Cán bộ “xộ khám” vì ký xác nhận hơn 1.200 ngôi mộ giả

Thứ Sáu, 04/08/2023, 19:21

Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kê khống 1.213 ngôi mộ giả để trục lợi ngân sách của Nhà nước với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Vụ án này có đến 71 bị cáo và có hơn trăm người là luật sư bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, làm chứng nên phiên tòa dự kiến kéo dài trong khoảng 10 ngày.

Theo cơ quan điều tra, đây là vụ án có số lượng bị cáo lớn nhất từ trước tới nay tại Thừa Thiên-Huế với nhiều tội danh, gồm: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Điều đáng nói, trong vụ án này có đến 13 cán bộ “nhúng chàm” sau khi “thu phí” trên từng ngôi mộ giả...

mo-gia1.jpg -0
Các bị cáo tại phiên tòa

Lập khống 1.213 mộ giả, chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng

Vào đầu năm 2019, thực hiện dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế”, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành các thủ tục để tạo quỹ đất xây dựng khu dân cư Bắc Hương Sơ, thành phố Huế và giao cho Ban quản lý dự án, đầu tư và xây dựng khu vực thành phố Huế là chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư này. Để thực hiện dự án, Ban quản lý đã ký kết các hợp đồng kinh tế với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, giao cho đơn vị này có nhiệm vụ thu hồi, giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án, sau khi có mặt bằng sạch thì giao lại cho chủ đầu tư. Trong phạm vi đất thuộc diện phải giải phóng mặt bằng, ngoài đất thủy lợi, giao thông, đất chuyên trồng cây lúa nước,... còn có một diện tích đất lớn đã được người dân sử dụng để chôn cất mồ mả, lăng mộ.

Quá trình cất bốc, di dời lăng mộ tại các khu vực 3, 4, 6, 8 của dự án phường Hương Sơ, cơ quan chức năng đã phát hiện 55 trường hợp hộ dân có hành vi vun đắp, kê khai gian dối với số lượng 1.213 mộ giả (gồm các mộ gió được vun đắp từ trước nhằm giữ đất và mộ mới được vun đắp sau khi có chủ trương giải tỏa) nhằm chiếm đoạt tiền đền bù, hỗ trợ của Nhà nước trong việc di dời mồ mả với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Sau khi cơ quan Công an vào cuộc đã xác định doanh nghiệp tư nhân Hiền Đức Ngọ do ông Nguyễn Quyền (SN 1964) cùng 2 con Nguyễn Quốc Hùng (SN 1997) và Nguyễn Văn Hiền (SN 1986, đều trú tỉnh Thừa Thiên-Huế) cùng tham gia hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ mai táng. Khi dự án giải phóng mặt bằng được tiến hành, Nguyễn Quốc Hùng đã thông qua Nhiêu Khánh Phước Hưng (SN 1979) là cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế xin bản photo về thông tin các hộ dân, số diện thoại để Hùng, Quyền, Hiền liên hệ nhận hợp đồng cất bốc mộ. Khi tiến hành hợp đồng cất bốc mồ mả, Hùng, Quyền, Hiền đều được người dân nói rõ trong số mộ cất bốc có bao nhiêu mộ thật, mộ giả để đặt mua om, tiểu với số lượng tương ứng.

Đối với các ngôi mộ giả, Quyền, Hùng, Hiền nhận cất bốc từ người dân với giá từ 800 nghìn đồng đến 950 nghìn đồng/mộ, trong khi đó giá Nhà nước phê duyệt bồi thường khi di dời một mộ là 1.750.000 đồng. Để việc cất bốc, cải táng tiến hành thuận lợi, không bị phát hiện và loại bỏ, Quyền, Hùng và Hiền đã chủ động liên hệ với tổ công tác (gồm một số cán bộ, chuyên viên được giao nhiệm vụ kiểm kê, giám sát về việc cất bốc, di dời mộ tại thực địa) thống nhất đưa tiền cho nhóm cán bộ này để tổ công tác không kiểm tra hoặc kiểm tra qua loa sau đó ký “Biên bản xác nhận di dời mộ” đối với các ngôi mộ giả.

Thời điểm cất bốc, di dời những ngôi mộ giả này, khi không có sự kiểm tra, giám sát của tổ công tác, các đối tượng đã chỉ đạo những nhân công được thuê đào mộ là “cứ đào xuống, nếu không có chi thì bốc đất bỏ vô” sau đó phủ giấy đỏ, bỏ bên cạnh mộ vừa đào và báo cho tổ công tác đến ký biên bản. Ngoài việc móc nối với một số cán bộ, chuyên viên tổ công tác giám sát việc bốc mộ để ký xác nhận có hài cốt om, tiểu đối với các ngôi mộ giả, Quyền, Hùng, Hiền còn thỏa thuận với một số người dân sau khi cất bốc mộ giả xong sẽ chủ động làm thủ tục “Xác nhận việc cải táng mộ” tại các địa phương rồi giao cho người dân để hoàn thiện hồ sơ nhận tiền đền bù.

Để việc xác nhận được thực hiện trót lọt, Hùng đã đưa tiền bồi dưỡng hoặc “nộp lệ phí” cho các bí thư, chủ tịch UBND các phường, xã: phường Hương An, phường Hương Hồ, Hương Thọ... thuộc thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên-Huế) để được ký xác nhận là có mồ mả trong diện di dời đến chôn cất tại phương. Đơn cử, bị cáo Mai Thanh Nam đã có hành vi thông đồng với Nguyễn Văn Hiền để Hiền móc nối với các thành viên trong tổ công tác tiến hành cất bốc 3 đợt mộ giả với tổng cộng 81 mộ. Qua đó, chiếm đoạt của nhà nước với số tiền hơn 150 triệu đồng. Tương tự, bị cáo Trương Miên đã thông đồng với Nguyễn Văn Hiền để Hiền móc nối với các thành viên trong tổ công tác tiến hành cất bốc 67 mộ giả, chiếm đoạt của Nhà nước số tiền gần 120 triệu đồng...

Cán bộ “xộ khám” vì ký xác nhận hơn 1.200 ngôi mộ giả -0
Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt tạm giam đối tượng vi phạm

Thu phí 50.000 đồng mỗi mộ giả

Trong số 13 cán bộ “nhúng chàm” trong vụ “bắt tay” kê khống hơn 1.200 mộ giả, Đoàn Văn Hoài (SN 1964) là cán bộ địa chính UBND phường Phường Đúc dù được UBND thành phố Huế biệt phái, tăng cường đến Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế để làm nhiệm vụ đền bù giải phóng mặt bằng nhưng do nảy sinh lòng tham nên đã trực tiếp ký vào 45 biên bản “xác nhận di dời mộ”, trong đó có 755 mộ giả. Bên cạnh đó, Nhiêu Khánh Phước Hưng (SN 1979) - chuyên viên chính của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế đã lợi dụng quyền hạn, trực tiếp ký vào 62 biên bản “xác nhận di dời mộ”, trong đó có 1.092 mộ giả. Điều đáng nói, Dương Nhật Phong (SN 1983) là đại diện chủ đầu tư của Ban quản lý dự án tham gia tổ công tác với nhiệm vụ cùng tổ công tác phát hiện loại bỏ mồ mả giả và giám sát, kiểm tra trong quá trình giải phóng mặt bằng theo hợp đồng. Thế nhưng, Phong đã lợi dụng quyền hạn và chức vụ được giao đã ký vào 70 biên bản “xác nhận di dời mộ”, trong đó có 1.213 mộ giả.

Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Hải Đăng (SN 1997) và Nguyễn Anh Khoa (SN 1983) đều là cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Huế được phân công tham gia tổ công tác để phát hiện đấu tranh với hành vi làm mộ giả nhằm trục lợi nhưng lại nảy sinh lòng tham, trực tiếp ký vào hàng trăm biên bản “Xác nhận di dời mộ”, trong đó có hơn 1.200 mộ giả. Trong đó, cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Ngọc Hải Đăng vì động cơ vụ lợi đã đồng ý nhận 50.000 đồng/mộ giả để bỏ qua hành vi kê khai, cất bốc mộ giả, ký xác nhận số lượng lớn mộ giả... Đối với bị cáo Huỳnh Văn Thịnh (SN 1983) - cán bộ địa chính UBND phường Hương Sơ, trong quá trình giải phóng mặt bằng tại các khu vực 3, 4, 6, 8 phường Hương Sơ, Thịnh là công chức địa chính phường được Chủ tịch UBND phường tin tưởng, giao nhiệm vụ là thành viên của Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng, thành viên tổ công tác kiểm tra việc cất bốc mồ mả tại thực địa. Mặc dù không ra trực tiếp hiện trường nhưng Thịnh vẫn ký biên bản xác nhận đã di dời mộ 70 hồ sơ, trong đó có 1.213 mộ giả.

Theo cơ quan điều tra, theo quy định trong việc bồi thường, các chủ mộ sau khi cải táng mộ phải xin xác nhận của chính quyền địa phương tại nơi đã cải táng (theo mẫu của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế phát hành) và sau đó mang về nộp để hoàn chỉnh hồ sơ và nhận đủ số tiền hỗ trợ, bồi thường. Lợi dụng tình trạng quản lý lỏng lẻo, 55 bị cáo làm giả mồ mả đã thông qua một số đối tượng trung gian hoặc trực tiếp cầm đơn xác nhận đến UBND phường Hương An và Hương Hồ (thị xã Hương Trà) đưa tiền cho Chủ tịch UBND các phường này để được ký xác nhận. Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 9/2020, Nguyễn Văn Quý (SN 1978) - lúc đó là Chủ tịch UBND xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, mặc dù biết rõ trên địa bàn không có ngôi mộ nào được đưa đến cải táng nhưng khi một số người dân đến gặp đặt vấn đề xin ký giấy xác nhận di dời mộ, Quý đồng ý và thu tiền mỗi mộ là 50 nghìn đồng. Quý ký tổng cộng 117 đơn xác nhận với số lượng 2.499 ngôi mộ, thu được số tiền hơn 117 triệu đồng, trong đó đã xác định được 567 mộ giả.

Tương tự, Phan Phước Thìn (SN 1964) - thời điểm đó là Chủ tịch UBND phường Hương An đã trực tiếp ký 173 đơn xác nhận số lượng 3.631 mộ với nội dung “Đã cải táng tại phường”. Trong đó, Thìn thu phí 50 nghìn đồng/mộ giả và đã xác nhận 177 mộ giả. Ngoài ra, các bị cáo khác, gồm: Nguyễn Quang Trung (SN 1978) - cán bộ địa chính UBND phường Vĩnh Ninh, Đặng Thành Vương (SN 1976) nguyên Bí thư phường Hương Hồ, Đỗ Kỳ Tài (SN 1995) - cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, Bùi Văn Mau (SN 1960), nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Hương Hồ, Đặng Minh Tuấn (SN 1982) là cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế... cũng đã lợi dụng quyền hạn của mình để ký xác nhận vào hàng loạt biên bản xác nhận di dời mộ và xác nhận cải táng tại một số địa phương để “thu phí” trên từng mộ giả.

Sau hơn 6 ngày xét xử, chiều 31/7, đại diện VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã đưa ra đề nghị mức án cho các bị cáo. Đối với 3 bị cáo thuộc doanh nghiệp Hiền Đức Ngọ là Nguyễn Quốc Hùng bị đề nghị xử phạt từ 7 đến 8 năm tù, Nguyễn Văn Hiền bị đề nghị xử phạt từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù, Nguyễn Quyền bị đề nghị xử phạt từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Đối với nhóm 55 bị cáo là những người dân trực tiếp đi làm mộ giả để được hưởng đền bù, hầu hết các bị cáo trong số này đã khắc phục số tiền lừa đảo. 8 bị cáo trong nhóm này bị đề nghị mức án từ 6 tháng đến 2 năm 6 tháng tù, số còn lại bị đề nghị hình phạt từ 9 tháng đến 2 năm 6 tháng tù, nhưng được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ.

Đối với nhóm 13 bị cáo là cán bộ, chuyên viên của tổ công tác được phân công nhiệm vụ giám sát, kiểm tra việc cất bốc mồ mả trong phạm vi của dự án và lãnh đạo tại các địa phương có mồ mả trong diện di dời bị đề nghị nhiều mức án khác nhau. Trong đó, Dương Nhật Phong bị đề nghị mức án từ 6 năm đến 6 năm 6 tháng tù; Nhiêu Khánh Phước Hưng và Đoàn Văn Hoài từ 5 năm 6 tháng đến 6 năm tù; Nguyễn Văn Quý và Phan Phước Thìn từ 5 năm đến 5 năm 6 tháng tù; Đặng Thành Vương từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù; Bùi Văn Mau, Nguyễn Anh Khoa, Đỗ Kỳ Tài, Nguyễn Quang Trung, Đặng Minh Tuấn và Huỳnh Văn Thịnh bị đề nghị mức án từ 1 năm 6 tháng đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Riêng đối với Nguyễn Ngọc Hải Đăng - cựu cán bộ công an công tác tại Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Huế bị đề nghị xử phạt mức án cao nhất trong số 71 bị cáo, là mức 10 năm đến 10 năm 6 tháng tù do bị cáo này không nhận tội và không khắc phục hậu quả nên không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.

Theo Cơ quan tố tụng, trong vụ án, có nhiều bị cáo có trình độ học vấn cao, các bị cáo đều nhận thức được các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản nhà nước, lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho Nhà nước và hành vi không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao gây thiệt hại cho Nhà nước là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện, gây thiệt hại cho các cơ quan, tổ chức có nguồn tiền từ ngân sách nhà nước. Do đó, cần có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội của từng bị cáo nhằm mục đích răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Dự kiến, phiên tòa sẽ tuyên án vào chiều 4/8.

Hải Lan
.
.