Có một "thị trường ngầm" sách giả, sách lậu
Vấn nạn sách giả, sách lậu đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các nhà xuất bản và các tác giả. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ nhiều năm qua đã có một thị trường ngầm sách giả, sách lậu tồn tại song song với sách thật, với những món lợi kếch sù cho đầu nậu...
"Một vốn mười lời"
Sau khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) phối hợp với Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây in, gia công, tiêu thụ sách giáo khoa giả có quy mô cực lớn ở Hà Nội, thu giữ hơn 3 triệu cuốn sách giáo khoa thành phẩm giả, thì câu hỏi được dư luận đặt ra lâu nay là, vì sao sách lậu, sách giả vẫn ngang nhiên tồn tại đã được trả lời. Đó là có sự bảo kê của một số cán bộ Quản lý thị trường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn TP Hà Nội cũng như một số TP lớn hiện có đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả, sách lậu quy mô khá lớn. Núp bóng các công ty TNHH, các đầu nậu dùng những thủ đoạn tinh vi để "bán giấy ăn tiền", thu lợi nhuận cực "khủng".
Long, một "trùm sách lậu" hiện đã giải nghệ, hiện điều hành một tiệm photocopy lớn. Từng được biết đến là một trong những "tay to" trong làng sách lậu, không hiểu sao anh ta đã "rửa tay gác kiếm" để trở về cái nghề lương thiện này.
Nhắc đến chữ "lương thiện", Long cười bảo: "Ngoài công việc chính là photocopy, cửa hàng của tôi vẫn thi thoảng in vài chục cuốn sách lậu cho cái đám mọt sách ở Hà Nội và các tỉnh thành khác. Số lượng in chỉ vài chục cuốn nên chả ai thèm “sờ gáy” làm gì. Hơn nữa, những cuốn sách tôi làm đều thuộc dạng "dị" nên cũng ít người biết".
Dẫn tôi đến tủ kính đựng chật những sách, Long kể tiếp. Đây là số sách tôi đang in cho một nhóm chơi sách, họ gọi là sách "phiên bản". Nghĩa là những cuốn sách quý hiếm được in tại Sài Gòn từ trước năm 1975, hoặc những cuốn mà nhà xuất bản không tái bản trên thị trường nữa (vì nhu cầu ít). Ví dụ như những cuốn thuộc "Tủ sách Tuổi hoa", bộ "Tam Quốc Chí"; "Đông Chu Liệt Quốc"... in trước năm 1975; hay cuốn "Tuyển tập Kawabata Yasunari" do Trung tâm văn hóa Đông Tây phát hành. Những cuốn sách này do chính các độc giả mang đến, đề nghị Long "tái bản" giúp vài chục cuốn cho anh em trong nhóm. Việc này cũng chỉ như lấy công làm lãi thôi, vì in theo kiểu thủ công, số lượng vài chục bản nên cũng chẳng thấy ai “sờ gáy” bao giờ.
Chuyển sang "vấn nạn" sách lậu đang hoành hành, gây bức xúc cho các nhà xuất bản cũng như dư luận, Long tỏ ra rất am hiểu. Nếu như cách đây 10-15 năm, công nghệ sản xuất sách lậu còn khá thủ công, lạc hậu - thì nay đã tiến bộ "vượt bậc". Trước đây, muốn ra một cuốn sách thì ngoài máy in, đầu nậu phải có chế bản điện tử, hoặc bản in phim... Muốn có chế bản điện tử thì thường phải dùng máy scan, hoặc dùng phần mềm convert lại bản chụp các trang sách; công phu hơn thì gõ lại bằng tay. Do công nghệ còn lạc hậu nên sách in lậu trước đây thường bị nhòe, mờ; nhìn kỹ thấy có răng cưa ở chữ... Vậy mà đã trở thành một món béo bở để nhiều “tay to” nhảy vào.
Còn hiện nay, công nghệ máy móc đã đạt trình độ "thượng thừa". Chủ xưởng có thể đầu tư những máy scan với độ nét siêu hạng, so với bản in thật thì tỷ lệ cỡ “một 9,5 một 10”, bạn đọc bình thường rất khó có thể phát hiện ra. Cùng với máy in màu xịn sò thì việc làm giả SGK trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, các phần mềm chuyển từ file ảnh chụp sang văn bản tiếng Việt cũng rất xuất sắc, độ chính xác lên tới 99%. Các loại máy móc như máy cắt, xén, vào keo, vào bìa, gấp tay sách hiện đại... cũng giúp cho các công đoạn sản xuất trở nên vô cùng đơn giản. Minh chứng là đã có những cuốn tiểu thuyết mới ra lò hôm nay, thì ngay hôm sau trên thị trường sách lậu cũng có luôn.
Theo một chủ xưởng in kiêm đầu nậu tên B thì: "Đến các loại tiền vào loại khó làm giả nhất như đô la Mỹ hay đồng Euro... chỉ cần có máy xịn là làm giả được, thì việc in sách chỉ là "muỗi". Vấn đề là tiêu thụ được nhiều, và phải có người giúp để tránh bị phát hiện".
Mặc dù công nghệ sản xuất sách giả, sách lậu đã rất hiện đại, song để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, đầu nậu thường sẽ tách mỗi công đoạn ở một nơi khác nhau. Chế bản một nơi, in ruột một nơi, bìa ở chỗ khác. Và kho hàng cũng ở một địa điểm bí mật, không ai biết ngoài chủ xưởng. Từ đó, sách giả, sách in nối bản cứ thế mà được tuồn ra thị trường.
Sở dĩ sách giả, sách lậu ngày một phát triển bởi mối lợi quá lớn của nó. Với các nhà xuất bản, muốn ra một cuốn sách phải trải qua rất nhiều khâu như mua bản quyền, xin giấy phép, biên tập, chế bản... song với sách lậu thì chỉ mất tiền giấy và công in. Số này chỉ chiếm 10-20% giá bìa. Bởi vậy một vốn bốn lời có lẽ vẫn còn là ít đối với các đầu nậu. Trong vụ sách giả của Công ty Phú Hưng Phát, cơ quan chức năng tạm tính, với số lượng hơn 3 triệu cuốn sách mà công ty này dự định tung ra thị trường thì số tiền thu về lên tới khoảng 50 tỷ đồng. Vì thế nói làm sách giả, sách lậu là... bán giấy ăn tiền là không hề quá.
Một điều khiến cho sách lậu hoành hành thời gian qua bởi nó được sự tiếp tay của nhiều nhà sách cũng như cá nhân bán sách trên mạng Internet. Trước kia sách lậu được trà trộn vào các tiệm sách cũ ở đường Láng, phố Đinh Lễ, đường Phạm Văn Đồng... (Hà Nội) thì nay sách lậu ngang nhiên lên các nhà sách online, các website thương mại điện tử lớn. Ở các website này, chủ shop sẽ đưa thông tin và hình ảnh là những cuốn sách thật, song khi sách đến tay bạn đọc thì rất có thể là sách lậu. Vì quá giống (hoặc là sách thật khi được in nối bản) độc giả không thể phát hiện ra được thật - giả. Và lúc này chỉ các nhà xuất bản và những tác giả/dịch giả là thiệt hại nặng nề.
Có lẽ, đã đến lúc cần có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để xử lý việc in lậu và kinh doanh các sản phẩm từ in lậu, bảo đảm đủ sức răn đe.
Hoạt động in lậu có quy mô và tính chất ngày càng phức tạp
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, trong những năm qua, hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép (gọi chung là in lậu) diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp.
Đáng lo ngại nhất là vì lợi nhuận cao, nhiều cơ sở dù không có giấy phép in xuất bản phẩm, nhưng vẫn tham gia in nhiều đầu sách theo sự móc ngoặc với đối tượng in lậu. Có nhiều vụ, các lực lượng chức năng thu hàng tấn sách lậu, nhưng để phát hiện ra nơi in sách lậu lại là một vấn đề hết sức khó khăn, bởi có sự móc ngoặc khá chặt chẽ và tinh vi giữa đối tượng chủ mưu, cầm đầu với cơ sở in.
Bên cạnh đó, lợi dụng kẽ hở trong việc liên doanh, liên kết xuất bản giữa các tổ chức, cá nhân với nhà xuất bản, đối tượng cầm đầu, chủ mưu thực hiện hoặc móc nối với cán bộ của nhà xuất bản trong việc in và phát hành sách lậu.
Để ứng phó với vấn nạn này, thời gian qua, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương và các Đội liên ngành phòng, chống in lậu địa phương ngày càng phối hợp chặt chẽ, có những cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở photocopy, qua đó phát hiện cơ sở vi phạm. Một số địa phương có kết quả nổi bật về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm những năm gần đây là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định...
Tuy nhiên, để công tác phòng, chống in lậu đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, góp phần tạo nên sự ổn định và phát triển chung của toàn ngành, đại diện Bộ TT&TT cho rằng, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương cần đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình, diễn biến của các loại vi phạm pháp luật trong hoạt động in, kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin tới các Đội liên ngành và nghiên cứu, hình thành phương án phòng, chống in lậu hiệu quả.
Ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các chủ thể tham gia hoạt động in, photocopy, phát hành, các Sở TT&TT, Đội liên ngành, Cục Quản lý thị trường ở địa phương và các cơ quan liên quan cũng cần đẩy mạnh công tác trinh sát địa bàn, nắm tình hình, diễn biến của các cơ sở in, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đột suất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động in, nhất là các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.