Cần làm rõ những góc khuất trong “đại án” buôn lậu xăng lớn nhất Việt Nam
Từ ngày 25/10, “đại án” buôn lậu xăng từ nước ngoài về Việt Nam và đưa, nhận hối lộ đã được Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử sơ thẩm. Với 74 bị cáo, Hội đồng xét xử phải mất 2 ngày để công bố cáo trạng, từ ngày 28/10, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã bước vào phần xét hỏi các bị cáo trong vụ án…
Nhiều thủ đoạn tinh vi để buôn lậu xăng
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định các bị cáo cầm đầu gồm: Đào Ngọc Viễn, 54 tuổi, ngụ TP. Hải Phòng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng, Phan Thanh Hữu, 55 tuổi, quê tỉnh Hà Nam, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh.
Tại tòa, Đào Ngọc Viễn cho biết, do làm nghề kinh doanh vận tải nên để tạo mối làm ăn, Viễn đã quen và qua lại với Hữu và Thoại (nguyên Đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu thuộc Cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) và Phạm Hùng Cường (chưa rõ lai lịch). Viễn khai 2 tàu Pacific Ocean và tàu Westem Sea được Viễn mua tại Hàn Quốc và Hà Lan với mục đích ban đầu là để làm phương tiện vận chuyển dầu ăn, nhưng sau đó Viễn đã điều các tàu này sang Singapore để vận chuyển xăng. Các thuyền trưởng của Viễn là người chủ động liên hệ với Hữu để lên lịch cho các chuyến vận chuyển xăng lậu. Trong quá trình làm các thủ tục vận chuyển xăng lậu về Việt Nam, Viễn đều được chủ đại lý tại Singapore thông báo cụ thể của các tàu. Tuy vậy, do 2 tàu đã quá hạn sử dụng 15 năm nên Viễn cho treo cờ quốc tịch Panama để được lưu hành trong khu vực biển Việt Nam thay vì treo cờ Việt Nam sẽ không được lưu hành. Quá trình vận chuyển xăng lậu về Việt Nam, Viễn góp 30% cổ phần vào 2 tàu Pacific Ocean, Westem Sea và được chia lợi nhuận 30 tỷ đồng, số tiền này được Hữu giao trực tiếp cho Viễn. Tổng cộng 2 tàu của Viễn đã vận chuyển được 44 chuyến.
Trước tòa, Viễn chỉ thừa nhận phần lợi nhuận mình được hưởng lợi trong quá trình vận chuyển xăng lậu về Việt Nam là chỉ được chiết khấu 1.500 đồng/lít và tổng số tiền thu lợi là hơn 36 tỷ đồng chứ không phải là 46 tỷ đồng như kết luận điều tra. Viễn cho biết, trong quá trình làm ăn, Viễn và Hữu có mâu thuẫn trong việc chia lợi nhuận. Dù đã gặp gỡ vài lần để thương lượng nhưng chưa giải quyết được khúc mắc này. Viễn còn giả ngây khi cho rằng, ông ta chỉ thực sự nhận ra hành vi vi phạm pháp luật khi bị bắt bởi quá trình vận chuyển xăng từ nước ngoài về trong nước, chứ trước đó Viễn không nghĩ là vi phạm pháp luật vì cho rằng chỉ làm công tác vận chuyển chứ không tham gia vào việc giao dịch hàng hóa.
Tuy nhiên, đại diện VKSND cho rằng, lời khai của Viễn tại tòa mâu thuẫn với lời khai tại Cơ quan điều tra nên đề nghị HĐXX cho công bố các bút lục liên quan. Bút lục được HĐXX công bố sau đó xác định, bị cáo Viễn khai lợi nhuận thu được trong quá trình vận chuyển xăng là hơn 47 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định, số lượng xăng nhập về Việt Nam của bị cáo Viễn chưa tiêu thụ hết nên số tiền thu lợi của bị cáo Viễn thực sự là hơn 46 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi: “Ai là người chỉ đạo, điều hành 2 con tàu” của đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai? Viễn nói Hữu là người thành thạo và là chủ hàng nên trực tiếp chỉ đạo. Việc vận chuyển xăng lậu đều giao cho 2 thuyền trưởng của 2 tàu điều hành.
Trả lời về quy trình nhập xăng lậu, Hữu khai nhận đã đưa các tàu Nhật Minh ra ngoài biển để nhận xăng từ hai tàu Pacific Ocean, Western Sea nhập về. Hữu cũng khai đã hợp tác làm ăn với Viễn vào tháng 3/2020. Thời điểm này, Hữu buôn lậu xăng qua Campuchia, nhưng sau đó hợp tác với Viễn và một số người đưa xăng lậu vào Việt Nam. Hữu cũng khai rằng: "Mọi việc bị cáo gọi cho thuyền trưởng hai tàu Pacific Ocean, Western Sea. Bị cáo phải xin được thì hai tàu này mới được vào và bị cáo mới đưa tàu Nhật Minh ra nhận xăng lậu".
Tòa truy: “Xin ai mới được vào?”, Hữu trả lời rằng: "Phải làm việc và xin Cảnh sát biển, Biên phòng. Họ cho thì tàu chở xăng ở Singapore mới được vào giao xăng cho các tàu của bị cáo điều ra". Cáo trạng đã xác định xăng nhập lậu về Việt Nam là xăng có màu trắng, khác với xăng ở thị trường Việt Nam nên tại tòa Hữu thừa nhận đã lên mạng móc nối với một người để được hướng dẫn mua hóa chất về pha chế vào xăng lậu cho ra màu vàng như thị trường trong nước rồi bán cho các đầu mối đưa đi tiêu thụ. Khai nhận như vậy, nhưng Hữu cho rằng mình chỉ là người trung gian chở thuê xăng từ tàu của Viễn để giao lại cho Nguyễn Hữu Tứ (SN 1966, ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) để tiếp tục bán cho các đầu mối khác, còn việc phân chia lợi nhuận Hữu không liên quan.
Trong khi đó, để thực hiện việc vận chuyển xăng từ 2 tàu Pacific Ocean và tàu Western Sea của Viễn từ khu vực phao số 0 vào các cảng của Việt Nam, Hữu đã có đội tàu Nhật Minh 06, 07, 08, 09. Ngoài ra, số thuyền trưởng và tiền nhân công cho các con tàu này đều do Hữu chịu trách nhiệm quản lý và chi trả. Hữu cho biết, quá trình tiếp nhận xăng, khi thuyền trưởng nhận xong hàng về neo tại phao số 0, sẽ liên hệ với Hữu cho tàu của mình đưa xăng vào địa phận Việt Nam. Trong đó, các tàu Nhật Minh của Hữu sau khi nhận xăng từ tàu của Viễn ở phao số 0, khi biết an toàn mới bắt đầu đưa vào khu nhà nuôi yến của Tứ ở tỉnh Vĩnh Long để cung cấp cho các đầu mối. Trong trường hợp có người kiểm tra tàu khi cập bến, Hữu sẽ dùng một bộ hồ sơ giả để đối phó với cơ quan chức năng. Số giấy tờ giả này đều do Hữu tự làm. Hữu cũng khai nhận quá trình buôn xăng, bị cáo đều báo cho cán bộ Cảnh sát biển, Cảng vụ, và một số lực lượng khác để không bị xử lý. Khi 2 thuyền có trục trặc gì, Hữu sẽ liên hệ với các thuyền trưởng để định tọa độ nhằm hỗ trợ. Ngoài ra, việc liên hệ với các thuyền trưởng để xem nếu thấy xăng trên tàu có màu trắng quá thì Hữu sẽ mang hóa chất ra tàu để trực tiếp pha chế để xăng có màu hợp với màu xăng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Những kẻ cầm đầu buôn lậu vẫn quanh co chối tội
Cùng quanh co về số tiền hưởng lợi như Viễn, Phan Thanh Hữu chỉ thừa nhận thu lợi bất chính hơn 102 tỷ đồng. Quá trình xét hỏi, HĐXX đã chất vấn Hữu về việc có hay không mối quan hệ làm ăn giữa Hữu và Công ty TNHH TMDV Vân Trúc ở tỉnh Bình Dương do Trần Thị Thanh Vân (SN 1968, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vân Trúc) và Lê Thanh Tú (SN 1966, chồng Vân) làm chủ. Tuy nhiên, Hữu khai nhận quá trình nhập xăng lậu vào Việt Nam chỉ bán cho một mình Tứ, ngoài ra không bán cho đầu mối nào khác.
Theo lời khai của Hữu, việc nhập xăng chỉ quy về một đầu mối để bán là Tứ. Còn các đầu mối này đều do Tứ kết nối và trực tiếp bán ra. Trước sự quanh co này của Hữu, HĐXX đã cho mời điều tra viên đối chất. Điều tra viên khẳng định, quá trình lấy lời khai đều được thực hiện đúng quy định. Sau khi ghi lời khai đều cho bị cáo đọc lại toàn bộ nội dung và ký vào biên bản. Trước những lời khai báo quanh co của Hữu, Chủ tọa phiên tòa đã công bố bút lục thể hiện rằng, trong lời khai của Vân và Tú đều thể hiện việc mua xăng của Hữu để bán ra thị trường vì có chiết khấu chênh lệch cao hơn so với các nguồn khác. Chủ tọa cũng đã cho hai bị cáo Vân và Tú xác nhận việc này ngay tại tòa và cả hai đều xác nhận có mua bán xăng với Hữu.
Cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai xác định quá trình vận chuyển 190 triệu lít xăng lậu vào Việt Nam tiêu thụ, Hữu còn có sự giúp sức của 18 bị can khác đều là quản lý, thuyền viên trên các tàu vận tải do Hữu quản lý. Quá trình điều tra, Cơ quan Công an cũng đã khẳng định, trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Hữu đã thu lợi hơn 156,2 tỷ đồng… Cụ thể, từ tháng 3/2020 - 2/2021, Phan Thanh Hữu đã chỉ đạo các tàu Nhật Minh 07, 08 và 09 đi ra các tọa độ quy ước, cập mạn các tàu Pacific Ocean và tàu Western Sea của Đào Ngọc Viễn, vận chuyển tổng cộng hơn 197 triệu lít xăng RON 95 nhập lậu, đưa về khu vực nhà nuôi yến của Nguyễn Hữu Tứ hơn 160 triệu lít và bán cho Trần Thanh Vân hơn 35 triệu lít. Số xăng RON 95 nhập lậu Hữu chưa kịp bán đã bị Công an phát hiện, thu giữ là hơn 1 triệu lít. Về giá bán xăng lậu, Hữu khai bán cho Nguyễn Hữu Tứ thấp hơn giá bán lẻ trên thị trường 4.000 đồng/lít và bán cho Trần Thị Thanh Vân với giá thấp hơn 3.000 đồng/lít.
Để “lọt” số xăng lậu rất lớn trên vào thị trường nội địa, trong vụ án này còn có Ngô Văn Thụy, nguyên là Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực Miền Nam thuộc Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan. Trong quá trình tiếp nhận xăng nhập lậu, nhận được thông tin có lực lượng của Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đang triển khai lực lượng để bắt giữ các tàu Nhật Minh, nên Hữu yêu cầu Tứ tìm mọi cách gặp Thụy. Tứ gọi điện cho Hữu thông báo đã đưa cho Thụy 10.000 USD, 1 thẻ ATM có hơn 100 triệu đồng. Sau đó, Hữu đi xe máy trực tiếp đến nhà Thụy, đưa thêm 500 triệu đồng để Thụy không bắt giữ các tàu Nhật Minh. Tổng số tiền Thuỵ đã nhận là hơn 830 triệu đồng.
Tại tòa, Phan Thanh Hữu cũng khai: "Quá trình buôn xăng lậu, bị cáo đều báo cho một số cán bộ Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và một số lực lượng khác để không bị xử lý".
Theo dự kiến, phiên tòa sẽ xét xử trong vòng 45-60 ngày làm việc, HĐXX sẽ tập trung làm rõ những hành vi vi phạm của từng bị cáo, dựng lại chi tiết toàn cảnh “đại án” buôn lậu xăng, đưa và nhận hối lộ này.