Cẩn trọng với cơn sốt nước hoa “siêu” rẻ
Chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, người dùng dễ dàng mua được nước hoa gắn mác các thương hiệu lớn như: Dior, Chanel, Gucci... trên mạng. Thị trường nước hoa siêu rẻ bùng nổ do tâm lý sính hàng hiệu giá rẻ. Đó chính là cơ hội để nhiều đối tượng sẵn sàng dùng hóa chất không rõ nguồn gốc sản xuất nước hoa giả, thu lợi bất chính, móc túi người tiêu dùng.
Dùng máy đánh trứng sản xuất nước hoa hàng hiệu
Ngày 10/5, Công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố Lại Thị Tuyết (35 tuổi), cùng Lưu Hoàng Long (32 tuổi, chồng Tuyết) và Lại Chí Tính (24 tuổi, em trai Tuyết, đều trú tại TP Đồng Xoài) để điều tra về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Đây là vụ án phức tạp liên quan đến một đường dây chuyên sản xuất, tiêu thụ nước hoa giả với quy mô lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ đầu năm 2024, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Phước đã phát hiện một số tài khoản mạng xã hội rao bán nước hoa với số lượng lớn, có dấu hiệu làm giả nguồn gốc, xuất xứ. Quá trình xác minh, lực lượng chức năng xác định chủ các tài khoản này là hai chị em Tuyết và Tính. Bằng hình thức livestream bán hàng, chạy quảng cáo có đầu tư, các đối tượng đã phân phối số lượng nước hoa giả ra thị trường với quy mô ngày càng gia tăng. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng, Công an tỉnh Bình Phước đã xác lập chuyên án để triệt phá.
Đến tháng 5/2024, lực lượng chức năng đồng loạt phối hợp kiểm tra 4 địa điểm tại phường Tân Đồng và xã Tiến Hưng (TP Đồng Xoài), nơi các đối tượng tổ chức sang chiết, pha chế, đóng gói nước hoa giả. Tại hiện trường, Cơ quan công an thu giữ khoảng 20.000 chai nước hoa thành phẩm, cùng hàng chục ngàn vỏ chai, nhãn mác giả, hóa chất, thiết bị pha chế. Đáng chú ý, các sản phẩm đều được gắn mác các thương hiệu như: “Ivy Dubai”, “Ivy Parfum” có in chữ “Made in Dubai”, mã vạch, tem chống hàng giả... nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Theo lời khai của các đối tượng thì Lưu Hoàng Long là người trực tiếp pha chế bằng cách cho hóa chất vào nồi kim loại lớn rồi dùng máy đánh trứng để khuấy đều. Đây là một quy trình thủ công, mất vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Dung dịch sau khi pha được chiết vào các lọ 10-50 ml bằng xi lanh hoặc máy bơm, đóng gói tinh vi rồi tiêu thụ rộng rãi. Chỉ tính riêng từ tháng 1/2023 đến khi bị triệt phá, đường dây này đã tung ra thị trường lượng nước hoa giả trị giá lên tới 50 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 10 tỉ đồng.
Vụ việc ở Bình Phước không phải là trường hợp đơn lẻ. Trước đó, ngày 25/1, Công an huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cũng phát hiện một xưởng sản xuất, sang chiết nước hoa giả khác tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Bình Việt Nam (thôn Đại Phú, xã Châu Sơn). Người đứng đầu là Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1993) - giám đốc công ty, đồng thời là người trực tiếp lên kế hoạch sản xuất và kinh doanh.

Theo đó, từ tháng 9/2023, nhằm thu lợi nhuận cao từ hàng nhái, hàng giả, Tùng đã mua sắm thiết bị, máy móc, nguyên liệu, hóa chất không rõ thành phần để sản xuất nước hoa gắn mác các thương hiệu cao cấp như: Dior, Gucci, Louis Vuitton, Coco... Thậm chí, đối tượng này còn nhận đặt hàng theo “thiết kế riêng” của khách nhưng vẫn giữ logo, mẫu mã giống các hãng nổi tiếng để bán ra thị trường như hàng chính hãng.
Trong đợt kiểm tra đột xuất, Cơ quan công an thu giữ 2.462 lọ nước hoa thành phẩm, 500 lít dung dịch hóa chất, 21 kg tem nhãn giả cùng nhiều phương tiện, tài liệu sản xuất. Vụ việc đã gây rúng động dư luận và là một minh chứng rõ nét cho thấy làn sóng hàng giả trong lĩnh vực mỹ phẩm đang diễn biến rất phức tạp.
Việc phát hiện và xử lý liên tiếp 2 đường dây sản xuất nước hoa giả lớn tại Bình Phước và Thái Bình cho thấy thủ đoạn ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp của các đối tượng. Cả hai đều sử dụng mạng xã hội làm công cụ để tiếp cận khách hàng, quảng bá sản phẩm và giao dịch, tận dụng kẽ hở trong kiểm soát thương mại điện tử để trục lợi. Sự việc cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường, siết chặt quản lý bán hàng online, đồng thời nâng cao nhận thức người tiêu dùng về phân biệt hàng thật - hàng giả.
Không dừng lại ở tổn thất về kinh tế, các vụ việc này còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh người dân có xu hướng sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc do giá rẻ. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng về tính nghiêm trọng của vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.
Rẻ như cho, thật - giả lẫn lộn
Hiện nay, chỉ với một vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, TikTok, Instagram..., hay những sàn thương mại điện tử có lượng truy cập “khủng” như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo..., người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp hàng loạt sản phẩm nước hoa gắn mác “chiết”, “siêu rẻ”, “full box chính hãng” với giá chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, một mức giá không tưởng nếu so với giá gốc của các thương hiệu nước hoa cao cấp như: Chanel, Dior, Gucci, Versace hay Lancome.
Việc kinh doanh nước hoa trên không gian mạng ngày càng trở nên sôi động đến mức hỗn loạn, khi bất kỳ ai cũng có thể trở thành người bán chỉ với một tài khoản cá nhân. Hàng loạt fanpage, hội nhóm với tên gọi như “Nước hoa chiết xách tay chuẩn Auth”, “Sỉ lẻ nước hoa cao cấp toàn quốc”, “Nước hoa Pháp giá sinh viên”... mọc lên như nấm sau mưa, thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi và tương tác mỗi ngày. Trên các fanpage này, các bài đăng thường xuyên xuất hiện hình ảnh chai nước hoa gắn nhãn thương hiệu nổi tiếng, đi kèm lời quảng cáo “cam kết chuẩn Auth 1:1”, “mùi giống 99% bản gốc”, thậm chí còn nhận gia công nước hoa theo yêu cầu - pha chế theo “gu” cá nhân rồi gắn mác thương hiệu cao cấp với mức giá chỉ vài trăm nghìn đồng một can/lít.
Trên Shopee, sàn thương mại điện tử phổ biến nhất Việt Nam hiện nay, có thể dễ dàng tìm thấy nước hoa “Sauvage Dior” được rao bán với giá chỉ từ 33.000-131.000 đồng/chai; “Versace Eros” 100 ml với giá từ 51.000-159.000 đồng; hay “Lancome Tresor tím Ami Luci” cùng nhiều thương hiệu khác cũng chỉ dao động trong khoảng vài chục đến dưới 200.000 đồng. Đặc biệt, sản phẩm “Bleu de Chanel”, một dòng nước hoa được phân phối chính hãng với giá hơn 3 triệu đồng tại store Chanel lại được rao bán tràn lan trên mạng với mức giá chỉ vài trăm nghìn đồng, thậm chí còn kèm theo quà tặng hoặc voucher khuyến mãi như hàng chính hãng.

Không dừng lại ở đó, nhiều người bán trên Facebook còn công khai “livestream” giới thiệu nước hoa nhập khẩu giá rẻ, bán theo combo 2-3 chai với giá chỉ 198.000 đồng, kèm khẳng định “mùi hương giống hàng thật đến 90%” và thậm chí còn... cam kết hoàn tiền nếu khách phát hiện hàng giả. Trong các hội nhóm chuyên sỉ lẻ nước hoa, còn có những đối tượng nhận làm tem chống giả, in mã vạch, cung cấp vỏ chai, hộp bao bì mang thương hiệu nổi tiếng để “hô biến” sản phẩm nước hoa tự pha chế thành hàng cao cấp.
Tình trạng này đã khiến thị trường nước hoa trở nên hỗn độn, thật - giả lẫn lộn, người tiêu dùng không còn biết đâu là hàng chính hãng, đâu là hàng nhái. Mặc dù được quảng cáo là hàng “Rep 1:1” hay thậm chí là “Auth dư xưởng”, phần lớn các loại nước hoa giá rẻ này đều không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm định chất lượng và có thể được pha chế thủ công từ cồn, tinh dầu công nghiệp và các chất tạo mùi rẻ tiền.
Trong vai một người có nhu cầu mua nước hoa chính hãng giá rẻ, phóng viên đã liên hệ với tài khoản Facebook “Ngân nước hoa Auth chính hãng” thì được báo giá 150.000/chai; combo 2 chai chiết giá còn 269.000 đồng; combo 4 chai chiết giá còn 449.000 đồng và combo 5 chai chiết giá còn 499.000 đồng. Khi phóng viên hỏi nước hoa này hàng auth (chính hãng) hay fake (hàng nhái) thì được chủ tài khoản trả lời: “Bên em bán hàng rep 1:1, giống hàng auth 99%. Hàng vẫn được bán trong store và shop”.
Khi phóng viên hỏi hàng này có xuất xứ rõ ràng không thì người này trả lời: “Bên em đi đơn hằng ngày, bỏ sỉ toàn quốc. Nếu chị muốn trải nghiệm thì chị cứ thử nhé”. Tuy nhiên, khi phóng viên muốn xin thông tin của nhà sản xuất thì người này đã không trả lời.
Tương tự, vào tài khoản Facebook “My Mon” hỏi mua nước hoa, phóng viên cũng nhận được câu trả lời đây là hàng rep 1:1, người ta thường gọi là “auth tuồng”. Hỏi khái niệm “auth tuồng” là gì thì được chủ shop giải thích: “Nói là auth tuồng cho sang thôi chứ thực tế nó vẫn là hàng fake. Về hình thức nó giống đến 98%, chỉ có độ lưu hương thì nó kém hơn. Nói thật với chị, nói hàng auth tuồng nó sẽ bán được giá cao hơn hẳn”.
Trên fanpage “Nước hoa Pháp chính hãng” giới thiệu địa chỉ shop tại số 3a, ngách 42/23 Văn Phú, Phú La, Hà Đông, Hà Nội. Để mục sở thị sản phẩm mà shop này đang bán, phóng viên đã đến địa chỉ nói trên, tuy nhiên, đó chỉ là một căn nhà riêng 5 tầng. Hỏi thăm hàng xóm xung quanh thì được biết từ trước đến nay ở đây không có shop nước hoa nào.
Thực chất, nhiều loại nước hoa giá rẻ trôi nổi trên thị trường hiện nay chỉ được pha chế từ cồn công nghiệp, hương liệu tổng hợp và một lượng nhỏ tinh dầu thơm. Chi phí để sản xuất 100 ml nước hoa dạng này chỉ từ 5.000-10.000 đồng, nếu sản xuất số lượng lớn còn có thể rẻ hơn. Do đó, khi bán ra với giá vài chục nghìn đồng vẫn có thể thu lời lớn.
Nguy hiểm hơn, một số loại nước hoa giá rẻ còn sử dụng các chất độc hại tiềm tàng như phthalates, alcohol công nghiệp, hay urine - một chất có trong nước tiểu, để tạo mùi bám lâu và khơi gợi cảm giác giống nước hoa thật. Việc sử dụng nước hoa không rõ nguồn gốc, đặc biệt là những loại chứa các chất hóa học như phthalates hay cineol có thể gây kích ứng da, viêm da tiếp xúc mạn tính, rối loạn nội tiết, dị tật thai nhi và tăng nguy cơ ung thư. Biểu hiện ban đầu có thể là da nóng rát, mẩn đỏ, lâu dài sẽ sưng tấy, nổi bọng nước, rất nguy hiểm.
Trước tình trạng thị trường nước hoa bị “thả nổi” như hiện nay, các chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng cần tỉnh táo, tránh chạy theo tâm lý ham rẻ mà đánh đổi sức khỏe của bản thân. Người mua nên lựa chọn những điểm bán uy tín, có giấy phép kinh doanh, hóa đơn đầy đủ, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc yêu cầu hóa đơn mua hàng cũng là căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp hay phát hiện hàng giả.