Click nhầm một đường link, mất bay tiền tỉ
Thời gian gần đây, Bảo hiểm xã hội cùng các cơ quan Công an liên tục phát cảnh báo tới người dân, đề phòng tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng thông qua hình thức thông báo “hỗ trợ nhận bảo hiểm thất nghiệp”. Đây không phải là hình thức lừa đảo mới song với chiêu lừa “độc”, đánh vào tâm lý chờ nhận tiền hỗ trợ, nhiều người vẫn rơi vào chiếc bẫy lừa do các đối tượng tội phạm giăng ra.
Mất tiền oan vì tin nhắn hỗ trợ thất nghiệp
Ngày 23-11, chị Nguyễn Thị Nhung (Hà Nội) nhận được tin nhắn từ số máy lạ với nội dung “Ong (Ba) da du dieu k!en NHAN TIEN ho tro tu quy BHTN. Bam vao www.hxkgh.icu de lay QUA_HAN SE KHONG_DUOC CHAP NHAN! j660”.
Bình thường chị Nhung sẽ bỏ qua những tin nhắn lạ như vậy, nhưng vì chị cũng đang làm hồ sơ để hưởng hỗ trợ thất nghiệp do dịch COVID-19 theo lời mách của bạn bè nên chị đã cẩn thận copy đường link ra máy tính và đăng nhập. Trong lúc chờ mật khẩu từ ứng dụng, chị đọc được tin nhắn trên. Vì thấy nội dung tin nhắn liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp nên chị không nghi ngờ và làm theo hướng dẫn. Đường link này dẫn đến một trang web có giao diện thiết kế tương tự với ứng dụng “Smart Banking” của ngân hàng mà chị Nhung đang dùng. Trang web này yêu cầu người dùng đăng nhập tài khoản để tiến hành các bước tiếp theo.
“Sau khi đăng nhập, trang web này yêu cầu tôi cung cấp mã OTP vừa được tổng đài ngân hàng chuyển về. Tôi vừa nhập xong thì tài khoản của tôi bay luôn 5 triệu đồng. Tôi cũng đã cảnh giác rồi nhưng cuối cùng vẫn mất tiền oan vì dại dột làm theo tin nhắn”, chị Nhung bức xúc cho biết. Vì số tiền nhỏ nên chị Nhung không trình báo Công an mà coi như là vận đen trong tháng của mình.
Tỉnh táo hơn chị Nhung, anh Nguyễn Tiến Thọ (Nam Định) cũng đang làm hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp từ Bảo hiểm xã hội nên khi nhận được cuộc gọi từ đầu số lạ yêu cầu làm theo hướng dẫn để nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp anh chỉ ậm ừ cho qua rồi tắt máy. Khi nhận được tin nhắn, anh cũng đoán là lừa đảo nên nhanh chóng xóa luôn đề phòng click nhầm vào đường link số lạ gửi lại bay mất cả tài khoản. “Trên điện thoại tôi cài rất nhiều ứng dụng như ngân hàng, chứng khoán, coin… Chẳng may lỡ tay kích nhầm mà bị hack hết tài khoản thì chết đói cả nhà. Dù nghỉ việc hơn 3 tháng nay nhưng công ty cũ của tôi đã làm danh sách những lao động bị nghỉ việc như tôi được hưởng trợ cấp. Hồ sơ mới được trình lên và đang chờ phê duyệt vì thế không có chuyện vừa mới làm đã nhận được tiền ngay, chắc chắn chỉ có lừa đảo”, anh Thọ cho biết.
Thế nhưng không phải ai cũng khôn ngoan, tỉnh táo như anh Thọ. Việc thất nghiệp lâu ngày, lại gặp khó khăn trong cuộc sống do dịch bệnh nên nhiều nạn nhân khi nhận được tin nhắn như thế đều nghĩ rằng mình được quan tâm, hỗ trợ, dù ít hay nhiều thì số tiền trợ cấp đều đáng quý, vì thế họ nhanh chóng làm theo hướng dẫn từ tin nhắn và mất tiền oan vì những kẻ lừa đảo.
Mới đây, một nạn nhân ở TP Hồ Chí Minh cũng bị lừa mất hơn 600 triệu đồng với tin nhắn tương tự. Câu chuyện của chị được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, trở thành bài học cảnh báo cho nhiều người.
Do ít tiếp xúc với công nghệ thông tin cũng như các phương tiện đại chúng, kèm với việc đã thất nghiệp nhiều tháng qua, nên người phụ nữ này nhanh chóng làm theo hướng dẫn từ tin nhắn. Sau khi kích vào đường dẫn, link này sẽ nhanh chóng chuyển người truy cập đến giao diện của một trang web được thiết kế gần giống với ứng dụng “Smart Banking” của ngân hàng BIDV, yêu cầu người dùng đăng nhập tài khoản.
Vừa hoàn thành đăng nhập, đường link này yêu cầu chị N. tiếp tục cung cấp OTP vừa được tổng đài ngân hàng chuyển về. “Thấy giao diện thiết kế giống với ứng dụng của ngân hàng nên tôi làm theo mà không đề phòng, kể cả việc nhập mã OTP khi được yêu cầu”, chị N. cho biết. Thực hiện xong yêu cầu của đường dẫn chứa mã độc, chỉ trong chưa đầy 5 phút, số tiền hơn 600 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của chị N. nhanh chóng bị kẻ gian đánh cắp.
Cả 2 lần chiếm đoạt tiền trong tài khoản diễn ra trong vòng 30 giây. Lần đầu tiên các đối tượng giấu mặt đã lấy đi số tiền 499.900.000 đồng và lần tiếp theo là số tiền 126.000.000 đồng. Tổng cộng số tiền nằm trong tài khoản ngân hàng BIDV của chị N. bị đánh cắp là 625.900.000 đồng.
Tá hỏa vì bị đánh mất số tiền khủng, khổ chủ đã phải nhờ tới ngân hàng khóa gấp tài khoản và nhanh chóng trình báo sự việc đến Công an quận Bình Thạnh (nơi chị N. đăng ký mở tài khoản).
Ngày 26-11-2021, anh Đ.C.T., trú tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh trình báo về việc bị một đối tượng giả danh trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, gọi điện cho anh thông báo về việc nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Sau đó, đối tượng gửi một tin nhắn vào điện thoại di động anh T. với nội dung: “Bạn đã đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp”, kèm một đường link, yêu cầu anh T. truy cập và khai báo tài khoản ngân hàng qua đường link do đối tượng cung cấp.
Khi anh T. nhấn vào đường link trên điện thoại di động, xuất hiện một trang web giả mạo của Ngân hàng BIDV. Tiếp đến, anh T. điền thông tin cá nhân, tài khoản và mật khẩu ngân hàng rồi nhấn đăng nhập. Sau đó, trang web giả này tiếp tục yêu cầu anh gửi mã OTP. Khi anh T. gửi mã OTP, chỉ chưa đầy 2 phút, số tiền gần 2 tỷ đồng của anh có trong tài khoản ngân hàng đã bị rút toàn bộ.
Cảnh giác với những số máy và tin nhắn lạ
Thời gian gần đây, Bảo hiểm xã hội cùng các cơ quan Công an liên tục phát cảnh báo tới người dân, đề phòng tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng thông qua hình thức thông báo “hỗ trợ nhận bảo hiểm thất nghiệp”.
Đây không phải là hình thức lừa đảo mới song với chiêu lừa “độc”, đánh vào tâm lý chờ nhận tiền hỗ trợ, nhiều người vẫn rơi vào chiếc bẫy lừa do các đối tượng tội phạm giăng ra. Các đối tượng thường sử dụng các đầu số +84563…; +84528…; +84582… để giả mạo thông báo của Bảo hiểm xã hội.
Ngoài việc nhắn tin qua tin nhắn SMS, các đối tượng lừa đảo còn nhắn tin qua mạng xã hội Zalo. Khi người dân mất cảnh giác, đăng nhập vào các đường link lừa đảo trên sẽ hiển thị giao diện giao dịch giống với trang giao dịch điện tử của các ngân hàng phổ biến, sau đó các giao diện này sẽ yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng để chiếm dụng tiền trong tài khoản của người dân.
Bên cạnh đó, hiện nay cũng bắt đầu xuất hiện các số điện thoại có đầu số +4841900.... gọi điện trực tiếp yêu cầu người dân làm theo hướng dẫn để nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Thủ đoạn này thường đánh vào tâm lý người nghe, hướng dẫn kê khai tài sản, chiếm đoạt tiền có trong tài khoản ngân hàng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị người dân khi nhận được các tin nhắn như trên cần nâng cao cảnh giác, hoặc thông báo đến số hotline của Bảo hiểm xã hội Việt Nam 1900.9068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Tổ chức này cũng cảnh báo không nên tin bất kỳ tin nhắn nào được gửi đến nếu tên hiển thị của người gửi không rõ ràng.
Cụ thể, tin nhắn chính thức từ cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ có chữ “BHXHVN” hoặc “BHXH HA NOI” (các địa phương khác trên toàn quốc sẽ có tên tương tự như BHXH Hà Nội) hiển thị tại phần số điện thoại của người gửi tin nhắn.
Tại Bảo hiểm xã hội TP HCM, đầu số tin nhắn đúng sẽ là BHXH TPHCM.
Hiện nay, các thông tin trực tuyến hỗ trợ người lao động tra cứu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm: Cổng thông tin điện tử: https://baohiemxahoi.gov.vn (đã được gán nhãn tín nhiệm mạng). Ứng dụng VssID. Bảo hiểm xã hội số. Địa chỉ thư điện tử: thongbao@baohiemxahoi.gov.vn. Nhắn tin qua tổng đài số: 8079 (người dùng dịch vụ sẽ trả phí dịch vụ tin nhắn cho nhà mạng). Tin nhắn brandname (thương hiệu) của Bảo hiểm xã hội Việt Nam với tên: BHXHVN. Số điện thoại hotline: 1900.9068. Cổng dịch vụ công: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn (đã được gán nhãn tín nhiệm mạng).
Để tra cứu thông tin hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, người lao động truy cập vào dịch vụ tra cứu trên Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo đường link:https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/cong-khai-thong-tin-huong-ho-tro-theo-nghi-quyet-so-116nqcp.aspx. Sau đó, nhập “Mã số BHXH”, “Họ tên” rồi tích chọn “Tôi không phải là người máy”, chọn hình ảnh trả lời rồi nhấn “Tra cứu”.
Bảo hiểm xã hội cũng thông tin, thời gian nhận đề nghị nhận hỗ trợ của người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là đến ngày 20-12-2021.
Vì vậy, người lao động tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không nhấp chuột vào bất kỳ đường dẫn nào, nếu không sẽ có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị hack tài khoản chiếm đoạt tiền.