Cần xử lý tận gốc xe quá tải, cơi nới thành thùng

Thứ Tư, 06/07/2022, 08:44

Sau 10 ngày ra quân cao điểm xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 3.947 ôtô vi phạm quy định về cơi nới thành thùng xe, chở hàng quá tải trọng, quá khổ; phạt tiền hơn 16 tỉ đồng với các trường hợp vi phạm trên; tạm giữ 132 phương tiện; tước 1.025 giấy phép lái xe.

Trong số 3.947 xe vi phạm, có 2.414 trường hợp chở hàng quá tải trọng, 479 trường hợp quá khổ giới hạn, 462 trường hợp tự ý cải tạo phương tiện. Lực lượng chức năng đã vận động, cưỡng chế việc tháo, cắt thùng xe cơi nới là 226 trường hợp; thông báo tới cơ quan đăng kiểm 84 trường hợp; hạ tải 834 trường hợp.

Muôn kiểu chây ì, chống đối

Phải nói rằng, một trong những vất vả nhất của cán bộ, chiến sĩ CSGT trong đợt cao điểm lần này đó là xử lý phương tiện quá tải và cơi nới thành thùng. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng bởi những phương tiện chở quá tải, cơi nới thành thùng không chỉ làm hư hỏng đường sá mà thực sự là mối nguy hiểm đối với người dân mỗi khi ra đường.

Cần xử lý tận gốc xe quá tải, cơi nới thành thùng -0
Cảnh sát giao thông thực hiện cân tải trọng xe.

Theo chân cán bộ, chiến sĩ Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Đội 3) thuộc Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT, xử lý vi phạm vi phạm liên quan đến chở hàng quá tải, cơi nới thành thùng xe trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, chúng tôi mới thấy hết được vất vả của công tác này. Điển hình như trường hợp xử lý xe tải 88C- 098.13 do lái xe Nguyễn Văn H ở Vĩnh Phúc điều khiển. Khi bị tổ công tác dừng xe yêu cầu kiểm tra, ngay khi dừng xe, lái xe đã thừa nhận chở quá tải và xin tổ công tác bỏ qua vi phạm. Tuy nhiên, khi xin xỏ lực lượng chức năng bất thành, tài xế không chấp hành đưa xe lên bàn cân mà liên tục dùng điện thoại ghi hình tổ công tác, đồng thời lớn tiếng cho rằng “Công an các tỉnh chưa đâu cân được tải trọng xe của tôi”. Sau gần 1 tiếng đồng hồ được tổ CSGT thuyết phục, lái xe mới chịu đưa xe lên cân kiểm tra tải trọng. Kết quả cho thấy, ôtô trên chở quá tải trọng cho phép 1,2 tấn (17,81%). Tuy nhiên, Nguyễn Văn H tiếp tục lớn tiếng không công nhận kết quả kiểm tra tải trọng và cho rằng: “Xe tôi không chở quá tải trọng, đây là hàng từ công ty xuất ra đã quá tải trong mức cho phép là 9%. Còn máy đo được hơn 17% chẳng qua là do xác xe quá nặng” đồng thời từ chối kí vào biên bản vi phạm hành chính và bỏ ra xe ngồi.

Đại úy Đinh Vạn Sơn - Phó Đội trưởng Đội 3 kiên nhẫn giải thích với lái xe H về hành vi chở quá tải trọng cho phép sẽ gây nguy hiểm cho chính lái xe và người tham gia giao thông khác, đồng thời, gây hư hỏng cầu đường. Với lỗi vi phạm này, lái xe H sẽ bị xử phạt 4 triệu đồng. Tuy nhiên, sau hơn 2 tiếng hồ, lái xe H vẫn không chịu kí vào biên bản, không đánh xe ra khỏi trạm cân và không nhận lại giấy tờ xe (gồm đăng kí xe, đăng kiểm, bảo hiểm xe) từ CSGT đang làm nhiệm vụ.

Thấy lái xe quyết liệt chống đối việc xử lý, Đội 3 thông báo đến Công an xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) về trường hợp cố tình cản trở lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe và yêu cầu lực lượng cứu hộ đến cẩu kéo xe ra khỏi trạm cân. Đến lúc này, biết không thể chây ì, gọi “cứu viện” được nữa, lái xe bật khóc, chấp hành lệnh của CSGT. Anh ta cho rằng, ban đầu do quá hoảng sợ nên có những hành vi không đúng với tổ công tác. “Cũng vì nghề lái xe là cần câu cơm nuôi sống cả gia đình tôi nên rất sợ bị phạt” - lái xe H. phân trần. Như vậy, sau gần 3 tiếng đồng hồ, từ chiều đến tối mịt, lực lượng chức năng mới xử lý xong 1 trường hợp vi phạm quá tải.

Cần xử lý tận gốc xe quá tải, cơi nới thành thùng -0
Cảnh sát giao thông xử lý xe vi phạm cơi nới thành xe.

Đại úy Đinh Vạn Sơn cho biết, trong quá trình làm nhiệm vụ cân tải trọng xe tại tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có không ít trường hợp lái xe bất hợp tác, thậm chí là chống đối cán bộ làm nhiệm vụ. “Chúng tôi khi xử lý các trường hợp này phải rất mềm mỏng, giải thích cho họ hiểu và nắm được quy định. Sau khi thuyết phục mà lái xe vẫn cố tình chống đối thì chúng tôi phối hợp với các lực lượng công an trên địa bàn để tiến hành cưỡng chế” - Đại úy Đinh Vạn Sơn nói.

Tại Bắc Ninh, thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải của Bộ Công an, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn tỉnh đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý trên các tuyến đường. Theo đó, để công tác tuần tra, kiểm soát đạt hiệu quả cao, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh và lãnh đạo Phòng CSGT thường xuyên có mặt trên đường để chỉ đạo các tổ công tác CSGT kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm. Chỉ hơn 10 ngày ra quân, CSGT Bắc Ninh đã lập biên bản 339 trường hợp chở hàng quá tải, 37 trường hợp cơi nới thành thùng. Đơn cử như vụ xử lý quá tải 100% trên đường tỉnh 29B, đoạn qua thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh. Tổ công tác Phòng CSGT phát hiện tài xế Lê Văn Kết (sinh năm 1979, trú tại thôn Đồng Chùa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) điều khiển xe đầu kéo BKS 88C-174.36, kéo theo rơ-moóc 88R.088.71 vượt quá tải trọng cho phép gần 100%; có cơi nới thành thùng xe. Khi bị kiểm tra, lái xe quanh co gọi “cứu viện”, kéo dài thời gian, nhưng khi lấy lực lượng chức năng kiên quyết xử lý thì đành phải chấp hành.

Tại Hà Nội, Công an thành phố tập trung xử lý các vi phạm tại khu vực có nhiều kho hàng, bến bãi, mỏ vật liệu xây dựng. Việc xử lý cũng gặp không ít khó khăn do lái xe cố tình không chấp hành lệnh kiểm tra. Điển hình như việc xử lý xe Howo mang BKS 29H-308.xx trên quốc lộ 6 đoạn đầu cầu Mai Lĩnh thuộc địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội). Tổ công tác do Thiếu tá Lưu Trung Thủy làm tổ trưởng đã dừng phương tiện trên để kiểm tra. Ngay khi dừng xe, tài xế Đỗ Viết Q. (sinh năm 1989, ở Chương Mỹ, Hà Nội) trình bày xe đang trên đường đi lấy vật liệu nên hiện thùng xe rỗng. Khi CSGT thông báo xe vi phạm cơi nới thành thùng, lập tức lái xe Q. bỏ đi điện thoại tìm “cứu viện”.

“Sau nhiều giờ chúng tôi tuyên truyền, vận động, lái xe mới hợp tác đưa xe về bãi kí biên bản và tiến hành cắt dỡ phần thành thùng cơi nới. Việc xử lý từ tối đến tận 4h30’ sáng hôm sau mới cắt xong phần thành thùng cơi nới của xe tải Howo này” -  Thiếu tá Lưu Trung Thủy thông tin.

Cần xử lý tận gốc xe quá tải, cơi nới thành thùng -0
Lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra xe vi phạm.

Ngăn chặn vi phạm từ bến bãi, đầu nguồn

Lực lượng CSGT cả nước đang rất tích cực tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là xử lý xe quá tải, cơi nới thành thùng. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm trên tuyến giao thông mới giải quyết được “phần ngọn”, bởi cái gốc của vấn đề nằm ở các bến bãi, đầu nguồn - nơi các xe quá tải bốc xếp hàng. Được biết, để xử lý tình trạng quá tải trọng xe, Bộ Công an đang chỉ đạo lực lượng công an từ cấp xã, huyện khảo sát từng doanh nghiệp vận tải, vận động họ tự cắt thành thùng xe nếu có tình trạng cơi nới. Tuy nhiên, công tác này cần sự phối hợp chặt chẽ của ngành Giao thông - Vận tải mới có thể thực hiện triệt để.

Thượng tá Đặng Thanh Phong, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc xử lý xe quá tải, ngoài biện pháp cân xe, lực lượng chức năng thường quan sát và khi thấy xe nào có dấu hiệu chở quá tải thì tiến hành kiểm tra, đối chiếu hóa đơn hàng trên xe với tải trọng cho phép của xe. Tuy nhiên, cách làm này hiện nay không còn phát huy hiệu quả vì tài xế thường cố tình không xuất trình hóa đơn nên rất khó xử lý. Hơn nữa, khi phát hiện xe vi phạm cũng chỉ dừng ở mức lập biên bản vi phạm hành chính chứ rất khó hạ tải vì CSGT không có kho bãi lưu hàng. 

Thượng tá Đặng Thanh Phong cho rằng, để nâng cao hiệu quả xử xe ô tô chở quá tải phải thắt chặt quản lý, kiểm tra ngay tại những cảng cung cấp, xếp dỡ hàng hóa, để vi phạm được giải quyết ngay từ điểm xuất phát. Nếu làm tốt việc này, thì vấn đề hạ tải, bảo quản hàng hóa sẽ được thực hiện dễ dàng và không phát sinh chi phí. Ngoài ra, phải có giải pháp căn cơ ràng buộc trách nhiệm của các cảng biển, buộc các đơn vị quản lý cảng phải cho phép lực lượng chức năng vào tận nơi để kiểm tra, ngăn chặn vi phạm.

Nói về tình trạng chở hàng quá tải trọng xe, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, vi phạm tải trọng xe là câu chuyện của nhiều năm nay. “Thực tế hiện nay, xử lý một xe quá tải trung bình mất 3-4 tiếng liên hệ với chủ xe hoặc hạ tải. Muốn xử lý dứt điểm xe quá tải phải làm tận gốc”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức khẳng định.

Cần xử lý tận gốc xe quá tải, cơi nới thành thùng -0
Cắt thùng xe vi phạm.

Về giải pháp lâu dài, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho rằng, chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình cũng là một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giữa hai Bộ. Bộ Công an và Bộ Giao thông - Vận tải cần kết nối sâu rộng hơn nữa cơ sở dữ liệu dùng chung. Cơ sở dữ liệu này đóng vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ quản lý của lực lượng chức năng như: thông báo xử phạt vi phạm hành chính; xác định nguồn gốc xe, thủ tục hải quan; quản lý vấn đề sử dụng giấy phép lái xe  của người điều khiển phương tiện (xác định rõ người nào bị tước giấy phép lái xe để không cấp mới với trường hợp vi phạm)...

Tuy nhiên, xử lý tại chỗ xe quá tải trên các tuyến đường hiện nay mới chỉ là giải pháp phần ngọn, điều quan trọng là cần sự vào cuộc, phối hợp, đồng bộ của các sở, ngành, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng khác; đặc biệt là các cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông - Vận tải cần kiểm soát chặt chẽ các vi phạm tại đầu nguồn, bến bãi, không để các phương tiện vi phạm được phép đi ra đường bởi theo quy định pháp luật thì các xe ra khỏi các mỏ, kho hàng, bến cảng, đều phải cân tải trọng. Thực tế hiện nay, các phương tiện này không cân hay cân sai thì không có ai giám sát, bắt giữ, xử phạt... Vì vậy, nếu không giám sát từ gốc thì tình trạng xe quá tải vẫn tiếp diễn bởi CSGT không thể “căng” mãi 24/24 để kiểm soát trên mọi tuyến đường.

Phương Thủy
.
.