Cơn sốt livestream kêu gọi đầu tư cổ phần đá quý: Chiêu trò lừa đảo?
Gần đây, rất nhiều tài khoản mạng xã hội, đặc biệt là TikTok phát trực tiếp kêu gọi “cổ phần” vào việc khai thác đá quý, thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Đó là những công đoạn đập những cục đá thô và kêu gọi người xem đầu tư cổ phần vào các viên đá này.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, việc đầu tư tiền vào những viên đá mà chính bản thân không biết về nguồn gốc, xuất xứ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, chẳng khác nào một trò đỏ đen trên mạng xã hội.
Dẫn dụ “con mồi” bằng lợi nhuận cao
“Đổ thạch” đang là một trò chơi gây sốt trên mạng xã hội, thu hút rất nhiều người tham gia. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để cược vào những viên đá vô tri với niềm tin “nổ” ra các loại đá quý có giá trị để thu về lợi nhuận.
Theo những người chơi, “đổ thạch” có nghĩa là bóc tách, xử lý các viên đá thô được bao quanh bởi lớp sa kết (lớp khoáng vật bám bên ngoài viên đá quý) để được những tinh thể đá quý thành phẩm. Trò chơi này bỗng nổi như cồn, trở thành xu hướng gây sốt trên mạng xã hội, các sàn livestream đập đá trên Facebook, TikTok mọc lên như nấm sau mưa.
Để tìm hiểu thực hư, nguồn gốc của trò chơi này, chúng tôi có liên hệ với anh Nguyễn Bách Thắng, chủ một cửa hàng kinh doanh đá quý tại Lục Yên (Yên Bái). Anh Thắng cho biết, trò đổ thạch xuất hiện đầu tiên ở TP Yên Bái do một vài cá nhân làm. Sau đó vì nhu cầu tìm đá để livestream đổ thạch nên trào lưu này lan ngược về huyện Lục Yên, giờ thì đã phổ biến khắp nơi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện có hàng trăm tài khoản TikTok và Facebook livestream cả ngày lẫn đêm, rao bán các loại đá có hình thù, kích cỡ và màu sắc khác nhau, giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu mỗi viên. Đặc biệt, người bán khẳng định đây là những viên đá quý ở dạng thô.
Chẳng khó khăn gì để tham gia vào các phiên livestream này, chỉ cần gõ từ khóa “đổ thạch” là có thể vào được. Chúng tôi có tham gia một phiên livestream “đổ thạch” của tài khoản có tên “TD giàu có”. Tại đây, một viên đá sáng màu bằng quả trứng gà, trọng lượng khoảng 300 gram được rao bán với giá 1,5M (1,5 triệu đồng).
Người bán liên tục mời chào, tay cầm viên đá và quảng cáo “theo kinh nghiệm đây là viên đầy tiềm năng, viên này giá thị trường phải cỡ 5M (5 triệu -PV) trở lên, nhưng em chỉ để các bác có 1,5M mà thôi. Hiện đã có cổ phần 30%, còn lại 70%, mời các bác chiến đi nào”.
Cứ như thế, người chơi bỏ tiền để cược vào những viên đá trên sàn. Nếu may mắn sẽ “nổ” ra đá quý, sau đó người bán mua lại với giá cao, từ đó người chơi sẽ thu lợi nhuận. Ngoài hình thức mua cá nhân thì những người chơi có thể "chung độ", góp "cổ phần" để cùng nhau "mở bát" mua chung.
Mặc dù hết lời quảng cáo, rằng đã chuyển 30% cổ phần giá viên đá, rồi động viên người xem theo mình để nhanh chóng “búa” (quá trình đập, cắt tìm đá quý). Thế nhưng hơn 30 phút trôi qua vẫn chưa có ai theo. Người bán thấy không có triển vọng, tiếp tục nói: “Trong khi chờ anh em cùng chiến tuyến, em lên live một viên cực sáng cửa nhé, viên 3M đây…”.
Để tạo niềm tin cho người xem, giữ chân người xem, tài khoản này mang ra một viên đá và bắt đầu “búa”. Sau cú đập, mọi người sững sờ, một viên đá màu hồng được cho là đá quý spinel xuất hiện, trọng lượng 3,5 carat và được người bán thu lại với giá 8M (8 triệu đồng).
Ngay sau đó, tài khoản này thông báo đã nhận được tiền lời và tiếp tục động viên người chơi tham gia. Tuy nhiên số lượng người xem dần thưa thớt và không ai “chung độ” nên chủ tài khoản đã tắt livestream.
Tối ngày 11/10, tài khoản Diễm ZoKa phát livestream đập đá thô tìm đá quý, thu hút rất nhiều người tham gia. Người livestream không xuất hiện trên màn hình, thay vào đó là những viên đá sần sùi, được đính kèm 1 tờ giấy nhỏ ghi “20M, 30M, 40M” (20 triệu, 30 triệu, 40 triệu - PV). Đây là mức giá mà chủ shop tự định giá cho những viên đá này.
Trước khi tiến hành cắt những viên đá thô này, người livestream liên tục kêu gọi người xem tham gia đầu tư cổ phần đá quý. Khi viên đá nào được góp đủ số tiền thì chủ livestream bắt đầu đập cục đá thô tìm đá quý. “Đây anh chị em, viên này em nhập từ công ty là 30M. Em chỉ nhận anh em đóng góp từ 500.000 đồng trở lên. Có hàng là có tiền anh em nhé, chỉ sợ không có hàng thôi, chứ cứ đập là có tiền. Anh em đóng góp nhanh kẻo hết mất suất” - người này nói.
Khi chúng tôi thả bình luận muốn đầu tư 5% vào viên 30M, người bán đã nhanh chóng xin số và kết bạn qua Zalo. Quá trình nhắn tin, phóng viên được hướng dẫn cách chuyển tiền. Người chuyển tiền thành công sẽ được tham gia vào nhóm “Đá 30M vào tối ngày 11/10”.
Sau khoảng 30 phút kêu gọi, người bán thông báo ngừng nhận thêm người tham gia vì đã gom đủ số tiền cho viên 30M. Sau đó, người bán tiến hành cắt đá thô, sàng lọc và định giá số lượng “đá quý” vừa tìm được.
Sau một vài phút, người livestream thông báo đã đập được 7 viên đá quý nhỏ với khối lượng 35 carat. Người này tự định giá là 300 triệu đồng.
“Em sẽ thu mua lại 7 viên đá này, thông thường em thu mua từ 5-15 triệu đồng/ carat. Còn với những viên đá này chất lượng khác nhau, em chính thức thu mua với giá 7 triệu đồng/carat. Viên đá 30 triệu đồng giờ tăng lên thành 300 triệu đồng. Người chơi có tên trong danh sách nhanh chóng nhắn số tài khoản ngân hàng vào nhóm Zalo để được chuyển khoản lại số tiền gấp 10 lần số tiền đầu tư ban đầu nhé. Live của em tạm nghỉ, hẹn các bác sau 3 tiếng nữa nhé”, người livestream nói.
Cũng trong ngày 11/10, chúng tôi tiếp tục tham gia một phiên livestream khác trên nền tảng TikTok. Người livestream có tên “Hùng Karat” bắt đầu phiên với viên đá có giá 50M (50 triệu đồng).
Người này quảng cáo: “Nếu đây là hàng lỗi em thu 700.000 đồng/carat, còn hàng lành sạch là tùy. Nếu viên nào dưới 5 carat thì 1,2 triệu đồng/carat, từ 5-10 carat thì 1,5 triệu đồng/carat, trên 10 carat thì 2 triệu đồng/carat các bác ạ!".
Sau những lời quảng cáo, người xem càng có thêm động lực để “cược” vào những viên đá nhỏ hơn có giá 2,5M, 8M, 9M, 15M, 20M... đang xếp hàng trên màn hình.
Sau khi chuyển tiền, chốt xong cổ phần, những viên đá trên được đập ra đều không tìm thấy bất kỳ tinh thể đá quý nào bên trong, được đập vụn để hủy ngay trên sóng trước sự chứng kiến của người xem.
Sau tiết mục đập hủy, người bán trấn an: “Trọng lượng viên thô này lớn quá nên chưa thể hóa ngọc, em sẽ lên cho anh em viên đá khác triển vọng hơn, hoan hỷ “8386” anh em nhé”.
Mặc dù đã gần sáng, nhưng các phiên livestream đập đá vẫn diễn ra sôi động. Càng về khuya số người xem, tham gia càng đông!
Nhiều biến tướng, ảnh hưởng xấu đến danh tiếng "vùng đất ngọc"
Anh Nguyễn Bách Thắng, chủ một cửa hàng kinh doanh đá quý tại Lục Yên (Yên Bái), người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề đá quý cho biết, nghề đá quý là một nghề có từ lâu đời của người dân Lục Yên. Thành hay bại của nghề này dựa vào kinh nghiệm của người thợ, sự chia sẻ rủi ro giữa những người thợ với nhau. Hoàn toàn không có những câu chuyện đỏ đen, may rủi như trên mạng xã hội gần đây họ nói.
“Những viên đá để đổ thạch sau khi được khai thác từ các quặng thường được bao bọc bởi lớp sa kết rất dày, người thợ phải tỉ mẩn chặt ra để tìm những tinh thể đá quý có độ tinh khiết cao. Việc soi đèn để thấy được khả năng lành, sạch của một viên đá phải dựa vào nhiều yếu tố. Ví dụ như độ hút đèn, cảm quan về màu sắc, chất rạn nứt, thớ, nẹp như thế nào. Việc nhìn qua màn hình livestream là không thể đánh giá được”.
Theo tiết lộ của những người chuyên làm nghề đá quý, những viên đá có giá trị cao sẽ được các chủ cửa hàng kinh doanh tự đập búa để lấy hàng thành phẩm chứ không bao giờ livestream để kêu gọi đầu tư. Những viên đá dùng để “đổ thạch” online thường là spinel, đây là loại đá không hiếm, giá khoảng 200.000 đồng/kg hoặc từ 1-3 triệu đồng/viên.
Gần đây, nhiều hội nhóm bán đá quý của Lục Yên đã đồng loạt lên tiếng, bức xúc trước tình trạng “đổ thạch” đang bị biến tướng theo chiều hướng phức tạp. Theo đó, nhiều "sàn" sử dụng đủ mánh khóe để "câu mồi", dẫn dụ người chơi.
Anh Nguyễn Công H (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Khoảng tháng 3/2024 tôi có tham gia vào các sàn livestream “đổ thạch” và cũng thua lỗ mất hơn 100 triệu đồng. Khi xem livestream họ nổ ra đá quý liên tục, tới lượt mình thì không được một viên nào. Lúc chơi tôi như bị mê muội, cứ thế là chuyển tiền để tham gia. Sau khi thua quá nhiều tôi mới ngộ ra là mình đã bị lừa, đây còn hơn là một trò cờ bạc, nó là lừa đảo”.
Mặc dù đã có nhiều người bị lừa nhưng vẫn còn rất nhiều người bị cuốn theo trò chơi này, họ bỗng trở thành những con nghiện “đổ thạch”. Nhiều chuyên gia về đá quý khẳng định, việc “đổ thạch” hiện nay đã biến tướng thành một trò may rủi, có tính chất đỏ đen.
Chia sẻ với báo chí, TS Hoàng Thế Ngữ - Chủ tịch Hội Đá quý Việt Nam cho hay, đá quý cũng là một loại hàng hóa, thế nhưng không dễ để xác định được chất lượng hay giá trị thật của một viên đá. “Việc mua bán đá quý cực kỳ khó, bởi không có tiêu chí để đánh giá viên đá đó là bao nhiêu. Vậy nên, để kinh doanh đá quý cần có sự am hiểu và kinh nghiệm mua bán. Hơn nữa, ngay trong ngành đá quý, khi được bạn bè thông báo rằng có một viên đá quý muốn cổ phần hóa (đóng góp tiền cùng nhau mua để có cổ phần) thì những người tham gia cũng phải cân nhắc rất nhiều. Người ta chỉ dám mua bán, trao đổi đá quý khi họ biết về nó. Không những thế còn cần tận mắt nhìn thấy, thậm chí là cần chứng chỉ của phòng kiểm định thì mới dám mua bán”, Chủ tịch Hội Đá quý Việt Nam cho biết.
Về việc mua bán, kêu gọi đầu tư chung đá quý trên mạng xã hội thời gian qua, vị chuyên gia này cho rằng, người tham gia vào trào lưu đó có khả năng bị lừa đảo cao. Ông đưa ra lời khuyên, nếu ai chưa có kiến thức, am hiểu về đá quý thì không nên tham gia. Không ai trong ngành đá quý lại tham gia đầu tư cổ phần vào những trào lưu như vậy.
Luật sư Nguyễn Đình Hòa (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều các chiêu thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng đánh vào lòng tham của con người để dẫn dụ họ tham gia vào trò chơi nào đó, sau đó chiếm đoạt tiền. “Hiện tượng livestream kêu gọi đầu tư vào đá quý hay còn gọi là đổ thạch rõ ràng có dấu hiệu lừa đảo. Người bán là người chủ động, họ là người hiểu nhất bên trong cục đá đó có gì, họ vẫn lợi dụng lòng tham, thiếu hiểu biết để dùng thủ đoạn gian dối bán những viên đá đó”.
Tuy nhiên, chưa có người tham gia trò chơi đổ thạch online lên tiếng dẫn đến hậu quả, đồng thời cũng chưa có văn bản luật nào về quy định về việc livestream đổ thạch trên nền tảng mạng xã hội nên để nói hoạt động này có được xem là một hình thức đánh bạc hay không cần phải chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét và làm rõ.