Có một thị trường chợ đen chip bán dẫn
Một vấn đề được các chính trị gia Mỹ liên tục bàn tới trong thời gian gần đây là lệnh cấm vận xuất khẩu chip điện tử sang Nga và Trung Quốc. Kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Washington D.C. duy trì lệnh cấm các nhà sản xuất chip như Intel và Nvidia xuất khẩu những sản phẩm tốt nhất của họ sang Nga và Trung Quốc. Nhìn ngoài thì lệnh cấm này có vẻ đang phát huy tác dụng, nhưng trên thực tế nó chỉ làm dấy lên “thị trường chợ đen” chuyên buôn lậu chip xuyên biên giới.
“Vắng mợ chợ vẫn đông”
Những ngày huy hoàng của khu Hoa Cường Bắc tại thành phố Thẩm Quyến (Quảng Đông, Trung Quốc) đã qua rồi. Từng có thời du khách trong và ngoài nước đổ đến Hoa Cường Bắc để mua đồ điện tử. Khi đó đó trung tâm thương mại SEG Plaza ở Hoa Cường Bắc được mệnh danh là “chợ điện tử lớn nhất thế giới”. Vậy nhưng bệnh dịch, nền kinh tế trì trệ, và những lệnh cấm vận đã khiến Hoa Cường Bắc trở nên đìu hiu hơn hẳn. Điều này tuy vậy là điều kiện lý tưởng để những kẻ buôn lậu hoạt động bí mật.
Pantheon Lab là một công ty khởi nghiệp tại Hong Kong (Trung Quốc) chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI). Nhà đồng sáng lập Pantheon là Ivan Lau bật mí với phóng viên hãng tin Reuters: “Chúng tôi đang thương lượng với hai đối tác ở Thẩm Quyến để mua 4 card màn hình VGA Nvidia A100. Họ ra giá 19.150 USD cho mỗi card, mà còn nói thẳng là sẽ không có hậu mãi. Họ có ra giá gấp đôi thì chúng tôi vẫn phải chịu.”
Giữa lúc ngành công nghệ AI đang trải qua giai đoạn phát triển năng động thì Mỹ lại ra lệnh cấm xuất khẩu sang Trung Quốc những loại chip như Nvidia A100 và H100 rất cần cho việc xây dựng AI. Mục tiêu chính của Washington D.C. là “chặt chân” ngành công nghiệp AI Trung Quốc và duy trì thế độc tôn của Mỹ. Các doanh nghiệp AI Trung Quốc do vậy không còn cách nào khác ngoài tìm đến “chợ đen” để mua chip.
Phóng viên hãng tin Reuters đã liên lạc được với 10 công ty và cá nhân khác nhau ở Hoa Cường Bắc đang bán những con chip Nvidia A100, H100 nhập lậu. Mức giá trung bình họ đưa ra rơi vào khoảng 150.000 HKD (gần 20.000 USD) cao gấp đôi giá bán bình thường của các sản phẩm trên. Ra giá “cắt cổ” như vậy nhưng người bán luôn ở trong trạng thái “cháy hàng” vì nhu cầu thị trường quá lớn. Khách hàng của họ đa số là các nhà phát triển phần mềm, nhà nghiên cứu hay game thủ chuyên nghiệp.
Không chỉ những loại chip cao cấp nhất mới “cháy hàng”. Để tránh những lệnh trừng phạt của Mỹ, Nvidia đã phát triển một số sản phẩm có chất lượng, công dụng kém hơn để xuất khẩu riêng sang thị trường Trung Quốc, tiêu biểu là hai mẫu chip A800 và H800. Vậy nhưng những lô hàng chip Nvidia vừa cập cảng Trung Quốc đã bị mua hết bởi các tập đoàn lớn như Tencent và Alibaba. Điều này chỉ càng thúc đẩy sự phát triển của “thị trường chip chợ đen”.
Việc buôn lậu chip Mỹ không chỉ dừng lại tại Trung Quốc. Kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã cấm các doanh nghiệp nước này xuất khẩu chip và một số linh kiện điện tử khác sang Nga. Lý do được đưa ra là Mỹ muốn ngăn cản hoạt động của ngành sản xuất vũ khí của Nga. Vậy nhưng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy lệnh cấm vận trên đã đạt kết quả như kỳ vọng.
Tờ Nikkei gần đây đã điều tra ra một công ty công nghệ Ấn Độ mang tên Export Genius trở thành bình phong cho những kẻ buôn lậu chip Mỹ. Trong năm tài khóa 2022, Export Genius đã mua số chip tổng cộng 570 triệu USD từ các nhà sản xuất tại Mỹ như Intel, AMD, Texas Instruments,... 75% số chip này sẽ được chuyển đến Trung Quốc đại lục hoặc Hong Kong, sau đó tìm đường sang Nga. Quá trình vận chuyển cuối cùng sang Nga được đảm nhận bởi một số doanh nghiệp nhỏ có dấu hiệu là công ty “ma”.
Một cá thể kinh doanh khác tham gia buôn lậu chip là công ty DEXP International ở Hong Kong (Trung Quốc). Khách hàng lớn nhất của DEXP là tập đoàn bán lẻ linh kiện Atlas của Nga. Ước tính kể từ khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận, DEXP đã bàn giao cho Atlas số chip trị giá 49 triệu USD. Chưa hết, một cổ đông lớn của DEXP là một cá nhân quốc tịch Nga có quan hệ họ hàng với tỷ phú Dmitry Alekseev, nhà sáng lập và ông chủ của Atlas.
Viện Tài chính quốc tế (Mỹ) ước tính giá trị linh kiện bán dẫn nhập khẩu vào Nga đã tăng 36% trong 3 quý đầu năm 2022. Nhà nghiên cứu Junichi Nishiyama giải thích: “Chất lượng linh kiện bán dẫn quyết định chất lượng của bất kỳ hệ thống tên lửa nào... Cứ nhìn vào những linh kiện Nga đang nhập khẩu mạnh cũng có thể thấy ngành công nghiệp vũ khi của họ đang đặt trọng tâm vào đâu: vi xử lý của Intel và AMD, chip FPGA của Xilink (công ty con của AMD), chip xử lý tín hiệu radio của Qorvo. Đây đều là các bộ phận tối quan trọng để sản xuất tên lửa”.
Phát ngôn viên của Nvidia tuyên bố: “Nếu chúng tôi nhận được thông tin tố cáo đối tác đã vi phạm các quy định cấm vận, chúng tôi sẽ có hành động phản kháng lại ngay”. Các công ty sản xuất linh kiện điện tử của Mỹ khác cũng đưa ra những tuyên bố tương tự và cho biết họ đang tìm cách rà soát điều tra một số đối tác ở Đông Á của họ. Sự thật là rất khó để các công ty Mỹ làm được việc này.
Muôn hình vạn trạng
Những kẻ buôn lậu có hai phương thức chính để mua gom chip từ Mỹ: tìm kiếm các doanh nghiệp nước thứ ba muốn thanh lý số vi xử lý cũ, thừa của họ; và lập ra những doanh nghiệp bình phong ở Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore. Lấy một công ty Hong Kong mang tên Agu Information Technology làm ví dụ. Agu là một nhà nhập khẩu linh kiện điện tử tự quảng cáo là đối tác của Intel và Samsung. Trong 3 tháng cuối năm 2022, Agu đã bán cho tập đoàn sản xuất thiết bị Mistral của Nga 600.000 CPU Intel với giá trị hợp đồng lên tới 18,7 triệu USD.
Vấn đề Agu không hề tồn tại. Phóng viên Nikkei đã đến tận địa chỉ Agu đăng ký là trụ sở. Họ phát hiện ra rằng địa chỉ đó chỉ là một căn hộ không có người ở. Các cá nhân lãnh đạo Agu ghi trong hồ sơ của chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) thì hoặc là tên giả, hoặc là những người chưa hề sống ở đây. Chưa hết, Agu mới chỉ được thành lập vào tháng 4 năm 2022.
Phát ngôn viên của Intel trả lời phóng viên Nikkei: “Trong hồ sơ giao dịch của chúng tôi chưa bao giờ xuất hiện cái tên Agu Information Technology... Intel gần như không bao giờ giao dịch trực tiếp với các công ty mới được thành lập dưới 5 năm vì chúng tôi muốn bảo đảm đối tác có đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu về quản lý kho hàng, vận chuyển, hậu mãi, v.v...”.
Ông Benjamin Kostrzewa, cựu quan chức Văn phòng đại diện thương mại của Bộ Thương mại Mỹ và nay là luật sư ở Hong Kong (Trung Quốc), giải thích: “Mỗi nhà sản xuất chip lớn thường có dưới 20 đối tác chuyên phân phối sản phẩm của họ. Việc kiểm soát Intel hay AMD bán chip trực tiếp cho ai không phải là chuyện khó. Vấn đề nằm ở chỗ kiểm soát những đối tác kia bán chip cho ai. Từ trước đến nay ngành buôn bán vi xử lý không có thói quen rà soát khách hàng và lưu giữ hồ sơ giao dịch kỹ lưỡng. Phía trung gian sẵn sàng bán cho bất kỳ ai có tiền... Kể cả khi bạn có đóng cửa được một công ty bình phong thì sẽ lại có mười công ty bình phong mới được lập nên”.
Liệu có hồi kết?
Các sàn thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba, Xiaohongshu và Douyin hiện vẫn đang rao bán các sản phẩm chip cao cấp của Intel, AMD, Nvidia, v.v... Nhưng theo giáo sư kinh tế Vinci Chow tại Đại học Hong Kong thì nhiều sản phẩm rao bán trên mạng là hàng giả: “Việc kiểm soát chất lượng hàng bán trên các sàn giao dịch điện tử chưa bao giờ thật sự là tốt. Lại cộng với việc nguồn cung khan hiếm giữa lúc nhu cầu tăng mạnh đã gây ra sự “bùng nổ” của kỹ nghệ “làm giả” chip. Những kẻ lừa đảo xóa logo, nhãn hiệu in trên vi xử lý rồi in nhãn mới lên. Phải đến khi khách hàng lắp chip vào máy sử dụng thì mới biết mình bị lừa”.
Ngoài chất lượng sản phẩm không đảm bảo, một yếu tố khác có thể khiến thị trường chip “lậu” suy yếu là tình hình kinh tế trong và ngoài Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Charlie Chai tại công ty phân tích thị trường 86Research (Thượng Hải) nhận xét: “Các công ty nghiên cứu AI đang mọc lên nhanh như “nấm sau mưa”. Vấn đề là sau vài năm nữa khi mà vốn ban đầu của họ cạn giữa lúc nền kinh tế Trung Quốc và thế giới vẫn ở trạng thái bấp bênh. Khi đó sẽ còn bao nhiêu công ty khởi nghiệp tồn tại? Họ chắc chắn sẽ phải thanh lý số chip mình đã mua, từ đó đẩy giá thị trường xuống sâu. Tôi khuyên bất kỳ người mua nào lúc này nên “găm” tiền lại chờ đến khi nguồn cung chip cũ tăng”.
Về phần mình chính phủ Mỹ cũng đang tìm mọi cách để ngăn chặn những đối tượng buôn lậu chip. Bộ Thương mại Mỹ mới đây đã ra lệnh cấm vận với một số công ty buôn bán linh kiện điện tử ở Trung Quốc, trong đó có tập đoàn Sinno Electronics, vì “vi phạm các quy định cấm vận áp đặt với Nga”. Mặt khác Washington cũng đang thúc đẩy các thành viên khác của liên minh cấm vận GECC như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v... thắt chặt kiểm soát các lô hàng linh kiện điện tử xuất khẩu sang Trung Quốc và Nga.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là Mỹ và các nước đồng minh dám làm cùng tới đâu? Nhà nghiên cứu Diederik Cops của Viện Hòa bình Bỉ nhận xét: “Toàn cầu hóa đã khiến các quốc gia phụ thuộc vào nhau rất nhiều kể cả khi họ cạnh tranh với nhau. Mỹ chỉ muốn cấm vận Bắc Kinh đến chừng nào lệnh cấm không gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên dây chuyền sản xuất đồ điện tử ở Trung Quốc. Washington sợ làm tổn hại lợi ích kinh tế của các tập đoàn bán dẫn lớn, nhất là khi kỳ bầu cử sắp đến gần như thế này... Không phải đồng minh nào của Mỹ cũng muốn cắt đứt mọi hoạt động giao thương giữa họ và Nga như Washington muốn. Rất có thể chúng ta sẽ thấy chính quyền các nước này có những động thái thương lượng kín đáo với Nga vì lợi ích kinh tế của họ”.