Cảnh giác "tín dụng đen" vào mùa
Thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu chi tiêu trả nợ của đa phần người dân tăng cao. Và trên thị trường luôn có sẵn các đường dây "alo là có tiền". Tuy nhiên, lỡ sa chân vào những đường dây này, không ít người dân lâm vào hoàn cảnh nợ chồng nợ mà chưa biết bao giờ mới thoát ra được...
Trốn viện tâm thần, lập đường dây cho vay lãi nặng
Nếu gặp Kiều Văn Tiến (SN 1995, thường trú tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội) tại một hoàn cảnh khác, có lẽ người ta sẽ có cái nhìn thiện cảm về anh ta. Với lối nói chuyện nhẹ nhàng, Tiến cho người đối diện cảm giác... an tâm. Nhưng sự thật thì Tiến là kẻ mang án giết người.
Dù bị kết án 20 năm tù giam, song bằng cách nào đó Tiến lại kiếm được lá "bùa hộ mệnh" là bệnh án tâm thần. Và thay vì phải thụ án tại Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An), Tiến được đưa đi điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (BVTTTW 1), ở Thường Tín, Hà Nội). Như đa phần các tay anh chị có tiền án và bệnh án khác, Tiến đã trốn ra ngoài để điều hành một đường dây cho vay lãi nặng và tàng trữ trái phép chất ma túy.
Cuối năm 2018, Tiến được đưa đi điều trị bắt buộc tại BVTTTW 1. Lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý bệnh nhân của bệnh viện, tháng 5-2021, Tiến đã bỏ trốn ra ngoài và thiết lập đường dây cho vay lãi nặng trên địa bàn quận Long Biên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội và TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Tiến nhờ Bùi Tiến Đạt thuê phòng 1911A, E2 chung cư Ecohome (phường Phúc Lợi, quận Long Biên) để tổ chức hoạt động “tín dụng đen”, lãi suất từ khoảng 180%/năm đến gần 300%/năm tùy theo từng khách vay. Tiến trả lương cho Bùi Tiến Đạt, Nguyễn Hoài Nam và Đinh Tuấn Bảo (25 tuổi, trú tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) 5 đến 10 triệu đồng/1 tháng để nhóm này thẩm định, làm thủ tục cho khách vay tiền, thu tiền gốc, tiền lãi của khách vay theo chỉ đạo điều hành của Tiến…
Cuối tháng 12-2021, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an Hà Nội phối hợp Công an quận Long Biên đã triệu tập Kiều Văn Tiến và đồng phạm là Bùi Tiến Đạt (24 tuổi trú tại thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội), Nguyễn Hoài Nam (30 tuổi, trú tại xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) để điều tra.
Khám xét nơi ở của Đạt, cơ quan điều tra thu giữ một thanh đao, 3 gói ma túy tổng hợp; thu giữ của Kiều Văn Tiến một xe ô tô, 5 điện thoại di động cùng số tiền hơn 13 triệu đồng và nhiều tài liệu có giá trị chứng minh tội phạm khác.
Đến nay, cơ quan điều tra đã làm rõ nhiều người vay tiền của Tiến, Đạt, Nam, Bảo với số tiền vay lên đến hàng tỷ đồng và đang tiếp tục điều tra mở rộng các đối tượng khác có liên quan đến băng nhóm tội phạm này.
Lắm chiêu nhiều trò
Theo một chỉ huy Phòng CSHS Công an TP Hà Nội, năm 2021, tình hình hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn TP vẫn có những diễn biến rất phức tạp.
Cuối tháng 10-2021, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã triệt phá hai ổ nhóm chuyên cho các cô gái mại dâm vay lãi suất cao dưới hình thức “bốc bát họ”, thế chấp bằng hình ảnh nhạy cảm. Đó là ổ nhóm do cặp vợ chồng Nguyễn Thị Vân Anh và Đào Quốc Huy (cùng 30 tuổi, trú tại phường Thổ Quan, quận Đống Đa) cầm đầu và ổ nhóm của các đối tượng Bùi Ngọc Thủy, Khương Thị Tuyến, Nguyễn Huy Hiển (đều ở Hà Nội).
Hai ổ nhóm này chủ yếu cho nhân viên quán karaoke, gái mại dâm... vay lãi thông qua hình thức bốc "bát họ", vay lãi ngày và phải thế chấp bằng ảnh nhạy cảm của bản thân. Nếu như con nợ chây ì không trả, các chủ nợ lập tức đe dọa đăng hình ảnh, rải tờ rơi nơi công cộng... Nhiều con nợ phải vay rất nhiều gói khác nhau, lãi mẹ đẻ lãi con và không thể trả nổi. Đến nay cơ quan điều tra đã bắt thêm một số đối tượng và xác định nhiều nạn nhân vay với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng.
Gần đây nhất, Phòng CSHS đã bắt một nữ quái có hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Trước đó Phạm Thị Hà (52 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã cho chị Nguyễn N.M. (trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) vay tiền nhiều lần với lãi suất 4.000 đồng đến 8.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Hà quy định 10 ngày chị M. phải đóng lãi 1 lần, nếu không đóng đủ tiền lãi thì sẽ cộng vào tiền gốc để tiếp tục tính lãi. Tính đến tháng 3-2020, tổng số tiền cả gốc và lãi chị M. nợ đã lên tới gần 16 tỷ đồng. Quá trình điều tra xác định đến nay, chị M. đã trả cho Hà được 173 triệu đồng tiền lãi, Hà thu lời bất chính hơn 150 triệu đồng.
Bắt nguồn từ những giao dịch cho vay lãi nặng đã dẫn tới nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Một trong số đó là hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Ngày 20-12-2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bắt giữ nhóm đối tượng: Dương Văn Giáp 24 tuổi; Nguyễn Anh Tuấn 22 tuổi và Dương Văn Minh 23 tuổi, cùng ở xã Minh Phú, Sóc Sơn về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.
Giáp là đối tượng chuyên cho vay lãi, bốc bát họ. Từ tháng 10-2018 đến tháng 4-2021, chị Ngô Thị L. ở Minh Phú, Sóc Sơn vay của Giáp tổng số tiền 45 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng/ ngày. Từ tháng 5 đến tháng 9-2021, Giáp đã đe dọa yêu cầu chị L. ba lần làm giấy vay nợ với tổng số tiền 105 triệu đồng. Đến tháng 11-2021, Giáp tiếp tục nhắn tin đòi chị L. trả số tiền gần 300 triệu đồng.
Cuối tháng 11-2021, Giáp cùng với Tuấn, Minh và một số đối tượng khác tìm đến nhà chị L. đe dọa, gây sức ép, buộc chị L. phải trả cho nhóm đối tượng số tiền 140 triệu đồng thì mới ra về. Ít ngày sau, Giáp tiếp tục nhắn tin Zalo đòi thêm chị L. số tiền 138 triệu đồng và đe dọa nếu không trả tiền sẽ cào mặt chị L. Đến ngày 17-12-2021, nhóm đối tượng tìm đến nhà chị L. quấy nhiễu để đòi số tiền. Cực chẳng đã, chị L. đã làm đơn tố cáo lên cơ quan công an.
Người dân cần nâng cao cảnh giác
Theo đánh giá của Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục CSHS (Bộ Công an), tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đáng nói, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội… mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên… vay tiền.
Các đối tượng lập doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào người có nhu cầu vay tiền. Thủ đoạn quảng cáo là không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật; lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay...
Cục CSHS dự báo tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” cũng như các vụ phạm pháp liên quan đến vay mượn dân sự sẽ vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh làm ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của người dân, cùng quy luật hàng năm tình hình tội phạm có chiều hướng diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm.
Ngoài ra, mâu thuẫn từ người vay và người cho vay cũng dễ dẫn đến những vụ tội phạm khác như huỷ hoại tài sản, bắt giữ người trái phép, thậm chí giết người.
Để đấu tranh triệt phá đối với các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, Cục CSHS đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp chỉ đạo công an các địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Thứ hai là phối hợp với các đơn vị có liên quan để phát hiện bắt giữ các băng nhóm. Đặc biệt là sau khi Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2021 về hướng dẫn áp dụng điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử án hình sự cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; cùng với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 144 ngày 31-12-2021 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự. Đây là những văn bản pháp lý rất quan trọng tạo hành lang vững chắc, xử lý các hành vi vi phạm.
Cùng với đó, Cục CSHS sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Tư pháp khẩn trương xử lý nhanh các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, phối hợp với cơ quan truyền thông để tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cảnh giác và răn đe các đối tượng hoạt động tín dụng đen.
Khởi tố 541 bị can về hành vi cho vay lãi nặng
Trung tướng Trần Ngọc Hà cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện gần 7.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 540 cơ sở kinh doanh tài chính, gần 4.000 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.
Trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện hơn 1.000 vụ với gần 2 ngàn đối tượng, đã khởi tố 554 vụ với 990 bị can; xử phạt hành chính 375 vụ với 593 đối tượng liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật về “tín dụng đen”. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ với 884 đối tượng, trong đó đã khởi tố 314 vụ với 541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ với 249 đối tượng.