Cho thuê sim trên mạng xã hội - Lợi bất cập hại
Hiện nay, việc xác thực danh tính qua số điện thoại trở thành yêu cầu bắt buộc trên nhiều nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, thay vì sử dụng số điện thoại cá nhân chính chủ, không ít người đã tìm đến dịch vụ cho thuê sim trên mạng xã hội để lách luật hoặc thực hiện các hành vi mờ ám.
Nở rộ dịch vụ cho thuê sim
Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "thuê sim nhận mã OTP" hay "thuê số điện thoại đăng ký tài khoản" trên các nền tảng như Facebook, Telegram, Zalo, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận hàng trăm dịch vụ cung cấp sim ảo. Chỉ sau vài giây, hàng loạt bài đăng xuất hiện với đủ loại mức giá và dịch vụ đi kèm. Một số trang còn quảng cáo cam kết bảo mật thông tin khách hàng, hỗ trợ 24/7, cho phép thuê SIM theo giờ, ngày, thậm chí theo tháng với nhiều ưu đãi.

Để mục sở thị dịch vụ này, phóng viên có tham gia nhóm có tên “sim rác - cho thuê OTP”. Đây là nhóm khá “hot” hiện nay, với hàng nghìn thành viên tham gia. Tại đây người có nhu cầu thuê sim cũng nhiều, người làm dịch vụ cũng không ít. Khi chúng tôi đăng trạng thái: “Mình cần thuê sim để gửi sms, ai làm dịch vụ nhắn tin cho mình nhé”. Chỉ sau vài phút đăng tải, đã có hàng chục người nhắn tin mời chào dịch vụ này.
Một tài khoản có tên Hoàng Hồng cho biết: “Bên em chuyên cho thuê sim với giá rẻ, chỉ từ 2.000 - 5.000 đồng/lần nhận mã OTP. Nếu chị có nhu cầu, bên em cũng cung cấp sim dùng lâu dài với mức giá 50.000 - 200.000 đồng/tháng tuỳ theo sim đẹp hay xấu”.
Qua tìm hiểu, không chỉ cá nhân nhỏ lẻ, mà các nhóm, tổ chức kinh doanh dịch vụ này cũng mọc lên như nấm sau mưa. Nhiều hội nhóm kín trên Telegram có hàng chục nghìn thành viên chuyên rao bán sim thuê, với các bài đăng cập nhật liên tục mỗi giờ. Một số website còn cung cấp hệ thống tự động, cho phép người dùng chỉ cần nhập dịch vụ cần đăng ký, hệ thống sẽ cấp ngay một số điện thoại ảo để nhận mã OTP.
Đáng chú ý, dịch vụ thuê sim không chỉ giới hạn trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Các trang web thuê sim hỗ trợ hàng trăm đầu số từ nhiều quốc gia, giúp người dùng dễ dàng đăng ký tài khoản ở bất kỳ nền tảng nào mà không cần dùng số điện thoại thật. Việc này tạo điều kiện cho những đối tượng muốn thực hiện hành vi gian lận xuyên biên giới mà không để lại dấu vết.
Anh Hoàng Trung, một người chuyên kinh doanh dịch vụ thuê sim quốc tế, tiết lộ: "Nhiều khách hàng của tôi là dân kinh doanh online, họ cần số điện thoại từ các quốc gia khác để tiếp cận thị trường nước ngoài. Tôi có hệ thống cung cấp sim từ hơn 50 quốc gia, giá thuê mỗi sim tùy thuộc vào khu vực, nhưng trung bình từ 10.000 - 50.000 đồng/lần nhận OTP. Những khách hàng này chủ yếu sử dụng vào mục đích thương mại hợp pháp"
Tuy nhiên, không ít đối tượng đã lợi dụng dịch vụ này để thực hiện hành vi gian lận. Chị Lê Thanh, một chủ dịch vụ thuê sim khác, cho biết: "Tôi có khách thuê sim để lập tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, đăng ký ví điện tử quốc tế hoặc tạo tài khoản thương mại xuyên biên giới. Một số người làm việc nghiêm túc, nhưng tôi cũng từng gặp khách hàng có dấu hiệu đáng ngờ, như thuê số lượng lớn rồi biến mất. Những trường hợp đó, tôi rất cẩn trọng để tránh vướng vào rắc rối pháp lý".
Tuy nhiên, nhiều người kinh doanh dịch vụ thuê sim cũng có những lý do riêng. Anh Nguyễn Văn T. (chủ một dịch vụ cho thuê sim online) chia sẻ: "Nhu cầu thuê sim tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là từ những người làm kinh doanh online, chạy quảng cáo Facebook, Google. Tôi chỉ cung cấp sim phục vụ mục đích chính đáng, còn nếu ai lợi dụng cho việc lừa đảo, tôi không thể kiểm soát được".
Một chủ dịch vụ khác, chị Mai Lan (kinh doanh sim ảo trên Telegram), cho biết: "Mỗi ngày tôi cho thuê hàng trăm sim, khách hàng rất đa dạng, từ người chơi game, người cần tạo tài khoản thử nghiệm đến dân chạy quảng cáo. Đây là một công việc kiếm lời tốt nhưng cũng có rủi ro vì có thể bị kiểm tra, siết chặt quản lý”.
Ngoài ra, nhiều cửa hàng điện thoại, đại lý sim thẻ cũng tham gia vào thị trường này bằng cách bán lại sim kích hoạt sẵn, hoặc trực tiếp cho thuê sim với giá cao hơn. Một số cá nhân còn gom mua sim số lượng lớn từ các nhà mạng, sau đó sử dụng phần mềm tự động để cho thuê hàng loạt.

Bên cạnh những người có nhu cầu thực sự như đăng ký tài khoản mạng xã hội để bảo vệ số cá nhân, không ít kẻ gian đã lợi dụng dịch vụ này để thực hiện các hành vi phi pháp. Những tài khoản được tạo từ sim thuê có thể dễ dàng bị xóa bỏ hoặc mất kiểm soát, khiến cho việc truy vết kẻ gian trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Anh Hoàng Nam (25 tuổi, nhân viên văn phòng trên địa bàn phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thường xuyên cần tạo tài khoản mới để sử dụng các ứng dụng khác nhau, nhưng không muốn dùng số điện thoại cá nhân để tránh bị làm phiền. Dịch vụ thuê sim giúp tôi có số điện thoại tạm thời một cách nhanh chóng và tiết kiệm”.
Tương tự, chị Thanh Huyền (28 tuổi, kinh doanh online) cho biết: "Tôi cần nhiều tài khoản để chạy quảng cáo, nhưng việc mua sim mới khá tốn kém và phiền phức. Thuê sim là giải pháp tiện lợi, tôi chỉ cần trả một khoản nhỏ là có thể sử dụng ngay".
Mặc dù có những lợi ích trước mắt, nhưng không phải ai cũng nhận thức được rủi ro khi thuê sim. Việc mất quyền kiểm soát số thuê bao có thể dẫn đến mất tài khoản, hoặc nghiêm trọng hơn là bị kẻ xấu lợi dụng danh tính để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Hậu quả khôn lường
Sim thuê bên cạnh sử dụng vào những công việc kinh doanh, chơi game thì rất nhiều người sử dụng để tạo tài khoản giả mạo, thực hiện hành vi lừa đảo như vay tiền online, bán hàng đa cấp, chiếm đoạt tài sản.
Anh Lê Minh (35 tuổi, nhân viên IT của Công ty phần mềm Phi Hoàng) kể lại: "Tôi từng bị lừa mất 20 triệu đồng khi mua hàng online từ một tài khoản sử dụng sim thuê. Sau khi chuyển tiền, người bán chặn tôi và tài khoản biến mất. Khi báo Công an, tôi mới biết số điện thoại đăng ký tài khoản kia là sim thuê, không thể truy vết được".
Cùng chung bức xúc, chị Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, tiểu thương) cũng là nạn nhân của một vụ lừa đảo tương tự: "Có người mạo danh nhân viên ngân hàng gọi đến tư vấn khoản vay hấp dẫn, yêu cầu tôi cung cấp mã OTP để nhận tiền. Tôi làm theo và ngay sau đó, tài khoản ngân hàng của tôi bị rút sạch. Khi tra lại số điện thoại kẻ lừa đảo dùng, tôi mới biết đó là sim thuê, không có thông tin chính chủ”.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn lợi dụng sim thuê để tạo tài khoản giả, lừa đảo vay tiền bạn bè trên mạng xã hội, đăng tin tuyển dụng giả để lừa đảo phí đặt cọc hoặc thậm chí tổ chức các đường dây cá độ trực tuyến. Những nạn nhân của các vụ lừa đảo này rất khó đòi lại quyền lợi vì số điện thoại sử dụng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và bị hủy ngay sau khi thực hiện hành vi gian lận.
Nhiều trường hợp sử dụng sim thuê để đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử rồi thực hiện các giao dịch bất hợp pháp. Khi xảy ra tranh chấp, chủ thuê sim có thể bị liên đới trách nhiệm.
Nói về vấn đề này, luật sư Trần Mạnh Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cảnh báo: "Việc sử dụng sim thuê để thực hiện các giao dịch tài chính hoặc đăng ký tài khoản cá nhân có thể khiến người dùng vô tình trở thành đồng phạm trong các vụ án lừa đảo. Nếu tài khoản do sim thuê mở ra bị lợi dụng để rửa tiền, lừa đảo hoặc tài trợ cho các hoạt động phi pháp, người thuê sim có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Mặc dù Bộ Thông tin & Truyền thông đã có nhiều biện pháp để siết chặt quản lý thuê bao di động, nhưng việc cho thuê sim vẫn diễn ra tràn lan. Sim rác, sim đăng ký sẵn thông tin nhưng không chính chủ vẫn được giao dịch công khai, tạo điều kiện cho các hoạt động phi pháp.
Vừa qua Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm tiến hành kiểm tra, xử lý 05 đối tượng về hành vi “Bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho sim thuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung”. Cơ quan chức năng đã thu giữ tổng số hơn 15.600 sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động. Đáng chú ý, qua các vụ việc này, lực lượng Công an đã phát hiện có hơn 900 sim các loại đã bị sử dụng với mục đích vi phạm pháp luật.
Mặc dù cơ quan chức năng đã có những biện pháp mạnh mẽ trong công tác rà soát, xử lý đối với các sim rác nhưng thực tế cho thấy lượng sim rác trôi nổi trên thị trường vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Tuy số tiền thu lợi từ hoạt động mua bán sim rác không lớn (chỉ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/giao dịch) nhưng các đối tượng có thể giao dịch, lưu thông ra ngoài thị trường vài trăm đến hàng nghìn sim rác. Điều này gây ra hệ lụy không hề nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ để các đối tượng sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân không mua sim thuê bao đã kích hoạt sẵn. Khi mua và sử dụng những sim loại này, người dùng sẽ không được pháp luật bảo vệ trong trường hợp phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện về dịch vụ.
Các trường hợp mua bán, sử dụng sim rác để sử dụng cho bất kỳ mục đích gì đều vi phạm pháp luật, và có thể bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 7 điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ. Người dân khi phát hiện tổ chức, cá nhân kinh doanh sim rác, sim không chính chủ cần chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan Công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, đại diện Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết: "Chúng tôi đang tiếp tục triển khai các biện pháp mạnh nhằm kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký và sử dụng sim điện thoại. Các nhà mạng cần chịu trách nhiệm trong việc xác minh thông tin thuê bao, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Để hạn chế tình trạng này, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn trong việc kiểm soát thuê bao di động, xử lý nghiêm hành vi cung cấp dịch vụ thuê sim trái phép. Đồng thời, người dùng cũng cần nâng cao nhận thức, tránh tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật.
Từ năm 2023 đến nay, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, 100% sim thuê bao di động đã được đối soát. Tuy nhiên, tình trạng sim không chính chủ vẫn còn tồn tại, gây khó khăn trong việc xác định chính xác người sử dụng dịch vụ, dù thông tin đăng ký đã đầy đủ theo quy định. Nhằm xử lý triệt để sim "rác" và ngăn chặn những hệ lụy tiêu cực, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhà mạng yêu cầu người dân chủ động kiểm tra, đảm bảo sim đang sử dụng là chính chủ, đồng thời không để thông tin cá nhân bị lợi dụng để kích hoạt sim trái phép. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp viễn thông và xử lý nghiêm các trường hợp sim có thông tin không đúng quy định.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến sim "rác", Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới của doanh nghiệp viễn thông có vi phạm. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sim "rác", sim không chính chủ, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và áp dụng biện pháp xử lý nghiêm minh.