Colombia và câu chuyện lính đánh thuê

Thứ Hai, 26/02/2024, 11:00

Vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise rạng sáng 7/7/2021 đã đẩy quốc gia vùng Caribe này vào một cuộc khủng hoảng mà tận bây giờ họ vẫn chưa thoát ra được.

Ngoài ảnh hưởng đối với Haiti, các nhà quan sát còn chú ý đến một chi tiết khác trong vụ việc: cả 26 kẻ ám sát đều là lính đánh thuê người Colombia. Khi đó các tờ báo Colombia đều đăng tải những tin bài cho rằng 26 đối tượng trên bị lừa gạt. Vậy nhưng khá nhiều bằng chứng được tiết lộ kể từ thời điểm đó đã chỉ rõ sự thật: không ít lính đánh thuê Colombia đang được trả tiền để thực hiện các vụ ám sát ở nước ngoài.

Ngành kinh tế mũi nhọn

Những người lính đánh thuê Colombia đầu tiên xuất hiện vào thập niên 1980. Cuộc chiến giữa quân đội chính phủ, quân nổi dậy cánh tả và các ông trùm ma túy như Pablo Escobar tạo ra nhu cầu khổng lồ về những tay súng sẵn sàng “bán mạng” mình vì đồng tiền. Cuộc chiến tiến dần đến hồi kết vào thập niên 2000, nhưng việc cựu binh Colombia trở thành lính đánh thuê sau khi giải ngũ đã trở thành “chuyện thường” rồi. Những cuộc xung đột dai dẳng ở Colombia tạo nên một lực lượng binh lính thiện chiến, nhưng lương thấp cùng chế độ đãi ngộ yếu kém khiến hàng nghìn binh lính giải ngũ mỗi năm. Sự lựa chọn duy nhất của nhiều cựu binh là trở thành lính đánh thuê chiến đấu ở nước ngoài.

Colombia và câu chuyện lính đánh thuê -0
Lính đánh thuê luôn có mặt trong các cuộc chiến ở Trung Đông.

Ông Sean McFate, giáo sư tại đại học Georgetown (Mỹ), giải thích: “Nhu cầu về lính đánh thuê Colombia chưa bao giờ giảm cả. Các công ty lính đánh thuê ở Mỹ, châu Âu hay Trung Đông luôn sẵn sàng mở cửa với cựu binh Colombia. Họ muốn những ai từng là đặc công Colombia, được đào tạo bởi cố vấn Mỹ, có kinh nghiệm chiến đấu với quân nổi dậy FARC và tội phạm ma túy... Cựu binh Colombia nổi tiếng là thiện chiến và luôn tuân thủ mệnh lệnh, nhưng giá tiền thuê chỉ bằng ¼ so với binh lính từ các nước khác”.

Đại tá quân đội Colombia John Marulanda, chủ tịch một hội cựu binh, trả lời phóng viên hãng tin AP: “Quân đội Colombia có hơn 295.000 người mà hiện mỗi năm khoảng 10.000 đến 15.000 lính giải ngũ. Một số rời quân ngũ sau khi đủ 20 năm phục vụ nhằm thỏa mãn yêu cầu hưởng chế độ, nhưng càng ngày có nhiều người lính trẻ tự nguyện ra khỏi lực lượng ngay khi chưa đủ 20 năm. Họ cho rằng lương quân đội thấp mà ở lại thì cũng không có cơ hội thăng tiến nên giải ngũ hóa ra là lựa chọn tốt nhất”.

Dư luận quốc tế bắt đầu chú ý đến sự hiện diện của lính đánh thuê Colombia khi 35 cựu binh nước này được thuê làm bảo vệ một số căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq. Tờ Semana của Colombia sau đó đã đăng tải một loạt phóng sự điều tra hé lộ rằng 35 người trên bị tập đoàn quân sự Blackwater (Mỹ) lừa. Blackwater thông qua một công ty con của mình đặt ở Bogotá đã đăng tin tuyển lính đánh thuê với mức giá 7.000 USD/tháng. Vậy nhưng khi 35 người lính kia đến Iraq, họ chỉ được trả 1.000 USD/tháng. Họ bị kẹt lại ở Baghad làm bảo vệ suốt bốn năm trời cho đến khi hết hợp đồng với Blackwater.

Câu truyện trên chẳng hề khiến những cựu binh Colombia ngần ngại. Họ vẫn đổ đến Trung Đông làm lính đánh thuê. Ông Sean McFate giải thích: “Giới cầm quyền ở nhiều nước Trung Đông có lịch sử sử dụng lính đánh thuê đã được hàng nghìn năm, nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các chính trị gia đương thời tiếp tục truyền thống của cha ông họ... Đa số các nước vùng Vịnh có dân số ít và quân đội hạn chế, vậy nên cách duy nhất để họ có thể tham chiến ở ngoài lãnh thổ của mình là sử dụng lính đánh thuê”.

Vào năm 2011, tờ New York Times (Mỹ) đưa tin một máy bay vận tải quân sự thuộc sở hữu của tập đoàn Blackwater đã chở hơn 50 lính đánh thuê người Colombia đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để làm bảo vệ cho các nhà máy lọc dầu và cơ quan chính phủ. Gần bốn năm sau đó, ước tính có đến hơn 450 lính đánh thuê người Nam Mỹ, trong đó có hơn 170 người Colombia, chiến đấu cho quân đội UAE chống lại lực lượng Houthi ở Yemen.

Ước tính mỗi người lính đánh thuê được phía UAE trả khoảng 2.000-3.000 USD /tháng. Những ai trực tiếp tham chiến tại Yemen lại được thưởng thêm 1.000 USD/tuần. Những ai hoàn thành hết nghĩa vụ theo hợp đồng thì sẽ được cấp quốc tịch UAE. Gia đình họ cũng trở thành công dân UAE và còn được cấp lương cựu chiến binh, bảo hiểm y tế và hưởng chế độ học bổng. Đây là sự đãi ngộ “một trời một vực” so với những gì quân nhân nhận được ở Colombia: Lương cấp binh sỹ trung bình từ 2.500-3.500 USD, còn lương hưu khoảng 300-400 USD.

Tất nhiên là trên chiến trường thì chẳng ai nói trước được điều gì. Vào tháng 9/2011, 10 lính đánh thuê Colombia chiến đấu cho nhà độc tài Muammar al-Gaddafi của Libya thiệt mạng khi quân nổi dậy nước này tấn công vào khu biệt thự của Gaddafi. Đúng 4 năm sau, lại 10 lính đánh thuê Colombia khác thiệt mạng khi tấn công thành phố Taiz ở Yemen nằm trong tay quân nổi dậy Houthi. Đây chỉ là hai trong số ít những trường hợp lính đánh thuê Colombia tử trận ở nước ngoài mà được báo chí quốc tế đưa tin rộng rãi. Quân đội chính phủ các nước bị luật pháp ràng buộc nên phải công bố số liệt sỹ và danh tính của họ. Ngược lại các công ty lính đánh thuê không phải và không bao giờ công bố các thông tin trên.

Ước tính hiện có khoảng 6.000 lính đánh thuê người Colombia đang làm việc ở UAE, Saudi Arabia, Yemen, Oman, Bahrain và Kuwait. Họ đảm nhận các công việc như lính bộ binh, bảo vệ, phi công, và kỹ thuật viên máy bay. Nhiều người trong số họ được bạn bè, đồng đội cũ giới thiệu bằng miệng hay qua mạng xã hội. Đôi khi tuyển trạch viên tiếp cận cả sỹ quan đang phục vụ trong quân ngũ. Có nhiều phi công Colombia được du học tại Mỹ để lái trực thăng UH-60 Black Hawk, nhưng khi vừa về nước một cái là xin giải ngũ để làm lính đánh thuê ở Trung Đông. Sau nhiều trường hợp như vậy, cuối cùng quân đội Colombia cũng phải đề ra quy định mới bắt buộc phi công phải phục vụ trong một khoảng thời gian nhất định mới được cho giải ngũ.

Colombia và câu chuyện lính đánh thuê -0
Không có cơ hội việc làm sau khi giải ngũ là động lực chính khiến nhiều cựu binh Colombia trở thành lính đánh thuê.

Tương lai mập mờ

Vụ ám sát ông Jovenel Moise không phải lần đầu tiên lính đánh thuê Colombia dính dáng đến nguyên thủ nước ngoài. Còn nhớ vào năm 2004, cảnh sát Venezuela đã bắt giữ 153 lính đánh thuê Colombia trong lãnh thổ nước này. Những đối tượng trên bị cáo buộc có kế hoạch ám sát cố tổng thống Hugo Chavez. Rồi vào năm 2015, một nhóm sát thủ gốc Colombia lại ám sát công tố viên người Paraguay Marcelo Pecci khi ông này đang nghỉ tuần trăng mật trên đảo Barú. Marcelo Pecci vốn là một trong những lãnh đạo quan trọng trong cuộc chiến chống lại tội phạm có tổ chức tại Paraguay. Đến ngày 9/8/2023 lại xảy ra một vụ ám sát khác do lính đánh thuê Colombia gây ra. Nạn nhân lần này là nhà báo và ứng cử viên Tổng thống Ecuador Fernando Villavicencio.

Người vợ của Francisco Eladio Uribe, một trong các đối tượng đã sát hại Tổng thống Jovenel Moise, cho biết chồng mình được trả 2.700 USD để làm sát thủ. Francisco Uribe bị đuổi khỏi quân ngũ vào năm 2019 vì có liên quan đến hàng loạt vụ thảm sát xảy ra trong giai đoạn 2002-2008. Binh lính Colombia đã tàn sát ít nhất 6.000 dân thường rồi vu oan cho họ là quân nổi dậy và tội phạm ma túy để lấy thành tích và tiền thưởng.

Câu truyện của Francisco Uribe cho thấy sự quẫn bách của binh lính Colombia khiến họ sẵn sàng làm mọi việc để kiếm tiền. Một cựu binh Colombia hiện đang làm tay súng thuê cho cartel ở El Salvador cho biết: “Tôi phục vụ trong quân ngũ 20 năm mà đến lúc giải ngũ không kiếm nổi cái ăn... Công việc tốt nhất mà tôi tìm được là một chân bảo vệ với mức lương 1,8 triệu peso/tháng (khoảng 465 USD). Ở El Salvador này thì họ trả tôi 700 USD hằng tuần, chưa kể những khoản thưởng khi hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Bà Katherin Galindo, nhà phân tích quốc phòng và an ninh nội địa làm việc cho công ty tư vấn rủi ro Risk Analysis (Colombia), nói với phóng viên tờ Semana: “Mỗi năm có khoảng 6.000 binh lính Colombia hoàn thành nghĩa vụ. Đa phần trong số này đều ít nhiều gặp các chấn thương tâm lý. Nhiều cựu binh cảm thấy mình lạc lõng giữa xã hội và gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Họ cũng không tìm được việc làm và phải cạnh tranh với những người trẻ có kỹ năng cao... Không có gì lạ khi có nhiều cựu chiến binh Colombia trở thành lính đánh thuê. Công việc này không chỉ đem lại thu nhập cao mà còn đặt họ vào môi trường quân ngũ mà họ vốn đã quen”.

Nhà tội phạm học Jorge Mantilla ở trường đại học Illinois (Mỹ) nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác: “Bạn làm lính đánh thuê thì sẽ có cơ hội được đi ra ngoài lãnh thổ Colombia và đến các mảnh đất xa lạ. Cái chết luôn rình rập người lính đánh thuê, nhưng những ai sống sót hay tự cho mình có quyền lấy nó ra để khoe khoang... Đối với nhiều người, làm lính đánh thuê là cách duy nhất để họ trở thành đàn ông theo đúng nghĩa”.

Theo đại đa số chuyên gia thì cách tốt nhất để giảm bớt số người Colombia trở thành lính đánh thuê là Bogotá phải có chính sách hỗ trợ cựu chiến binh tốt hơn. Chủ đề này từng được đem ra mổ xẻ vào năm 2016 khi chính phủ Colombia và lực lượng FARC ký kết hiệp ước hòa bình chấm dứt nội chiến. Vậy nhưng khi đó Bogotá đã viện cớ là thiếu ngân sách để không đưa ra bất kỳ biện pháp trợ giúp cựu binh nào.

Phải đến tận năm 2019 thì Bogotá mới ban hành bộ chính sách cựu chiến binh mới. Vậy nhưng luật mới không được thực thi nghiêm chỉnh ở cấp cơ sở, mà quân đội cũng không được cấp đủ ngân sách để trợ giúp cựu binh. Kết quả là số người Colombia xuất ngoại làm lính đánh thuê không giảm mà chỉ có tăng theo từng năm.

Liệu có câu trả lời?

Ngoài vấn đề trợ cấp, hỗ trợ việc làm cho cựu binh, dư luận Colombia còn đang băn khoăn về việc chính phủ nước này vẫn chưa ký vào Công ước Lính đánh thuê của Liên hợp quốc. Bộ công ước này cấm việc tuyển mộ, huấn luyện, sử dụng và tài trợ lính đánh thuê. Kể từ khi được đưa ra công bố vào năm 1989, mới chỉ có 46 quốc gia ký vào công ước.

Theo ông Sean McFate thì Bogotá chần trừ việc phê chuẩn Công ước Lính đánh thuê không chỉ vì dòng kiều hối khổng lồ mà lính đánh thuê Colombia gửi về: “Yếu tố quan trọng nhất nhì của lính đánh thuê là không bị ràng buộc. Một nhà cầm quyền lãnh đạo quân đội, nhưng quyền hạn của ông ta bị ràng buộc bởi luật pháp, quốc hội và dư luận. Vậy nhưng chỉ cần nhà chính trị trả tiền cho lính đánh thuê thì họ sẽ làm theo mọi toan tính của ông ta... Ngay cả các nước có quân đội lớn mạnh cũng sử dụng lính đánh thuê. Kể cả khi lính đánh thuê có phạm tội ác chiến tranh thì người thuê họ vẫn có thể “phủi tay” mà rũ bỏ mọi trách nhiệm.”

Ông Jesús Santrich, cựu hạ nghị sỹ Colombia và nguyên chỉ huy cấp cao của FARC, bị ám sát vào tháng 5/2021 khi đang sống lưu vong tại Venezuela. 5 cận vệ của ông Jesús cũng bị bắn chết. Nhà báo Anh Oliver Dodd sau đó điều tra ra được rằng toán sát thủ giết hại ông Jesús là lính đánh thuê Colombia nhận lệnh từ chính phủ nước này. Sau khi giết người, chúng cắt ngón tay út nạn nhân để làm bằng chứng nhận số tiền thưởng trị giá 10 triệu USD. Toán lính đánh thuê tẩu thoát về Colombia bằng máy bay trực thăng.

Chưa hết, nhà báo Oliver Dodd còn tiết lộ một thông tin “động trời” khác: Vụ ám sát Jesús Santrich có sự tham gia của Đơn vị Venezuela đặc biệt (VAU) trực thuộc quân đội Mỹ. Lầu Năm Góc thành lập VAU vào năm 2019 và đặt trụ sở tại Bogotá nhằm “để mắt” tới Venezuela. VAU đã huấn luyện cho những đối tượng lính đánh thuê khi họ còn ở trong quân ngũ, đồng thời cung cấp thông tin đi lại của ông Jesús cho họ.

Nguyên thiếu tá cảnh sát Colombia Omar Rojas viết trên tờ Semana: “Chính phủ Colombia từng có thời không hề ngần ngại việc vi phạm lãnh thổ các nước láng giềng để tiêu diệt đối thủ chính trị. Nhưng sau vụ quân đội Colombia xâm lược Ecuador nhằm tiêu diệt chỉ huy Raúl Reyes của FARC, chính phủ không muốn phải hứng chịu sự trừng phạt đến từ cộng đồng quốc tế. Đấy là lúc họ tăng cường sử dụng lính đánh thuê... Vẫn những con người được cố vấn Mỹ đào tạo làm sát thủ đấy, nhưng chỉ cần họ không đeo quân hàm khi giết người là được... Bogotá sẽ không bao giờ quản lý thị trường lính đánh thuê vì làm thế chẳng khác nào “kìm chân” tham vọng của họ và các đồng minh”.

Lê Công Vũ
.
.