Công nghiệp súng đạn Mỹ và kẽ hở hiến pháp

Chủ Nhật, 26/06/2022, 13:35

“Tu chính án thứ hai đang giúp ngành công nghiệp súng đạn Mỹ thu về lợi nhuận kếch xù. Muốn chấm dứt bi kịch từ súng đạn, đã đến lúc mọi người dân Mỹ không nên coi quyền được sở hữu súng đạn cho toàn dân là tuyệt đối nữa” - Tác giả bài viết: Christopher R. Martin, giáo sư về báo chí kỹ thuật số công tác tại Đại học Bắc Iowa (UNI).

Trong tuần, ngay sau vụ thảm sát ngày 24 tháng 5 năm 2022 xảy ra ở Uvalde (tiểu bang Texas - một gã trai 18 tuổi đã dùng một khẩu súng trường bán tự động loại AR-15 để ra tay giết hại 21 người (19 người trong số đó là trẻ em) và làm bị thương 17 người khác, Sioux City Bandits (SCB), tên của một đội bóng đá trong nhà chuyên nghiệp đến từ tiểu bang Iowa, đã lên kế hoạch tặng súng trường bán tự động như một chương trình khuyến mãi “Đêm quân sự” như họ đã từng làm chỉ một năm trước đó.

Sau những lời ta thán lan rộng, Thời báo Sioux City báo cáo rằng chủ nhân của đội bóng là J. R. Bond (có trụ sở ở tiểu bang Missouri) cho hay rằng việc hủy hoặc hoãn tặng súng là “nằm ngoài dự kiến”. Ông Bond nói thêm rằng “một số người bị ám ảnh với một mẫu kim loại là sự thổi phồng quá mức” và rằng “đang có những bình luận ác ý từ dân cư duyên hải phía Đông, những người lái ô tô điện và ăn lúa mỳ”. Một trong những người chỉ trích là đồng sở hữu địa phương của Công ty cung ứng thép nhà nước đóng tại thành phố Sioux, ông này tuyên bố sẽ hoãn tài trợ cho SCB bởi vì “chương trình này đặc biệt nhạy cảm so với tình hình hiện tại”.  

Người Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đã nghe quá nhiều về những vụ xả súng kiểu này trước đây, và mỗi lần như vậy hàng triệu người chắc mẩm đây sẽ là sự kiện cuối cùng và làm thay đổi chóng vánh mối quan hệ của nước Mỹ với súng. Khi nào thì Quốc hội Mỹ ra tay để ngăn chặn những cái chết do súng đạn? Nhiều người Mỹ hiện thời đang tranh luận xoay quanh 1 câu hỏi: Bản tu chính án thứ hai ra đời nhằm mục đích gì?

Một lực lượng dân quân cho phòng thủ chung

Không ai ở Mỹ mà không biết tới 5 quyền căn bản của tu chính án thứ nhất: tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, và tự do đệ đơn lên chính phủ. Liền đó là tu chính án thứ hai: mọi người Mỹ đều có quyền sở hữu súng. Song tu chính án thứ hai là một tuyên bố hoàn toàn khác, nó đề cập một tình huống có ý nghĩa hơn nhiều đã xảy ra cách đây 231 năm.

27 từ của tu chính án thứ hai đề cập như thế này: “Một lực lượng dân quân được điều tiết tốt, rất cần thiết cho an ninh của một đất nước tự do, người dân có quyền giữ và mang súng, không bị xâm phạm”. Ý tưởng về quyền tập thể được giữ và mang súng như là một phần của lực lượng dân quân được điều tiết tốt, nó chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh thành lập quốc gia Hoa Kỳ mới vào năm 1791. Với quá khứ từng bị áp bức dưới chính quyền thuộc địa Anh, nhiều nhà sáng lập chống chủ nghĩa liên bang tỏ ra e sợ việc duy trì một lực lượng quân đội thường trực trong thời bình.

Bởi vì quân đội có thể trở nên nguy hiểm trong tay các nhà lãnh đạo chuyên quyền, nên những người này nghĩ rằng “liều thuốc giải độc tốt nhất là một lực lượng dân quân được rút ra từ các công dân”, như cách mà sử gia đạt giải Pulitzer, Jack N. Rakove, và các đồng nghiệp của ông đã viết. Trong các điều khoản có vẻ như Hiến pháp Mỹ khá mơ hồ. Nhưng chỉ một năm sau đó, mục đích của tu chính án thứ hai đã được xác định rõ nét hơn trong đạo luật dân quân thống nhất năm 1972, trong đó nêu ra những tiêu chuẩn liên bang về một “lực lượng dân quân được quản lý tốt”.

Trước hết, chỉ có một số người nhất định mới có thể tham gia vào lực lượng dân quân. Luật yêu cầu “mọi công dân nam da trắng của các tiểu bang tương ứng, đã từng cư ngụ tại đó, có độ tuổi từ 18 đến dưới 45 sẽ được ghi tên vào lực lượng dân quân của họ”. Thứ hai, họ phải tự mang súng bao gồm “một khẩu súng hỏa mai hoặc chốt hỏa lực tốt, một lưỡi lê và thắt lưng đủ dùng, 2 viên đá lửa dự phòng, 1 ba lô, 1 túi, 1 cái hộp chứa không đầy 24 hộp nhỏ”.

Công nghiệp súng đạn Mỹ và kẽ hở hiến pháp -0
Khu trưng bày các loại súng trường bán tự động Sig Sauer trong hội chợ SHOT lần thứ 35 (15-1-2013) ở Las Vegas.

Thứ ba, nếu một thành viên của lực lượng dân quân không tuân theo các quy tắc hoặc không xuất hiện cùng với lực lượng dân quân của tiểu bang mình khi được Tổng thống gọi thì các thành viên có thể bị phạt, ra tòa án binh và thậm chí có thể bị tống giam. Lực lượng dân quân được tạo ra nhằm chống lại sự áp bức liên bang và cũng là những lực lượng đảm bảo cho sự phòng thủ chung.  Tuy nhiên, họ cũng đóng vai trò là lực lượng đàn áp ngay từ những ngày đầu thành lập.

Người da đen, thổ dân da đỏ và phụ nữ bị loại khỏi lực lượng dân quân và không cho mang súng. Được kiểm soát bởi tư cách thành viên và các chỉ huy da trắng, những dân quân phòng thủ đã tàn sát người da đỏ, họ cũng được kêu gọi để nhanh chóng dập tắt các cuộc nổi dậy của những người bị bắt làm nô lệ. Ngay cả sau khi kết thúc chế độ nô lệ, người da màu cũng thường xuyên bị chối bỏ quyền sở hữu súng và tư cách thành viên trong các lực lượng dân quân.

Sử gia Carol Anderson trong cuốn sách của mình mang tựa đề “Tu chính án thứ hai: Chủng tộc và Súng trong lòng nước Mỹ bất công” đã giải thích: “Truyền thống của người da trắng chuyên dùng súng để đàn áp người da đen là cốt lõi của lịch sử tu chính án thứ hai ở Mỹ, từ những nhóm dân quân chuyên bắt người làm nô lệ cho đến những người da đen tự do ngày nay đều phải tuân theo luật căn bản (đã được viết lần đầu tiên bởi Hiệp hội súng trường quốc gia, NRA) điều đó là căn nguyên dẫn đến những “vụ giết người chính đáng” khi sát thủ là người da trắng, nạn nhân là người da đen.

Sang thế kỷ 20, nhu cầu và mục đích của dân quân đã thay đổi. Luật dân quân năm 1903 đã chia dân quân thành 2 loại: 1) Lực lượng vệ binh quốc gia mới sẽ là lực lượng dân quân mặc đồng phục và hoạt động tích cực của Mỹ; 2) Lực lượng dân quân dự bị vốn tuyển lựa từ “những công dân nam có thể hình tráng kiện”. Cho đến khi đó, việc thành lập Vệ binh quốc gia, và truyền thống của một đội quân Mỹ thường trực đông đảo, thì dân quân dân sự còn có ý nghĩa gì?

Kẽ hở luật bị lợi dụng

Được thành lập vào năm 1871 bởi các cựu binh Liên minh trong thời kỳ Nội chiến, mục đích của NRA là giáo dục các thành viên về thiện xạ và an toàn súng đạn. Tổ chức này đã có một bước ngoặt đáng kể ngay sau hội nghị thường niên được tổ chức ở Cincinnati vào năm 1977, khi những người phản đối lại sự ủng hộ của NRA đối với Luật kiểm soát súng (GCA) năm 1968 (giới hạn việc dùng súng và bối cảnh vụ ám sát Kennedy trong năm đó) đã tiếp quản NRA.

NRA làm việc thay mặt cho ngành công nghiệp súng để bán vũ khí (hàng chục triệu khẩu súng các loại) và nhanh chóng chọn các phe phái chính trị, liên minh với Đảng cộng hòa và thưởng cho đảng này hàng triệu USD đối với những đóng góp của các ứng viên trong một hành vi có qua có lại vì luật pháp dễ dãi, cũng như sự mềm mỏng trong các quy định quản lý súng.

Rất rất nhiều tiền đã được chi. Các tổ chức quyền lợi súng đã chi 190,4 triệu USD cho việc vận động liên bang từ giữa năm 1998 và 6 tháng đầu năm 2022 tức gấp 6 lần số tiền 28,9 triệu USD đã được chi bởi các tổ chức kiểm soát súng trong cùng kỳ thời gian, theo dữ liệu công bố bởi Open Sources, tổ chức theo dõi dòng tiền trong nền chính trị Mỹ.

Mục tiêu là làm cho súng trở thành một sản phẩm tiêu dùng được thèm muốn nhằm thuyết phục hàng triệu người Mỹ bị ám ảnh quá mức. Rõ ràng là nó đã phát huy hiệu quả. Quỹ Thể thao bắn súng quốc gia Mỹ (NSSF) báo cáo đầu năm 2022 rằng “tổng tác động kinh tế của ngành công nghiệp đạn dược và vũ khí tại Mỹ đã tăng từ 19,1 tỷ USD (năm 2008) lên thành 70,52 tỷ USD (năm 2021)”. Đó gần như là giá trị của ngành công nghiệp giầy thể thao toàn cầu.

Để biến súng thành một nỗi ám ảnh người tiêu dùng, ngành công nghiệp này đã mất hàng thập kỷ nhằm thay đổi cách hiểu của người Mỹ về tu chính án thứ hai. Thay vì một quyền tập thể được quy định rõ ràng với ý thức trách nhiệm của các chủ sở hữu súng đối với xã hội, thì súng được mặc định là quyền cá nhân cho mọi công dân với nhu cầu tự vệ có nhận thức (hoặc chỉ cảm thấy “ngứa mắt” hoặc “hung hãn”). Ngành công nghiệp súng thừa biết con đường họ đi ra sao.

Công nghiệp súng đạn Mỹ và kẽ hở hiến pháp -0
Hai sĩ quan cảnh sát Randy Hancey (trái) và Jaron Studley (phải) đang kiểm tra vài loại súng tại hội chợ súng SHOT 35.

Không phải ngẫu nhiên mà một chiến dịch tiếp thị dài hạn đã khởi sự ngay từ năm 2010 đối với loại súng trường bán tự động Bushmaster 223 đi kèm với câu khẩu hiệu: “Hãy xem lại cách cấp thẻ cho các quý ông”. Bushmaster là loại súng trường dân sự đã được dùng trong vụ xả súng tại trường tiểu học Newtown vào năm 2012, phần lớn trong số các nạn nhân là trẻ em.

Trong cuốn sách của mình mang tựa đề “Tu chính án thứ hai trong xét xử: Những bài luận phê bình ở quận Columbia và Heller”, sử gia Nathan Kozuskanich, giải thích: “Có lẽ mánh khóe lớn nhất mà các học giả về quyền cá nhân đã rút ra là thuyết phục tòa án rằng tu chính án nên bắt đầu từ “lực lượng dân quân được điều tiết tốt” nhưng thật sự không phải như vậy. Đối với vụ án Heller, một quyết định năm 2008 của Tòa tối cao Mỹ được viết bởi Thẩm phán Antonin Scalia, trong đó tái giải thích tu chính án thứ hai là đảm bảo quyền sở hữu súng cá nhân dùng để tự vệ, và mở màn cho sự bùng nổ doanh số bán súng chỉ trong vòng 14 năm qua.

Các sử gia Kozuskanich và Saul Cornell đã xác định “một vùng bóng tối các tư tưởng đã dung dưỡng và hậu thuẫn vốn tạo nên vụ án Heller”. Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ (NRA) là một trong những nhà tài trợ lớn nhất khi ủng hộ 1 ghế tại Trường luật George Mason (Arlington, Virginia) nhằm “cống hiến để thúc đẩy quan điểm quyền cá nhân của tu chính án thứ hai”, và trả tiền cho 3 ngưởi ủng hộ quyền sở hữu súng hàng đầu để viết nên hàng tá bài viết ngay trong thập niên 1990.

Công việc của họ được trích dẫn nhiều bởi quyết định của Thẩm phán Scalia. Thật trùng hợp khi Trường luật George Mason cũng được tái đổi tên thành Trường luật Antonin Scalia năm 2016 với khoản đóng góp trị giá 20 triệu USD từ một mạnh thường quân giấu tên, và số tiền 10 triệu USD của Quỹ Koch. Hiện có hơn 393 triệu khẩu súng trong tay dân Mỹ, cụ thể là cứ 100 dân thì có 120 khẩu súng, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Trong quyết định của vụ án Heller, Thẩm phán Scalia đã gọi “súng lục là vũ khí tự vệ tinh túy” và “chủ nhân khẩu súng là người hùng bảo vệ công lý”.

Quyết định của thẩm phán Scalia không hề đả động đến các vụ tự sát bằng súng (nguyên nhân hàng đầu đối với những trường hợp tử vong liên quan đến súng, ở con số 24.292 nạn nhân trong năm 2020) và cuộc tàn sát bổ sung vào năm đó: những cái chết không chủ ý (chỉ khoảng 1% những vụ giết người liên quan đến súng, nhưng con số 535 người chết trong năm 2020 cũng đủ để biến thành bi kịch quốc gia theo đúng nghĩa đen của nó), 611 nạn nhân tử vong liên quan đến súng bao gồm thực thi pháp luật, 400 trường hợp chưa được xác định, và dĩ nhiên là 19.384 người bị giết bởi súng. Vậy tu chính án thứ hai nhằm mục đích gì?

Được thành lập vào năm 1791, nó dành cho các lực lượng dân quân nam da trắng nhằm kiểm soát quyền lực liên bang, hạ bệ những nô lệ nổi loạn, và đẩy người da đỏ ra khỏi lãnh thổ của họ. Giờ đây, tu chính án thứ hai đã được tái xác định là quyền cá nhân cho bất ai muốn sở hữu súng. Các chủ sở hữu súng (chủ yếu vẫn là người da trắng) ngày càng khó kiểm soát.

Giới sử gia ước tính rằng 6.800 người Mỹ đã bị giết trong cuộc chiến tranh cách mạng nhưng nó chỉ bằng 1/6 so với con số 45.222 người đã thiệt mạng từ những chấn thương liên quan đến súng ở Mỹ chỉ riêng trong năm 2020. Đã đến lúc người Mỹ cần tự cứu lấy mình trong chế độ chuyên chế.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.