Bóng ma tội phạm ở Moskitia

Thứ Tư, 27/12/2023, 20:34

Rừng Moskitia tại tỉnh Gracias a Dios, HondurasLa là khu rừng lớn nhất quốc gia này với diện tích khoảng 22.568 km2. Moskitia còn là nhà của 20 trên 21 giống chim bắt cá của Honduras cùng nhiều loài động vật quý hiếm nhất như báo đốm, báo sư tử, lợn vòi, vẹt Macaw xanh đỏ v.v...

Đa phần cư dân Moskitia là người thiểu số thuộc các dân tộc Miskito, Garífunas, Tawankas, Pech và Manhua. Họ sống gần như cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài giống như tổ tiên họ từ hàng nghìn năm trước. Nhưng kể từ 30 năm nay, cuộc sống yên bình của người dân Moskitia không còn nữa.

Cuộc xâm lược

Người Miskito gọi chung những kẻ từ nơi khác đến sống trên đất của họ là “terceros”, nghĩa là “quân xâm lược”. Những terceros đầu tiên xuất hiện vào năm 1980 để buôn ma túy. Khi đó cũng như bây giờ Moskitia là mảnh đất thưa dân. Tội phạm lợi dụng những bãi biển không một bóng người để buôn ma túy lên phía bắc. Nhờ dựa vào Moskitia mà ông trùm Juan Ramon Matta Ballesteros nổi lên thành thế lực lớn trong mạng lưới buôn bán ma túy từ Hoa Kỳ đến Nam Mỹ. Y bị cảnh sát Honduras bắt vào năm 1988 và đang phải lãnh án tù ở Mỹ.

Việc buôn lậu ma túy tại Moskitia hiện giờ nằm trong tay một cartel gồm toàn các ông trùm có “máu mặt” ở Honduras. Cartel này có quan hệ với tầng lớp lãnh đạo chính trị cao nhất nước này, trong đó có cả nguyên Tổng thống Juan Orlando Hernandez. Ông Hernandez hiện đang phải ngồi tù ở Mỹ vì tội tiếp tay cho tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Một đối tượng có liên quan đến nguyên Tổng thống Hernandez cũng đang ngồi tù ở Mỹ là ông trùm Arnulfo Fagot Maximo. Hắn bị cảnh sát Honduras bắt tại Moskitia khi đang xây nhà. Ngôi biệt thự xây dở dang của trùm Maximo vẫn đang đứng trên đất rừng.

Bóng ma tội phạm ở Moskitia -0
Vùng Moskitia đã bị phá hỏng vì súng và tiền bẩn.

Một chuyên gia hàng hải người Anh nhận xét: “Bao giờ dòng hải lưu ở vùng Caribe cũng di chuyển theo vòng cung khép kín. Tôi có thể thả một cái phao xuống biển để trôi đi thì sau này cái phao đó cũng thể nào trở lại chỗ cũ... Bọn buôn lậu thả từng bọc chứa cocaine xuống biển để dòng hải lưu đưa đến Moskitia. Đồng bọn của chúng chờ sẵn trên các bãi biển chỉ cần vớt bọc ma túy lên”.

Ban đầu bọn tội phạm tại Moskitia làm ăn khá kín đáo. Nhưng từ hai thập niên trở lại đây chúng thay đổi hoàn toàn cách hoạt động của mình. Thay vì chỉ bí mật buôn bán ma túy, bọn tội phạm giờ còn tìm đủ mọi cách để chiếm đoạt đất đai của người dân bản địa. Một sỹ quan cảnh sát địa phương giấu tên nói: “Chúng thuê hàng trăm người nghèo từ nơi khác đến Moskitia để phá rừng, chiếm đất và đuổi đánh dân địa phương. Đám người di cư sau đó sẽ bán lại đất với giá rẻ mạt cho bọn tội phạm”.

Không ít người đã đổ máu trong cuộc xâm lược của cartel. Vào thập niên 1990, nhà sinh học, nhà hoạt động môi trường Osvaldo Jacobo đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức để bảo vệ rừng Moskitia. Nhờ ông mà Honduras mới biết đến tệ nạn phá rừng chiếm đất tràn lan ở Gracias a Dios. Jacobo cũng vì thế mà biến mình trở thành kẻ thù của bọn tội phạm.

Vào ngày 27/12/2000, Osvaldo đang dừng xe bên đường thì bị một chiếc xe bán tải đâm chết. Đây không phải là tai nạn vô ý, vì chiếc ôtô còn trở đi trở lại cán dẹp thi thể của nhà sinh học. Phải mấy ngày sau người dân mới tìm thấy xác của ông. Họ phải dùng xẻng xúc thi thể của Osvaldo để chôn cất tại nghĩa trang quê nhà.

Sau Osvaldo Jacobo, giáo sư Aristides là nhà hoạt động môi trường nổi tiếng nhất ở Gracias a Dios. Vị giáo sư trả lời phỏng vấn phóng viên AP: “Theo quy định chính phủ lẫn các công ước quốc tế thì rừng Moskitia là của cộng đồng người bản địa. Ai cũng biết việc terceros tự ý phá rừng chiếm đất là vi phạm luật pháp, nhưng chẳng ai dám làm gì họ vì sợ bọn cartel đứng sau”.

Giáo sư Aristides còn cho biết kể từ đầu năm 2023 đến nay, terceros đã chiếm dụng khoảng 1.100 ha đất. Họ không chỉ chiếm mỗi đất rừng mà lấy cả đất của người thổ dân nữa. Nhiều thung lũng từng rậm bóng cây rừng đã bị phá sạch để trồng mít hay nuôi cỏ chăn bò. Người dân tộc thiểu số vốn đã quen sống theo kiểu săn bắn, hái lượm không thể sống mà không có rừng. Họ vừa mới nhổ cọc chuyển làng vào sâu trong rừng thì đã có terceros xuất hiện chiếm ngay đất cũ của họ.

Người Miskito ngày xưa có thể trông cậy vào các tổ chức xã hội để bảo vệ quyền lợi của họ, nhưng ngay cả các tổ chức đó cũng đã rơi vào tay terceros. Ví dụ như FINZMOS, một liên đoàn tập hợp các cộng đồng thổ dân lại để cùng nhau quản lý rừng Mokskitia. Giám đốc FINZMOS hiện tại là ông Rogelio Elvir, ủy viên thành phố Puerto Lempira. Hai người anh trai của ông Rogelio đều là các trùm ma túy có “máu mặt” trong vùng. Còn đứa cháu họ Rosbin Duarte Elvir của ông ta đang nằm trong danh sách truy nã của cảnh sát Honduras và Nicaragua vì là ông trùm của băng đảng buôn ma túy Los Helios. Vừa mới năm ngoái,  Cục Phòng chống tham nhũng Honduras đã tịch thu một loạt các tài sản của ông Rogelio Elvir vì có quan hệ với tội phạm có tổ chức, trong đó có một tòa biệt thự nằm ngay giữa rừng.

Cái chết chậm và nhanh

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, 43% người dân sống ở Moskitia thiếu ăn thường xuyên. Thịt là một thứ xa xỉ đối với họ, còn bình thường chỉ có gạo, đậu và củ sắn mà ăn. Nhưng ngay cả những loại lương thực đó cũng đang trở nên khan hiếm vì người dân không còn đất để trồng trọt nữa.

Hiệu trưởng trường tiểu học duy nhất ở Moskitia cho biết: “Ở đây thì người ta chỉ có ba nghề: làm ruộng, đánh cá, và săn bắn. Terceros đã chiếm hết ruộng, phá hết rừng rồi nên người ta chỉ còn cách xuống biển đánh cá. Nhưng mà cá biển thì mỗi năm lại ít dần. Cứ cái đà này thì 100 năm nữa rừng chẳng còn mà người Miskito cũng chết đói hết”.

Đói nghèo lại sinh ra tội phạm. Nhiều người Miskito đã phải bán lương tâm mình đi để làm cửu vạn cho bọn buôn lậu ma túy. Ngay cả vị hiệu trưởng cũng không phải ngoại lệ: “Cứ đến nghỉ hè là tôi lại đi vác hàng lậu từ trên thuyền xuống dưới bờ, rồi từ trên bờ lên máy bay. Không làm thế thì tôi chẳng có gì để ăn”.

Trước sự khổ cực của người dân Moskitia, nhiều nhà báo trong và ngoài nước đã phải đặt câu hỏi: “Chính phủ Honduras ở đâu?”. Người dân bản địa không bao giờ hỏi vậy vì họ vốn đã mất hoàn toàn niềm tin vào nhà chức trách. Vào ngày 16-9-2021, một chiếc trực thăng Bell H1-1H mang số hiệu 953 đã bắn chết 4 người và làm bị thương 11 người khác tại làng Ibans.

Cô Élica Bermúdez có chồng là Erick Barú bị trực thăng bắn chết. Cô kể lại cái ngày kinh hoàng đấy: “Tôi và chồng đang ăn trưa thì nhìn thấy dân làng đổ hết ra đường. Họ nói là có một cái xuồng vừa đâm vào bãi cát trước làng. Chồng tôi cũng chạy ra xem. Anh ấy đi chưa được năm phút thì tôi nghe thấy tiếng súng bắn liên thanh”.

Tiếng súng nổ, rồi tiếng máy bay tiến lại càng gần ngôi nhà lá của cô Élica. Bản năng người mẹ khiến cô chạy ngay vào chỗ con đang ngủ rồi lấy thân mình che cho con. May là hai mẹ con cô không ai trúng đạn, nhưng mái ngôi nhà lá bị bắn rách tươm sau đó phải lợp lại.

Trong suốt 40 phút máy bay trực thăng của quân đội Honduras bay khắp làng Ibans rồi xả súng vào bất kỳ bóng người nào dưới đất. Dân làng trốn ở trong nhà, giữa bụi cây, hay là nhảy xuống ao. Máy bay chỉ rời đi sau khi binh lính kéo chiếc xuồng bị mắc cạn đến nơi khác. Cô Élica ra bãi biển tìm chồng thì thấy anh Erick nằm gục mặt trong bãi máu. Anh bị chết do trúng một viên đạn vào lưng, một viên vào gáy.

Nguyên Tổng thống Juan Orlando Hernandez ngoài việc tăng quân số đóng tại Moskitia còn ban cho họ thêm nhiều quyền hạn để thuận lợi trong việc ngăn chặn tội phạm buôn lậu ma túy. Từ khi quân luật bị nới lỏng, những vụ binh lính bắn dân thường tăng lên hẳn. Vụ thảm sát Ibans chỉ là trường hợp đẫm máu nhất.

Sau khi vụ việc Ibans xảy ra, quân đội Honduras chỉ đưa ra một tuyên bố ngắn  cho biết họ đã chặn thành công một chiếc xuồng chở ma túy. Không có bất kỳ một lời nào về việc máy bay quân đội đã bắn chết và khủng bố hàng loạt dân thường. Đến khi người dân và báo chí Moskitia lên tiếng thì quân đội nói rằng “Trực thăng chỉ xả súng vào các đối tượng tội phạm định cướp tang chứng”.

Hàng chục già làng ở Moskitia đồng loạt ký tên vào đơn khiếu nại lên các bộ ngành nhằm minh oan cho các nạn nhân tại Ibans. Họ yêu cầu quân đội rút lại các tuyên bố vô căn cứ, đồng thời chính phủ mở cuộc điều tra để tìm ra những sĩ quan chịu trách nhiệm vụ thảm sát. Chỉ năm ngày sau khi nộp đơn, lá đơn của họ bị Cục Công tố quốc gia trả về do “Bộ tư pháp không có thẩm quyền và không có nguồn lực để theo đuổi việc điều tra tại Ibans.” Nói như giáo sư Aristides thì: “Không ông quan chức nào muốn làm “phật lòng” quân đội cả”.

Bóng ma tội phạm ở Moskitia -0
Người dân Miskito vốn đã nghèo nay lại luôn phải sống trong cảnh dè chừng bọn tội phạm.

Chỉ còn cách tự cầm súng

Khi đã không còn trông chờ vào chính quyền hay quân đội được nữa, người dân bản địa bắt đầu tự đứng lên bảo vệ mình. Ý tưởng về một lực lượng dân quân được đề xuất lần đầu tại một cuộc họp của 60 già làng và các đại biểu khác đại diện cho người Miskito.

Người đầu tiên khởi xướng việc thành lập dân quân là anh Miskut mới chỉ ngoài 30. Miskut giải thích vì sao anh lại tìm được sự dũng cảm để đứng lên: “Một buổi sáng nọ tôi đi rừng thì thấy hàng trăm cây gụ đã bị chặt hạ. Cây gụ là cây thần của người Miskito. Chúng tôi chỉ dám chặt những cây gụ đã thật già để lấy gỗ xây nhà và đóng thuyền. Bọn terceros phá rừng thậm chí còn không phải để lấy gỗ. Chúng cứ để những thân cây gụ bị đốn ở dưới đất, mặc cho mưa nắng gỗ mục”.

Miskut cùng nhiều người Miskito khác cũng tỏ ra thất vọng lẫn tức giận trước sự bất lực của các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở địa phương. Trong cuộc họp tại nhà thờ, Miskut chỉ tay vào hai người phụ nữ đại diện cho hai tổ chức phi chính phủ và nói: “Các chị đến đây làm workshop, mở lớp hướng dẫn cho chúng tôi cách làm nông nghiệp mà không gây hại đến tự nhiên. Những thứ đấy chúng tôi biết hết rồi. Cha ông chúng tôi đã bảo vệ khu rừng này hơn 500 năm. Tại sao các chị không đi dạy bọn phá rừng ấy!?”.

Tiếng nói của Miskut trong buổi họp đã lôi kéo nhiều người về phía anh. Từ đó một số ngôi làng bắt đầu tự tổ chức các tổ dân quân. Miskut cũng làm tổ trưởng tổ dân quân làng mình. Cứ đầu tuần là anh và những thanh niên khác trong làng lại đeo tay nải chứa 40 kg vừa gạo vừa sắn lên núi rồi ở lại suốt cả tuần. Họ hằng ngày đi tuần tra xem chỗ nào có terceros phá rừng thì sẽ chặn lại.

Một số ít tổ dân quân có bộ đội thuộc Binh đoàn 5 đi theo. Sau khi xảy ra ba vụ đụng độ đổ máu giữa dân quân Miskito và terceros, quân đội Honduras đã đạt được thỏa thuận với các già làng Miskito. Binh lính sẽ đi tuần tra cùng dân quân để vừa bảo vệ họ, vừa “tháo ngòi” những trường hợp có nguy cơ xảy ra bạo lực.

Các tổ dân quân đến nay đã thể hiện được hiệu quả ngăn chặn phá rừng của họ. Theo Miskut thì: “Từ khi chúng chúng tôi bắt đầu đi tuần thì bọn lâm tặc không còn phá rừng giữa ban ngày nữa. Bây giờ chúng toàn lựa lúc chập tối mới đốn cây, mà mỗi lần cũng chỉ đốn vài cây rồi rút đi... Chúng biết dân Miskito không phải dễ bắt nạn. Nhiều người lớn tuổi hơn tôi ngày xưa từng đi đánh nhau với quân Sandinista. Họ vừa cầm chắc súng lại vừa biết địa hình rừng núi như lòng bàn tay”.

Trong cuộc nội chiến chống lại chính phủ cách mạng Sandinista vào thập niên 1980, quân nổi dậy cực hữu Contra chọn Moskitia là một trong những cứ điểm quan trọng, rồi tuyển mộ không biết bao nhiêu người dân bản địa vào hàng ngũ. Thật trớ trêu thay, quân Contra cũng là những kẻ buôn bán ma túy khét tiếng để lấy tiền gây chiến. Tuy cuộc nội chiến Honduras đã kết thúc từ lâu, nhưng “di sản ma túy” mà Contra để lại vẫn đang ám ảnh mảnh đất Moskitia.

Tình hình ở Moskitia đã tạm yên ắng, nhiều người bản địa vẫn còn lo sợ trước sự trả thù của cartel. Ai cũng biết bọn tội phạm ma túy được trang bị súng trường tự động, lựu đạn, v.v... còn dân quân thì chỉ có mấy khẩu súng săn, mấy cái nỏ. Vậy nhưng không ai muốn đầu hàng cả. Theo lời của một già làng Miskito: “Chúng tôi chẳng còn biết đi đâu nữa. Nếu có chết thì chúng tôi cũng muốn chết trong rừng của mình”.

Lê Công Vũ
.
.