Cẩn trọng trước biến tướng của những trò lừa đảo qua mạng

Thứ Sáu, 25/02/2022, 14:25

Mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, khuyến cáo và phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng, vụ việc liên quan đến lợi dụng không gian mạng, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, song vẫn có nhiều nạn nhân liên tục sập bẫy.

Đủ kiểu lừa đảo

Đầu tháng 10-2020, facebook của bà Trần Thị X. (SN 1960), trú tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có một nickname lạ tên là “Lưu Thị Ngọc” nhảy vào kết bạn, làm quen. Khi biết bà X. bị bệnh nám ngoài da, đã chữa trị tại một số cơ sở y tế nhưng không khỏi, người này cho biết, bản thân đang điều hành cả một chuỗi hệ thống chuyên kinh doanh thuốc trị nám gia truyền, hiệu quả rất rõ rệt. Tin theo lời giới thiệu này, bà X. đã nhiều lần liên hệ để đặt mua sản phẩm trị nám qua mạng xã hội, với số tiền hơn 381 triệu đồng.

luadao-1.jpg -0
Đối tượng lừa đảo bán thuốc trị nám qua mạng xã hội bị Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bắt giữ

Theo lời bà X., sở dĩ bà tin tưởng để mua hàng là qua facebook “Lưu Thị Ngọc”, là do bà được giới thiệu kết nối với một số facebook khác, dù chưa gặp mặt nhưng qua trò chuyện, những người này tự giới thiệu là nhân viên công ty kinh doanh mỹ phẩm, tư vấn bán sản phẩm trị nám với những lời hứa hẹn về các ưu đãi đi kèm. Nếu sản phẩm không hiệu quả, khách hàng sẽ được hoàn lại tiền. Tin lời nên không chỉ mua về sử dụng, mà bà X. còn đứng ra để làm đại lý cho nhóm người này tại Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, thấy tác dụng của thuốc không như mong muốn, bà X. liên hệ yêu cầu trả lại tiền. Thấy bị hại dễ “móc túi”, nhóm đối tượng này tiếp tục vẽ ra các kịch bản, làm thủ tục hoàn tiền như phí thẩm định hồ sơ, trục trặc trong giao dịch, phí làm hồ sơ rút tiền… để yêu cầu bà X. chuyển tiền cho chúng, sau đó sẽ chuyển trả một lần. Đến lúc bà này chuyển thêm 445 triệu đồng thì các đối tượng đã xóa số zalo, chặn facebook của bị hại. Đầu năm 2022, khi biết mình bị lừa, bà X. đã làm đơn tố cáo đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Can Lộc để nhờ giúp đỡ.

luadao-2.jpg -0
Nhóm đối tượng lừa bán xổ số miền bắc qua mạng sa lưới pháp luật

Thiếu tá Đặng Văn Đức, Trưởng Công an huyện Can Lộc cho biết, nhận được trình báo, Công an huyện đã lập chuyên án tập trung lực lượng đấu tranh, làm rõ.

Ban chuyên án gặp rất nhiều khó khăn vì các đối tượng sử dụng dịch vụ ship COD để giao nhận tiền, hàng; dùng tên giả, sim rác để liên hệ và thường xuyên thay đổi nơi cư trú. Mặt khác, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các mũi trinh sát rất khó tiếp cận, xác minh các đối tượng chính trong chuyên án tại các địa bàn như Hà Nội, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình…

Ngày 24-1-2022, Ban chuyên án đã đồng loạt bắt giữ 3 đối tượng liên quan gồm: Chu Văn Tuấn (1998), trú tại xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; Phạm Quang Tuân (1997), trú tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội và Nguyễn Thị Xuyên (1993), trú tại xã Trực Khang, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Qua đấu tranh mở rộng, ổ nhóm này còn tiến hành lừa đảo nhiều bị hại khác trên địa bàn cả nước, chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.

Cũng thời điểm này, trên địa bàn Hà Tĩnh, Công an huyện Hương Sơn đã bắt giữ 3 đối tượng Nguyễn Hồng Sơn (SN 1997), Lê Đức Anh (SN 1989), cùng trú tại xã Sơn Trà và Phạm Tiến Tân (SN 2001), trú tại xã Sơn Long, huyện Hương Sơn để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, Nguyễn Hồng Sơn đã lập trang facebook “Hội đồng xổ số miền Bắc” với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để tăng lượt tương tác lên trang, Sơn đã chạy quảng cáo, mục đích là tiếp cận càng nhiều đối tượng càng có lợi cho mục đích lừa đảo. Lợi dụng việc các bị hại hám lợi, muốn đánh bạc bằng hình thức mua bán số lô, số đề nên Sơn giả mạo là nhân viên công ty xổ số để bán các số theo kết quả xổ số miền Bắc.

luadao-3.jpg -0
Tháng 1-2022, Hoàng Nhật Linh, trú tại Thừa Thiên - Huế bị Công an Hà Tĩnh bắt giữ khi chiếm đoạt hàng tỷ đồng bằng lừa bán ôtô cũ trên mạng

Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình, Sơn đã rủ Phạm Tiến Tân và Lê Đức Anh cùng tham gia. Các đối tượng sử dụng điện thoại lên mạng xã hội facebook tạo tin, bài và đăng tin rao bán số lô, số đề với tỷ lệ trúng 100%. Đây là các số lô, số đề do các đối tượng tự nghĩ ra, không có cơ sở để trúng như cam kết. Nhiều nạn nhân đã mắc bẫy, gửi tiền cho nhóm của Sơn theo tài khoản ngân hàng được Sơn mua trên mạng xã hội để mua số lô, số đề. Không dừng lại ở đó, các đối tượng này còn đưa ra các thông tin về giải ngân số tiền bảo hiểm sau khi nạn nhân đánh bạc bằng hình thức mua số lô số đề không trúng, để các nạn nhân tiếp tục gửi tiền. Bằng thủ đoạn trên, 3 đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại khác trên địa bàn cả nước với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Một trò lừa đảo khác cũng vừa bị Công an Hà Tĩnh triệt phá là đổi tiền. Đặng Thị Hải Hà (SN 1996), trú tại xã Thạch Hà, Thành phố Hà Tĩnh từng có thời gian xuất khẩu lao động tại Nhật Bản và Hàn Quốc nên làm thêm dịch vụ đổi tiền Nhật Bản hoặc tiền Hàn Quốc lấy tiền Việt Nam cho người Việt Nam xuất khẩu lao động để hưởng tiền chênh lệch.

luadao-4.jpg -0
Đường dây lừa đảo online với 41 bị can vừa bị Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ.

Quá trình giao dịch thực hiện qua facebook, Hà phát hiện ra, những người giao dịch không biết được tên tuổi địa chỉ cụ thể của mình. Từ đó, đối tượng nảy sinh ý định thông qua tài khoản facebook ảo, thực hiện giao dịch đổi tiền rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn này, Hà đã 2 lần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 2 bị hại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với số tiền 283 triệu đồng. Ngay sau khi nhận tiền của bị hại, đối tượng đã khóa tài khoản facebook ảo.

Tiếp nhận trình báo từ các bị hại, Công an TP Hà Tĩnh đã khẩn trương vào cuộc, lần theo dấu vết trên không gian mạng và khoanh vùng được đối tượng nghi vấn là Đặng Thị Hải Hà. Giữa tháng 1-2022, đơn vị này đã bắt khẩn cấp Hà ngay thời điểm vừa nhập cảnh về Việt Nam tại tỉnh Phú Thọ.

Mọi sai lầm sẽ phải trả giá bằng tiền

Thượng tá Nguyễn Trường Diệu, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh cho biết, giai đoạn trước, trong và sau tết Nguyên đán là thời điểm nhạy cảm để các loại tội phạm thực hiện các hành vi phạm tội của mình, nhất là tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, khi chúng ta phải sống chung với dịch, có 70% dân số sử dụng mạng xã hội nên rất nhiều giao dịch được thực hiện qua nền tảng kỹ thuật số. Lợi dụng điều này, tội phạm liên quan đến công nghệ cao đã tăng cường hoạt động. Các hình thức lừa đảo chủ yếu là lừa tuyển cộng tác viên bán hàng online, lừa đảo xin việc làm với “bẫy” việc nhẹ lương cao, mức thu nhập khủng được gửi đến điện thoại thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Một số thủ đoạn gần đây cũng khiến không ít nạn nhân sập bẫy là tấn công vào các thiết bị thông minh để lấy cắp thông tin cá nhân người dùng khi lợi dụng dịch vụ của nhà cung cấp, biến sim điện thoại thường thành e-sim để vô hiệu hoá, chiếm quyền điều khiển tài khoản email, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và các thông tin cá nhân quan trọng khác. Thủ đoạn là tội phạm giả danh nhân viên nhà mạng, gọi đến thông báo hỗ trợ khách hàng nâng cấp sim điện thoại từ 4G lên 5G, nhưng thực chất là tìm cách lấy mã 2 bước OTP, từ đó biến sim của nạn nhân thành e-sim. Ngoài ra, gần đây rộ lên thủ đoạn lợi dụng danh nghĩa cơ quan nhà nước, nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện các cuộc gọi, các tin nhắn lừa đảo như nộp phạt, vi phạm giao thông, thanh toán tiền điện nước… Người dân hết sức cảnh giác, khi tiếp nhận những cuộc gọi này cần kiểm chứng qua cơ quan chức năng, tuyệt đối không giao dịch tiền qua mạng khi chưa rõ sự việc hoặc đối tượng.

luadao-5.jpg -0
Tang vật thu giữ trong một chuyên án lừa đảo qua mạng xã hội

Thời gian vừa qua, mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng, ổ nhóm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, khuyến cáo rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân nhưng vẫn có không ít người trở thành nạn nhân. Một phần do phương thức, thủ đoạn của tội phạm thiên biến vạn hóa, thay đổi hình thức tiếp cận liên tục khiến người dân không kịp ứng phó. Tuy nhiên, cũng không thể không đề cập đến vấn đề, các vụ lừa đảo qua mạng xã hội đều đạt được kết quả là do tội phạm đã nắm được tâm lý của một bộ phận người dân, hám lợi nhuận cao trong khi công việc nhẹ nhàng.

Thời gian sắp tới, diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, lượng người cần việc làm sẽ tăng cao, do vậy không loại trừ tội phạm trên không gian mạng sẽ coi đây là mảnh đất màu mỡ để thực hiện các hành vi phạm tội. Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác để không bị rơi vào bẫy lừa của những tên tội phạm giấu mặt trên ma trận của nền tảng số như hiện nay.

Thiện Thành
.
.