Con đường cải cách của các cơ quan tình báo phương Tây

Thứ Sáu, 31/03/2023, 20:35

Các nước phương Tây bắt đầu một cuộc cải cách mạnh mẽ các cơ quan tình báo của mình. Trọng tâm là nâng cao hiệu quả của các đơn vị, bộ phận chuyên về tiến hành chiến tranh thông tin bằng cách tăng cường sử dụng các thiết bị gián điệp hiện đại nhất. Ngoài ra, các cơ quan tình báo phương Tây sẽ tăng cường săn lùng tư bản Nga và tập trung vào việc ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.

Việc cải cách các cơ quan tình báo Pháp thường bị Tổng thống Emmanuel Macron phàn nàn, đang diễn ra trên quy mô lớn. Chẳng hạn, các cơ quan này không cảnh báo về khả năng Úc từ chối mua đội tàu ngầm của Pháp trị giá hàng tỷ USD vào năm 2021, về sự bất ổn của các thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi, và không thể đưa ra dự báo rõ ràng về việc Nga chuẩn bị tấn công Ukraine.

Đến lượt mình, các cơ quan này tự biện minh rằng vào đầu những năm 2000, giới lãnh đạo dân sự đã cắt giảm một cách mạnh mẽ chi phí quân sự. Và điều này tự động đánh vào các cơ quan tình báo do Bộ Quốc phòng kiểm soát.

cai cach 1.jpg -0
Tổng thống Emmanuel Macron với các tướng lĩnh Pháp.

Cải cách theo mô hình Mỹ

Tuy nhiên, trước hết, những thay đổi sẽ diễn ra ở các cơ quan tình báo do Bộ Quốc phòng Pháp kiểm soát. Trong đó có DGSE (Tổng cục An ninh đối ngoại), Cục Tình báo Quân đội (DRM) và Cục Phản gián Quân đội (DRSD).

Thứ nhất, cải cách được hiểu ngầm là loại bỏ các bộ phận quan liêu bên trong các cơ quan tình báo đang cản trở hoạt động của chúng. Ví dụ, trong 5 cục thuộc DGSE chỉ còn lại 4, nhưng đồng thời người ta thành lập bên cạnh chúng các trung tâm đặc biệt, chuyên về các lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như "công nghệ hạt nhân", "Nga / Ukraine".

Thứ hai, để nâng cao hiệu quả của các cơ quan tình báo, số lượng nhân viên của chúng sẽ được tăng lên đáng kể. Ví dụ, trong năm 2023, 1.000 người nữa sẽ được bổ sung vào 5.000 người hiện có của DGSE, và đến năm 2026, số lượng nhân viên của cơ quan này có thể lên tới 8.000 người.

Thứ ba, điều này có nghĩa là tăng kinh phí cho các cơ quan tình báo: nếu năm 2006, ngân sách hằng năm của DGSE là 440 triệu euro, thì hiện tại nó tăng lên gần 880 triệu euro và đến năm 2026 sẽ vượt 1 tỷ euro. Và đây mới chỉ là một trong số các cơ quan tình báo của Pháp.

Như vậy, nhìn chung, việc cải cách DGSE, DRM và DRSD trong 3 năm tới sẽ tiêu tốn tới 4,6 tỷ euro, bao gồm việc mua sắm 2 máy bay giám sát và trinh sát hạng nhẹ và 3 máy bay trinh sát chiến lược; di chuyển trụ sở DGSE đến một tòa nhà chuyên dụng mới và vận hành các hệ thống vũ trụ CERES và MUSIS nhằm tăng cường hơn nữa khả năng giám sát của chúng.

Hơn nữa, trong cộng đồng tình báo Pháp, DGSE dẫn đầu về chi phí và trang bị kỹ thuật, khiến các đồng nghiệp của nó ghen tị. Không phải ngẫu nhiên mà trong quân đội Pháp, ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi cắt giảm gấp đôi DGSE, bằng cách tách hội đồng kỹ thuật của nó thành một "siêu cơ quan" độc lập phục vụ tất cả các cơ quan tình báo của Pháp, cụ thể là DRM (Cục Tình báo Quân đội). Mặc dù nhận được sự vận động hành lang mạnh mẽ, nhưng đề nghị này không mang lại kết quả, một phần vì từ thời Tổng thống Charles de Gaulle, DGSE đã có ảnh hưởng đặc biệt đối với chính quyền dân sự Pháp.

Con đường cải cách của các cơ quan tình báo phương Tây -0
Người đứng đầu Tổng cục An ninh đối ngoại Pháp, ông Bernard Emié.

Trong khi đó, lý giải việc tăng kinh phí, ông Bernard Emié, người đứng đầu  DGSE, nói rằng “nguồn nhân lực và ngân sách của tình báo đối ngoại Pháp tương đối hạn chế so với các tổ chức tương đương ở nước ngoài. Ví dụ, thấp hơn so với Cục Tình báo Liên bang Đức và thấp hơn rất nhiều so với các cơ quan tình báo Anh, nơi chỉ riêng GCHQ (Cơ quan Tình báo tín hiệu) đã có biên chế 10.000 người với ngân sách là 1,4 tỷ bảng Anh. Các cơ quan tình báo Mỹ nằm ngoài bảng xếp hạng, chỉ riêng NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia) đã có 30.000 nhân viên”.

Thứ tư, giới lãnh đạo Pháp quan tâm tới việc tăng cường kỹ thuật cho các cơ quan tình báo của mình, trước hết là trang bị cho chúng các phần mềm điện tử hiện đại nhất, kể cả “công cụ OSINT” (tình báo nguồn mở), cho phép giám sát nhanh các mạng xã hội, kênh Telegram, messenger, chặn và nghe trộm các cuộc nói chuyện và thậm chí cả dữ liệu vệ tinh, hack hòm thư Internet cá nhân "không để lại dấu vết"... Cụ thể, với sự giúp đỡ của chúng, thu thập thông tin mật về Donbass và Ukraine.

Thứ năm, giới lãnh đạo Pháp đang hành động theo hướng bãi bỏ nhiều hơn quyền tự chủ của các cơ quan tình báo, thực sự tăng cường sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng đối với chúng. Xét về nhiều mặt, việc cải cách này dẫn tới cải tổ theo mô hình của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA.

Thứ sáu, đang diễn ra những thay đổi nhân sự trên quy mô lớn và sa thải các nhà lãnh đạo trước đây của các cơ quan tình báo Pháp.

Một số lĩnh vực hoạt động

Các cơ quan tình báo được đổi mới sẽ đẩy mạnh hoạt động ở các khu vực cụ thể - châu Phi, Ukraine... Do đó, việc giám sát Internet (đặc biệt là các mạng xã hội và kênh Telegram) để tìm kiếm thông tin cần thiết và tiến hành cuộc chiến tranh thông tin chống lại các thế lực không thân thiện với Pháp sẽ được quan tâm nhiều hơn. Liên quan đến các sự kiện ở Ukraine, việc ngăn chặn các sản phẩm lưỡng dụng của Pháp, đặc biệt là các sản phẩm điện tử, sẽ được đặc biệt chú ý. Trong mọi trường hợp, vấn đề rò rỉ dữ liệu bí mật của các công ty tư nhân được đại diện các cơ quan tình báo coi là rất quan trọng.

Một trong những lĩnh vực hoạt động quan trọng và tương đối mới là “săn lùng tư bản Nga”: phát hiện các khoản tiền có liên quan ở các nước phương Tây, “đóng băng”, thu giữ chúng và ngăn chặn việc trả lại các khoản tiền này cho Liên bang Nga.

Tuy nhiên, ngày 13 tháng 7 năm 2022, tại phiên điều trần kín của Quốc hội Pháp bàn về việc tăng cường hoạt động của cơ quan tình báo, vấn đề này dù sao vẫn là thứ yếu, Paris coi các hành động của Trung Quốc mới là mối đe dọa chính.

Con đường cải cách của các cơ quan tình báo phương Tây -0
Trụ sở  Cục Tình báo mật MI.6 tại London.

Chẳng hạn, Stéphane Bouillon, Tổng thư ký của Bộ Quốc phòng và An ninh Quốc gia, đã không quá lo lắng về các hoạt động của Nga ở Pháp, mà chỉ phàn nàn về những "cuộc tấn công mạnh mẽ" của Nga "chống lại sự hiện diện của Pháp ở châu Phi".

Ngược lại, Stéphane Bouillon nói nhiều hơn - và cũng thẳng thắn hơn - về các hành động của Trung Quốc ở Pháp. “Nhiều người Trung Quốc xâm nhập vào nước ta và hoạt động gián điệp nhằm làm tổn hại lợi ích của chúng ta. Vì vậy, mỗi khi các thực tập sinh Trung Quốc và Iran đến nghiên cứu vật lý và hóa học ở các đại học Pháp, chúng tôi tiến hành phỏng vấn rất kỹ, và nếu cần, chúng tôi từ chối tiếp nhận hoặc thậm chí chấm dứt thời gian lưu trú của họ”.

Ông Stéphane Bouillon nói tiếp: “Ngoài ra, chúng tôi đang cố gắng hết sức để một số công ty, đặc biệt là các công ty Trung Quốc, không thể thổi phồng tầm quan trọng của mình ở Pháp, chúng tôi đã cấm họ tiếp cận một số lĩnh vực được coi là nhạy cảm. Chẳng hạn, nước Pháp dự định hạn chế mạnh mẽ sự tham gia của các nhà sản xuất thiết bị truyền thông Trung Quốc vào việc lắp đặt mạng 5G ở Pháp”.

Học tập tấm gương nước Pháp

Các hoạt động tương tự đang diễn ra ở các nước phương Tây khác, như Mỹ, Đức, Canada, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Anh. Mục đích cuối cùng của công cuộc cải cách là cải thiện việc trao đổi thông tin hai chiều với CIA của Mỹ và MI.6 của Anh trong khuôn khổ xây dựng một hệ thống tình báo thống nhất được gọi là “Five Eyes” (Liên minh “Ngũ nhãn”). Tổ chức này chia sẻ những thông tin chủ yếu mà các nước phương Tây thu thập được về các đối thủ của họ, đặc biệt là về Trung Quốc và Nga.

Đến lượt mình, Cơ quan tình báo Liên bang Đức BND cũng đang được cải cách theo mô hình tương tự của Mỹ theo hướng giảm bớt bộ máy quan liêu và thành lập các "trung tâm đặc biệt", như đã được thực hiện vài năm trước ở Mỹ.

Con đường cải cách của các cơ quan tình báo phương Tây -0
Tòa nhà của cơ quan tình báo Đức BND ở Berlin.

Bên kia đại dương, Mỹ có thể sớm thành lập một bộ phận tình báo mới để chống lại ảnh hưởng của Nga và đặc biệt là Trung Quốc. Chẳng hạn, Quốc hội Mỹ đang thảo luận việc thành lập "các cơ quan thu thập và phân tích thông tin tình báo, tố cáo tham nhũng và vi phạm luật pháp quốc tế của Bắc Kinh", sự xuất hiện của các cơ quan này cho phép kịp thời hủy bỏ các dự án kinh doanh của Nga và Trung Quốc ở các nước thế giới thứ ba. Không phải ngẫu nhiên mà David Vigno, người đứng đầu Cơ quan An ninh và Tình báo Canada (CSIS), đang chuẩn bị cải tổ cơ quan này để chống lại sự can thiệp của Nga ở Bắc Cực và Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Song song, các cuộc cải cách của Cơ quan An ninh quốc gia Bỉ (VSSE) cũng đang tiếp tục. Nhiệm vụ của nó là cải tổ cơ quan tình báo phù hợp với nhu cầu chung của các nước NATO và ngăn chặn sự tái diễn các cuộc tấn công thánh chiến, như vụ khủng bố ở Brussels năm 2015.

Đồng thời, các cơ quan tình báo thuộc các quốc gia láng giềng với Nga và Belarus, kể cả Ba Lan, cũng đang được cải tổ. Bằng chứng là tháng 8 năm 2022, giám đốc Cục Tình báo đối ngoại Ba Lan Piotr Krawczyk đột ngột từ chức, và người thay thế ông là đại tá Bartosz Yarmushkevich, một chuyên gia trong lĩnh vực phản gián.

Tóm lại, mặc dù phải tiêu tốn nhiều tỷ euro, công cuộc cải cách các cơ quan tình báo ở châu Âu đang diễn ra rất mạnh mẽ, vì ngày càng có nhiều người hiểu rằng  hoạt động của các cơ quan tình báo đôi khi có thể mang lại chiến thắng trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù, mà không cần đối đầu trực tiếp với chúng trên chiến trường.

 Trần Đình (Theo “Tuyệt mật”)
.
.