Cảnh giác lừa đảo đăng ký hiến tạng

Thứ Năm, 14/09/2023, 09:30

Lừa đảo hiến tạng, buôn bán mô tạng không phải là các chiêu trò lừa mới, nó đã diễn ra âm ỉ từ nhiều năm nay. Đặc biệt, khi thời đại công nghệ thông tin phát triển, tội phạm lừa đảo hoạt động mạnh trên không gian mạng nhằm dẫn dụ, lôi kéo nạn nhân, gây ra những mối nguy hại cho xã hội.

Cẩn trọng với các “chuyên viên” trên mạng

Phương thức thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là lập các hội nhóm kín trên mạng xã hội, thậm chí là một số trang mạng công khai để quảng cáo về việc bán thận, mua thận có tên rất lộ liễu như: “Bán thận, hiến thận, mua thận”, “muốn bán thận” trên các nền tảng xã hội. Sau khi cơ quan chức năng phát hiện vào cuộc điều tra triệt xóa thì các trang mạng cũng “lặn mất tăm”. Một thời gian sau, chúng xuất hiện dưới các tên gọi chính thống hơn như: “CLB hiến tạng nhân đạo”; “Hội những người hiến tạng TP Hồ Chí Minh” hoặc “Những người cho đi sự sống”…

h4.png -0
Những nội dung liên quan đến việc mua bán tạng vẫn được đăng công khai trên các trang mạng xã hội.

Trên các trang này thường đăng rất nhiều thông tin về mô tạng, thông báo cần nam nữ hiến tạng từ 25-35 tuổi, nhiều nhất là thận, tim và mắt. Lần theo số điện thoại, chúng tôi gọi điện cho “chủ shop” hỏi về việc hiến tạng. Đầu giây bên kia là một người phụ nữ trung tuổi, giới thiệu tên Phương. Không dò xét hay hoài nghi gì, bà Phương vào việc ngay. Bà hỏi tên tuổi, chỗ ở hiện nay và tình hình sức khỏe ra sao, nhóm máu gì, có bệnh mãn tính không, đi khám sức khỏe bao lâu rồi…? Thăm dò xong các thông số, bà Phương nói ngay: “Ông chú của chị đang cần ghép thận khẩn cấp, nếu các em sắp xếp được thì cuối tuần chúng ta gặp nhau tại TP Hồ Chí Minh, chị sẽ đưa em đi kiểm tra sức khỏe tổng thể, xác định chức năng thận đạt chuẩn sẽ ra Huế làm”.

Để khuyến khích đối phương, bà Phương nói con số “hậu tạ” lên tới vài trăm triệu đồng nếu thành công. Ngoài ra, người cho tạng còn được thân chủ bao ăn ở chăm sóc sức khỏe trong vòng một năm mới cắt hợp đồng. Dường như đang cần nguồn tạng gấp nên bà Phương nhờ chúng tôi kéo thêm vài người bạn nữa cùng đi, nếu là anh em trong gia đình càng tốt vì ít ra cũng có cùng nhóm máu. Bà Phương không quên trấn an: “Cứ gặp nhau nói chuyện để chị xem tình hình ra sao, nếu vui vẻ đồng ý thì mới đi khám sức khỏe. Mà khám sức khỏe xong chưa chắc đã cho tạng được, việc này cực kỳ khó khăn, một trăm người chưa chắc đã trúng được quả thận đâu”.

h1.jpg -0
Các bác sĩ thực hiện một ca ghép tạng từ nguồn tạng hiến.

Một mặt dẫn dắt, lôi kéo các “con mồi” đã cắn câu, mặt khác, trên nhóm hiến tạng, hễ thấy ai vào bình luận hỏi về thủ tục đăng ký hiến tạng là bà Phương nhảy vào nhắn tin “inbox cho mình tư vấn nhé hoặc mình là chuyên viên điều phối”. Nếu không có nhu cầu cho tạng khi đang còn sống mà muốn hiến tạng sau khi qua đời, bà Phương đều nhận tư vấn hết.

Ngoài bà Phương, còn một số người tự nhận “tư vấn, hỗ trợ” đăng ký hiến tạng cho bất cứ ai có nhu cầu. Trên nhóm hiến tạng có tên “Hội những người đăng ký hiến tạng TP Hồ Chí Minh”, chúng tôi đăng một thông tin cần hiến tạng thì lập tức có năm bảy người nhảy vào hỏi thăm, nhắn tin riêng để…hỗ trợ. Trong đó, người đàn ông có nick “vô thường” cho ngay số điện thoại để gọi điện trao đổi. Qua trò chuyện, nick “vô thường” tên Nam (50 tuổi) giới thiệu là chuyên viên điều phối mô tạng khu vực miền Nam cho các bệnh viện lớn. Nghe có vẻ rất uy tín, ông Nam nói như một diễn giả với những câu từ “đi thẳng vào lòng người”: “Nếu vì một lí do nào đó, cái chết đột ngột ập đến, kết thúc cuộc đời mình, thì cái chết ấy sẽ không hề vô nghĩa. Mô và tạng của mình sẽ được hiến cho những người cần chúng để duy trì sự sống.

Trái tim mình sẽ không đập trong lồng ngực mình nữa, cuộc sống đã trôi đi, nhưng nó hoàn toàn có thể đập trong lồng ngực người khác, cho một sự khởi đầu mới. Mình sẽ không còn thở nữa, nhưng phổi của mình hoàn toàn có thể đem đến hơi thở cho người khác. Thận và gan của mình cũng thế. Cơ thể chôn xuống đất hoặc hỏa thiêu là hết, chỉ còn là tro bụi, nhưng vì còn hoạt động rất tốt, các cơ quan ấy có thể cứu sống những người đang rất cần thận và gan…”

h3.jpg -0
Sau khi đăng ký hiến tạng, người hiến sẽ được cấp thẻ hiến tạng.

Ông Nam cho biết, bản thân đã có trên 20 năm đi kết nối sự sống thông qua nguồn tạng trên khắp cả nước. Ông làm vì đạo đức con người và muốn lưu giữ một điều gì đó cho hậu thế. Sau cùng, nếu muốn hiến tạng thì chúng tôi sẽ cung cấp đầy đủ thông tin để ông Nam giúp đăng ký tại bệnh viện lớn như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh hoặc Trung tâm điều phối mô tạng quốc gia…Sau khi tiếp nhận đăng ký của người hiến tạng, trong vòng một tuần sẽ có thẻ hiến tạng. Để chắc chắn có một tấm thẻ “nhân đạo trọn đời”, ông Nam đòi 1,2 triệu đồng tiền phí đăng ký. Chúng tôi thắc mắc, hiến tạng hoàn toàn miễn phí thì ông Nam nói “đúng vậy”, nhưng phí này là phí hoàn thiện hồ sơ, để chuyên viên đi thực hiện các công đoạn cho người hiến tạng. 

Đại diện bệnh viện lên tiếng

Có lẽ, đây cũng là chiêu trò mà ông Nam cùng các đối tượng khác thường sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người đăng ký hiến tạng. Nhiều người sau khi gặp khó khăn trong việc đăng ký hiến mô tạng đã lên tiếng phản ánh.

h2.png -0
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu khuyến cáo người dân muốn hiến tạng hãy chọn địa chỉ uy tín tránh bị lừa đảo.

Chị Hà Thị Thu Minh (28 tuổi, quê Đắk Lắk, tạm trú tại Q. Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cho biết, cách đây 6 tháng, chị đăng thông tin trên mạng xã hội, hỏi về thủ tục đăng ký hiến tạng thì có nhiều người tìm đến “hỏi thăm”. Đặc biệt, có người phụ nữ tên Châu tự nguyện đứng ra giúp chị Minh hoàn thành tâm nguyện này. Chị Minh cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân cho Châu và được hẹn một tháng sau sẽ mang thẻ hiến tạng đến tận nơi trao trả. Tuy nhiên, chờ đợi hơn một tháng vẫn không thấy Châu phản hồi, chị Minh hỏi thì được trả lời “đang hoàn thiện hồ sơ”. Một thời gian sau, chị Minh tiếp tục hỏi thì Châu nói: “Có rất nhiều người đăng ký nên phải chờ, muốn nhanh thì phải chi phí dịch vụ”. Nghe xong, chị Minh rất bức xúc, hỏi tại sao đi hiến tạng mà còn phải bỏ tiền ra chi phí? Thấy chị Minh phản ứng gay gắt quá nên Châu im lặng và “chuồn” luôn.

Chị Minh cho biết, sau cú lừa của Châu, chị đã trực tiếp liên hệ với bệnh viện để đăng ký hiến tạng và được tiếp nhận rất nhanh chóng và thuận lợi. 

Lừa đảo đăng ký hiến tạng đã xảy ra từ nhiều năm nay, các bệnh viện đã nhận được nhiều phản ánh xung quanh vụ việc này. Trao đổi với phóng viên, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị vừa nhận được thông tin phản ánh về việc đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy phải đóng phí mới nhận được thẻ đăng ký hiến tạng. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, đơn vị điều phối đã liên hệ với người đăng ký hiến tạng. Tuy nhiên, người đăng ký từ chối nghe máy mà nhắn tin thông báo hủy đơn đăng ký. Qua tìm hiểu thông tin ghi nhận, việc yêu cầu người đăng ký hiến tạng phải đóng phí có liên quan đến tình trạng “cò” dịch vụ.

“Hiến mô tạng là nghĩa cử cao đẹp vì sự sống của người bệnh, từ trước đến nay mọi hoạt động liên quan đến chương trình rất nhân văn này đều diễn ra trên tinh thần không vụ lợi. Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định việc phát hành thẻ đăng ký hiến tạng tại bệnh viện là hoàn toàn miễn phí”, Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu khẳng định.

Bác sĩ Ngọc Thu bày tỏ lo ngại về tình trạng lừa đảo đối với những người có nhu cầu hiến tạng trên không gian mạng xã hội đang ngày càng phức tạp. “Chúng tôi từng tiếp nhận thông tin từ người đăng ký hiến tạng gọi đến vì lý do họ làm thủ tục hiến mô tạng đã lâu nhưng không nhận được thẻ. Tuy nhiên, qua rà soát trên hệ thống, chúng tôi không tìm thấy thông tin về người đăng ký hiến tạng. Người bệnh có thể đã đăng ký hiến tạng ở một website không chính thống, giả danh các tổ chức, bệnh viện thuộc hệ thống nhà nước”, Bác sĩ Thu chia sẻ.

TS Ngọc Thu cảnh báo, hành vi lừa đảo trên không gian mạng đối với hoạt động hiến tạng vẫn đang diễn ra. Để tránh “sập bẫy” lừa đảo, bà khuyến cáo người dân nên cẩn thận khi chọn các địa chỉ đăng ký hiến tạng, không nên nghe theo lời tư vấn hoặc hỗ trợ của những người trên mạng mà bản thân không biết hoặc chưa kiểm chứng về tính chính danh của họ. 

Những điều cần biết về hiến tạng

Tại Điều 5, Luật Lấy, hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, quy định: Người từ đủ 18 trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Để tăng cường người hiến mô, bộ phận cơ thể người thì Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi, bổ sung: Không giới hạn về độ tuổi với người chết não (người dưới 18 tuổi phải có đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ). Người hiến sống cùng huyết thống từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Người hiến sống không cùng huyết thống phải từ 30 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Thông thường, những người đã đăng ký hiến xác thì hoàn toàn có thể đăng ký hiến tạng.

Về nguyên tắc, đối với những người hiến tạng còn sống thì sau khi hiến tạng sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ. Người hiến tạng còn sống sẽ có ba quyền lợi sau: Thứ nhất, sau khi hiến tạng, người hiến sẽ được cấp bảo hiểm y tế miễn phí; được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí.

Thứ hai, người hiến sẽ được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế. Thứ ba, người hiến sẽ được tặng kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân. Đối với người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác thì sau khi chết cơ thể người hiến tạng sẽ được chăm sóc tùy thuộc vào di nguyện của người hiến tạng hay nguyện vọng của gia đình.

Theo quy định thì người hiến tạng chết sẽ được Nhà nước hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở. Người hiến tạng mất cũng sẽ được truy tặng kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân…

Ngọc Thiện
.
.