Coi chừng sập bẫy “cò” du học

Chủ Nhật, 31/07/2022, 18:58

Thực tế, du học chưa bao giờ là màu hồng trong viễn cảnh như mơ của nhiều học sinh cũng như các bậc cha mẹ. Trong số những người thành tài ở trời Tây, có không ít nạn nhân mắc bẫy du học, trở về tay trắng hoặc “tiền mất tật mang”...

Những nạn nhân của “Cò” du học

Thụy Sĩ vốn nổi tiếng về chuyên ngành quản lý khách sạn, du lịch, ngân hàng... nên thu hút nhiều du học sinh. Nhưng, Chính phủ Thụy Sĩ từng lên tiếng cảnh báo tình trạng lừa bịp trong lĩnh vực này. Có trường quảng cáo tiêu chuẩn châu Âu nhưng thật ra các trường này chẳng được công nhận bởi chính nhà nước Thụy Sĩ nên họ mua danh tiếng của các trường ở nước khác (rất dễ dàng, bằng cách đóng thuế) để núp bóng. Nhiều học sinh đã vỡ mộng ở trời Tây, trở về tay trắng, thậm chí bị lừa tiền khi còn chưa kịp lên máy bay.

Học xong lớp 12, Lê Quang T., ngụ Bình Dương mong muốn được đi Thụy Sĩ theo đuổi ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Thể theo nguyện vọng của con trai, ông Lê Quang P. cũng quyết tâm đầu tư cho con du học châu Âu.

Coi chừng sập bẫy “cò” du học -0
Chọn đúng người, đúng địa chỉ uy tín và tin cậy thì con đường du học sẽ mang lại thành công, hứa hẹn tương lai tốt đẹp.

Ông P. lên mạng tìm kiếm thông tin về du học Thụy Sĩ, có hàng trăm đầu mối lựa chọn nên ông càng rối, không biết chọn dịch vụ nào vừa uy tín lại vừa giá rẻ. Để có thêm kênh tham khảo, ông P. đăng thông tin lên mạng xã hội, hy vọng gặp được mối lái uy tín. Ngay lập tức, các đầu mối nhảy vào nhắn tin với ông, tự xưng là nơi chuyên tổ chức du học, bao thầu trọn gói thủ tục, giá cả rất cạnh tranh. Sau một hồi sàng lọc, cuối cùng ông P. cũng chọn được một đối tác làm dịch vụ giới thiệu là Hoàng, từng là du học sinh Thụy Sĩ, nay là trưởng nhóm phát triển thị trường Việt Nam về lĩnh vực du lịch và du học. Hoàng cho biết, anh ta là cựu du học sinh Thụy Sĩ 5 năm chuyên ngành quản lý khách sạn, nhà hàng nên hiểu và nắm được các thủ tục hồ sơ cũng như trường nào tốt, uy tín của Thụy Sĩ để tư vấn cho con em Việt Nam. Hoàng khoe đã có thêm quốc tịch Canada và có nhà cửa đàng hoàng bên đó nên khi con em Việt Nam sang, Hoàng sẽ giang tay giúp đỡ bằng tình đồng bào thắm thiết.

Những câu chuyện của Hoàng nhanh chóng đánh gục ông P., khiến ông vui mừng khôn xiết, thầm nghĩ đến con đường du học của con trai sẽ hanh thông và tốt đẹp nhất. Trước khi gặp trực tiếp, Hoàng yêu cầu ông chuyển toàn bộ thông tin cá nhân của con trai để Hoàng nắm được còn tư vấn kỹ lưỡng. Một tuần sau, Hoàng chat với ông P. nói đang mắc kẹt bên Canada chưa về Việt Nam được nên đã chuyển hồ sơ của cháu T. cho phó trưởng nhóm ở Việt Nam trực tiếp tư vấn và làm việc với gia đình.

Một số điện thoại lạ gọi cho ông P. xưng là Hiền, cũng là cựu du học sinh trời Tây. Hiền hẹn gặp ông để nhận hồ sơ tại một quán cà phê ở TP Thủ Đức. Tại đây, Hiền nói một bài như Hoàng, vẽ ra viễn cảnh màu hồng ở đất Thụy Sĩ. Hiền quảng cáo, từ Thụy Sĩ, sinh viên có thể chuyển tiếp đến các nước châu Âu mà không cần visa. Con trai ông P. sẽ đi khắp châu Âu để làm việc hoặc muốn nhập tịch nước nào đều được.

Cuộc gặp diễn ra thành công, Hiền yêu cầu ông P. đóng 10 triệu tiền tạm ứng hồ sơ hẹn một tuần sau sẽ sắp xếp mời hai cha con đến công ty phỏng vấn. Về giá cho hồ sơ du học, Hiền cho biết khoảng 300 triệu đồng là trọn gói, không phát sinh gì thêm. Ông P. rút tiền đóng ngay tại quán cà phê, không biên lai, không có bất kỳ chữ ký xác nhận nào. Trở về nhà, ông hào hứng kể cho vợ con nghe về cuộc gặp với “chuyên gia du học”. Một tuần sau, Hiền gọi điện hẹn ông P. đến công ty ở Q.1, TP Hồ Chí Minh để làm việc. Khi ông đến thì được một nhân viên tiếp đón và giới thiệu là bộ phận chăm sóc khách hàng. Ông hỏi thăm Hiền thì nhân viên nói, Hiền là đối tác tìm khách cho công ty, khi nào công ty ký hợp đồng thành công sẽ trả tiền hoa hồng cho Hiền.

Ông P. hỏi về khoản thu 10 triệu lệ phí, nhân viên bảo tiền này do Hiền tự thu để chi phí đi lại, xăng xe, không phải phí do công ty đưa ra. Rồi, cậu Hoàng, Việt kiều Canada thì sao? Nhân viên chăm sóc khách hàng ngạc nhiên, trả lời ở đây không có Việt kiều nào tên Hoàng cả.

Ông P. hỏi về thủ tục hồ sơ du học, công ty cam kết sẽ hỗ trợ nhưng giá trọn gói không thể là con số 300 triệu. Một điều nữa như dội gáo nước lạnh vào đầu ông P., rằng Thụy Sĩ không nằm trong Liên minh châu Âu. Muốn sang các nước châu Âu khác, bất kỳ một công dân mang quốc tịch Việt Nam nào cũng phải xin visa. Những lời “chuyên gia” Hiền quảng cáo chỉ là trò mị nhằm dẫn dụ niềm tin của khách hàng. Ông P. gọi cho Hiền nhưng cô ta không nghe máy, nhắn tin cho Hoàng thì được trấn an, bình tĩnh, không sao, đợi cậu ta về Việt Nam sẽ nói chuyện.

Ông P. cho biết, trong quá trình tìm kiếm đường đi cho con du học, ông đã gặp nhiều đối tượng lừa đảo, dưới mác chuyên gia du học hoặc cựu du học sinh. Thực chất, đây là “cò” du học, chuyên tìm kiếm khách hàng, môi giới cho các công ty dịch vụ du học để kiếm hoa hồng. Nhiều “cò” bẩn, biết việc môi giới không thành sẽ ăn chặn ngay khi tiếp cận nạn nhân, theo hình thức “phí tạm ứng hồ sơ”.

Bi đát hơn hoàn cảnh của ông P. là trường hợp con gái bà Lê Thị Minh T., ngụ Q.12, TP Hồ Chí Minh. Cách đây 2 năm, bà T. bỏ ra số tiền 600 triệu đồng cho con gái du học Thụy Sĩ. Chuyến đi thành công, việc học cũng xong rồi nhưng khi ra trường mới vỡ lẽ tấm bằng không được Chính phủ Thụy Sĩ công nhận, ít lâu sau thì ngôi trường tuyên bố phá sản.

Con gái bà T. vỡ mộng, xem như 2 năm trời miệt mài đèn sách ở xứ người công cốc, trở về vạch xuất phát. Hiện, cô phải trở về Việt Nam do hết hạn visa và ôm một khoản nợ ngân hàng 500 triệu cho chuyến du học. Bà T. cho biết, hiện nay có rất nhiều con đường khác nhau để du học, chỉ cần có tiền là đi được nhưng nếu không tìm hiểu kỹ lưỡng về ngôi trường cho con học, về ngành nghề khi ra trường thì sẽ thất bại. Các công ty du học không chịu trách nhiệm đầu ra cho du học sinh. 

Giấc mơ trời Tây

Ngày 21-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thị Nhung tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh tiếp nhận đơn tố giác về tội phạm của công dân tố cáo Nhung và ông Đỗ Thế Hòa - Giám đốc Công ty Nguyên Hòa có hành vi lừa đảo chiếm đoạt trên 710 triệu đồng, thông qua hình thức tổ chức du học nước ngoài trái phép.

Coi chừng sập bẫy “cò” du học -0
Con gái bà T. sau 2 năm du học trời Tây trở về Việt Nam phải đi làm công nhân để trả nợ.

Kết quả điều tra xác định: Khoảng cuối năm 2016 đầu năm 2017, do có nhu cầu tìm nơi đăng ký cho các học sinh đi du học nước ngoài, qua tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, ông N.N.D đã liên hệ với Nguyễn Thị Nhung chuyên làm dịch vụ tổ chức du học, đi lao động làm việc tại nước ngoài để đăng ký dịch vụ làm hồ sơ du học cho 4 học sinh.

Nhung hẹn ông D. vào TP Hồ Chí Minh để nộp hồ sơ, làm hợp đồng, thỏa thuận chi phí và thông báo với ông D. sẽ chuyển hồ sơ của 4 học sinh qua Công ty Nguyên Hòa do Đỗ Thế Hòa làm giám đốc, đại diện pháp luật, để nhờ làm thủ tục hồ sơ xin visa du học tại Anh, Mỹ, thời gian du học khoảng 3 đến 6 tháng.

Sau khi thỏa thuận, ông D. đồng ý nộp số tiền chi phí hơn 1 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của Nhung. Ngoài 4 học sinh trên, ông D. còn nhờ Nhung làm hồ sơ cho một em khác đi lao động làm việc tại Australia với mức chi phí 159 triệu 4 trăm ngàn đồng. Tổng cộng, ông D. đã chuyển cho Nhung hơn 1,2 tỷ đồng.

Sau khi nhận đủ tiền, Nhung soạn thảo các chứng từ, ký mạo danh giám đốc Đỗ Thế Hòa rồi scan gửi qua email cho ông D. Tuy nhiên, kể từ khi ông D. thực hiện chuyển tiền đến hơn một năm sau, Nhung và Công ty Nguyên Hòa không thông báo cho ông D. biết kết quả làm thủ tục, xin visa cho 4 học sinh đi học tại Anh, Mỹ và một em đi lao động làm việc tại Australia như đã thỏa thuận. Ông D. nhiều lần liên lạc với bà Nhung hỏi thông tin kết quả, yêu cầu giải thích lý do, đồng thời đề nghị Nhung hoàn trả số tiền đã nộp.

Nhung thông báo cho ông D. do Công ty Nguyên Hòa nhận tiền mà chưa trả lại cho Nhung nên bà ta không thể hoàn trả cho ông D.

Sau khi không thực hiện hoàn thành thủ tục xin visa cho các học sinh, Nhung đã trả lại cho ông D. hơn 300 triệu đồng. Số tiền còn lại dùng để chi các khoản đã thực hiện thủ tục làm hồ sơ, còn thừa thì sẽ trả lại cho các học sinh sau.

Quá trình điều tra, Nhung thừa nhận Công ty Nguyên Hòa và Nhung hoàn toàn không được cấp phép đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ tổ chức du học nước ngoài và không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc, lao động tại nước ngoài nhưng Nhung vẫn sử dụng pháp nhân Công ty Nguyên Hòa để giao dịch, làm thủ tục hồ sơ với ông D.

Việc sử dụng pháp nhân Công ty Nguyên Hòa và ký giả mạo tên ông Đỗ Thế Hòa nhằm để giao dịch làm dịch vụ là do Nhung tự ý thực hiện, ông Đỗ Thế Hòa không biết. Nhung đã tự nguyện khắc phục hậu quả, hoàn trả cho ông D. đủ số tiền còn lại trong hợp đồng.

Coi chừng sập bẫy “cò” du học -0

Luật sư Nguyễn Hải Đức (Đoàn luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: Một số trung tâm tư vấn du học vì lợi nhuận nên đã quảng cáo và nói những lời ong bướm để lôi cuốn học sinh, tới khi cuộc sống không được như vậy thì các em bắt đầu bị sốc tâm lý. Nhẹ thì trầm cảm, đóng cửa trong phòng khóc, nặng thì bỏ của chạy lấy người. Có những người còn bị dồn đến đường cùng dẫn tới trộm cắp vặt và bị đuổi đánh rất thương tâm. Khi nạn nhân khởi kiện hay tố cáo thì cũng đã lỡ dở tương lai và sự nghiệp, chưa kể tổn thất to lớn về tiền bạc và tinh thần. Nếu xác định học tập nghiêm túc, hãy trang bị kiến thức cho mình và lên các diễn dàn du học hỏi những anh chị đi trước về trung tâm tư vấn uy tín, sau đó tìm đến tận nơi để nhờ tư vấn. Những công ty uy tín sẽ có bề dày kinh nghiệm về mặt đào tạo cũng như hạn chế được rủi ro về visa, đồng thời mối quan hệ rộng rãi nên họ giới thiệu được việc làm thêm phù hợp và hỗ trợ tìm những công việc tốt khi học viên ra trường.

Ngọc Thiện
.
.