Cần làm rõ trách nhiệm việc phá rừng tại hai vườn quốc gia ở Tây Nguyên

Thứ Năm, 24/02/2022, 09:33

Chưa được cơ quan chức năng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang đất giao thông, thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng) và Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) nhưng chủ đầu tư đã tự ý phá rừng, đưa máy móc vào thi công đường Trường Sơn Đông xuyên qua hai vườn quốc gia…

Chưa được cấp phép đã phá rừng

Đường Trường Sơn Đông qua địa phận tỉnh Lâm Đồng, theo hướng hồ Suối Vàng, xã Lát, huyện Lạc Dương đi tỉnh Đắk Lắk bị tạm dừng thi công từ nhiều năm qua khi tới địa phận Vườn quốc gia Bidoup -

Núi Bà, thuộc tiểu khu 22 và 26, xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương. Nguyên nhân là do chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án 46, đang phải chờ cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng, thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà và Vườn quốc gia Chư Yang Sin sang đất giao thông. Theo quy định, rừng đặc dụng phải được bảo vệ nghiêm ngặt, những người không có thẩm quyền thậm chí không được vào khu vực loại hình rừng này. Tuy nhiên, không hiểu sao khi chủ đầu tư dự án đường Trường Sơn Đông phá khoảng 15ha rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Chư Yang Sin, thi công được 7km đường qua địa phận tỉnh Đắk Lắk thì các cơ quan chức năng mới phát hiện sự việc, cuống cuồng đình chỉ thi công khi báo chí thông tin về sự việc.

Tương tự, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà qua địa phận tỉnh Lâm Đồng cũng đã bị chủ đầu tư phá rừng, mở động đường mòn hiện hữu để đưa máy móc vào thi công đường Trường Sơn Đông ngay khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk.

Cần làm rõ trách nhiệm việc phá rừng tại hai vườn quốc gia ở Tây Nguyên -0
Đơn vị thi công phá rừng, mở đường qua vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.

Tiếp cận hiện trường vụ phá rừng đặc dụng trái pháp luật, thuộc tiểu khu 22 và 26, xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương, lâm phần do Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý, phóng viên ANTG ghi nhận nhiều cây gỗ lớn có đường kính gốc lên tới 70-80cm đã bị múc bật gốc, vùi lấp hoặc nằm ngổn ngang phía dưới taluy âm. Sau khi “giải phóng” được mặt bằng là những cây gỗ cổ thụ ở rừng nguyên sinh, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã cho xe cơ giới múc, san gạt, mở rộng đường thuộc phía địa phận tỉnh Lâm Đồng trung bình từ 4-8m xuyên qua Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà với chiều dài hơn 3km. Đi sâu vào vùng giáp ranh giữa Lâm Đồng với Đắk Lắk, phía bờ sông Krông Nô thuộc địa phân tỉnh Lâm Đồng, đơn vị thi công đã lập lán trại, tập kết nhiều máy móc, xăng dầu để phục vụ thi công đường Trường Sơn Đông mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi rừng đặc dụng, thuộc Vườn quốc Bidoup - Núi Bà sang đất xây dựng giao thông.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tổng chiều dài tuyến đường đã mở qua Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là 3.321m, bề rộng đường trung bình khoảng 4m. Trong đó, trong ranh giới đã chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích đất đường giao thông (ngoài quy hoạch lâm nghiệp) là 2.254m (2.254m x 4m = 9.016m2), nằm ngoài ranh giới đã chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích đất đường giao thông (thuộc đất rừng đặc dụng) là 1.067m (1.067m x 4m = 4.268m2).

Cần làm rõ trách nhiệm việc phá rừng tại hai vườn quốc gia ở Tây Nguyên -0
Rừng đặc dụng qua hai vườn quốc gia bị phá.

Ngoài ra có 2 vị trí san ủi khác (làm mố cầu, làm đường) với tổng diện tích 8.300m2, gồm trong ranh giới đã chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích đất đường giao thông (quy hoạch ngoài lâm nghiệp) là 7.300m2 và ngoài ranh giới đã chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục  ích đất đường giao thông (thuộc đất rừng đặc dụng) là 1.000m2.

Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, hiện trường đã bị đào bới, san lấp, rà sửa và đã hình thành tuyến đường xuyên qua Vườn quốc gia idoup - Núi Bà. Mức độ thiệt hại về rừng là 100%. Dọc theo tuyến đường, hiện nay chỉ còn lại rải rác một số cây rừng bị san ủi, múc bật gốc, bị đất đá san lấp bên mép đường.

Dù chủ đầu tư tự ý phá rừng nhưng đại diện Trạm kiểm lâm K’rông Nô, thuộc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà vẫn cho rằng việc mở rộng đường qua tiểu khu 22, 26, xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương “không ảnh hưởng tới cây rừng”. Vị này còn khẳng định không có cây gỗ rừng nào bị phá do việc mở rộng đường trên. Riêng phần diện tích lớn rừng và đất lâm nghiệp vừa bị đơn vị thi công cho san gạt để tạo mặt đường tại khu vực gần sông Krông Nô, nơi giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Krông Nô cho rằng: “Lợi dụng những ngày gần Tết Nguyên đán 2022, đơn vị thi công đường Trường Sơn Đông đã cho máy móc vào đào múc để mở đường. Ngay khi phát hiện, chúng tôi đã yêu cầu dừng thi công” (?).

Cần làm rõ trách nhiệm việc phá rừng tại hai vườn quốc gia ở Tây Nguyên -0
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trạng rừng bị phá.

Tại khu vực thi công đường Trường Sơn Đông, vị trí thi công thuộc khoảnh 9, tiểu khu 1383; các khoảnh 1, 3, 5, 6, tiểu khu 1402 do Vườn quốc gia Chư Yang Sin quản lý, nằm trên địa giới hành chính xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, toàn bộ cây rừng đều bị đào bới, múc san lấp, mức độ thiệt hại về rừng là 100%. Dọc theo tuyến đường thấy chỉ còn rải rác một số cây bị múc bật gốc, một số cây rừng khác đã bị đất đá san lấp chôn vùi để lộ ra phần ngọn cây rừng.

Tại địa phận tỉnh Đắk Lắk, diện tích rừng đặc dụng bị phá nằm trong gói thầu thi công D41 (Km618+00 - Km626+00), thuộc dự án đường Trường Sơn Đông, đoạn đi qua Vườn quốc gia Chư Yang Sin. Kết quả kiểm tra xác định, diện tích rừng bị phá trái pháp luật là 15,45ha, trong đó diện tích đo đếm được là khoảng 12,45ha và diện tích ước lượng (taluy) khoảng 3ha.

Mức độ thiệt hại về rừng là 100%. Chiều dài tuyến đường đã san lấp khoảng 7km. Trong khi đó, theo Vườn quốc gia Chư Yang Sin, tháng 6-2021 trở về trước, toàn bộ diện tích 16,72ha của gói thầu Đ41 thuộc tiểu khu 1383 và 1402 vẫn còn nguyên hiện trạng, rừng chưa bị tác động.

Ngày 18-1-2022, Vườn quốc gia Chư Yang Sin thành lập đoàn truy quét vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng và kiểm tra tình hình san ủi của công trình đường Trường Sơn Đông tại tiểu khu 1402 và tiểu khu 1383 thì phát hiện đơn vị thi công đã tự ý phá rừng, cho máy móc vào múc, san ủi để làm đường mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang đất giao thông.

Cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý

Ông Nguyễn Lương Minh, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cho biết, để phục vụ dự án đường Trường Sơn Đông, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định thu hồi 13,5ha của vườn giao cho Ban Quản lý dự án 46. Theo quy định, việc thi công chỉ được tiến hành sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi rừng, chính quyền và ngành chức năng địa phương tiến hành giải phóng mặt bằng, tận thu lâm sản, bàn giao mặt bằng thì nhà thầu mới được triển khai. “Tuy nhiên, khi chưa hoàn thành các thủ tục thì đơn vị thi công đã tự ý vào san ủi rừng. Việc này là trái các quy định nhà nước và hiện vẫn chưa thể xác định khối lượng gỗ bị thiệt hại. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang đi xác minh. UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc, sẽ kiểm kê, rồi làm rõ trách nhiệm của các bên”, ông Nguyễn Lương Minh cho biết thêm.

Cần làm rõ trách nhiệm việc phá rừng tại hai vườn quốc gia ở Tây Nguyên -0
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra hiện trường tại vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, quá trình làm hồ sơ chuyển đổi rừng cho gói thầu Đ41, dự án đường Trường Sơn Đông, cơ quan chức năng đã xác định 16,72ha này có một số diện tích rừng, gỗ. Trong đó trữ lượng rừng xác định được là 264m3. Chưa có phương án tận thu là vì chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Sau khi có quyết định chuyển đổi thì  bước tiếp theo là sẽ làm thiết kế bài cây để xác định lượng gỗ có thể khai thác tận thu, để bán nộp ngân sách.

Cần làm rõ trách nhiệm việc phá rừng tại hai vườn quốc gia ở Tây Nguyên -0
Chủ đầu tư tự ý phá rừng mở đường qua vườn quốc gia Chư Yang Sin.

Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho rằng, lợi dụng thời điểm các cán bộ kiểm lâm đi tiêm vaccine phòng COVID-19, chủ đầu tư và đơn vị thi công đường Trường Sơn Đông đã phá rừng, mở đường xuyên qua Vườn quốc gia Chư Yang Sin.

Tuy nhiên, theo ghi nhận tại hiện trường thì việc phá rừng, thi công đường Trường Sơn Đông qua vườn quốc gia này rõ ràng đã được thực hiện trong thời gian dài chứ không thể chỉ trong vài ngày. Do đó, dư luận cho rằng, việc giải thích này của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk là không thuyết phục.

Dự án đường Trường Sơn Đông có tổng chiều dài 657km do Ban Quản lý dự án 46 làm chủ đầu tư. Dự án khởi công năm 2007, dự kiến hoàn thành vào năm 2020 với chiều dài toàn tuyến 671km, trong đó tận dụng 42km đường cũ, có 2 hầm và 2 đường đôi lưỡng dụng, 125 cầu các loại... Tuyến đường này chạy qua 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, bắt đầu từ Quảng Nam, tới Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và kết thúc ở Lâm Đồng.

Sáng 17-2-2022, đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) đã vào kiểm tra hiện trường vụ phá rừng, mở đường Trường Sơn Đông qua Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Tại hiện trường, đoàn công tác đi dọc tuyến đường đã bị san ủi tại hai vườn quốc gia Chư Yang Sin và Bidoup - Núi Bà. Tuyến đường đã san ủi tại hai vườn quốc gia dài hơn 10km, hàng chục hecta rừng dọc đường đã bị ủi trắng, thiệt hại về rừng là 100%. Nhiều cây rừng bị ủi nghiêng bật gốc, nằm lăn lóc dưới phần taluy âm hoặc đã bị đất đá vùi lấp. Cùng ngày, đoàn công tác Bộ Tổng tham mưu và đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 46 đã làm việc với các bên liên quan tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng để tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục chuyển đổi đất rừng đặc dụng sang đất phục vụ giao thông.

Khắc Lịch – Văn Thành
.
.