Chiêu lừa đảo mới nhắm vào "bà mẹ bỉm sữa"

Thứ Bảy, 29/04/2023, 16:25

Gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lân cận liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên môi trường mạng Internet với thủ đoạn tinh vi.

Nếu như trước đây đối tượng thường yêu cầu bị hại thực hiện các nhiệm vụ hoàn thành đơn hàng để được nhận hoa hồng thì hiện tại các đối tượng đã vẽ ra màn kịch để các bị hại phải bỏ công sức lao động rồi mới nhận tiền thù lao. Điều này khiến không ít người dân mất cảnh giác và sa vào bẫy chúng giăng sẵn...

1.Theo trình báo của chị Nguyễn Thị B. (giáo viên một trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Dương) đầu tháng 4/2023, trong một lần vào mạng xã hội Facebook, chị thấy một fanpage đăng thông báo tuyển cộng tác viên thu âm giọng nói trực tuyến. 

Theo nội dung đăng trên fanpage công ty V-star có nhu cầu tuyển cộng tác viên trên cả nước. Yêu cầu các ứng viên có thời gian rảnh rỗi, có tài khoản ngân hàng, có giọng đọc rõ ràng, truyền cảm... để cộng tác thu âm, lồng tiếng cho các sản phẩm media của công ty. Thu nhập sẽ được tính theo một trang giấy A4, mỗi ngày chỉ cần đọc một vài giờ là sẽ có thể kiếm được hàng trăm ngàn đồng. Trong thời gian nghỉ sinh, thấy công việc có vẻ phù hợp với mình chị B. đã nhắn tin cho fanpage đăng ký ứng tuyển.

Chiêu lừa đảo mới nhắm vào
Nhóm đối tượng dùng thủ đoạn tuyển cộng tác viên online để lừa đảo.

Một đối tượng tên là "Ánh Tuyết" đã kết bạn qua mạng Zalo với chị đồng thời yêu cầu chị thu thử một đoạn trong cuốn "Cây cam ngọt của tôi" và gửi cho Tuyết. Do thường được học sinh khen chị có giọng nói truyền cảm nên chị B. rất tự tin đọc đoạn văn rồi gửi cho đối tượng. Khoảng 10 phút sau, Tuyết nhắn khen chị có giọng đọc tốt và bảo chị muốn làm việc thì điền vào mẫu đăng ký hồ sơ của công ty Saostar media có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Các thông tin bao gồm: họ tên, năm sinh, nghề nghiệp, số điện thoại, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng, tên ngân hàng, chủ tài khoản, mã ứng viên...

Sau khi chị B. điền đủ thông tin thì nhận được một bản PDF khổ A4 có ghi lại thông tin của chị, đồng thời nêu rõ nội dung trong hợp đồng làm việc. Cứ mỗi trang A4 sẽ được nhận khoản thù lao là 200 ngàn đồng, như vậy một tháng ứng viên có thể kiếm được số tiền từ 3 đến 25 triệu đồng. Bên cạnh đó còn rất nhiều phúc lợi được vẽ ra như: Có chế độ thưởng theo KPI làm tốt, xét thưởng theo tháng tùy thuộc sự phát triển của dự án, thưởng lễ tết, lương tháng thứ 13, được tham gia đóng bảo hiểm xã hội 100%... Bản "hợp đồng" này được in chìm logo của công ty.

Sau khi chị B. đồng ý với các điều khoản trong hợp đồng, đối tượng Ánh Tuyết cho biết hệ thống đã xét duyệt thành công hồ sơ đồng thời yêu cầu chị tải phần mềm Telegram để tiếp tục thực hiện công việc. Loay hoay một lúc, chị B. cũng tải xong phần mềm chat Telegram thì được một đối tượng khác tên Minh Hằng add chị vào nhóm cộng tác viên thu âm. Chị được giao thu âm 3 trang trong tiểu thuyết "Rừng Nauy", sau đó gửi lại cho các đối tượng. Sau khi nhận bản thu âm của chị, đối tượng Minh Hằng cho biết do chất lượng bản thu âm chưa tốt lắm nên chị B. chỉ được trả 50 ngàn đồng/trang. Tổng cộng chị B. nhận được số tiền 150 ngàn đồng vào tài khoản.

Dù khoản tiền không đúng như cam kết lúc đầu, song chị B. vẫn rất vui vì cảm thấy tìm được một công việc đúng sở thích và có thể làm tự do, không gò bó. Chị hào hứng tiếp tục xin ghi âm thêm nhiều trang sách nữa. Song, lần này Minh Hằng cho biết ngoài công việc thu âm, công ty yêu cầu các thành viên tham gia đẩy đơn hàng cho nhà tài trợ của công ty.

Để đẩy đơn hàng, chị B. được yêu cầu chuyển khoản số tiền hơn 3 triệu đồng đến tài khoản ngân hàng V. do đối tượng chỉ định. Minh Hằng hứa, sau khi hoàn thành đơn hàng, chị sẽ nhận được khoản hoa hồng là 10%. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản thành công, chị B. nhắn lại cho Minh Hằng thì nhận được lời thông báo chị đã nhắn sai cú pháp, tiền không đến đúng tài khoản nên chưa thể nhận hoa hồng, đồng thời yêu cầu chị thực hiện thêm một đơn nữa, trị giá 15 triệu đồng. Sau khi hoàn thành đơn này thì sẽ nhận lại đầy đủ số tiền và thêm 1,5 triệu tiền hoa hồng. Cả số tiền hơn 3 triệu đồng kia cũng sẽ được "giải phóng".

Các đối tượng "vẽ" ra đủ lý do như: Tin nhắn không đúng cú pháp, hệ thống banking lỗi, nội dung chuyển khoản sai... hết lần này đến lần khác chị B. không nhận số được tiền đơn hàng đã thực hiện. Ngược lại, "đã phóng lao, phải theo lao", chị B. thực hiện các đơn tiếp theo với số tiền nhiều hơn. Như bị “ma xui quỷ khiến”, chị B rút sạch tài khoản tiết kiệm, vay mượn người thân, bạn bè số tiền lên đến vài trăm triệu đồng để thực hiện đẩy các đơn hàng. Song, đồng nào chuyển đi là đồng ấy mất hút, không thấy quay trở lại...

Chiêu lừa đảo mới nhắm vào
Một bị hại trình báo bị lừa đảo thực hiện đơn hàng tại cơ quan công an.

Nếu như chị B. dính bẫy lừa "thu âm lồng tiếng" thì mẹ bỉm sữa P.T.T.T (trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) lại dính chiêu làm cộng tác viên "content media" (tạm hiểu là nội dung truyền thông số). Chị T. chua xót kể lại. Đầu tháng 2/2023, do có nhu cầu làm thêm, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, chị lên mạng tìm hiểu thông tin và gặp một trang tuyển cộng tác viên viết nội dung quảng bá sản phẩm cho công ty. Dưới đó có một số điện thoại cho chị tiếp cận với một thành viên tự xưng là “tư vấn viên Phương Thảo".

Ban đầu đối tượng yêu cầu chị T. viết một đoạn ngắn quảng bá cho sản phẩm trà sữa mới ra, sau đó lập tài khoản Telegram để trao đổi thông tin. Thực hiện xong công việc, chị nhận được số tiền 20 ngàn đồng. Sau đó chị được giới thiệu làm việc với một đối tượng có tên “Nguyễn Anh Tú”. Tú trực tiếp hướng dẫn chị T. kiếm tiền.

Yêu cầu của Tú là chị và các ứng viên khác (có khoảng 10 ứng viên trong một group Telegram) thực hiện 2 công việc: Một là viết content media, hai là đẩy đơn hàng để tạo tương tác sản phẩm, nhằm quảng cáo cho doanh nghiệp. Chị T. được tư vấn viên dẫn dụ bằng nhiệm vụ đẩy đơn hàng để tạo tương tác sản phẩm, lợi nhuận nhận được từ 10-15% trên giá trị đơn hàng. Còn việc viết content media dường như bị "bỏ xó". Bọn chúng cũng bảo làm nhiệm vụ đẩy đơn hàng thù lao gấp cả chục lần viết content, song có điều kiện là chị T. phải nộp tiền trước (tương ứng giá trị sản phẩm) qua số tài khoản do đối tượng cung cấp.

Không để cho chị T. kịp suy nghĩ, các đối tượng yêu cầu chị chuyển khoản số tiền hơn 5 triệu đồng tới tài khoản ngân hàng B. Khi chị thực hiện xong thì không nhận lại được tiền đã chuyển và hoa hồng. Các đối tượng đưa ra một "Thông báo khẩn cấp" cho biết "Hệ thống tất toán thất bại", "tạm thời giam toàn bộ số tiền thành viên"... Bọn chúng tiếp tục yêu cầu chị T. thực hiện các nhiệm vụ mới, “sửa lỗi”, rồi mới nhận lại được tiền. Do lo sợ mất số tiền gốc, chị T. đã làm theo.

Khi chị T. thực hiện xong lệnh chuyển khoản gần 40 triệu đồng thì tiếp tục nhận được thông báo của các đối tượng cho rằng chị soạn tin không đúng cú pháp, điểm tín nhiệm thấp... để "tạm thời giam toàn bộ số tiền thành viên” của chị. Chị T. đã chuyển tổng cộng hơn 100 triệu đồng cho các đối tượng, song khi đòi lại tiền thì cả đối tượng Tú lẫn Thảo đều chặn liên lạc của chị. Chị T. đã làm đơn lên Công an quận Nam Từ Liêm trình báo.

Chiêu lừa đảo mới nhắm vào
Đoạn chat ứng tuyển thu âm lồng tiếng của chị B. với đối tượng lừa đảo.

2.Theo một chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, thời gian qua, Cơ quan công an liên tục nhận được đơn trình báo từ nhiều bị hại, đa phần là các chị em phụ nữ về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tìm việc qua các trang mạng xã hội.

"Công việc" thoạt nghe có vẻ rất nhẹ nhàng, phù hợp với chị em như: Thu âm lồng tiếng, viết content media cho các sản phẩm truyền thông hoặc làm hồ sơ sổ sách kế toán, thậm chí có cả like (thích), share (chia sẻ) các clip trên mạng Facebook, TikTok... Điểm chung trong các vụ việc này là ứng viên ban đầu thực hiện xong một nhiệm vụ thì nhận được số tiền khoảng vài chục đến vài trăm ngàn đồng, có vẻ rất phù hợp với công sức họ bỏ ra.

Tuy nhiên, sau khi "cá đã cắn câu" các đối tượng sẽ dẫn dụ bị hại tham gia thực hiện công việc thứ hai là đẩy đơn hàng để tạo tương tác cho sản phẩm của công ty, nhà tài trợ... Nhiều chị em không tỉnh táo nhận ra cái bẫy ẩn đằng sau nên liên tục chuyển khoản vào số tài khoản mà đối tượng yêu cầu, cứ lần sau nhiều hơn lần trước. Thậm chí, có chị em còn mê muội đến mức thực hiện mấy chục đơn hàng, chuyển cho các đối tượng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng và vẫn định... bán nhà để lấy tiền chuyển tiếp, với mong sẽ nhận lại số tiền đã chuyển và hoa hồng!

Còn theo chỉ huy Công an quận Nam Từ Liêm trong các vụ lừa đảo trên không gian mạng, đối tượng bị lừa đảo đa phần là nữ giới, chủ yếu là những phụ nữ ở nhà làm công việc nội trợ, không có việc làm ổn định, đang chăm con nhỏ... Nhóm “bà mẹ bỉm sữa” này thường nhẹ dạ, cả tin, ham kiếm tiền nhưng lại thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật.

Ban đầu, các “nhiệm vụ” có thể đơn giản, những kẻ lừa đảo sẽ nhanh chóng trả lại khoản tiền thực hiện “nhiệm vụ”, cộng thêm “hoa hồng” để tạo niềm tin... Cứ như thế, việc lừa đảo tiếp diễn theo những vòng tuần hoàn, cho đến khi nạn nhân phát hiện mình bị lừa hoặc không còn khả năng chi trả. Khi đó, kẻ xấu sẽ chặn toàn bộ liên lạc và biến mất. Mà kênh liên lạc chúng sử dụng thường là nền tảng gửi tin nhắn Telegram, có thể tự động xóa toàn bộ lịch sử từ cả hai phía sau khi lừa đảo, không lưu lại bằng chứng và rất khó truy vết tài khoản...

Cơ quan công an khuyến cáo chị em phụ nữ khi sử dụng mạng xã hội nên cảnh giác cao trước những lời chào mời việc làm online, hứa hẹn thu nhập cao mà không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm hay kỹ năng.

Yên Chi
.
.