Cho vay đáo hạn ngân hàng, góp vốn kinh doanh: Chiêu thức cũ, nạn nhân mới

Thứ Bảy, 27/05/2023, 14:15

Để có số tiền nhiều tỷ đồng cho các đối tượng lừa đảo vay, đã không ít người phải đi “cắm” sổ đỏ nhà cửa tại ngân hàng hoặc huy động vốn từ người thân, bạn bè… Để rồi hôm nay, khi các đối tượng lừa đảo vướng vòng lao lý thì những người cho vay tiền bỗng dưng trở thành con nợ.

Sau liên tiếp nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn này xảy ra, Công an đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên các bị hại vẫn tiếp tục sập bẫy “lừa đảo”.

Nhiều người bị lừa hàng chục tỷ đồng vì tin mác “cán bộ”

Cuối tháng 5/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an Thừa Thiên - Huế vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với cặp vợ chồng 8X Dương Thị Mỹ Linh (SN 1987) và Nguyễn Xuân Anh Dũng (1986, trú 38A Trần Lư, phường An Tây, TP Huế) khi số đơn của các bị hại tiếp tục tăng lên. Trước đó, giữa năm 2022, nhiều người dân ở  Thừa Thiên - Huế gửi đơn đến cơ quan Công an Thừa Thiên - Huế tố cáo Dương Thị Mỹ Linh vay của họ hàng chục tỷ đồng nhưng không trả như thỏa thuận ban đầu.

lu-dao2.jpg -0
Cơ quan điều tra đọc lệnh khởi tố đối với Nguyễn Xuân Anh Dũng

Theo đơn tố cáo của bà L.T.T.T (trú đường Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, TP Huế), Dương Thị Mỹ Linh cùng chồng là Nguyễn Xuân Anh Dũng (thời điểm xảy ra vụ án là cán bộ Nhà nước) đã vay mượn của bà T. nhiều lần và chiếm đoạt hơn 4,1 tỷ đồng; trong đó có hơn 3,1 tỷ đồng Linh và Dũng mượn để đáo hạn ngân hàng. Theo bà T., tháng 5/2022, bà có về nhà Dũng và Linh để nói chuyện về khoản tiền vay mượn thì bị hành hung gây tổn hại sức khỏe cũng như tinh thần. Trước hành vi trên của Linh và Dũng, bà T. làm đơn tố cáo gửi Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Hơn 1 năm nay, bà P.T.C (trú phường Phú Hiệp, TP Huế) đứng ngồi không yên khi số tiền hơn 2,1 tỷ đồng cho Linh vay mượn vẫn chưa lấy lại được. Dù đã nhiều lần nhắn tin, thậm chí vào tận nhà để đòi nợ, nhưng hết lần này sang lần khác, Linh - Dũng chỉ hứa hẹn mà không trả. Bà C. cho biết, vốn là bạn bè từ nhỏ và ở cùng xóm cũ nên có lần, Linh ghé nhà bà C. chơi và kể chuyện vợ chồng Linh chuyên cho vay cầm cố nhiều tài sản có giá trị như xe ô tô, sổ đỏ… cho người khác.

Bà C. tin tưởng rằng, chồng Linh đang công tác tại một cơ quan Nhà nước có uy tín nên cho Linh vay 540 triệu đồng. Số tiền này Linh cam kết trả lại cho bà C. trong vòng từ 15 - 30 ngày. Tuy nhiên đến hạn trả, Linh xin khất thêm 3 tháng sẽ trả cả vốn lẫn lãi. Tiếp đó, Linh mượn thêm bà C. nhiều lần với tổng số tiền lên đến hơn 2,1 tỷ đồng và cam kết sẽ hoàn trả toàn bộ sau 3 tháng, trong đó có 700 triệu đồng do chồng của Linh đứng ra ký giấy đảm bảo. Tuy nhiên, sau khi mượn tiền dù đã quá hạn rất lâu nhưng vợ chồng Linh - Dũng vẫn không trả…

Tương tự, bà L.T.K.N (trú TP Huế) cũng bị Linh lừa số tiền 2,4 tỷ đồng. Theo bà N., nhìn bên ngoài Linh lúc nào cũng ăn diện sành điệu, tỏ ra giàu có, rồi Linh giới thiệu chuyên đi cho mọi người vay để làm đáo hạn ngân hàng nên thường chỉ cần tiền trong thời gian vài ba tuần. Bên cạnh đó, chồng Linh làm cán bộ Nhà nước nên nhìn cái “mác” này khiến bà N. rất yên tâm. Không ngờ, sau khi gom góp được 2,4 tỷ đồng đưa cho Linh mượn thì bà N. đã bị Linh “xù”.

Ngoài những nạn nhân trên, rất nhiều người dân khác cũng đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan Công an về việc vợ chồng Linh - Dũng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, điển hình bà N.T.K.N (trú đường Trần Quang Khải, TP Huế) tố bị lừa đảo 1,5 tỷ đồng; ông V.Q.V (trú đường Phan Đăng Lưu, TP Huế) tố bị lừa hơn 2,8 tỷ đồng; bà N.T.Đ (trú đường Nguyễn Du, TP Huế) tố bị lừa hơn 1,4 tỷ đồng… Theo đơn tố cáo của các bị hại, thông qua mối quan hệ bạn bè, người thân, vợ chồng Dũng - Linh đã vay mượn tiền của họ rồi chiếm đoạt.

Cho vay đáo hạn ngân hàng, góp vốn kinh doanh: Chiêu thức cũ, nạn nhân mới -0
Đến cuối tháng 5/2023, Dương Thị Mỹ Linh bị các bị hại tố giác lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 20 tỷ đồng

Lúc vay mượn tiền, Dũng và Linh thường lấy lý do cần tiền để đáo hạn ngân hàng, mua bất động sản…; đồng thời, cam kết trả nợ đúng hạn nhưng sau đó không thực hiện. Để tạo lòng tin, Linh thường gửi ảnh chụp các tài sản khách hàng cầm cố như ôtô, sổ đỏ… gửi cho một số bị hại xem.

Sau khi nhận được đơn tố giác của nhiều người dân về việc vợ chồng Dũng - Linh vay mượn hàng chục tỷ đồng nhưng không trả, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vào cuộc điều tra làm rõ. Trước các chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Thị Mỹ Linh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tiếp tục mở rộng điều tra, khoảng hơn 2 tháng sau, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Xuân Anh Dũng để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định, trong số những người cho vợ chồng Linh - Dũng vay tiền có 4 người dân khi cho vợ chồng Linh Dương vay với số tiền 6,2 tỷ đồng đã có chữ ký xác nhận của Dũng là sẽ chịu trách nhiệm và hứa sẽ trả lại số tiền đã mượn. Tuy nhiên, khi người vợ “tuyên bố” rằng, số tiền vay mượn được đã không còn thì người chồng đã không thể giữ đúng lời hứa.

Đổ nợ sau khi cho vay tiền

Theo một nguồn tin của PV Báo CAND, sau khi hai vợ chồng Linh - Dũng lần lượt bị khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đến cuối tháng 5/2023, số tiền mà các bị hại tố cáo cặp vợ chồng trẻ này lừa đảo đến cơ quan Công an đã lên đến hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, bị hại cho vay nhiều nhất là trên 4 tỷ đồng, người cho vay ít nhất là 300 triệu đồng… Số tiền cho vay này chỉ diễn ra trong thời gian khoảng 1 năm khiến các bị hại hoài nghi số tiền lớn như thế đã được Linh - Dũng sử dụng vào mục đích gì trong thời gian ngắn.

Cho vay đáo hạn ngân hàng, góp vốn kinh doanh: Chiêu thức cũ, nạn nhân mới -0
Các bị hại gửi đơn tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với vợ chồng Dương Thị Mỹ Linh - Nguyễn Xuân Anh Dũng

Theo phản ánh của một số bị hại, để có tiền tỷ cho vợ chồng Linh - Dũng vay, họ phải đi vay mượn lại chị em, người thân và thậm chí có người thế chấp sổ đỏ ngân hàng nhà mình đang ở để vay nhằm cho vay lại để hưởng chênh lệch, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.

“Khi vay tiền, Linh hứa với tôi em chỉ vay đúng 3 tháng. Sau khi làm giấy tờ xong, em sẽ gửi lại chị cả vốn lẫn lãi. Lúc này, tôi có cuốn sổ tiết kiệm 500 triệu đồng nên theo đề nghị của Linh, tôi phải vay mượn thêm người thân, bạn bè cho đủ số tiền hơn 2 tỷ đồng để đưa cho Linh.

Sau khi cho Linh mượn tiền, tôi mong chờ từng ngày để đủ 3 tháng mà lấy tiền từ Linh rồi trả lại cho bạn bè, người thân. Nhưng không ngờ, chờ hoài, chờ mãi vẫn không thấy Linh trả lại tiền. Hơn 1 năm nay, bạn bè, người thân cho tôi vay mượn tiền nhiều lần thúc tôi trả lại tiền cho họ nhưng tôi không biết lấy đâu ra tiền. Cũng vì chuyện này, không ít lần vợ chồng tôi mâu thuẫn, bởi lúc cho Linh vay mượn tiền tôi không hề nói với chồng mình”, một bị hại kể.

Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định, do cần tiền nên Linh đưa ra nhiều lý do gian dối, là chuyên cầm cố sổ đỏ, cho vay làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng, mua bán bất động sản… nhằm mục đích để vay mượn tiền của nhiều người. Số tiền sau khi vay mượn được, phần lớn Linh sử dụng để tiêu xài, một phần lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước.

Theo cơ quan điều tra, thời gian gần đây, tình trạng một số đối tượng lợi dụng việc vay mượn tiền để đáo hạn ngân hàng, mua đất, huy động vốn rồi chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng và cả nước nói chung đã gây mất trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Hậu quả, những người cho vay tiền đã trở thành con nợ, trong đó có nhiều trường hợp rất bi đát khi đành bán nhà trả nợ, phải rời quê đến nơi khác lập nghiệp, vợ chồng mâu thuẫn… Còn các đối tượng lừa đảo thì vướng vào vòng lao lý.

Trước tình hình đó, cơ quan điều tra  ở Thừa Thiên - Huế đã xử lý nghiêm các đối tượng nhằm răn đe, phòng ngừa. Điển hình là Trần Thị Như Ý (SN 1985, trú phường Phước Vĩnh, TP Huế, Thừa Thiên -Huế) đang chấp hành án “Chung thân” về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo hồ sơ vụ án, Trần Thị Như Ý mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán mặt hàng đồ dùng cho trẻ em. Đến cuối năm 2017 thì bị thua lỗ, mất vốn và không có tiền trả nợ cho một số người nên Ý đã nảy ra ý định dùng nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo người khác.

Ý nói với mọi người là mình đang làm ăn, kinh doanh thu được nhiều lợi nhuận, nhưng cho việc mở rộng, kinh doanh thêm nhiều mặt hàng khác như: có đường dây mua bán hàng điện tử xuất khẩu qua nước Lào, mua hàng khuyến mại đồ dùng gia đình, mua bán đất đai nên cần số vốn lớn.  Ý đã nói dối với mọi người thân quen cho Ý vay tiền trả lãi theo thỏa thuận hoặc góp vốn để kinh doanh mua bán rồi chia lợi nhuận trong thời gian ngắn. Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2019, Trần Thị Như Ý đã dùng thủ đoạn gian dối đưa ra những thông tin không đúng sự thật để các bị hại ở Thừa Thiên - Huế tin tưởng là thật và giao tiền cho Ý.

Cơ quan điều tra xác định, Ý đã chiếm đoạt của các bị hại với tổng số tiền 44 tỷ đồng. Trong đó, chiếm đoạt của chị N.T.S.L số tiền hơn 6,9 tỷ đồng, chị N.T.X. hơn 4,3 tỷ đồng, chị T.T.M.M 14,3 tỷ đồng; chị N.TK.T 4,1 tỷ đồng… Số tiền chiếm đoạt được Ý lấy tiền trả nợ cho người khác, cho chính những người Ý vay tiền và sử dụng vào mục đích cá nhân. Đến nay, các bị hại vẫn chưa được Ý trả lại đồng nào.

Tương tự, cuối năm 2022, Nguyễn Thị Hồng (SN 1974, trú phường Phường Đúc, TP Huế, Thừa Thiên - Huế) cũng bị TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế tuyên án chung thân sau khi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 37,5 tỷ đồng của 4 bị hại… Theo hồ sơ vụ án, Hồng là tiểu thương, mua bán thịt bò, thịt heo tại chợ đầu mối Phú Hậu (TP Huế).

Đồng thời, Hồng còn tổ chức ghi số đề và giữ lại để ăn thua với người chơi hoặc chuyển cho nhà cái khác để hưởng hoa hồng nhưng đều bị thua, không có khả năng chi trả cho người chơi. Do thua lỗ, bể nợ nên Hồng nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hồng nói dối với mọi người là cần vay tiền góp vốn để mua heo, bò, dê ở huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) để bán lại cho khách tại: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Nội và đầu tư thêm trang trại chăn nuôi gia súc, mua đất đai…

Hồng nói các bị hại góp tiền với mình để mua hàng hóa và bán đi, lợi nhuận sẽ chia nhau. Hồng đưa ra mức vay với lãi suất mức 3.000 đồng/ ngày/ 1 triệu đồng và mức 5.000 đồng/ ngày/ 1 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tiền lấy được, Hồng chiếm đoạt để sử dụng cá nhân, để tiếp tục đánh bạc…

Qua phân tích của một cán bộ điều tra viên, qua các vụ án trên cho thấy, cả người vay và cho vay đều có mối quan hệ quen biết và từng có thời gian làm ăn với nhau. Các đối tượng vay mượn thường tạo lòng tin với bị hại bằng vỏ bọc có nhà lầu, xe hơi hoặc cửa hàng kinh doanh lớn hoặc “nổ” là mua bán bất động sản, cho vay đáo hạn ngân hàng….

Khi vay tiền, đối tượng chấp nhận chi trả khoản tiền hoa hồng cao. Thậm chí, để các nạn nhân tin tưởng cho vay tiền, các đối tượng sẵn sàng trả tiền lãi trước. Tuy nhiên, sau khi đã huy động được số tiền lớn, các đối tượng tìm cách trì hoãn, bỏ trốn rồi sau đó “công bố” không có khả năng chi trả. Điều đáng nói là khi các nạn nhân tố giác, qua xem xét hồ sơ, cơ quan Công an nhận thấy hầu hết hợp đồng cho vay đều bằng giấy thỏa thuận viết tay giữa hai bên, không có tài sản thế chấp để đảm bảo.

Theo khuyến cáo của cơ quan Công an, để tránh “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo, người dân cần nâng cao cảnh giác và nên đầu tư vào các tổ chức tín dụng hợp pháp. Trường hợp cho vay mượn tiền thì phải có hợp đồng công chứng và tài sản thế chấp theo luật định.

Hải Lan
.
.