Cẩn thận lừa đảo qua tài khoản ngân hàng
Thời gian qua, vấn nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn rất nhức nhối. Với nhiều thủ đoạn khác nhau, các đối tượng sẽ yêu cầu bị hại chuyển tiền vào một (hoặc nhiều) tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt. Để tiếp tay cho hành vi trên, hiện đang có cả một "thị trường" chuyên mua bán tài khoản ngân hàng...
Bắt 3 đối tượng mua bán tài khoản trái phép
Có thể nói, thời gian gần đây cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, nhu cầu lập tài khoản ngân hàng, các ví điện tử... để giao dịch trực tuyến của người dân là rất cao. Đáp ứng nhu cầu đó, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng có những chính sách rất thuận tiện cho việc mở tài khoản.
Chỉ cần một CMND (hoặc CCCD, hộ chiếu) và một số điện thoại di động, người dân có thể mở đến vài chục tài khoản ngân hàng, có chức năng chuyển tiền, thanh toán trực tuyến hoặc rút tiền từ cây ATM... Lợi dụng sự thông thoáng này, nhiều đối tượng đã thu mua các tài khoản ngân hàng, sau đó bán lại cho các đối tượng xấu để hưởng lợi.
Trước tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, Ban chỉ huy Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã chủ động lên kế hoạch điều tra, xác minh những giao dịch đáng ngờ. Đội Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng An ninh mạng, Công an TP cũng tăng cường lực lượng tổ chức trinh sát trên không gian mạng để nắm tình hình hoạt động của các đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội sử dụng công nghệ cao, nhằm xác lập chuyên án đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật.
Cuối tháng 8-2021, Cơ quan công an đã phát hiện một nhóm đối tượng có hành vi thu mua các loại tài khoản ngân hàng, sau đó bán lại kiếm lời. Xác định hành vi này là vi phạm pháp luật, đồng thời cũng là tiếp tay cho các đối tượng xấu thực hiện hành vi lừa đảo, Cơ quan công an đã lên kế hoạch triệt phá.
Ngày 8-9-2021, Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đã bắt giữ đối tượng Vũ Đức Anh, 21 tuổi, trú tại phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội có hành vi mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác, quy định tại điều 291 Bộ luật hình sự.
Tài liệu điều tra ban đầu từ cơ quan công an cho thấy, từ đầu năm 2021, Vũ Đức Anh đã sử dụng mạng xã hội Telegram, Zalo, Facebook... đăng thông tin thu mua tài khoản ngân hàng của học sinh, sinh viên với giá 400 ngàn đồng/1 tài khoản. Để lấy được lòng tin của mọi người, Đức Anh đã nói dối mục đích mua nhiều tài khoản ngân hàng để phục vụ việc thanh toán tiền trên mạng và chạy quảng cáo nên cần số lượng lớn nhất. Sau khi mua trót lọt, anh ta tiếp tục rao bán lại những thông tin tài khoản ngân hàng này cho các đối tượng khác với giá 1 triệu đồng/tài khoản.
Thấy việc bán thông tin tài khoản một vốn bốn lời, Đức Anh đã tuyển nhiều cộng tác viên và khuyến khích mọi người mở nhiều tài khoản để thu mua không giới hạn. Đối tượng này bày cho các cộng tác viên chiêu vờ là nhân viên ngân hàng, cần đủ chỉ tiêu mở thẻ do ngân hàng "khoán" cho mỗi tháng nên cần số lượng lớn. Đức Anh khai nhận đã hưởng lợi số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng từ hành vi mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác.
Tiến hành điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan công an tiếp tục bắt giữ đối tượng Đinh Thành Long, 22 tuổi, thường trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội về hành vi tàng trữ trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Long đã thu mua nhiều ảnh chụp chứng minh nhân dân trên mạng xã hội và sim điện thoại rác. Sau đó, đối tượng chỉnh sửa dãy số trên ảnh chứng minh nhân dân để tiến hành làm thủ tục mở các tài khoản ngân hàng, đồng thời dùng sim điện thoại rác đã mua để đăng nhập và đăng ký dịch vụ Internet banking.
Sau khi mở tài khoản ngân hàng thành công, Long sử dụng để liên kết mở tài khoản ví điện tử của Công ty cổ phần dịch vụ di động trực tuyến, nhằm mục đích chiếm đoạt tiền voucher (là gói quà ngẫu nhiên của ví điện tử trị giá từ 400 ngàn đồng trở lên). Sau đó, Long rao bán các voucher trên mạng xã hội để lấy tiền sử dụng.
Sau khi chiếm đoạt được tiền từ các tài khoản ví điện tử, Long tiếp tục mang các sim điện thoại chứa thông tin tài khoản ngân hàng trên rao bán trên mạng xã hội kiếm tiền. Các đối tượng mua lại thông tin về tài khoản ngân hàng, đa số là các đối tượng sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng thứ ba bị bắt giữ trong vụ án này là Nguyễn Hoàng Lân, sinh năm 1992, cũng trú ở Hà Nội. Lân đã mua những tài khoản ngân hàng của các đối tượng trên để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 3-2021, Nguyễn Hoàng Lân lập nhiều kênh Youtube như “Chim cảnh Hải Nhung”, “kênh chim cảnh”, “Chim cảnh Đình Vũ” và đăng nhiều video có nội dung bán chim cảnh lên những trang này với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong các bài đăng, Nguyễn Hoàng Lân giới thiệu chim và đính kèm giá bán cho mỗi loại từ 800 ngàn đồng đến 4 triệu đồng kèm theo số điện thoại của bản thân để khách hàng có thể liên lạc. Mỗi khi có khách gọi điện đến, Lân đều giới thiệu mình đang sống ở Điện Biên và yêu cầu người mua chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng đã mua từ hai đối tượng trên. Sau khi người mua chuyển tiền mua chim, Lân đã chặn số điện thoại và không chuyển hàng cho người mua hoặc chuyển cho người mua chim loại chim không như thỏa thuận. Bằng thủ đoạn trên, Lân đã chiếm đoạt hàng chục triệu đồng của các bị hại.
Tránh tiếp tay cho tội phạm
Theo một điều tra viên thuộc Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, hành vi mua bán tài khoản ngân hàng dù đã có chế tài của pháp luật để xử lý, song không vì thế mà các đối tượng chùn tay. Nguy hiểm hơn, dù việc mua bán một tài khoản các đối tượng chỉ hưởng lợi vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng, song hậu quả của nó lại rất lớn. Bởi khi có được trong tay các tài khoản này rồi, đối tượng khác sẽ tung những màn kịch lừa đảo, dụ dỗ ép buộc bị hại chuyển hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng để chiếm đoạt. Và việc thu hồi lại số tiền này cũng cực kỳ gian nan.
Còn nhớ tháng 4-2021, Phòng CSHS cũng đã bắt giữ nhóm đối tượng chuyên mua bán tài khoản ngân hàng là Nguyễn Tiến Hiệp, sinh năm 1987, thường trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Nguyễn Quang Sơn, sinh năm 1982, thường trú tại Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Trước đó qua tìm hiểu trên mạng xã hội Facebook, nhận thấy có nhiều người có nhu cầu tìm mua tài khoản ngân hàng, Sơn nảy sinh ý định "khởi nghiệp". Đối tượng đã thu mua giấy CMND thật tại các nhà nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội và trên mạng Internet. Sau đó Sơn thay ảnh của mình rồi dùng các CMND này đi mở tài khoản ngân hàng rồi bán lại cho các đối tượng khác để kiếm lời. Mỗi tài khoản (gồm thẻ ATM; tài khoản Internet banking; sim điện thoại để nhận mã OTP) Sơn bán với giá từ 900 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, thu lời 400 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng 1 tài khoản. Đầu năm 2019, Hiệp quen biết Sơn qua mạng xã hội Facebook, sau đó chuyển đến ở cùng Sơn tại nhà trọ.
Từ khoảng tháng 12-2020 đến thời điểm bị bắt giữ, Sơn chỉ đạo và hướng dẫn Hiệp làm giả các giấy CMND để đi mở các tài khoản ngân hàng rồi chuyển lại cho Sơn bán. Sơn trả công cho Hiệp 200 ngàn đồng/1 tài khoản. Tính đến thời điểm bị bắt, Sơn đã dùng ảnh của mình thay vào 18 giấy CMND, mở 18 tài khoản tại ngân hàng Vietcombank và Vietinbank. Sơn cũng chỉ đạo Hiệp thay ảnh của Hiệp vào 60 giấy CMND do Sơn cung cấp, mở 60 tài khoản. Sơn đã bán 60 tài khoản ngân hàng trên cho đối tượng Trần Văn K., sinh năm 1998, trú tại huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. K. lại bán tiếp số tài khoản này cho một nhóm đối tượng ở nước ngoài. Các đối tượng này sau đó đã sử dụng tài khoản đó để lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của các bị hại.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao như giả danh cơ quan chức năng ép chuyển tiền; kết bạn rồi gửi quà sau đó đòi chuyển khoản thuế phí, mua bán hàng qua mạng bắt thanh toán trước... Đồng thời tuyên truyền cho người thân trong gia đình và những người xung quanh nhận diện được phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này.
Người dân nên kịp thời báo Cơ quan Công an nơi gần nhất xử lý nếu phát hiện đối tượng có hành vi nhờ mở thẻ, làm tài khoản ngân hàng hoặc mua bán tài khoản ngân hàng với số lượng lớn. Đặc biệt người dân không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc bán tài khoản thanh toán thẻ cho người khác. Việc cho mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản cũng là một hình thức tiếp tay cho các đối tượng sử dụng với mục đích phạm tội, kéo theo nhiều hệ lụy.
Tiếp nhận hàng chục đơn trình báo lừa đảo qua tài khoản ngân hàng
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, Công an TP đã nhận được hơn 30 đơn trình báo của công dân, tố cáo nhiều đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua phương thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. Các đối tượng thường giả danh cán bộ ở các cơ quan tố tụng như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... liên hệ điều tra, yêu cầu bị hại phải cung cấp toàn bộ danh sách tài sản, đồng thời phải chuyển tiền cho bọn chúng để chứng minh mình trong sạch. Nhiều đối tượng khác thì giở màn kịch rủ rê đầu tư, hưởng lãi suất cao. Lại có những đối tượng rao bán các loại hàng hóa điện tử, thậm chí cả chó mèo, chim cảnh giá rẻ, yêu cầu người mua chuyển tiền trước rồi sẽ chuyển hàng sau...
Liên tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo tiền tỷ qua chuyển khoản ngân hàng
Tháng 6-2021, ông M.M.L, 71 tuổi, trú tại phường Xuân Tảo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trình báo bị chiếm đoạt số tiền gần 8 tỷ đồng. Theo đó, trưa 15-6, ông L. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +882438255xxx tự xưng là cơ quan công an, thông báo ông có liên quan đến việc vi phạm pháp luật; đồng thời yêu cầu ông kê khai tài sản, sổ tiết kiệm để xác minh.
Đối tượng sử dụng tài khoản Zalo “Bùi Công Vinh” kết bạn với ông L. để tiếp tục nói chuyện. Sau đó, “Bùi Công Vinh” nhắn tin yêu cầu ông L. ra ngân hàng rút hết số tiền trong số tiết kiệm chuyển vào 2 số tài khoản mang tên Do Tran Tuan Linh và Le Van Nham đều của ngân hàng P. chi nhánh Hà Nội.
Không dám nói với người nhà và do lo sợ nên người đàn ông này trong các ngày từ 16 đến 18-6 đã ra ngân hàng rút hết tiền tiết kiệm chuyển tiền vào 2 số tài khoản mà đối tượng yêu cầu với tổng số tiền gần 8 tỷ đồng. Chưa dừng lại, đối tượng nhắn tin cho ông L. yêu cầu chuyển tiếp số tiền 300 triệu đồng. Do không còn tiền nên ông L. gọi điện cho em gái để hỏi vay tiền. Nghi ngờ ông L. bị lừa đảo nên em gái ông đã khuyên ông trình báo Cơ quan công an.
Cuối tháng 8-2021, ông T., 65 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) đến Công an phường Liễu Giai, quận Ba Đình trình báo việc nhận được điện thoại từ một đối tượng nói tài khoản của ông có liên quan đến vụ án ma túy.
Đối tượng đã yêu cầu ông T. chuyển tiền vào tài khoản để kiểm tra. Sốt sắng chứng minh mình trong sạch, ông T. ra ngân hàng chuyển số tiền 1,6 tỷ đồng vào nhiều tài khoản cho các đối tượng. Chuyển xong, ông T. liên hệ lại với số máy kia không được, lúc đó mới biết mình bị lừa.