Coi chừng sập bẫy việc làm thời vụ

Thứ Hai, 12/12/2022, 13:24

Ở các bài viết trước, chúng tôi từng ghi nhận một bộ phận công nhân, người lao động tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng và cho nghỉ Tết sớm. Nhiều người sau đó đổ xô đi tìm việc làm thời vụ, những mong kiếm được ít tiền lo cho cái Tết đang cận kề, nhưng họ lại bị dẫn dụ, bị lừa đảo, bị moi sạch tài sản…

Lọt vào “ma trận” đa cấp

Sau khi bị cắt giảm lao động tại công ty may mặc ở Bình Dương, chị Lê Như Lan, 31 tuổi, quê Thanh Hóa chuyển nhà trọ lên quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh để kiếm việc làm mới. Trước mắt, chị Lan được bạn cùng quê giới thiệu đi nhặt rau tại chợ đầu mối Bình Điền, quận 8, TP Hồ Chí Minh cho một ty nông sản. Công việc của chị Lan bắt đầu từ 12 giờ đêm cho tới 6 giờ sáng hôm sau, với mức thù lao 300 ngàn đồng. Làm được 10 ngày, chị Lan không trụ nổi bởi đi khuya về sớm, phải thức trắng đêm còng lưng nhặt rau, chị đã xin nghỉ.

Coi chừng sập bẫy việc làm thời vụ -0
Một ngày kết nối lao động tại Quận 11, TP Hồ Chí Minh trong dịp Tết 2023.

Nghỉ vài ngày, chị Lan ra khu vực chợ Lớn, quận 6 xin bán hàng Tết. Tại đây, có vài công việc chị Lan có thể làm được, như: gói bánh kẹo, cắt bao bì, phân loại hàng hóa. Đang suy nghĩ nên chọn việc nào thì chị gặp một thanh niên giới thiệu tên Minh Tú, quản lý vùng của công ty phân phối nước giặt.

Tú ngỏ lời chị Lan về đầu quân cho mình, công việc nhẹ nhàng, không cần lên văn phòng thường xuyên, thu nhập trung bình 15 -18 triệu/ tháng, thưởng Tết lên tới 50 triệu đồng. Nghe Tú giới thiệu mà chị Lan lâng lâng như người trên mây, chị nghĩ thầm trong bụng, do mình sống tốt nên trời thương. Sau buổi gặp gỡ tình cờ đó, sáng hôm sau chị Lan được Minh Tú đón tiếp tại văn phòng công ty ở đường Bà Hom, quận 6, TP Hồ Chí Minh.

Tại đây, Tú dẫn chị Lan đi tham quan phòng trưng bày sản phẩm, phòng đào tạo nhân lực của công ty, chị Lan gặp ai cũng hớn hở, tay bắt mặt mừng. Sau buổi ra mắt, chị Lan được yêu cầu mua một combo nước giặt, xả và máy giặt trị giá 15 triệu đồng để chính thức làm thành viên một sao của “tập đoàn”.

Hơn 10 năm làm công nhân, chưa từng ra xã hội, chưa từng bị lừa nên chị Lan như một con rối bị đối tượng dẫn dắt vào “ổ đa cấp”, một cụm từ mà chị Lan không biết nó là thế nào, nó hoạt động ra sao.

Coi chừng sập bẫy việc làm thời vụ -0
Sợ tìm việc thời vụ bên ngoài dính lừa, chị Thu Minh chọn nghề bán hàng rong ở phố đi bộ.

Để có tiền đóng vào công ty, chị Lan đã dùng toàn bộ số tiền được công ty trợ cấp khi nghỉ việc. Nộp tiền xong, chị Lan trở thành thành viên của tập đoàn. Do ở phòng trọ không có chỗ để máy giặt, chị Lan phải mang đi gửi nhờ. Bạn bè toàn ở phòng trọ chật chội, lại nghèo không dùng máy giặt nên chị Lan rao bán. Rao mãi cuối cùng cũng bán được với giá 7 triệu đồng.

Nhiệm vụ của chị Lan sau khi trở thành nhân viên chính là đi kêu gọi, lôi kéo thêm người về cho công ty. Chỉ cần mang “con mồi” về, việc thuyết giảng sẽ có người giỏi ăn nói phụ trách. Trong vòng một tháng, chị Lan đã lôi kéo được hai người bạn làm cùng công ty bị thất nghiệp của mình. Cũng giống như chị Lan, họ phải bỏ ra số tiền mua máy giặt và phụ kiện đi kèm. Không có tiền, người thì vay nóng, người thì rút sổ tiết kiệm… Chị Lan được nhận 10 triệu đồng cho hai “con mồi” mới toanh.

Những người này lại ra sức đi dụ dỗ bạn bè để có hoa hồng. Đến tháng thứ 2, chị Lan cảm thấy đây đúng là trò lừa đảo: “Mình toàn đi lừa người thân thôi chứ có làm gì đâu. Tiền hoa hồng chính là tiền xương máu của bạn bè”, chị Lan đau xót thót lên.

Sau một đêm không ngủ, chị Lan quyết định gặp hai người bạn nói rõ sự thật, chấp nhận bị họ nguyền rủa hay mắng nhiếc vào mặt. Chị trả lại mỗi người 5 triệu đồng tiền hoa hồng đầu vào và tuyên bố, sẽ chấm dứt công việc. Ba người công nhân ngồi nhìn nhau, uất nghẹn không nói nên lời rồi ôm nhau òa khóc. Họ thật sự quá sốc khi dính vào cái bẫy đa cấp nghiệt ngã. Cú lừa đầu đời, lại rơi trúng vào thời điểm Tết đang về, khi họ đang chơi vơi, lao đao vì mất việc làm.

Điệp khúc… “ngồi nhà mà vẫn có lương”

Cùng là nạn nhân của lừa đảo, nhưng Nguyễn Thị Bích Liên, 24 tuổi, quê Ninh Thuận lại rơi vào cái bẫy việc làm online. So với chị Lan, Liên thuộc hàng có học hành, biết chút chữ nghĩa và thông thạo mạng xã hội. Nhờ lợi thế này, sau khi phải nghỉ việc ở công ty, Liên lên mạng kiếm việc làm. Có rất nhiều công việc được quảng cáo trên mạng, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà Liên lại chọn trúng “phường” lừa đảo dưới vỏ bọc “tập đoàn cung ứng nhân sự toàn cầu”.

Coi chừng sập bẫy việc làm thời vụ -0
Một buổi lên lớp đào tạo kiến thức cho các nhân viên, cộng tác viên của một đơn vị bán hàng đa cấp.

Tại đây, Liên được nghe giới thiệu quy mô cũng như mạng lưới hoạt động của tập đoàn. Chỉ riêng ở Việt Nam, tập đoàn có 3.000 nhân viên trải rộng khắp 63 tỉnh thành phố. Nếu tính cả nước ngoài thì con số lên tới hàng ngàn. Sứ mệnh của tập đoàn là tìm kiếm nhân lực cho toàn thế giới. Nghe có vẻ rất to tát nhưng lại vô cùng trừu tượng với Liên, một công nhân chưa từng biết đến thế giới là gì. Công việc của Liên vô cùng nhẹ nhàng, chỉ cần ngồi ở nhà, vào đường link được cung cấp để theo dõi các số liệu về nhân sự được nhảy trên hệ thống tập đoàn. Cuối ngày, Liên sẽ cập nhật số liệu báo cáo cho giám đốc vùng.

Lương cứng của Liên sẽ được trả 8 triệu đồng, tháng thứ hai là 10 triệu và sẽ cộng  thêm tiền thưởng nữa. Nhưng, trước khi được nhận mức lương “ngọt ngào” như thế, Liên phải trải qua một cuộc tổng duyệt, gọi nôm na là thi tuyển để được vào làm chính thức. Lệ phí thi tuyển là 3 triệu đồng. Nộp tiền xong, Liên được hướng dẫn vào đường link để thi. Đề thi rất đơn giản, chỉ cần trả lời các câu hỏi mà trẻ lên ba cũng biết như: Bạn bao nhiêu tuổi? Quê của bạn ở đâu? Bạn thích công việc này ở điểm nào?...Kết thúc phần thi, Liên được công bố trúng tuyển và nộp 1,2 triệu đồng lệ phí cấp thẻ mã hóa điện tử cho nhân viên. Chiếc thẻ gồm 6 chữ số, khi Liên mở đường link ra sẽ nhập số vào thì mới hoạt động được.

Mỗi ngày, Liên ôm điện thoại, nhìn ngắm các con số nhảy múa trên đường link mà không biết nó là gì, mang ý nghĩa thế nào. Cuối ngày, Liên chọn con số báo cáo cho “chủ xị” trên nhóm chát riêng. Một tháng trôi qua, công việc của Liên chỉ có thế. Cô không biết tập đoàn của mình nằm ở đâu trên trái trái đất này, còn ông sếp “tổng” là người nước ngoài, nhưng chỉ nhìn thấy trong… ảnh. 

Cuối tháng, Liên háo hức và mong chờ được nhận đồng lương đầu tiên nhưng ngóng mãi không thấy tập đoàn thông báo nhận lương. Cô nhắn tin hỏi sếp thì được trả lời “chờ”. Cứ thế, qua 10 ngày vẫn không thấy tăm hơi của “chị lương” đâu, Liên nóng ruột nhắn tin hỏi liên tục. Lúc đầu còn có người tương tác với cô, sau đó thì một sự im lặng đáng sợ. Sau một đêm, Liên bàng hoàng thấy mọi tin nhắn và mật mã, đường link công việc của mình bị khóa chặt, không thể truy cập. Mọi thông tin đều bị tiêu hủy.

Một tháng ở nhà ôm điện thoại đến “lòi” cả con ngươi, mất tổng cộng 4,2 triệu đồng cho cú lừa ngoạn mục, Liên cảm giác như tim mình nghẹn lại, nỗi buồn và tuyệt vọng tràn đầy. Không biết gì về công ty và con người, tại sao em lại tin tưởng? Chúng tôi đặt câu hỏi. Liên thật thà kể: “Thời sinh viên trường nghề em có làm thêm theo kiểu này và được trả lương đàng hoàng nên em tin tưởng. 4 năm qua, em vùi đầu vào làm công nhân, không biết đến những trò lừa đảo kiểu này nên mới sập bẫy. Thà chúng lấy tiền của em rồi biến mất, đằng này chúng câu nhử em suốt một tháng trời. Em không hiểu chúng có mục đích gì nữa”.

Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong 10 tháng qua, đơn vị đã tổ chức 121 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để tư vấn việc làm, kết nối cung cầu lao động. Qua đó có gần 65.000 người lao động nhận được việc làm. Giữa tháng 11/2022, Trung tâm cũng phối hợp Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Củ Chi mời các doanh nghiệp tuyển dụng phù hợp để kết nối việc làm cho gần 800 người lao động bị cắt giảm tại Công ty TNHH Việt Nam Samho(huyện Củ Chi). Trong tháng 12, Trung tâm sẽ tổ chức 7 phiên, sàn giao dịch việc làm; phối hợp Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh tổ chức 2 sàn giao dịch việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm hằng ngày tại Trung tâm và các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp; qua kênh mạng xã hội cũng như tại doanh nghiệp cắt giảm lao động, đảm bảo việc làm cho bất cứ người lao động nào có nhu cầu làm việc trong dịp Tết này. 

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP Hồ Chí Minh Lê Văn Thinh, để không xảy ra việc người lao động bị lừa đảo bởi những lời rao “việc nhẹ lương cao” hay bẫy đa cấp mà báo chí đã thông tin trong thời gian qua, khi tìm việc làm, người lao động cần phải tìm hiểu đơn vị giới thiệu việc làm đã được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hay chưa.

Coi chừng sập bẫy việc làm thời vụ -0

Danh sách các đơn vị có cấp giấy phép giới thiệu việc làm được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Lao động-Thương binh & Xã hội TP Hồ Chí Minh (sldtbxh.hochiminhcity.gov.vn). TP Hồ Chí Minh chỉ cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm cho các tổ chức, doanh nghiệp khi có đề nghị; không cấp cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này.

Ông Lê Văn Thinh cho biết thêm, hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 2 trung tâm dịch vụ việc làm công lập là Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh (trực thuộc Sở Lao động-Thương binh & Xã hội TP Hồ Chí Minh) và Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Niên (trực thuộc Thành đoàn TP Hồ Chí Minh). Người lao động có thể liên hệ hai đơn vị này trực tiếp hoặc trực tuyến để được hỗ trợ tư vấn, kết nối việc làm.

Ngọc Thiện
.
.