Cơn khát điện của châu Phi và thách thức đối với năng lượng tái tạo

Thứ Sáu, 31/03/2023, 21:21

Loại bỏ than thường được coi là phần dễ dàng hơn trong quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng tái tạo. Các nước phát triển đã đạt được những bước tiến lớn trong việc này. Nhưng đối với một số nước đang phát triển, đặc biệt là tại châu Phi, chuyện không dễ dàng như vậy.

Trong bóng tối của cảnh mất điện

Từ Zimbabwe, nơi nhiều người phải làm việc vào ban đêm vì đó là thời gian duy nhất có điện, đến Nigeria, nơi thường xuyên xảy ra sự cố lưới điện, nguồn cung cấp điện đáng tin cậy vẫn là thứ gì đó quá khó nắm bắt trên khắp châu Phi.

con khat dien cua chau phi 27.3.2023 - anh 1.jpg -0
Có tới 43% người dân châu Phi đang không được sử dụng điện. Ảnh: AP.

Các chuyên gia năng lượng cảnh báo, tình trạng thiếu điện đang hoành hành ở nhiều quốc gia trong số 54 quốc gia châu Phi là một sự suy giảm nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế của châu lục này. Trong những năm gần đây, việc sản xuất điện của Nam Phi trở nên thiếu thốn đến mức nền kinh tế phát triển nhất của lục địa này phải đối phó với tình trạng mất điện liên tục từ 8 đến 10 giờ mỗi ngày.

Theo Andrew Lawrence, chuyên gia năng lượng tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg (Nam Phi), có nhiều lý do khiến việc cung cấp điện ở châu Phi trở nên tồi tệ, bao gồm cơ sở hạ tầng cũ kỹ, thiếu sự giám sát của chính phủ và thiếu kỹ năng để duy trì lưới điện quốc gia.

Nhiều quốc gia châu Phi hiện vẫn phụ thuộc vào các công ty điện lực thuộc sở hữu nhà nước trong khi các công ty này hoạt động rất thiếu hiệu quả. Ngoài ra, còn một vấn đề lịch sử là nhiều chế độ thuộc địa đã xây dựng hệ thống điện chủ yếu dành cho người da trắng thiểu số và loại trừ phần lớn người da đen.

Các thành phố rộng lớn của châu Phi có nguồn cung cấp điện thất thường nhưng những khu vực nông thôn rộng lớn của lục địa này hoàn toàn không có điện. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, vào năm 2021, có tới 43% người châu Phi - khoảng 600 triệu người - không được sử dụng điện và 590 triệu người trong số họ sống ở châu Phi cận Sahara.

Ngân hàng Thế giới ước tính, để đạt được điện khí hóa hoàn toàn trên khắp châu Phi cận Sahara cần đến những khoản đầu tư lên đến gần 20 tỷ USD mỗi năm. Trong số đó, gần 10 tỷ USD cần thiết hàng năm để mang lại và duy trì năng lượng ở Tây và Trung Phi.

con khat dien cua chau phi 27.3.2023 - anh 2.jpg -0
Hàng triệu trẻ em vùng cận Sahara đang chịu cảnh thiếu điện triền miên. Ảnh: Business Insider.

Trong hai năm qua, nhiều sự chú ý đã tập trung vào chương trình “Chuyển đổi năng lượng chính đáng” do phương Tây tài trợ, trong đó Pháp, Đức, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu đang cung cấp các quỹ để giúp các nước nghèo chuyển từ sử dụng than gây ô nhiễm cao sang sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường.

Ông Lawrence cho biết, châu Phi nên nằm trong số những khu vực được hưởng lợi chính từ chương trình này để mở rộng khả năng tiếp cận điện năng trên lục địa và cải thiện mạng lưới điện đang gặp khó khăn. “Quá trình chuyển đổi nên nhắm mục tiêu tiếp cận nông thôn và ưu tiên hàng đầu cho việc điện khí hóa toàn lục địa. Đây là điều hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật”, ông Lawrence nói.

Cái vòng luẩn quẩn tạo ra từ thiếu điện

Năm 2021, các cường quốc phương Tây ký một thỏa thuận cung cấp 8,5 tỷ USD để giúp Nam Phi loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than, nơi sản xuất 80% điện năng của đất nước. Theo các chuyên gia, do phụ thuộc vào than đá, Nam Phi nằm trong số 20 quốc gia phát thải khí nhà kính làm nóng hành tinh cao nhất thế giới và chiếm gần 1/3 tổng lượng khí thải của châu Phi.

Tuy nhiên, kế hoạch loại bỏ than đá của Nam Phi bị cản trở bởi nhu cầu cấp thiết của nước này là sản xuất càng nhiều điện càng tốt mỗi ngày. Nam Phi đã trải qua tình trạng mất điện luân phiên từ cuối những năm 2000 do các nhà máy nhiệt điện than cũ kỹ mà công ty điện lực nhà nước kém hiệu quả Eskom đang phải vật lộn để duy trì hoạt động.

Cắt điện đã trở thành một phần của cuộc sống ở Nam Phi trong gần 16 năm, nhưng vài tháng qua vẫn là khoảng thời gian đen tối nhất, khi việc mất điện kéo dài đến mười giờ liên tục đã trở nên phổ biến tại đất nước này. Tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa hôm 9/3 đã phải tuyên bố “tình trạng thảm họa” trên toàn quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng điện.

Cơn khát điện của châu Phi  và thách thức đối với năng lượng tái tạo -0
Những nhà máy nhiệt điện dùng than của Nam Phi góp phần khiến quốc gia này tạo ra tới 1/3 lượng khí thải của châu Phi. Ảnh: Standard.

Ảnh hưởng của việc mất điện thường xuyên tại Nam Phi nghiêm trọng đến mức gà chết cóng, các chủ siêu thị đang vội vã bán thịt trước khi nó hư hỏng. Từ các ngành công nghiệp lớn đến các lĩnh vực kinh doanh nhỏ lẻ, nhiều công ty đã phải đóng cửa hoặc sa thải nhân viên. Với việc mất điện làm tăng chi phí kinh doanh, giá hàng hóa hàng ngày tăng vọt, sự thất vọng của người dân và thái độ mất niềm tin vào chính phủ đang lên cao ở một đất nước mà cứ ba người thì có một người thất nghiệp.

Quốc gia Đông Phi Uganda trong nhiều năm qua cũng phải vật lộn với tình trạng cắt điện mặc dù đã đầu tư lớn vào sản xuất điện. Nigeria là nền kinh tế lớn nhất ở châu Phi cận Sahara nhưng những hạn chế trong lĩnh vực năng lượng đã hạn chế tăng trưởng. Quốc gia đông dân nhất châu Phi này phải vật lộn với tình trạng thiếu điện trong nhiều năm.

Nigeria - với nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt, thủy điện và năng lượng mặt trời dồi dào - có tiềm năng tạo ra 12.522 megawatt điện từ các nhà máy hiện có. Nhưng tình trạng tham nhũng tràn lan và quản lý yếu kém đã dẫn đến việc nước này chỉ sản xuất được 4.000 megawatt dù dân số hơn 210 triệu người của Nigeria cần tới 30.000 megawatt. Ngân hàng Thế giới cho biết, các doanh nghiệp ở Nigeria bị thiệt hại 29 tỷ USD mỗi năm do mạng lưới điện không đáng tin cậy.

Tại Zimbabwe, tình trạng thiếu điện đã đeo bám quốc gia này trong nhiều năm nay càng trở nên tồi tệ hơn khi chính quyền bang quản lý Kariba, con đập lớn nhất của đất nước, đã hạn chế phát điện do mực nước thấp. Các đợt hạn hán liên tiếp đã làm giảm mực nước của hồ Kariba khiến Nhà máy thủy điện Kariba South, nơi cung cấp khoảng 70% điện năng cho Zimbabwe, chỉ sản xuất được 300 megawatt, ít hơn nhiều so với công suất 1.050 megawatt của nó.

Các nhà máy nhiệt điện than của Zimbabwe cũng cung cấp một số điện năng nhưng đã trở nên không đáng tin cậy do cơ sở hạ tầng cũ kỹ được “tô điểm” bằng việc thường xuyên xảy ra sự cố. Tiềm năng năng lượng mặt trời của nước này vẫn chưa được phát triển đầy đủ để tăng nguồn cung một cách có ý nghĩa.

Điều này có nghĩa là Omar Chienda, một thợ cắt tóc ở thủ đô Harare không bao giờ biết khi nào anh sẽ có đủ năng lượng cần thiết để chạy chiếc tông đơ điện của mình. "Chúng tôi có thể làm gì? Chúng tôi chỉ cần đợi cho đến khi có điện trở lại nhưng hầu hết thời gian có điện trở lại vào ban đêm” Chienda - người cha 39 tuổi đang phải nuôi 5 miệng ăn, cho biết. “Điều đó có nghĩa là tôi không thể làm việc. Và gia đình tôi sẽ đói”.

Tại thủ đô Abuja của Nigeria, Favor Ben - một chủ nhà hàng cho biết cô chi một phần lớn ngân sách hàng tháng cho hóa đơn tiền điện và xăng chạy máy phát điện, nhưng chỉ nhận được trung bình 7 giờ có điện mỗi ngày. “Thật là khó khăn, đặc biệt là sau khi bạn thanh toán hóa đơn tiền điện mà họ không thắp sáng đủ cho bạn”, Ben nói. “Là một nhà hàng, chúng tôi phải tích trữ thực phẩm nhưng nếu không có điện cho tủ lạnh thì rau quả, thịt cá sẽ hư hỏng và tôi đã không ít lần mất tiền oan vì điều đó”.

Cơn khát điện của châu Phi  và thách thức đối với năng lượng tái tạo -0
Việc sử dụng năng lượng tái tạo, như điện mặt trời, vẫn còn rất manh mún ở nhiều nước châu Phi dù tiềm năng là cực lớn. Ảnh: USAID.

Khó khăn kéo lùi nỗ lực

Khi các đại biểu tập trung tại Cape Town (Nam Phi) cuối năm ngoái để thảo luận về những thách thức năng lượng của châu Phi, đã có những ý kiến cho rằng tình trạng thiếu điện kéo dài trên lục địa đen phải được giải quyết khẩn cấp. Có một số hy vọng rằng chương trình “Chuyển đổi năng lượng chính đáng” do phương Tây tài trợ sẽ tạo ra các cơ hội, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi.

Trong số những người chỉ trích mạnh mẽ nhất các nỗ lực để những quốc gia châu Phi chuyển đổi nhanh chóng từ việc sử dụng than đá sang năng lượng sạch hơn là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Khoáng sản và Năng lượng Nam Phi, ông Gwede Mantashe. Tự cho mình là người ủng hộ ngành than, vị bộ trưởng 67 tuổi nói rằng quá trình chuyển đổi vội vàng sẽ làm mất việc làm và làm tê liệt Nam Phi.

Mantashe quyết liệt chống lại các nhà bảo vệ môi trường và xã hội dân sự, trong các cuộc họp báo và thậm chí tại tòa án. Ông cũng là một trong số những đại biểu tại hội nghị ủng hộ quan điểm Châu Phi nên sử dụng tất cả các nguồn có sẵn để sản xuất đủ năng lượng cho lục địa, bao gồm khí đốt tự nhiên, năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và đặc biệt là than đá.

“Than sẽ đồng hành cùng chúng ta trong nhiều năm tới. Với những người coi đó là tham nhũng hoặc là con đường dẫn đến bất cứ điều gì, họ sẽ thất vọng trong nhiều, nhiều năm nữa”, Mantashe tuyên bố. “Nhưng chắc chắn than sẽ tồn tại lâu hơn so với nhiều người trong chúng ta”.

Những người tiên phong cũng phải nản lòng

Vào năm 2021, khi Nam Phi ký thỏa thuận trị giá 8,5 tỷ USD để loại bỏ than đá, người đứng đầu tập đoàn điện lực quốc gia Nam Phi (Eskom) vào thời điểm đó, André de Ruyter, là nhân vật tiên phong ủng hộ việc chuyển sang năng lượng tái tạo. Nhưng gần đây, ông này đã rời Eskom trong bối cảnh tranh cãi về cáo buộc tham nhũng trong công ty. Được biết, cảnh sát Nam Phi đang điều tra một âm mưu đầu độc André de Ruyter bằng cà phê tẩm xyanua xảy ra vào tháng 12 năm ngoái.

Nguyễn Khánh
.
.