Công an tỉnh Nghệ An: Giăng lưới bắt “lừa”
Sau nhiều tháng truy tìm dấu vết, truy lùng các đối tượng, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp các lực lượng chức năng đã triệt xóa thành công băng nhóm tội phạm hoạt động tại Myanmar, Philippines… Bước đầu bắt giữ gần 100 đối tượng, qua đó xác định băng nhóm tội phạm này đã sử dụng công nghệ cao lừa đảo qua mạng xuyên quốc gia với số tiền chiếm đoạt hơn 2.000 tỉ đồng…
Lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng chỉ sau vài ngày quen biết
Một ngày giữa tháng 5, người đàn ông với khuôn mặt thất thần đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An xin trình báo với nội dung: Anh là N.T.D trú tại TP Vinh, anh đã bị một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 14 tỉ đồng.
Theo trình báo của bị hại thì vào ngày 05/10/2023, qua mạng xã hội facebook, anh có kết bạn với một tài khoản tên “H.T”, người này tự giới thiệu quê tỉnh Nghệ An, hiện đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Sau khi trò chuyện trên Facebook thì H.T xin số điện thoại để kết bạn trên ứng dụng Viber, Zalo cho tiện liên lạc. Sau một thời gian trò chuyện, H.T giới thiệu bản thân đang là nhân viên của một sàn thương mại điện tử lớn.

Đến ngày 20/10/2023, H.T nhờ anh truy cập vào đường link của ứng dụng của sàn thực hiện các nhiệm vụ để nhận khuyến mãi, hoàn tiền để tăng tương tác cho sàn vì H.T được chủ giao nhiệm vụ đó. Sau đó, anh đã đồng ý giúp H.T thực hiện nhiệm vụ. Ngay lập tức H.T gửi cho anh một tài khoản viber để kết bạn và đăng ký thực hiện nhiệm vụ.
Sau khi kết bạn với tài khoản trên thì người này gửi tin nhắn với nội dung: “Nhiệm vụ 1: Hoa hồng cho sản phẩm này là 5%; kèm số lượng sản phẩm và yêu cầu thanh toán 1 lần”. Sau đó, H. tiếp tục gửi đường link sản phẩm trên ứng dụng của sàn thương mại điện tử và hướng dẫn anh nhấn vào đường link sản phẩm, chụp ảnh lại và quay lại thanh toán giá tiền của sản phẩm đó. Tuy nhiên việc thanh toán phải chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng do người này gửi, không được thanh toán tiền trực tiếp trên sàn thương mại điện tử. Sau khi thực hiện nhiệm vụ được 4 lần với tổng số tiền 24.480.000 đồng và được nhận lại tiền gốc và tiền hoa hồng là 25.704.000 đồng. Cứ thế, đối tượng liên tiếp lừa anh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ 59 lần nữa.
Sau khi thực hiện nhiệm vụ thì H.T và tài khoản “Custom” đều yêu cầu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và nạp tiền để làm hồ sơ rút tiền về. Do đã nạp vào số tiền quá lớn và tin tưởng vào người bạn tên H.T quen qua mạng nên anh đã thực hiện làm theo. Để anh tin tưởng thì H.T nói để H.T đi vay tiền nạp vào tài khoản theo yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ giúp lấy tiền lại. H.T cũng đã gửi hình ảnh chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của đối tượng yêu cầu tổng số tiền 2.798.047.775 đồng và nói tiếp vay thêm tiền để nạp vào cho đủ thực hiện nhiệm vụ. Do thấy H.T đã giúp mình vay tiền nên anh đã tin tưởng tiếp tục nạp thêm tiền vào. Đến thời điểm trình báo, tổng số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt lên đến hơn 15 tỉ đồng.
Gian nan hành trình phá án
Nhận thấy đây là thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo của nhóm đối tượng được tổ chức hết sức tinh vi, bài bản và có hệ thống, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã họp và quyết định xác lập chuyên án, giao phòng Cảnh sát hình sự chủ trì để điều tra, xác minh làm rõ và phá án.
Sau khi tiến hành xác lập chuyên án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ để thu thập thông tin, xác minh các đối tượng trong chuyên án. Do các đối tượng thực hiện hoạt động tội phạm ở nước ngoài, có cơ cấu, tổ chức chặt chẽ, tinh vi và tổ chức tội phạm có trụ sở ở nhiều quốc gia khác nhau nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ và thông tin các đối tượng hết sức khó khăn.

Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát hình sự đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ sắc bén để thu thập thông tin liên quan đến các đối tượng từng bị lừa sang Myanmar, Philippines để lần tìm các dấu vết dù là nhỏ nhất. Sau gần 2 tháng ròng rã truy lùng, cuối cùng Ban chuyên án xác định được: Tổ chức lừa đảo trên do đối tượng người nước ngoài cầm đầu, làm chủ, được phân chia thành hai chi nhánh, một chi nhánh có trụ sở đặt tại Myanmar và một chi nhánh có trụ sở đặt tại Philippines. Trong mỗi chi nhánh được phân công một đối tượng người Việt Nam điều hành, quản lý theo mô hình công ty, có cơ cấu, tổ chức chặt chẽ theo từng cấp bậc để quản lý và thực hiện hoạt động lừa đảo một cách có quy mô, chuyên nghiệp. Trong mỗi chi nhánh được chia thành 6 đội đoàn, mỗi đội đoàn do một đối tượng làm quản lý. Trong mỗi đội đoàn được chia thành 4-6 tổ, mỗi tổ do một tổ trưởng quản lý, phụ trách, trong mỗi tổ có từ 6-8 nhân viên thực hiện công việc lừa đảo. Tổng số lượng các đối tượng tham gia tổ chức tội phạm tại cả hai chi nhánh lên đến khoảng hơn 300 người.
Sau khi xác định rõ băng nhóm tội phạm này, từ ngày 10/05/2025 đến ngày 15/06/2025, Ban chuyên án đã chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị địa phương trên cả nước đồng loạt khám xét, bắt giữ, khởi tố bị can 75 đối tượng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Quá trình điều tra, Ban chuyên án còn xác định, với thủ đoạn nêu trên, nhóm tổ chức tội phạm này đã thao túng tâm lý và trong thời gian ngắn chỉ từ 1 - 2 ngày đã có bị hại tại TP Hồ Chí Minh bị lừa số tiền đặc biệt lớn lên tới hơn 41 tỉ đồng. Hay một bị hại khác tại Hà Nội cũng bị lừa với số tiền hơn 27 tỉ đồng.
Lật tẩy thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Qua kết quả điều tra ban đầu xác định, các đối tượng tham gia tổ chức lừa đảo được đào tạo, hướng dẫn cách thức lừa đảo theo một kịch bản có sẵn, được xây dựng, thiết kế theo từng bước chặt chẽ nhằm thao túng, dẫn dắt tâm lý của bị hại. Quá trình thực hiện công việc lừa đảo, mỗi nhân viên trong công ty phải tuân thủ theo một quy trình, nhiệm vụ được phân công từ trước để tạo được lòng tin với bị hại.


Các đối tượng tham gia tổ chức lừa đảo tại hai chi nhánh này được đào tạo, hướng dẫn cách thức lừa đảo theo kịch bản “thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền mua hàng trên sàn thương mại điện tử để nhận tiền hoa hồng cực khủng” hoặc kịch bản lừa đảo tình cảm - kết bạn, hẹn hò được các đối tượng lừa đảo xây dựng, thiết kế theo quy trình các bước rất chặt chẽ nhằm tạo lòng tin, từ đó thao túng, dẫn dắt tâm lý của bị hại. Đầu tiên nhân viên được công ty cung cấp tài khoản Facebook không chính chủ (thường là phụ nữ, có hình ảnh xinh đẹp, đăng bài có công việc, thu nhập và cuộc sống khá giả) để tìm kiếm các tài khoản người đàn ông thành đạt, có tiền rồi kết bạn, nhắn tin làm quen nhằm xây dựng tình cảm, sau đó các đối tượng sẽ hướng dẫn bị hại kết bạn qua tài khoản Viber để tiện nói chuyện.
Từ Viber sau khi nói chuyện được khoảng 2 ngày, các đối tượng sẽ mời gọi các nạn nhân vào đầu tư với hình thức nhờ bị hại thực hiện nhiệm vụ giúp “nhân vật” để nhận quà tặng của sàn thương mại điện tử (thực chất đây chỉ là một sàn thương mại điện tử ma được các đối tượng lập ra nhằm thực hiện hành vi lừa đảo). Đối với các nhiệm vụ đầu tiên, các bị hại sẽ được nhận tiền “hoa hồng, lẫn tiền gốc” để tạo lòng tin. Khi khách hàng đã tin tưởng làm theo, các đối tượng sẽ tiếp tục yêu cầu khách hàng thực hiện thêm nhiệm vụ, số tiền sản phẩm khách cần thanh toán ngày càng lớn, nhưng không được hoàn tiền do “lỗi hệ thống, sai cú pháp”, yêu cầu bị hại tiếp tục nạp thêm tiền thực hiện thêm nhiệm vụ nhưng đều bị chiếm đoạt.
Để thực hiện hoạt động lừa đảo và mở rộng phạm vi hoạt động, các đối tượng trong băng nhóm tội phạm liên tục tuyển người từ Việt Nam qua Myanmar và Philippines để thực hiện hoạt động lừa đảo. Các đối tượng di chuyển máy bay qua Thái Lan bằng con đường hợp pháp, rồi từ Thái Lan di chuyển vượt biên trái phép qua Myanmar hoặc bay thẳng từ Việt Nam qua Philippines để tham gia vào tổ chức tội phạm trên.
Quá trình xác minh, theo dõi, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 23/06/2025, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An chủ trì phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, các Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các tỉnh, thành phố, cửa khẩu trên cả nước và các đơn vị liên quan huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thành lập nhiều tổ công tác phá thành công chuyên án, đồng loạt bắt giữ, khám xét khẩn cấp gần 100 đối tượng tại Nghệ An và nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có nhiều đối tượng bị bắt giữ sau khi vừa nhập cảnh vào Việt Nam.
Cơ quan Công an xác định Phan Đình Thịnh (SN 1995) và Lê Thị Trà (SN 1999) cùng trú tại xã Hưng Nguyên, Nghệ An là hai trong số những đối tượng cầm đầu đường dây tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia. Bước đầu các đối tượng khai nhận đã thực hiện hàng trăm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam trên khắp cả nước ước tính lên đến hơn 2.000 tỉ đồng.
Việc triệt xóa thành công ổ nhóm tội phạm trên là chiến công xuất sắc đặc biệt của Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị liên quan được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố, tạm giam các bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4, Điều 174, Bộ luật hình sự, đồng thời tiếp tục xác minh, điều tra, làm rõ, đấu tranh mở rộng chuyên án và xử lý các đối tượng còn lại theo đúng quy định pháp luật.