Coi chừng cạm bẫy trúng thưởng
Những cuộc gọi thông báo trúng thưởng, những phần quà hấp dẫn “từ trên trời rơi xuống”... Chiêu trò không mới, nó đã được cảnh báo rất nhiều từ cơ quan chức năng, nhưng vẫn có hàng ngàn người “lọt” vào tấm lưới lừa đảo được giăng mắc trong mọi ngõ ngách của đời sống thường nhật. Vì sao vậy?
“Miếng pho mát trong bẫy chuột”
Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân đã và đang xảy ra trên khắp cả nước. Trước khi thực hiện phi vụ lừa đảo bằng chiêu thức trúng thưởng, đối tượng đã có trong tay danh sách “con mồi” với đầy đủ thông tin về tên tuổi, chỗ ở, quê quán… đã từng mua hàng hóa gì của cửa hàng nào, vào ngày tháng năm nào? Bởi thế trong rất nhiều trường hợp, mặc dù là cuộc gọi lạ, nhưng vì bên kia cung cấp các dữ liệu quá đúng nên người nghe tin tưởng, không chút hoài nghi. Và thế là...
Vào một ngày đẹp trời đầu tháng 4-2022, bà Lê Thị Thanh N., ngụ phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh nhận được cuộc gọi từ số máy lạ giới thiệu là nhân viên của công ty điện tử Tosiba. Nhân viên nói rõ, ngày tháng năm nào bà N. từng mua một chiếc máy giặt hiệu Tosiba từ cửa hàng Điện máy xanh.
Món hàng bà N. mua được tích 4.500 điểm thưởng, bà N. chỉ còn thiếu 500 điểm tích lũy nữa là đủ điểm trúng thưởng một chiếc tủ lạnh hiệu Tosiba có giá 18 triệu đồng. Bà N. hỏi làm sao để có 500 điểm tích lũy, thì nhân viên nhanh nhảu hướng dẫn bà N. chỉ mua thêm một chiếc máy sấy tóc, một nồi cơm điện với giá 5 triệu đồng từ công ty là đủ điều kiện tham gia nhận thưởng. Vừa mua hàng, vừa được nhận thưởng cao, bà N. vui vẻ đồng ý tham gia.
Nhân viên xin lại địa chỉ của bà N. để chuyển hàng qua bưu điện. Hai ngày sau, bà N. nhận được hàng, thanh toán đủ. Các món hàng của bà N. mua rất bình thường, chất lượng cũng bình thường, được bán ngoài lề đường vỉa hè tràn lan. Máy sấy tóc chỉ có giá 90 ngàn đồng, nồi cơm điện mini có giá khoảng 750 ngàn nhưng bà N. phải mua với giá “cắt cổ” chỉ để đổi lấy "phiếu trúng thưởng tủ lạnh" giời ơi đất hỡi nào đó.
Nhận hàng xong, bà N. gọi điện vào số điện thoại của cô nhân viên hôm nọ tư vấn cho mình thì không gọi được, họ đã chặn số điện thoại của bà N. ngay khi bà thanh toán xong món hàng. Bà N. ôm “cục tức” vào người, không biết phải trút giận vào ai. Bà N. gọi lên số đường dây nóng của công ty Tosiba, họ trả lời công ty không có chương trình nào khuyến mãi tích điểm thưởng tặng máy lạnh. Bà đã bị lừa.
Tương tự bà N., ông Nguyễn Phú C., ngụ xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh cũng nhận được cuộc gọi từ nhân viên công ty điện tử Samsung. Bằng cách nào đó, họ biết được thông tin cách đây 3 tháng ông C. mua một chiếc tivi hiệu Samsung từ cửa hàng Điện máy xanh. Nhân viên thông báo, điểm tích lũy của ông C. là 4.000 điểm, chỉ cần thêm 1.000 điểm nữa là đủ cho một phần thưởng tri ân khách hàng là chiếc xe máy SH trị giá 120 triệu đồng, với điều kiện, ông C. sẽ phải mua thêm hàng để cộng điểm.
Ông C. đã không một chút hoài nghi, hỏi rất cặn kẽ việc trúng thưởng, nhận quà ra sao. Nhân viên nhiệt tình “tâm sự” cùng ông. Sau cùng để thêm sự gắn kết nhân viên liền "xin nhận con nuôi", nói "sắp tới công ty sẽ mở cửa hàng ở khu vực đó, sẽ tạo điều kiện để nhận người nhà của cô chú, bác... vào làm việc nếu có nhu cầu". Liền sau đó, nhân viên nối máy cho ông C. gặp một chuyên gia của công ty để tư vấn thêm. Chuyên gia nói trên trời dưới đất, khuyên nên tích điểm để nhận quà vì “một năm mới có một cơ hội lớn”. Mặt khác, vừa tích điểm lại vừa có thêm đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, đằng nào cũng phải sắm, suy đi tính lại cũng không mất mát gì.
Còn thiếu 1.000 điểm, ông C. phải mua 10 triệu đồng tiền hàng hóa thì mới đủ. Nhân viên tư vấn ông C. quạt điện, nồi cơm điện, bình siêu tốc, nồi áp suất… với giá 10 triệu đồng cho những món hàng kể trên. Nhận hàng, ông C. giao đủ tiền và hào hứng gọi cho nhân viên cung cấp mã số tích điểm để mong nhanh chóng nhận xe máy. Tuy nhiên, cũng như bao cuộc gọi lừa đảo khác, số thuê bao đã bị chặn. Ông C. gọi đến các số trước đó, đều không một lời hồi âm. Quá bức xúc, ông cầm đơn hàng ra siêu thị Điện máy xanh hỏi cho ra lẽ, thì mới té ngửa, không hề có chương trình trúng thưởng nào và cũng không có chuyện tích đủ 5.000 điểm sẽ được thưởng xe máy như thế.
Đây là chiêu thức mà các đối tượng sử dụng, dù nó rất cũ, nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy. Sau khi nhận hàng, nạn nhân không thể trả lại đồ gia dụng vừa nhận về, vì địa chỉ ghi trên bao bì đều là giả. Ngoài ra, hàng cũng chẳng thể sử dụng vì toàn là đồ trôi nổi, thậm chí bị hỏng.
Theo cơ quan công an, nguyên nhân chủ yếu do nhiều người dân hám lợi, cả tin vào lời dụ dỗ "là khách hàng may mắn" của nhóm lừa đảo, nhưng không ngờ đó chỉ là "miếng pho mát trong bẫy chuột".
Xóa sổ đường dây lừa đảo trúng thưởng quy mô lớn
Ngày 22-4, Công an TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an quận 7, TP Hồ Chí Minh đã triệt phá thành công một đường dây chuyên lừa đảo qua điện thoại bằng hình thức thông báo trúng thưởng. Đây là đường dây lừa đảo có quy mô lớn, nhiều nạn nhân trên cả nước bị chúng lừa chiếm đoạt số tiền lên gần đến 30 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trường hợp bà N.T.S. (sinh năm 1971, trú khối 4, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) bị dụ dỗ chuyển tiền 80 lần với tổng số tiền hơn 822 triệu đồng.
Tiếp nhận thông tin, Công an TP Hà Tĩnh đã xác minh, điều tra thu thập thông tin. Quá trình điều tra, lực lượng công an đã gặp rất nhiều khó khăn vì tất cả số điện thoại sử dụng liên hệ với nạn nhân đều là sim rác trôi nổi trên thị trường.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 22-4, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Tĩnh đã phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 7 tiến hành triệu tập đối tượng Nguyễn Văn Hiếu (SN 1983, trú phường 4, quận 4, TP Hồ Chí Minh) cùng 10 đối tượng liên quan. Khám xét nơi ở các đối tượng, công an thu giữ được 21 điện thoại bàn có gắn sim, 1 máy in, 1 máy tính xách tay, 1 thẻ ATM cùng nhiều tài liệu liên quan.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Nguyễn Văn Hiếu đã thừa nhận tất cả hành vi phạm tội của mình. Hiếu khai, từ năm 2020 đến nay, đối tượng đã thuê nhà tại quận 7 để hoạt động lừa đảo.
Để che giấu hành vi, bên ngoài Hiếu đăng ký kinh doanh mua bán trà sâm đóng gói và mỹ phẩm, đồng thời thuê hơn 10 nhân viên cùng hoạt động làm việc. Hiếu đã lên mạng xã hội Facebook mua sẵn các sản phẩm đồ gia dụng giá rẻ như nồi cơm điện, máy sấy tóc, đồ trang sức rồi chào mời khách mua hàng với giá “trên trời”.
Hiếu chỉ đạo nhân viên gọi điện dụ dỗ, lừa khách hàng trúng thưởng xe máy, tivi, tủ lạnh nhưng thiếu một số điểm tích lũy, yêu cầu mua các mặt hàng gia dụng trên để đủ điểm được nhận thưởng.
Khi có hàng hóa và dữ liệu của khách hàng, dưới vỏ bọc của một giám đốc công ty đa ngành, Hiếu tuyển 16 nam nữ nhân viên thuộc nhiều lứa tuổi, trả lương mỗi tháng 4-5 triệu đồng, chia 1-2% tiền "hoa hồng" theo đơn hàng bán ra.
Các thành viên làm việc, sinh hoạt tập trung trong căn nhà ba tầng ở Quận 7. Tại các phòng làm việc, một kịch bản lừa đảo được Hiếu soạn sẵn rồi in ra dán trên tường để mọi người cùng đọc theo.
Khi gọi điện, thành viên của Hiếu xưng là nhân viên công ty điện máy, chúc mừng chủ nhân đã may mắn trúng thưởng xe máy, tivi, tủ lạnh, máy giặt... sau đó lấy lý do là khách hàng còn thiếu điểm số tích lũy lĩnh thưởng. Để đạt yêu cầu, cần phải mua thêm các sản phẩm đồ gia dụng do công ty sản xuất như máy sấy tóc, quạt điện, nồi cơm điện… giá mỗi combo sản phẩm từ 5-10 triệu đồng tùy loại, tương ứng với số điểm còn thiếu. Mua càng nhiều hàng thì càng sớm tích lũy đủ điểm, hoàn tất các thủ tục giải thưởng sẽ gửi về nhà.
Một ngày, Hiếu yêu cầu nhân viên gọi điện cho khoảng 15-20 số điện thoại, nếu cảm thấy "con mồi" đã "cắn câu", chúng liên lạc giục mua hàng, cảm thấy không thể lừa thì lập tức chuyển hướng. Trên bản danh sách dữ liệu cá nhân, nếu nạn nhân "mắc bẫy" rồi thì sẽ được đánh dấu tích đỏ để tránh bị trùng.
Nhân viên của đường dây phân ra nhiều vai, khách hàng nào do dự thì vài phút sau, một người khác sẽ đóng giả là "cố vấn" hoặc "trợ lý pháp luật", gọi điện thuyết phục trong hàng chục phút, khuyên nên mua hàng tích điểm. Lừa xong một người, cả nhóm sẽ ghi vào sổ để cuối tháng Hiếu chấm công.
Bóc gỡ thành công vụ án, các trinh sát phải đóng nhiều vai để nắm quy luật hoạt động của chúng. Theo cán bộ điều tra, trên không gian mạng, manh mối ban đầu gần như là con số không, ban chuyên án phải dò tìm từ những chi tiết nhỏ nhất và tưởng như không liên quan để cho ra manh mối với xác suất tương đối. Ngoài ra, một số nạn nhân vì tâm lý xấu hổ, không hợp tác cũng khiến việc phá án gặp nhiều trở ngại.
Cơ quan điều tra xác định, từ khi hoạt động vào năm 2020 đến thời điểm bị xóa sổ, Hiếu cùng đồng phạm đã lừa hàng nghìn người trên cả nước. Tính riêng 6 tháng gần nhất, tiền chiếm đoạt bất chính hơn 30 tỷ đồng.
Trước tình trạng lừa đảo qua điện thoại ngày một phức tạp, tinh vi, Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh đã thường xuyên cung cấp thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tin nhắn SMS để cảnh báo những phương thức, thủ đoạn lừa đảochiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Ngày 12-4 vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát thông báo đến người dân cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản được các đối tượng sử dụng phổ biến như: Giả danh cơ quan tư pháp yêu cầu bị hại chuyển tiền để chứng minh sự trong sạch; Làm quen trên mạng xã hội, sau đó gửi quà tặng và yêu cầu đóng các loại phí để nhận quà; Đề nghị nâng cấp sim điện thoại; Lừa đảo qua sàn ngoại hối, tiền ảo…
Công an TP. Hồ Chí Minh đề nghị người dân nâng cao ý thức cảnh giác với loại tội phạm này, nếu phát hiện hoạt động loại tội phạm trên thì nhanh chóng trình báo cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời hỗ trợ, xử lý theo quy định.