Bỏ tiền thật mua xe điện giả
Đầu năm học mới là thời điểm nhu cầu mua sắm xe máy điện, xe đạp điện tăng mạnh, đặc biệt từ phụ huynh và học sinh cấp 2, cấp 3. Nắm bắt xu hướng đó, hàng loạt dòng xe máy điện “nhái” các thương hiệu nổi tiếng đang được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, thậm chí cả các cửa hàng nhỏ lẻ.
Những chiếc xe được gắn mác hàng chính hãng, giá rẻ hơn từ 30-50% so với xe thật, nhưng chất lượng tiềm ẩn hàng loạt rủi ro.
Bóc trần đường dây xe máy điện giả
Bằng những thủ đoạn gian xảo, đội lốt “thương hiệu uy tín”, một đường dây sản xuất và tiêu thụ xe máy điện giả quy mô lớn đã lừa đảo trắng trợn người tiêu dùng suốt thời gian dài. Chúng hoạt động như một dây chuyền công nghiệp tội phạm có nhà xưởng, có cửa hàng tiêu thụ, có giấy tờ giả mạo và đặc biệt có khả năng qua mặt cả những khách hàng tưởng chừng tỉnh táo nhất.

Ngày 11/7, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) chính thức triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán xe máy điện giả mạo thương hiệu chính hãng. Đây là tổ chức có tính liên tỉnh, thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tổ chức và quy mô lớn.
Theo chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội, ngày 16/6/2025, lực lượng Cảnh sát kinh tế chủ trì phối hợp với Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đồng loạt kiểm tra 3 điểm kinh doanh xe máy điện trên địa bàn TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh có dấu hiệu vi phạm. Không dừng lại ở đó, công an tiếp tục khám xét một công ty tại Bắc Giang, nơi thực chất là xưởng lắp ráp xe điện giả quy mô lớn. Kết quả: hơn 100 xe máy điện không hóa đơn, chứng từ; nhiều linh kiện, máy móc, thiết bị sản xuất xe giả; tổng giá trị hàng hóa trên 1 tỷ đồng.
Ngày 27/6/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là xe máy điện theo Điều 192 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, khởi tố 3 bị can liên quan. Cầm đầu đường dây là N.V.D (trú tại Bắc Ninh). Theo điều tra ban đầu, các đối tượng thu thập thông tin về các dòng xe điện chính hãng, sau đó làm giả từ giấy tờ đến hình dáng, hợp thức hóa nguồn gốc xe để đưa ra thị trường. N.V.D móc nối với P.T.T để sản xuất tại xưởng ở Bắc Giang, rồi phân phối về Hà Nội thông qua cửa hàng của L.V.K. Mỗi xe điện giả bán ra mang lại khoản lợi nhuận từ 3 - 4 triệu đồng/chiếc. Chỉ tính từ đầu năm 2025 đến nay, số lượng xe đã tiêu thụ là rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho thị trường và người tiêu dùng.

Đây không chỉ là hành vi làm hàng giả đơn thuần mà là tội phạm có tổ chức, với đầy đủ yếu tố của một chuỗi cung ứng phi pháp từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ, rửa tiền. Càng đáng lo hơn khi phương thức lừa đảo ngày càng chuyên nghiệp: các giấy tờ giả tinh vi đến mức qua mặt nhiều cơ quan kiểm tra sơ bộ, tem mác đóng chuẩn như hàng thật, hệ thống phân phối bao phủ rộng, từ thành phố đến nông thôn.
Hiện vụ án đang được mở rộng điều tra nhằm làm rõ các mắt xích còn lại và truy xuất số xe giả đã được tiêu thụ để tiến hành thu hồi, xử lý. Nếu không được phát hiện kịp thời, hàng ngàn chiếc xe máy điện giả đã và đang lưu hành có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về an toàn giao thông, cháy nổ và chất lượng vận hành, nhất là khi người sử dụng chủ yếu là học sinh, sinh viên và người dân thu nhập thấp.
Xe máy điện là phương tiện phổ biến hiện nay, đặc biệt được ưa chuộng trong giới học sinh, sinh viên và người lao động bởi sự tiện lợi, gọn nhẹ, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, chính sự phổ biến này lại tạo ra mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái len lỏi và chiếm lĩnh thị trường. Theo nhiều chuyên gia, các vụ tai nạn hoặc cháy nổ do xe máy điện thường bắt nguồn từ chất lượng ắc quy và động cơ không đảm bảo, một điểm chung của các loại xe giả, xe nhái.
Trong vai người mua hàng, phóng viên đã khảo sát nhiều cửa hàng xe máy điện tại Hà Nội. Tại một cửa hàng trên phố Quang Trung (Hà Đông), khi được hỏi về giấy tờ kiểm định và nguồn gốc xe, chủ cửa hàng thẳng thắn: “Xe Nhật bây giờ toàn tin đồn thôi, chứ làm gì có. Xe nào chả nhập linh kiện từ Trung Quốc, lắp ở Việt Nam hoặc đâu đó quanh đây”. Vừa nói, ông vừa giới thiệu: “Xe này hơn 10 triệu, sạc một lần đi được khoảng 50 - 60km; còn xe kia 7 triệu, sạc đi được khoảng 30 - 40km”. Khi được yêu cầu cung cấp giấy kiểm định chất lượng, chủ cửa hàng đáp gọn lỏn: “Không có. Bên anh chỉ có tem bảo hành riêng. Mua là bảo hành 3 năm, hỏng đâu sửa đó”.
Một cửa hàng khác trên phố Quang Trung tuy khẳng định “có đầy đủ giấy tờ”, nhưng khi phóng viên hỏi mua xe rẻ cho học sinh, chủ cửa hàng liền dẫn vào trong và tiết lộ: “Mấy xe tầm 6 - 8 triệu thì xác định là không giấy tờ kiểm định gì đâu. Tiền nào của nấy. Khách nào không có điều kiện thì cứ chọn loại này, đi mấy năm cũng được”.

Sự thật đắng chát là: trên thị trường, những chiếc xe máy điện giá rẻ dưới 10 triệu đồng gần như không hề có giấy kiểm định. Nhiều mẫu xe không rõ xuất xứ, linh kiện kém chất lượng nhưng lại được “ngụy trang” khéo léo bằng vỏ bọc rất giống hàng thật, khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa.
Anh L.V.T, chủ cửa hàng xe điện tại phố Tây Sơn chia sẻ: “Nhiều mẫu xe nhái nhìn y như hàng chính hãng, nhưng bên trong thì rẻ tiền, pin kém, động cơ dễ hỏng, bộ điều khiển chập chờn. Người mua tưởng hời, nhưng đi vài tháng đã sinh chuyện”. Anh T cũng khẳng định, hiện có tới 70% sản phẩm trên thị trường là xe nhái, xe giả, chỉ những người trong nghề mới phân biệt được.
Thị trường xe điện đang trở thành một “bãi chiến trường” của hàng giả và người tiêu dùng là bên gánh hậu quả nặng nề nhất. Trong khi đó, nhiều người vì ham rẻ, nhẹ dạ hoặc thiếu hiểu biết vẫn đang tiếp tay cho tội phạm mà không hề hay biết. Sự thật là, mua một chiếc xe “giá mềm” hôm nay, có thể đồng nghĩa với việc rước lấy rắc rối lớn ngày mai từ nguy cơ mất an toàn đến cảnh kiện tụng pháp lý.
Vụ việc lần này là lời cảnh tỉnh không chỉ với người tiêu dùng, mà còn với các cơ quan chức năng. Việc tăng cường kiểm tra hậu kiểm thị trường xe điện, minh bạch hóa chuỗi phân phối và xử lý nghiêm khắc các vi phạm là yêu cầu cấp bách để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và đảm bảo sự lành mạnh cho thị trường.
Hiểm họa nhãn tiền
Không chỉ tràn lan tại các cửa hàng nhỏ lẻ, xe máy điện và xe đạp điện nhái còn đang được rao bán công khai trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử với đủ loại chiêu trò quảng cáo: “hàng nhập khẩu chính hãng”, “bảo hành 1 năm”, “pin khỏe, chạy xa”. Chỉ cần gõ từ khóa “xe máy điện học sinh giá rẻ”, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng trăm mẫu xe có ngoại hình gần giống xe thật, giá dao động từ 6 đến 10 triệu đồng chỉ bằng một nửa hàng chính hãng.

Nhưng phía sau mức giá "ngọt ngào" ấy là một sự thật đắng chát: phần lớn đều là hàng trôi nổi, sử dụng linh kiện rẻ tiền từ Trung Quốc hoặc lắp ráp thủ công trong nước. Những bộ phận trọng yếu như bình điện, IC điều khiển, phanh, khung sườn đều không qua kiểm định kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn, cháy nổ.
Chị L.T.H (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ trải nghiệm: “Tôi mua một chiếc xe gắn mác Yadea cho con gái đi học, giá chỉ 9 triệu. Ngoại hình giống y hàng thật. Nhưng mới hơn 2 tháng đã phải gọi thợ thay pin vì sạc đầy mà chỉ chạy được chưa tới 15km. Cửa hàng thì im lặng, không bảo hành, không sửa chữa.”
Trong vai phụ huynh cần mua xe cho con mới đỗ cấp 3, phóng viên đã liên hệ với một tài khoản bán xe điện có tên “Thủy Nguyễn”. Khi được hỏi mua xe máy điện Vespa, người này chào hàng: “Xe cũ 7-10 triệu, xe mới 13-18 triệu. Chất lượng đảm bảo, bảo hành 3 năm, ship tận nhà.” Khi hỏi về nguồn gốc xe, người bán thẳng thừng: “Xe chính hãng làm gì có giá đó! Nhưng hàng bên em y như thật, đi ổn, có vấn đề gì thì bên em sửa miễn phí.” Một câu trả lời thản nhiên, phản ánh sự nhởn nhơ của thị trường xe giả.
Theo các chuyên gia kỹ thuật, xe máy điện, xe đạp điện nhái thường sử dụng linh kiện kém chất lượng: hệ thống điện dễ chập cháy khi sạc lâu hoặc gặp trời mưa; phanh thiếu lực khiến người dùng dễ mất lái; khung xe lắp ráp ẩu, không chịu được va chạm mạnh. Đặc biệt, pin và ắc quy là “tử huyệt”, vừa nhanh chai, vừa dễ cháy nổ nếu các điểm nối không được cách điện kỹ lưỡng.
Một chuyên gia điện máy cho biết: “Có nhiều vụ cháy xe điện là do lỗi phóng điện từ các mối nối kém cách điện. Một khi hệ thống điện chập cháy, chỉ cần một tia lửa là cả dãy xe đỗ gần nhau có thể bốc cháy theo hiệu ứng dây chuyền”. Trên thực tế, nhiều vụ cháy xe tại chung cư, bãi gửi xe thời gian qua đều được xác định có liên quan đến xe điện nhái với nguyên nhân phổ biến là sạc dỏm, pin không rõ nguồn gốc hoặc thay thế linh kiện trôi nổi. Chưa kể, nhiều người mua phải xe không giấy tờ, không thể đăng ký biển số, gặp khó khăn khi lưu thông hoặc bị kiểm tra hành chính.

PGS.TS Nguyễn Văn Bính, nguyên Phó viện trưởng Viện Cơ khí động lực (Đại học Bách khoa Hà Nội) cảnh báo: “Người tiêu dùng rất dễ bị đánh lừa bởi vẻ ngoài hào nhoáng. Nhưng bên trong, đó có thể là pin tái chế, điện chắp vá, phanh lỗi. Khi xe tăng tốc hoặc gặp địa hình xấu, nguy cơ cháy nổ, tai nạn là rất lớn”.
Trong khi đó ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng nhận định: “Đây không chỉ là câu chuyện kinh tế. Xe điện nhái là vấn đề an toàn xã hội. Khi các phương tiện không đạt chuẩn lưu thông đại trà, hậu quả có thể là tai nạn, là mất mát về người, chứ không chỉ là thiệt hại vật chất”.
Những đường dây sản xuất, phân phối xe điện giả bị triệt phá thời gian qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Điều đáng sợ hơn là: hàng ngàn chiếc xe nhái vẫn đang lăn bánh ngoài đường mỗi ngày, lọt qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng, lặng lẽ gieo mầm nguy hiểm.