“Bộ sậu” lập khống hàng trăm hồ sơ

Thứ Năm, 10/04/2025, 11:01

Sau khi nhận tiền của hàng trăm chủ phương tiện xe cơ giới, nguyên “bộ sậu” Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) đã “bắt tay” lập hồ sơ khống, sau đó liên hệ các cơ sở thiết kế ngoại tỉnh đứng ra làm hồ sơ thiết kế trọn gói theo yêu cầu của các chủ xe.

Cơ quan điều tra xác định, các đối tượng đã nhận hối lộ nhiều tỷ đồng từ các chủ phương tiện… Cuối tháng 3 vừa qua, TAND TP Huế đã đưa vụ án ra xét xử. Phiên tòa đã triệu tập 508 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và 33 người làm chứng nhưng chỉ có mặt 3 người.

“Phù phép” hàng trăm hồ sơ thi công cải tạo xe cơ giới

Trong vụ án này, có 6 bị cáo bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”, gồm: Đào Hữu Long (sinh năm 1964, nguyên Giám đốc TTĐK xe cơ giới TP Huế; Trần Hưng Huy (sinh năm 1967), Dương Phúc Thiện (sinh năm 1982), Ngô Văn Tiến (sinh năm 1980), là Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và Nguyễn Phan Phú Nguyên (sinh năm 1970, (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô Thống Nhất, vừa là Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế Ô tô Thống Nhất), Phạm Quang Hồng (sinh năm 1964, nguyên Trưởng phòng quản lý vận tải và phương tiện Sở Giao thông Vận tải TP Huế).

“Bộ sậu” lập khống hàng trăm hồ sơ -0
Đối tượng Nguyễn Phan Phú Nguyên thời điểm bị Công an bắt giữ.

Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian từ năm 2018 đến đầu tháng 2/2023, Đào Hữu Long, Trần Hưng Huy, Dương Phúc Thiện, Ngô Văn Tiến nhận làm thủ tục cải tạo xe cơ giới cho nhiều chủ phương tiện trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Sau khi thống nhất về nội dung cải tạo, mức giá tiền với chủ phương tiện, các bị cáo: Long, Huy, Thiện và Tiến lấy thông số kỹ thuật của xe, có những xe đã được cải tạo trước đó rồi lấy thông số, tính toán cho phù hợp giữa thông số kỹ thuật và thực tế đã cải tạo để lập bản vẽ sơ bộ. Sau đó chuyển các thông số, kích thước của xe cần cải tạo cho cơ sở thiết kế để cơ sở thiết kế làm trọn gói gồm: thiết kế cải tạo xe, giấy chứng nhận thẩm định thiết kế, làm khống các thủ tục thi công cải tạo xe, biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cải tạo, văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo…

Cơ quan điều tra xác định, hàng loạt cơ sở làm hồ sơ thiết kế và thi công cải tạo xe cơ giới mặc dù không tiến hành thi công cải tạo, họ cũng không có mặt tại Trung tâm đăng kiểm để tham gia nghiệm thu xe cơ giới cải tạo, đồng thời biết rõ các tài liệu mà nguyên “bộ sậu” TTĐK xe cơ giới TP Huế cần có như trên là để hợp thức hóa hồ sơ về thiết kế, thi công cải tạo khi kiểm định xe cơ giới cải tạo mà cơ sở thiết kế vẫn đồng ý nhận tiền để ký khống các tài liệu theo yêu cầu của các đối tượng.

Cụ thể, đối với biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo với tư cách là người đại diện đơn vị thi công hoặc giấy giới thiệu, giấy ủy quyền được các cơ sở thiết kế bỏ trống để các đối tượng: Đào Hữu Long, Trần Hưng Huy, Dương Phúc Thiện và Ngô Văn Tiến tự điền tên chủ xe hay tài xế là người đại diện đơn vị thi công cải tạo tham gia nghiệm thu và ký biên bản kiểm tra chất lượng tại mục đại diện đơn vị thi công.

Ngoài ra, người của đơn vị thiết kế ký khống trên một vị trí của tờ giấy trắng A4 tương ứng vị trí của mục đại diện đơn vị thi công tại mẫu biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo gửi cho nguyên “bộ sậu” của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới TP Huế để sau này khi hợp thức hóa hồ sơ và dùng tờ giấy đó in ra cho mỗi xe cụ thể…

“Bộ sậu” lập khống hàng trăm hồ sơ -0
Công an khám xét Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Thừa Thiên Huế và thu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan.

Với phương thức thủ đoạn như trên, nguyên giám đốc Đào Hữu Long sau khi thỏa thuận làm thủ tục thiết kế cải tạo phương tiện từ chủ xe đã liên hệ với Nguyễn Phan Phú Nguyên và những người đại diện của các Công ty đóng ở nhiều tỉnh, thành khác nhau như: Công ty TNHH Ô tô ALPHA; Công ty Cổ phần dịch vụ và kỹ thuật Ô tô Tiên Phong; Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật ô tô An Bình; Công ty TNHH Dịch vụ Thiết kế Kỹ thuật ô tô Đức Thịnh; Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ kỹ thuật VCAR; Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải để đề nghị làm các hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công cải tạo, nghiệm thu xe cơ giới cải tạo khống nhằm hợp thức hóa hồ sơ khi nghiệm thu và đăng kiểm.

Trong số hồ sơ mà Đào Hữu Long ký giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo thì có rất nhiều hồ sơ có chữ ký của đăng kiểm viên và đại diện cơ sở thi công ký, có nhiều xe hồ sơ không có văn bản đề nghị thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo, có hồ sơ ngày cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo trùng với ngày cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo; không có hồ sơ biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới…

Đào Hữu Long vừa nhận tiền của chủ xe vừa ký giấy chứng nhận kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo 170 xe với số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Long nhận tiền của hàng loạt chủ xe nhưng các Phó giám đốc ký giấy chứng nhận kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Cơ quan điều tra xác định, Đào Hữu Long trực tiếp nhận tiền của 258 xe với số tiền 2,323 tỷ đồng, chuyển cho cơ sở thiết kế 1,271 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Long còn đồng phạm với các bị can khác khi ký giấy chứng nhận kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo do bị can khác nhận tiền và ký với vai trò đăng kiểm viên. Như vậy, tổng số tiền mà Đào Hữu Long phải chịu trách nhiệm hình sự là 2,584 tỷ đồng.

Đối với nguyên Phó giám đốc Trần Hưng Huy sau khi nhận làm thủ tục cải tạo xe và nhận tiền từ chủ xe, đã liên hệ với Nguyễn Phan Phú Nguyên và người đại diện của các công ty thiết kế ngoài TP Huế để đề nghị làm các hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công cải tạo, nghiệm thu xe cơ giới cải tạo khống, giúp Trần Hưng Huy hợp thức hóa hồ sơ khi nghiệm thu để đăng kiểm xe cơ giới cải tạo mà Huy đã nhận làm cho chủ xe.

Trong hàng trăm hồ sơ mà Huy ký giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo, có nhiều hồ sơ không có biên bản nghiệm thu xuất xưởng; nhiều hồ sơ không có hồ sơ thiết kế, không có giấy chứng nhận thẩm định thiết kế. Điều đáng nói, có 104 tài liệu trong hồ sơ không có ngày tháng hoặc không có thông tin cụ thể như: văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo, giấy uỷ quyền, giấy giới thiệu; biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo…

Trần Hưng Huy đã ký giấy chứng nhận kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho 364 phương tiện. Trong đó, có 247 xe do Huy vừa nhận tiền của chủ phương tiện, vừa ký giấy chứng nhận kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với số tiền 2,014 tỷ đồng, Huy chuyển đi cho cơ sở thiết kế gần 1,3 tỷ đồng, số tiền hưởng lợi là 775 triệu đồng. Ngoài ra, Huy nhận tiền của nhiều chủ xe nhưng các bị can khác ký giấy chứng nhận kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông.

Với thủ đoạn tương tự, nguyên Phó giám đốc Dương Phúc Thiện nhận trực tiếp của 44 chủ xe với số tiền 267 triệu đồng, thu lợi 47 triệu đồng, đồng phạm với các bị cáo khác 649 triệu đồng. Bên cạnh đó, Phó giám đốc Ngô Văn Tiến nhận của 44 chủ xe với số tiền 122 triệu đồng, thu lợi 31,5 triệu đồng, đồng phạm với các bị cáo khác 72 triệu đồng.

1 hồ sơ thẩm định “lọt”, được trích từ 1 triệu đồng

Tất cả hàng trăm bản thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt cùng các tài liệu làm khống kể trên được cơ sở thiết kế chuyển cho các bị cáo Long, Huy, Thiện, Tiến tập hợp và dùng để đưa vào hồ sơ xe cơ giới được cải tạo và thi công cải tạo để làm hồ sơ kiểm định. Khi hoàn thành hồ sơ thiết kế, thẩm định thiết kế, thi công cải tạo xe thì yêu cầu chủ xe đưa xe đến TTĐK để kiểm định.

Công an xác định, hầu hết các phương tiện được đưa đến đăng kiểm trùng ngày trực của bị can đã nhận tiền, nhưng cũng có những phương tiện đưa đến đăng kiểm không trùng ngày của bị can đã nhận tiền. Vì vậy, có những phương tiện do bị can này nhận tiền nhưng bị can khác ký giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo. Các đăng kiểm viên thì ngẫu nhiên xe đến đăng kiểm ngày thuộc lịch trực của đăng kiểm viên nào thì đăng kiểm viên đó ký vào biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.

“Bộ sậu” lập khống hàng trăm hồ sơ -0
Các đối tượng: Huy, Long, Thiện (từ trái qua) tại thời điểm bị Công an bắt giữ.

Đối với 322 hồ sơ thiết kế do Nguyễn Phan Phú Nguyên (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô Thống Nhất, vừa là Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế Ô tô Thống Nhất) lập đều phải được Sở Giao thông vận tải TP Huế thẩm định. Tại Sở Giao thông vận tải, Phạm Quang Hồng (nguyên Trưởng phòng quản lý vận tải và phương tiện, Sở Giao thông Vận tải TP Huế) được Giám đốc Sở này ủy quyền, nên Phạm Hồng Quang vừa ký là người thẩm định vừa ký ở mục cơ quan thẩm định thiết kế với tư cách thừa ủy quyền Giám đốc Sở. Trong đó, nhiều hồ sơ không có hồ sơ tài liệu về thông số, tính năng kỹ thuật nhưng vẫn được Phạm Quang Hồng thẩm định cho “lọt”.

Công an xác định, Nguyễn Phan Phú Nguyên sau khi nhận hồ sơ, tiền từ chủ xe hoặc nhận hồ sơ, tiền từ nguyên dàn lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm đã trích lại cho Phạm Quang Hồng 1 triệu đồng đối với mỗi hồ sơ thiết kế xe được Phạm Quang Hồng thẩm định đạt. Tổng số tiền mà Nguyễn Phan Phú Nguyên trích cho Phạm Quang Hồng là 322 triệu đồng.

“Bộ sậu” lập khống hàng trăm hồ sơ -0
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Trong số hồ sơ thiết kế của cơ sở thiết kế ngoại tỉnh mà Phạm Quang Hồng nhận để thẩm định có hơn 300 hồ sơ do Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định. Đối với những hồ sơ thiết kế thuộc thẩm quyền thẩm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam, thì có một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm có hành vi nhận tiền của nhiều đơn vị thiết kế trái pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố, điều tra vụ án theo sự phân công của Bộ Công an…

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm mới đây, đại diện Viện kiểm sát thực hiện quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của hơn 500 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và quy định luật tố tụng, đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Sau khi phiên tòa nghị án, HĐXX xét thấy, đây là phiên xét xử lần đầu, và sự vắng mặt của hơn 500 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cùng với 33 người làm chứng, để đảm bảo thủ tục tố tụng, quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa.

Hải Lan
.
.