Cần xử lý nghiêm hành vi nuôi, nhốt hổ trái phép
Liên tiếp trong thời gian gần đây nhiều vụ vận chuyển, mua bán, nuôi nhốt hổ trái phép được lực lượng công an phát hiện, bắt giữ. Trong số đó có nhiều cá thể hổ nặng từ vài chục cho đến hàng trăm kg bị lực lượng chức năng thu giữ.
Phát hiện nhiều vụ vi phạm
4h ngày 1-8, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Trạm CSGT Diễn Châu, thuộc Phòng CSGT Công an Nghệ An bắt giữ 2 đối tượng cùng tang vật là 7 cá thể hổ và đưa về trụ sở để làm rõ.
Tại Cơ quan Công an, hai đối tượng khai tên là Trần Trung Hiếu (SN 1984), lái xe, trú tổ dân phố 3, thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh và Nguyễn Văn Lai (SN 1967), trú thôn Khí Tượng, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đối tượng Nguyễn Văn Lai cho biết, 7 cá thể hổ con này được một người Lào (không rõ tên) thuê vận chuyển ra địa bàn huyện Diễn Châu với số tiền công là 5 triệu đồng.
Tiếp đó, rạng sáng 4-8, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An cùng các lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép của vợ chồng Nguyễn Văn Hiền (SN 1982) và Hồ Thị Thanh. (SN 1990), ở xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, thu giữ 14 cá thể hổ Đông Dương trưởng thành có trọng lượng gần 200kg/con. Vợ chồng ông Hiền, bà Thanh khai số cá thể hổ trên được mua từ Lào lúc còn nhỏ rồi sau đó về cải tạo vườn nhà, xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi.
Cũng trong thời điểm nói trên, Cơ quan công an bắt quả tang gia đình bà Nguyễn Thị Định (50 tuổi), trú tại xóm Phú Xuân, xã Đô Thành đang nuôi nhốt 3 con hổ trưởng thành có trọng lượng 225 - 265 kg/con, được đào hầm với diện tích 120m2 để nuôi nhốt trong nhà.
Xử lý nghiêm để răn đe
Liên quan tới hành vi nuôi nhốt hổ trái phép tại địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Viện KSND tỉnh Nghệ An đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Hiền về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm theo quy định mà pháp luật đã cấm.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên trên địa bàn Nghệ An xuất hiện tình trạng này. Năm 2012, cũng tại xã Đô Thành, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 4 cá thể hổ bị nuôi nhốt trái phép. Điều mà nhiều người dân đặt câu hỏi là tại sao, với số lượng hổ lớn như vậy, được chủ nhà cải tạo hầm rộng hàng trăm m2 để nuôi nhốt giữa khu vực dân cư đông đúc nhưng lại không được phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu?
Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), trong nhiều năm nay, Nghệ An được coi là một điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép, đặc biệt tại các huyện Yên Thành, Diễn Châu...
Tính đến hết năm 2020, các cơ quan chức năng đã phát hiện có 343 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt tại Việt Nam. Trong đó, 284 cá thể đang bị nuôi nhốt tại 21 trang trại tư nhân. Số còn lại thuộc sở hữu của các vườn thú và các trung tâm cứu hộ của Nhà nước. Hầu hết số lượng hổ tại các cơ sở gây nuôi hổ tư nhân đều có nguồn gốc bất hợp pháp.
Cũng trong năm 2020, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận 2.907 vụ việc vi phạm ĐVHD. Trong các vi phạm, hành vi quảng cáo, rao bán trái phép ĐVHD chiếm phần lớn với 1.956 vụ việc; tiếp theo là 863 vụ việc nuôi nhốt trái phép, trong đó riêng loài hổ là 390 vụ việc.
Quay lại vụ việc được phát hiện mới đây, hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra nhưng dư luận vẫn không khỏi băn khoăn là liệu tình trạng nuôi nhốt động vật nguy cấp, quý hiếm như ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành liệu có tái diễn? Và, vì sao cả hàng chục cá thể hổ mặc dù đã được các hộ dân nuôi nhốt ở giữa khu dân cư đông đúc như vậy suốt thời gian qua nhưng lực lượng chức năng phụ trách địa bàn và tổ chức liên quan lại để “hổ chui lọt lỗ kim” mà không hề hay biết?