Cạm bẫy tuyển dụng trực tuyến

Thứ Sáu, 14/04/2023, 09:38

Nếu như trước đây, để săn tìm “con mồi”, những kẻ mua bán người thường phải đến tận nơi, thông qua các quan hệ tại chỗ để bắt mối, câu kéo, dụ dỗ nạn nhân bỏ nhà đi tìm việc làm nhàn hạ, lương cao…, thì trong thời đại công nghệ hiện nay, với sự “phủ sóng” rộng khắp của mạng internet, bọn tội phạm có thể ngồi một chỗ và giăng ra những cái bẫy “chết người”, tiếp cận mục tiêu từ xa thông qua mạng xã hội.

Cạm bẫy ngọt ngào

Tối muộn, H chuyển cho tôi xem đoạn chat với một người bạn quen trên mạng rồi cô tham khảo ý kiến tôi xem có nên sang Campuchia để nhận công việc hấp dẫn, nhàn hạ với mức thu nhập “khủng” hay không.

Cạm bẫy tuyển dụng trực tuyến -0
Cơ quan Công an đọc lệnh bắt tạm giam Huỳnh Thanh Nhơn, kẻ có hành vi móc nối với các đối tượng, tổ chức đưa một số người ở Bình Định sang Campuchia làm việc trái ý muốn

Chiêu thức lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” được cảnh báo đã nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên tôi “mục sở thị” nội dung câu kéo, dụ dỗ người Việt bỏ xứ, vượt biên đi lao động. Tin nhắn đến từ tài khoản mang tên Hoàng Nguyên Hiếu viết: “Alooo, chị có người quen mà thất nghiệp muốn đi làm xa thì ới em nha. Em giờ làm bên Cam, lương tháng 19 triệu (800$), hoa hồng cao, không ép doanh số. Làm 9h/ngày, phòng điều hòa mát lạnh. Việc nhẹ lương cao. Nuôi ăn ở ngày 4 bữa, làm tối thiểu 6 tháng, sau 6 tháng về. Công ty lo vé máy bay cho sang, chỉ việc lo hộ chiếu còn lại bên này lo hết. Không như người ta nói đánh đập, bỏ đói, nợ lương đâu, uy tín…”. Khi H ngỏ ý quan tâm, người này viết: “Chị chỉ việc làm nhân vật trên facebook, nhắn tin với khách tâm sự chia sẻ để khách có thiện cảm và thân thương mình thôi... Chị sẽ có 1 tài khoản facebook ảo, rồi chị sẽ được cấp data hoặc tự kiếm, rồi chị tự vẽ ra 1 nhân vật và hoàn cảnh, tâm sự với khách để khách có thiện cảm và yêu mình. Việc còn lại tổ trưởng lo (giới thiệu đầu tư). Nói chung là chỉ việc nói chuyện tâm sự tán tỉnh nhau thôi. Lương tháng 30, 40 (triệu) là đơn giản. Phòng em tháng này có ông 600 (triệu) lương….”.

Không chỉ nhắn tin cho bè bạn trong list friend, người này còn đăng trên trang cá nhân dòng trạng thái: “Ae ai đang thất nghiệp kiếm việc làm inbox - (nhắn tin) Hiếu nha. Việc nhẹ lương cao, lương cơ bản 800 $ không ép doanh số (bao ăn ở ngày 4 bữa sáng, trưa, chiều, tối)”. Phải thừa nhận rằng mức thu nhập nói trên quá ư là hấp dẫn. Nếu không thường xuyên cập nhật thời sự an ninh, thì khi đọc những thông tin này, hẳn là nhiều người sẽ không dễ vượt qua được sức hấp dẫn “chết người” từ công việc trong mơ ấy.

Hiện nay, đối với số thanh niên đến tuổi lao động ở nông thôn, miền núi, cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định ngày càng khó khăn vì thiếu kiến thức chuyên môn cần thiết. Sức ép từ cuộc mưu sinh vẫn đưa chân người họ dấn thân vào hành trình đầy rủi ro rồi sa vào cạm bẫy của bọn buôn người.

Cạm bẫy tuyển dụng trực tuyến -0
Những tin nhắn rủ rê sang Campuchia làm việc

Vỡ mộng nơi đất khách

Còn nhớ vào ngày 18/8/2022, 42 công dân Việt Nam đã liều mình bỏ trốn khỏi sòng bài thuộc huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia, bơi qua sông Bình Di, tỉnh An Giang để trở về nước. Kết quả điều tra xác định, do nhu cầu tìm việc làm, những người này đã tiếp cận các thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội. Họ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng chủ yếu là thanh niên nông thôn ở các tỉnh miền Trung. Sau khi tập trung tại khu vực biên giới các tỉnh phía Nam, họ được những kẻ lạ mặt đưa dẫn qua đường mòn, lối mở để sang Campuchia. Đến nơi, họ bị giam nhốt, ăn nghỉ tập trung có lính canh gác tại các sòng bạc và bị cưỡng bức lao động. Về bản chất, đó là những tổ chức tội phạm quốc tế do những kẻ núp dưới vỏ bọc doanh nhân nước ngoài kinh doanh tại Campuchia.

Nhiều nhân chứng trở về đã mô tả đó là những tháng ngày sống trong “địa ngục trần gian”. Công việc hàng ngày của họ là phải lên mạng xã hội để thực hiện những cuộc tấn công lừa đảo đồng bào mình ở trong nước. Thủ đoạn lừa đảo mà những kẻ chủ mưu, cầm đầu bắt ép lao động người Việt thực hiện, đó là tạo các tài khoản game, sàn giao dịch ảo, trang mạng để lừa đảo người dùng mạng xã hội ở Việt Nam, hay lập ra các tài khoản Facebook “ảo”, kết bạn, tỏ tình trên mạng, rồi quảng cáo, dụ dỗ người dùng trong nước tham gia vào các sàn đầu tư ngoại hối, huy động vốn dự án kiểu đa cấp, like bài có thưởng, hoặc mạo danh cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng rung dọa người dân ép chuyển tiền, tỏ tình yêu đương qua mạng rồi hứa gửi quà tặng nhằm chiếm đoạt thủ tục trả trước (trò lừa Nigieria)….

Cạm bẫy tuyển dụng trực tuyến -0
Một số lao động Việt Nam được giải cứu sau khi bị lừa bán sang Campuchia

Họ bị khoán định mức (KPI) mỗi ngày phải lên mạng lừa được một số tiền nhất định. Khi đạt doanh số khoán thì mới được nhận lương. Nếu lười nhác hay vì lương tâm cắn rứt mà không chịu làm việc, nhân viên sẽ đối diện với nguy cơ bị cắt lương, bỏ đói, tệ hơn là chích điện, bắt đứng bàn chông, đánh đập tàn bạo hoặc bán cho công ty khác như một món hàng. Trong thời gian bị giam nhốt và cưỡng bức lao động, nhiều người không được nghỉ ngơi, thường xuyên chịu áp lực về doanh số, nếu không đạt sẽ bị đối xử dã man như thời trung cổ. Bởi vậy, có người đã tìm đến cái chết, hoặc tìm cách liên lạc về nhà cầu cứu. Để chuộc con về, nhiều gia đình Việt Nam đã phải đôn đáo vay nợ khắp nơi để có khoản tiền từ 2 - 3 nghìn USD nộp cho bọn tội phạm.

Hình ảnh nhóm người đội mưa gió, nháo nhào chạy về phía cửa khẩu Việt Nam, hay lao xuống nước bơi vượt sông để về nước… từng khiến dư luận dậy sóng, nhưng vẫn tiếp tục có thêm những nạn nhân mới, bởi trò lừa đảo tuyển dụng lao động “việc nhẹ, lương cao” chưa dừng lại. Ở trong nước và tại Campuchia, có những đối tượng chuyên trách nhiệm vụ tuyển mộ lao động, mà về bản chất là hoạt động mua bán người. Chúng được những kẻ cầm đầu tổ chức tội phạm chia tiền từ 800 đến 1 nghìn USD/1 lao động tuyển được. Đoạn chat giữa tài khoản Hoàng Nguyên Hiếu với H - bạn tôi như đã kể trên đây, chính là thủ đoạn “săn mồi” quen thuộc của tội phạm buôn người.

Thủ đoạn nguy hiểm

Theo Tổ chức CSHS Quốc tế (Interpol), tội phạm mua bán người đã trở thành một vấn nạn toàn cầu, đem lại nguồn thu bất hợp pháp cao thứ ba sau buôn bán ma túy và vũ khí.

Tại Việt Nam, loại tội phạm này vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, với những chiêu trò, thủ đoạn mới, ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật vào hoạt động phạm tội.

Với hơn 62 triệu người Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo… thì việc kết bạn, thiết lập các quan hệ trên thế giới “ảo”, chưa khi nào dễ dàng như hiện nay. Nạn nhân mà bọn buôn người nhắm đến chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và những người có sự khó khăn về kinh tế, hay nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác.

Sắm những bộ mặt hào nhoáng, phong độ trên các tài khoản mạng xã hội, những kẻ buôn người dễ dàng chiếm được cảm tình, lòng tin của họ. Khi đã kết bạn làm quen là lúc chúng phát huy khả năng đọc vị “con mồi”. Thông qua những dòng trạng thái (status), những chia sẻ, tâm tư… của nạn nhân, chúng sẽ biết họ thuộc “hệ” nào, đang muốn gì, cần gì. Việc còn lại chỉ là “rắc thính cho vừa miệng cá”, nghĩa là tỏ ra đáp ứng được những nhu cầu của đối tượng mục tiêu.

Bởi kỹ năng sử dụng mạng xã hội của nhiều người còn rất hạn chế, không thấy được những nguy cơ, ẩn họa từ mặt trái của mạng xã hội, nên họ khá dễ dãi khi đặt lòng tin. Sau khi kết nối được quan hệ thông qua mạng xã hội, bước tiếp theo là chúng sẽ tạo cớ để gặp nạn nhân và việc đưa họ sập bẫy chỉ còn là vấn đề thời gian.

Những kẻ buôn người luôn hoạt động theo băng nhóm, đường dây có từ 2 tên trở lên, với sự phân công vai trò, nhiệm vụ khá rạch ròi của từng người trong đồng phạm. Sở dĩ hiện nay các nhóm tội phạm buôn người thường sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo... để liên lạc, làm quen với nạn nhân, bởi các ứng dụng này có tính ẩn danh rất cao. Trên mạng, chúng dùng nick “ảo” để kết bạn với nạn nhân.

Chính yếu tố bảo mật cao, dữ liệu khó bị phát hiện, che giấu được đặc điểm nhận dạng... nên loại tội phạm này sẽ tiếp tục nhức nhối trong thời gian tới.

Tự bảo vệ mình

Tìm việc làm là nhu cầu chính đáng của mỗi người, nhất là với số lao động đến tuổi. Tuy nhiên, để phòng tránh rủi ro và nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn buôn người, đầu tiên hãy thử nghĩ xem bản thân có thể tìm được việc làm ngay trên quê hương mình hay không. Được làm việc tại quê nhà có thể giảm thiểu rất nhiều rủi ro. Còn khi nhận được lời rủ rê đi làm ăn xa, kiểu “việc nhẹ, lương cao” thì hãy tin rằng đó chính là một cái bẫy đang chờ mình sa chân, bởi vì không một doanh nghiệp chân chính nào lại có thể trả lương hậu hĩnh cho những công việc không tốn mồ hôi hay chất xám. Vì vậy, hãy có tư duy phản biện và luôn cảnh giác với những thông tin tuyển dụng phóng đại về lợi ích, hay mô tả công việc không rõ ràng. Câu xưa “dưới cái mồi thơm, ắt có con cá chết” rất đúng trong trường hợp này.

Khi đi tìm việc làm, đừng dễ tin vào những lời chào mời hấp dẫn trên mạng xã hội. Thay vào đó, hãy tham khảo thông tin tuyển dụng từ những hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm, trung tâm giới thiệu việc làm, hay các thông báo tuyển dụng của những doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và đủ sự tin cậy.

Nếu dự định đóng tiền tham gia các khóa đào tạo nghề, trước đó cần tìm hiểu rõ nên học cái gì, kinh doanh lĩnh vực nào, có hợp lý, hợp pháp và cơ sở đào tạo có được cấp phép hay không... Khi xác lập các giao dịch, người lao động phải nắm rõ chủ thể sử dụng lao động là ai. Cần cảnh giác trước yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân dưới dạng ảnh, file PDF qua mạng xã hội, vì có thể bị kẻ xấu khai thác, sử dụng để chiếm đoạt các tài khoản điện tử.

Người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài nên tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động tại các đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (qua địa chỉ của Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc cơ quan quản lý lao động tại địa phương). Sau đó liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài được cấp phép và tuyệt đối không thông qua trung gian. Đối với người trẻ, trước ngưỡng cửa bước vào cuộc sống độc lập, tìm việc làm xa quê hương, điều cần thiết là phải chia sẻ thông tin và xin ý kiến, lời khuyên của gia đình và những người có kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ về người môi giới, về doanh nghiệp đang tuyển dụng lao động. Đồng thời, cần tìm hiểu thêm thông tin về lối sống, sinh hoạt và văn hóa ở nơi mình sẽ đến, để lường trước các khó khăn, chủ động vượt qua. Nên giữ các số điện thoại của gia đình, bạn bè hoặc của các cơ quan như Công an, UBND phường xã nơi sẽ đến làm việc, để được giúp đỡ khi cần.

Phải tập thói quen thường xuyên giữ liên hệ với gia đình. Khi đã quyết định đi xa, nhất thiết phải mang theo giấy tờ tùy thân và nên có người nhà đưa đi. Điều quan trọng là chỉ đưa ra quyết định đi làm xa khi đã có đủ thông tin và có căn cứ để yên tâm. Còn khi không thể xác minh, hay thấy vẫn còn những điểm mơ hồ, chưa chắc chắn, thì hãy biết nói không với những viễn cảnh được vẽ ra trước mắt.

Đào Trung Hiếu
.
.