“Chiến tranh” gia súc ở Mỹ Latin

Thứ Năm, 08/12/2022, 21:48

Trong suốt 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành trên thế giới, các băng nhóm buôn bán ma túy ở Mỹ Latin bị chặt đứt nguồn tiêu thụ bởi các quốc gia châu Âu, Mỹ đóng cửa biên giới. Để tồn tại, bọn tội phạm xoay sang nhiều hình thức khác, trong đó có trộm, cướp gia súc…

Trộm, cướp gia súc ở Brazil

Một chiều thứ bảy đầu tháng 8/2022, ông Joaquin, nông dân ở bang Rio Grande do Sul, cực Nam Brazil tiếp mấy người khách lạ. Họ đi trên một chiếc xe hơi hiệu Mercedes, ăn mặc cực kỳ sang trọng. Theo lời giới thiệu, họ là đại diện cho một nhà máy giết mổ gia súc ở Brazilia, đang tìm nguồn cung cấp bò thịt cho nhà máy. Tiếp theo, họ ngỏ ý muốn mua đàn bò 50 con của ông. Khi Joaquin thắc mắc vì sao họ biết nông trại của ông nuôi bò thì một người trong bọn trả lời rằng do đã liên hệ với một số đầu mối nên có người giới thiệu.

 “Chiến tranh” gia súc ở Mỹ Latin -0
Cảnh sát Brazil thu giữ 150 con bò trộm cắp ở bang Rio Grande do Sul.

Thế rồi sau khi xem xong đàn bò, cuộc ngã giá chóng vánh diễn ra. Nhóm mua bò đồng ý lấy cả 50 con với giá tổng cộng 100.000 real (đơn vị tiền tệ Brazil, tương đương 20.650 USD). Tuy nhiên, họ chỉ đặt cọc 10.000 real và số còn lại, họ viết cho Joaquin một chi phiếu, phát hành bởi Ngân hàng Banco do Brazil.

Tiếp theo, sau cú điện thoại của một kẻ trong nhóm, chừng 20 phút thì một xe tải chạy vào rồi 50 con bò nhanh chóng được lùa lên. Ông Joaquin nói: “Lúc ấy, tôi vẫn không biết là mình đã bị lừa vì họ quá lịch sự. Mãi đến sáng thứ hai, khi tôi ra chi nhánh của Banco do Brazil để rút tiền thì mới hay tờ chi phiếu họ biết cho tôi chẳng hề có một cắc nào trong tài khoản”.

Joaquin chỉ là một trong hàng chục nạn nhân của băng nhóm Bandidos, một tổ chức tội phạm hoạt động ở bang Rio Grande do Sul. Tính đến cuối tháng 10/2022, chỉ riêng ở vùng này, Bandidos đã lừa lấy 12.000 con bò của 70 chủ nông trại với hình thức giống như đã áp dụng với Joaquin - nghĩa là chỉ trả 1/10 trị giá hàng hóa bằng tiền mặt, số còn lại là chi phiếu khống.

Cảnh sát bang Rio Grande do Sul cho biết việc mua bán thường diễn ra vào cuối buổi chiều thứ bảy để sáng thứ hai, khi ra ngân hàng người bán mới biết mình bị lừa, đủ thời gian để Bandidos vận chuyển bò đến Formigueiro hoặc Cacapava do Sul, cách Rio Grande do Sul 2.600 km rồi bán lại cho các lò mổ và dĩ nhiên lò mổ phải trả bằng tiền mặt. 

Vẫn theo cảnh sát bang Rio Grande do Sul, căn cứ vào những trình báo của nạn nhân, ước tính trong khoảng thời gian 10 tháng của năm 2022, Bandidos đã lừa được một số bò trị giá 60 triệu real (5,8 triệu USD). Và không chỉ lừa bằng cách mua bò, Bandidos còn trộm bò nếu chủ nhân không muốn bán.

Sáng 24/9/2022, ông Giovani, chủ một trang trại ở bang Sao Paulo khi thức dậy và khi ra thăm chuồng bò thì giật mình chết đứng khi 4 khu nuôi nhốt tổng cộng 250 con bò đã trống trơn. Trả lời trang tin Latin America Today, ông nói: “Chiều hôm trước, một nhóm người đến gặp tôi ngỏ ý muốn mua cả đàn bò. Do đã nghe loáng thoáng về những vụ lừa đảo nên tôi không bán. Thế rồi họ bỏ đi và chẳng hiểu bằng cách nào mà họ trộm được hết mặc dù gia đình tôi chỉ ở cách chuồng nuôi nhốt khoảng 300m”.

Việc khám nghiệm hiện trường của cảnh sát bang Sao Paulo dựa trên những dấu bánh xe cho thấy Bandidos đã sử dụng một chiếc xe điện, kéo 3 hoặc 4 xe tải đến sát chuồng bò. Một số lá cây coca (dùng để điều chế chất ma túy cocain) còn vương vãi trên nền chuồng chứng tỏ Bandidos đã cho bò ăn lá coca để chúng không kêu. Sau khi đã lùa hết lên xe, chiếc xe điện lại kéo từng chiếc xe tải ra đường lớn rồi mới nổ máy chạy thoát. Tất cả vụ việc diễn ra trong khoảng 2 giờ đồng hồ.

Sau này, khi triệt phá băng nhóm tội phạm Bandidos, cảnh sát thu giữ 12.000 con bò ở các bang Sao Paulo, Tocantins, Mato Grosso do Sul và Rio Grande do Sul, bán với giá thấp hơn thị trường để tăng tốc độ giao dịch cũng như xóa sạch chứng cứ. Với những con bò mà chủ trang trại đóng dấu trên lưng, đùi, các lò mổ tư nhân hợp tác làm ăn với Bandidos chịu trách nhiệm xẻ thịt rồi bán cho những cửa hàng nhỏ lẻ. Riêng tấm da, chúng cắt bỏ phần da bị đóng dấu trước khi bán cho những cơ sở thuộc da. 

Nhưng không chỉ băng nhóm Bandidos, ở bang Goias còn có băng nhóm Comando Vermelho do Ronaldo Bezerra da Silva cầm đầu. Khác với Bandidos, Goias cướp bò bằng cách chĩa súng vào chủ nông trại rồi lùa bò lên xe ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Nông dân Cerrado, nạn nhân của Goias cho biết 4 giờ chiều, khi ông cùng con trai đang lùa đàn bò 60 con từ bãi chăn thả về chuồng thì nhóm Goias xuất hiện trên 1 xe bán tải và 1 xe tải lớn rồi sau khoảng 20 phút, chúng cướp tất cả số bò nêu trên. Ông Cerraldo nói: “Cha con tôi chỉ biết đứng nhìn. Làm sao mà phản ứng với 4 khẩu AK chĩa thẳng vào ngực”.

 “Chiến tranh” gia súc ở Mỹ Latin -0
Bò bị trộm được lùa lên xe tải và chở đi ngay trong đêm.

Để giúp nông dân chống lại tội phạm, cảnh sát Goias thành lập một đơn vị đặc biệt chuyên theo dõi gia súc bị trộm hoặc bị cướp.Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện băng nhóm Comando Vermelho được tổ chức một cách có hệ thống với sự phân cấp rõ ràng: Ai chịu trách nhiệm cướp, ai lo vận chuyển gia súc, ai làm giả hồ sơ chứng từ, giấy kiểm dịch, tờ khai thuế nhằm che giấu nguồn gốc gia súc và ai đảm nhận việc tiêu thụ.

Cảnh sát trưởng Alexandre Pinto Lourenco nói: “Việc bắt giữ vợ của Ronaldo Bezerra da Silva, thủ lĩnh băng nhóm Comando Vermelho đã giúp làm rõ tất cả những hành vi tội phạm của đám lục lâm thảo khấu này. Từ kết quả ấy, chúng tôi tóm được Ronaldo Bezerra da Silva cùng 43 thành viên đồng thời tịch thu nhiều xe tải, xe kéo, vũ khí và 430 con bò, trị giá 360.000 USD. Ronaldo Bezerra da Silva ra tòa, nhận án 64 năm tù giam không ân xá”.

Nhưng không chỉ với bò, giữa tháng 9/2022, cảnh sát Brazil phối hợp cùng cảnh sát Uruguay tiến hành đột kích vào một nông trại ở tỉnh Artigas, phía Bắc Uruguay, nơi đang diễn ra một cuộc đấu giá ngựa. Kết quả điều tra cho thấy 35 con ngựa đã được làm giả nguồn gốc xuất xứ trong lúc sự thật thì nó bị trộm từ bên kia sông Cuareim thuộc lãnh thổ Brazil. Vụ bắt giữ xảy ra vài tháng sau ngày cảnh sát Brazil triệt phá một đường dây trộm cắp gia súc ở bang Rio Grande do Sul, giáp biên giới Uruguay với kết quả 7 người bị bắt cùng 731 con bò, 80 con cừu.

… và các quốc gia khác

Nhưng không chỉ ở Brazil, theo số liệu của Bộ Nội vụ Uruguay, từ tháng 3 đến tháng 8/2022, cơ quan chức năng đã ghi nhận 1.200 khiếu nại về việc mất trộm gia súc, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, năm 2019, có 2.075 khiếu nại được ghi nhận, tăng 16% so với 1.789 khiếu nại vào năm 2018.

Là nước xuất khẩu thịt bò lớn thứ 8 trên thế giới, Uruguay đang phải đối mặt với một cuộc chiến lâu dài và tốn kém nhằm chống lại nạn trộm, cướp gia súc. Trước đó, các cơ quan chống tội phạm ở Uruguay xếp những hành vi này vào loại “tội phạm hạng 2” nhưng những diễn biến gần đây đã làm thay đổi nhận thức qua việc Tổng thống Luis Lacalle Pou ký sắc lệnh thành lập Tổng cục An ninh nông thôn quốc gia (DNSR).

Chỉ 1 tháng sau khi thành lập, DNSR nhận được 472 đơn khiếu nại về việc mất trộm gia súc. Một trong những chỉ huy của DNSR nói với Latin America Today rằng DNSR phân chia địa bàn chống trộm cướp gia súc thành 3 khu vực: Phía Bắc gồm các tỉnh Artigas và Salto, tiếp giáp với Brazil và Argentina; phía Đông Nam tỉnh Rocha, giáp với Brazil và thứ ba là khu vực trung tâm, giáp với Uruguay.

Sau khi phối hợp với Lực lượng Cảnh sát chuyên trách tội phạm nông thôn Brazil (DECRAB), họ đã thành công trong việc buộc JBS, công ty cung cấp thịt bò lớn nhất thế giới thừa nhận đã mua 9.000 con bò từ Chaules Pozzebon, một tên tội phạm tầm cỡ ở Mỹ Latin. Các cuộc điều tra cho thấy số gia súc này được mua từ cuối năm 2018 đến giữa 2022.

Theo người phát ngôn của JBS, họ đã bị lừa khi Chaules Pozzebon cam kết với họ rằng “những con bò ấy đã được nuôi trong những trang trại “sạch” thuộc sở hữu của Pozzebon và gia đình ông ta”. Pozzebon sau đó bị kết án 99 năm tù không ân xá với 27 tội danh, bao gồm sử dụng lao động nô lệ, phá rừng, thành lập băng nhóm vũ trang bất hợp pháp, trộm cắp và tiêu thụ gia súc trộm cắp…

 “Chiến tranh” gia súc ở Mỹ Latin -0
Bò trộm bị xẻ thịt trong nhà máy JBS.

Tại Arghentina, nhiều chủ trang trại cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi băng nhóm Manos thường tổ chức những vụ trộm quy mô mà nhiều vụ lên đến 500 con bò. Lợi dụng thói quen chuồng trại thường đặt  cách nhà 1km hoặc xa hơn để tránh mùi hôi, bọn trộm cắp đi thành từng nhóm 10-15 người, nửa đêm mở cửa trại rồi lần lượt dắt ra từng con sau khi đã cho mỗi con 1 nắm lá coca nhai cho khỏi kêu.

Cũng ở cách đó khoảng 1km, những chiếc xe tải lớn đã chờ sẵn, bò được lùa lên. Chủ trại có nghe tiếng nổ của máy xe chăng nữa cũng ít ai nghi ngờ. Chỉ đến sáng lúc mở cửa chuồng trại, thấy mất hết cả chuồng biết mình bị trộm. Một nạn nhân là Oscar Araujo nói với trang tin Latin America Today rằng 140 con bò của anh ta đã bị mất chỉ trong vòng 1 tiếng. Khi báo cáo việc này với chính quyền, họ cho biết rất khó để điều tra vụ án vì “bò nào cũng là bò”.

Ở Paraguay, tình hình trộm cắp gia súc cũng chẳng kém gì Brazil hay Argentina. Hồi cuối tháng 6, hơn 20 người đàn ông vũ trang đã đột kích vào trang trại Horqueta, tỉnh Concepcion,  Paraguay, bắt công nhân làm con tin rồi lùa đi 350 con bò đã được tiêm phòng bệnh lở mồm long móng. Sau đó chúng đưa lên 11 chiếc xe tải và biến mất.

Theo cảnh sát tỉnh Concepcion, những tên tội phạm là thành viên của tổ chức chống chính phủ với tên gọi Quân đội nhân dân Paraguay (EPP) mà nhiều người trong số này là công nhân trang trại. Tính đến tháng 8/2022, tỉnh Concepcion đã ghi nhận 38 vụ cướp với 2.000 con bò, mỗi con trị giá gần 700 USD. Theo ước tính, ngoài Brazil, Argentina, Paraguay thì các quốc gia Mỹ Latin như Mexico, Colombia, Bolivia, Honduras…, hàng năm cũng thiệt hại không dưới vài trăm triệu USD.

Hiện tại, vấn đề chống trộm, cướp gia súc có thể sẽ được cải thiện với đề xuất của Bộ Nông nghiệp Brazil qua việc sử dụng thiết bị điện tử theo dõi vật nuôi. Nếu được thông qua, luật sẽ cho phép áp dụng một cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu gia súc để cảnh sát có thể kiểm tra bằng điện thoại di động nhằm phát hiện những dấu vết bất thường.

Tại Argentina, các quan chức chống tội phạm đã thảo luận về cách thức xét nghiệm AND cho từng con bò nhằm nhanh chóng phát hiện ngay trên đường di chuyển hoặc trong các lò mổ. Ông Guillermo Giovambattista, Giám đốc Viện Thú y di truyền Argentina, đã công bố cách so sánh những mẫu thịt nghi ngờ bị giết mổ trái phép bằng phương pháp đối chiếu ADN. Bên cạnh đó, nó cũng có thể phát hiện những con bò được bán sang các địa phương khác, có phải là bò lừa đảo hoặc trộm cắp hay không, chưa kể nhiều vùng chăn nuôi lớn ở Argentina cũng đã phát hành “bản đồ tội phạm”, trong đó liệt kê những trang trại đã từng bị trộm bò…

Vũ Cao  (Theo Latin America Today)
.
.