Công an tỉnh Hải Dương khám phá các đường dây tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép

Thứ Tư, 27/10/2021, 14:45

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Hải Dương vừa kết thúc điều tra với vụ án “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”. Đây là vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt phức tạp, xảy ra trên nhiều tỉnh nhất là các tỉnh biên giới.

Từ việc bắt quả tang 6 người nhập cảnh

Đầu năm 2021, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị chức năng Công an tỉnh Hải Dương phát hiện có một số đối tượng nghi vấn tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đưa về địa bàn tỉnh Hải Dương rồi đưa vào TP Hồ Chí Minh. Một trong những khó khăn của các trinh sát là việc xác định các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép hiện đang ở đâu, làm gì để làm căn cứ xử lý các đối tượng tổ chức, đồng thời nhanh chóng xác định, truy bắt kịp thời đồng bọn của các đối tượng.

Ngày 24-3, Phòng ANĐT phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành kiểm tra nhà nghỉ 372, thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương phát hiện Phạm Thị Hà (SN 1986, trú tại Kim Đới, Chí Minh, Tứ Kỳ, Hải Dương) đi ôtô BKS 34A-448.21 cùng Nguyễn Xuân Thắng (SN 1991, trú tại Nghĩa Dũng, Đại Sơn, Tứ Kỳ, Hải Dương) đi ôtô BKS 34A-359.66 chở 6 người Trung Quốc Xue Li Qun (SN 1990), Wang Jing Ze (SN 1991), Xu Wen Xiang (SN 1989), Xu Zhi Xin (SN 1990), Wu Shi Ling (SN 1994), Huang Chun Ling (SN 1987) nhập cảnh Việt Nam trái phép; dự kiến trưa 24-3 đưa vào TP. Hồ Chí Minh.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 25-3, Cơ quan ANĐT đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Phạm Thị Hà và Nguyễn Xuân Thắng. Căn cứ vào lời khai của Hà và Thắng, các điều tra viên xác định đây là một đường dây đã hoạt động thực hiện nhiều chuyến với nhiều đối tượng Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã báo cáo, đề xuất Ban Giám đốc tiến hành đấu tranh, mở rộng điều tra.

Công an tỉnh Hải Dương khám phá các đường dây tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép -0
Công an tỉnh Hải Dương làm việc với đối tượng Phạm Thị Hà.

Từ định hướng như nêu trên, Phòng ANĐT đã thành lập các tổ công tác, một tổ tiếp tục đấu tranh, khai thác đối tượng Hà, Thắng và nhóm người Trung Quốc; một tổ công tác khác tính toán biện pháp bắt giữ các đồng phạm. Đối tượng Phạm Thị Hà sau khi được cảm hóa, giáo dục đã đồng ý hợp tác với Cơ quan công an, bắt giữ đối tượng cầm đầu là Sầm Văn Định (SN 1997, ở tại thôn Kéo Sỹ, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng).

Sầm Văn Định là đối tượng cực kỳ tinh quái. Căn nhà của Định nằm ở giáp biên giới, chỉ cần chút động tĩnh là đối tượng lập tức bỏ trốn. Định cực kỳ cảnh giác, nếu không phải là các đối tượng trong đường dây, xuất hiện tại hiện trường thì anh ta sẽ không “xuất đầu, lộ diện”. Kế hoạch đánh án vì thế phải tính toán cẩn thận đến từng chi tiết; lựa chọn thời điểm phá án là lúc đêm tối, địa điểm là nơi trước đó các đối tượng thường xuyên giao, nhận người... Khi Định gặp Hà đã bị Cơ quan ANĐT bắt giữ.

Từ lời khai của Định, mở rộng đấu tranh, Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương tiếp tục bắt Trương Văn Tiên (SN 2000, ở tại thôn Kéo Sỹ, xã Tổng Cọt) và Sầm Văn Cường (SN 2001, huyện Hà Quảng), khi các đối tượng đang lẩn trốn ở Bắc Ninh. Đồng thời, bắt giữ Hoàng Thị Thoa (SN 1993, ở tại xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) khi đối tượng lẩn trốn ở khu vực Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội.

Ngoài vụ bắt quả tang vào đêm 23, rạng sáng 24-3, Cơ quan ANĐT còn làm rõ Phạm Thị Hà và đồng bọn đã tổ chức đón 7 chuyến, với 21 người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam trái phép qua cột mốc 718 thuộc thôn Kéo Sỹ, Tổng Cọt, Hà Quảng, Cao Bằng (gọi tắt là cột mốc 718) vào các tỉnh Cao Bằng, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Hải Dương để đưa đi TP. Hồ Chí Minh.

Từ đây, hành vi của các đối tượng đã bước đầu được làm rõ: Phạm Thị Hà quen biết Hoàng Thị Thoa, từ nhóm “Hội phiên dịch tiếng Trung” trên ứng dụng Wechat. Ngày 20-2, qua chuyện trò trên Wechat và muốn có thêm thu nhập, Hà được Thoa trao đổi, thống nhất tối 24-2 đón người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Thoa cho Hà tài khoản Wechat của “Trang Chủng” (người Trung Quốc) để liên hệ đón người với giá 36.000.000 đồng/chuyến/3 người.

Tối 24-2, Định đón 3 người đàn ông từ Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam trái phép, thu 2.500 NDT/người rồi dẫn họ đi bộ xuống núi cho em trai Định là Sầm Văn Cường và người hàng xóm của Định. Sau đó, Định, Cường, Tiên đưa những người này đến khu vực đèo Bông Lau, thuộc huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, liên hệ với Hà ra đón.

Hà và Thắng đi cùng nhau đến Lạng Sơn, sau đó Hà thuê taxi để đi qua các chốt kiểm dịch của Lạng Sơn đến đèo Bông Lau gặp Định đón người, sau đó cùng Thắng đưa nhóm người này đến khu vực Vincom Thảo Điền, TP. Hồ Chí Minh rồi cho họ xuống xe. Xong việc, Thoa chuyển cho Hà 36.000.000 đồng theo thỏa thuận ban đầu. Sau chuyến này, Hà đã cắt cầu Thoa để liên lạc trực tiếp với “Trang Chủng”...

Trong vụ án này, Hà đã nhận được tổng cộng 246 triệu đồng, trừ chi phí Hà và Thắng hưởng lợi mỗi người 93 triệu đồng. Định thu tổng cộng 236 triệu đồng, trực tiếp hưởng lợi 114.250.000 đồng, chia cho Cường hưởng lợi 90 triệu đồng, chia cho Tiên hưởng lợi 32 triệu đồng.

Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương đã hoàn tất hồ sơ, chuyển Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị truy tố các bị can Phạm Thị Hà, Sầm Văn Định, Nguyễn Xuân Thắng, Sầm Văn Cường, Trương Văn Tiên, Vũ Thành Long và Hoàng Thị Thoa về tội danh “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”.

Phối hợp đánh án từ nước ngoài

Trước đó, Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương đơn vị đã khám phá thành công đường dây tội phạm khác. Vụ án xuất phát từ việc phát hiện một trường hợp dương tính với COVID-19. Từ sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương về việc truy vết, Công an tỉnh Hải Dương đã phát hiện có dấu hiệu nguồn lây từ Lào và việc xuất, nhập cảnh của Đào Duy Tùng (SN 1989, ở TP Hải Dương) là trái phép. Qua đấu tranh khai thác, xác định Đào Anh Tuấn (SN 1979, hộ khẩu tại phường Nhị Châu, TP Hải Dương), anh họ của Tùng là đối tượng tổ chức cho Tùng trốn sang Lào và từ Lào nhập cảnh trái phép về Việt Nam, thời điểm đó Đào Anh Tuấn đang ở Lào.

Cơ quan công an đã nhanh chóng dựng lai lịch Đào Anh Tuấn. Xác định đây là đối tượng có 2 tiền án về hành vi cướp và trộm cắp tài sản, từng trốn truy nã, hiện đã xuất cảnh trái phép sang Lào, do vậy việc truy bắt Tuấn gặp rất nhiều khó khăn. Từ thông tin Công an tỉnh Hải Dương cung cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, đối tượng Đào Anh Tuấn đã bị bắt giữ và được phía Lào bàn giao vào ngày 25-5.

Kết quả điều tra xác định, trong thời gian thụ lý án về tội “Trộm cắp tài sản” từ năm 2012 đến tháng 8-2020, Đào Anh Tuấn đã tìm hiểu qua các bạn tù đường đi sang Lào để làm ăn. Ngay sau khi ra tù, Tuấn liên hệ và được các đối tượng đưa sang Lào và từ Lào trốn về Việt Nam 3 lần. Đến ngày 20-4, theo nguyện vọng của Tùng, Tuấn liên hệ với đường dây này và đưa Tùng trốn về Việt Nam qua khu vực cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị. Ngày 22-4, khi về đến Việt Nam, Tùng không thực hiện cách ly mà bắt xe khách về Hải Phòng ở cùng với bạn gái là Nguyễn Thị T (SN 2000, trú tại tỉnh Hải Dương) tại nhà nghỉ Tường Vi 2, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng cho đến khi bị phát hiện dương tính với COVID-19.

Việc điều tra, giải quyết triệt để vụ án đã chặn đứng đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam trái phép, đưa các đối tượng ra xử lý trước pháp luật, được quần chúng nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các tỉnh liên quan. Đồng thời, thể hiện quyết tâm trấn áp tội phạm, nỗ lực khắc phục khó khăn vượt bậc của cán bộ, chiến sĩ Phòng ANĐT Công an tỉnh Hải Dương.

Năng lực của Công an xã đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm

Đó là ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí tại Quốc hội khi thảo luận về nội dung bổ sung trách nhiệm của công an xã giống như công an phường, thị trấn trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 146, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) liên quan đến thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, theo tờ trình, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị sửa đổi khoản 3, bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã (như đối với công an phường, thị trấn, đồn công an), cụ thể: “Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Công an tỉnh Hải Dương khám phá các đường dây tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép -0
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam phát biểu thảo luận.

Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình (đại biểu đoàn Quảng Bình) cho rằng việc sửa đổi này là cần thiết, phù hợp với tổ chức bộ máy cửa lực lượng CAND và yêu cầu thực tiễn. Theo ông Nam, Luật CAND 2018 quy định, công an xã là một cấp công an trong hệ thống tổ chức bộ máy của CAND có vị trí vai trò rất quan trọng trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đây là lực lượng thường trực gần dân nhất để nắm, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm từ nhân dân, luôn có mặt nhanh, kịp thời nhất khi có vụ việc liên quan đến ANTT tại cơ sở, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, hậu quả của tội phạm, tiến hành các hoạt động theo thẩm quyền để bảo vệ hiện trường, tài liệu vật chứng, Đại biểu Nam nhấn mạnh.

Hiện nay, 100% xã đã được bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, trong đó trên 50% có trình độ đại học công an, gần 20% từng công tác tại các đội điều tra công an huyện...

Như vậy, nguồn nhân lực của công an xã rất lớn, đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ của công an xã trong tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo tội phạm tương đương với công an phường, thị trấn.

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam cũng cho rằng, thực tế cho thấy, dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, song lực lượng Công an xã đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong bảo đảm ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở cơ sở, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Vì vậy, việc bổ sung nhiệm vụ này cho công an xã là rất cần thiết, đúng đắn và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng giao nhiệm vụ này cho công an xã.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, hiện nay, lực lượng Công an xã đã được tổ chức chính quy 100% trên nhiều địa bàn của Lâm Đồng, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn tại Điều 1, Luật CAND, trong đó có các quy định chung về tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm. Do vậy, việc bổ sung trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã tương đương với công an phường không mâu thuẫn với Luật CAND và Pháp lệnh Công an xã trước đây.

Phát biểu giải trình làm rõ về nội dung trên, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, dịch COVID-19 đã tác động đến các hoạt động xã hội nói chung và quá trình xử lý các tình huống liên quan đến tội phạm tại các cơ sở, địa phương nói riêng.

Thời gian qua, Bộ Công an đã tăng cường lực lượng chính quy về công an xã. Về năng lực chuyên môn, công an xã đã đáp ứng được yêu cầu, cần bổ sung để nguồn nhân lực này được phát huy giải quyết tại chỗ các tình huống phát sinh, giảm tải áp lực cho công an huyện đang quá tải. Bên cạnh đó, qua dịch bệnh, thiên tai, đời sống xã hội phát sinh nhiều vấn đề nên nếu giải quyết tốt ngay từ cơ sở sẽ góp phẩn đảm bảo ANTT.

Trước ý kiến băn khoăn của một số đại biểu liên quan đến năng lực của đội ngũ công an xã hiện nay, Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục tính toán về nhân sự, tái đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất cho công an xã. Khi công an xã được bổ sung trách nhiệm này, viện kiểm sát nhân dân cấp huyện sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm sát chặt chẽ việc điều tra, xác minh sơ bộ của công an xã như công an phường, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

PV

Xuân Mai
.
.