu tích cực để cùng với lực lượng chức năng, mỗi người dân là một bức tường thành vững chắc trên mặt trận phòng, chống tội phạm, để tội phạm lừa đảo nói riêng và các loại tội phạm khác nói chung không còn đất sống.