Cuộc chạy trốn tới vùng Vịnh của các ông trùm tội phạm Balkan
Trong 20 năm qua, các băng nhóm tội phạm đến từ Balkan đã trở thành “trùm” trong hoạt động buôn bán ma túy toàn cầu. Mạng lưới Balkan có liên quan đến buôn bán heroin, sản xuất và buôn bán cần sa, cũng như buôn lậu cocaine từ Mỹ Latinh vào các cảng ở Tây và Đông Nam Âu.
Sau khi tích lũy được khối tài sản đáng kể, các ông trùm tội phạm Balkan chạy trốn tới vùng Vịnh để sống cuộc đời “đế vương”.
Những vụ bắt bớ
Cuối tháng 12/2023, thủ lĩnh của tội phạm có tổ chức mang tên Uros Clan - một trong những nhóm chính của cái gọi là Balkan Cartel (tên gọi của mạng lưới mafia Serbia) đã bị bắt ở phía Nam Lisbon, trong khu vực được gọi là Margem Sul, tại một ngôi nhà trị giá 2 triệu Euro. Tờ Correio da Manhã đưa tin, ông trùm này bị bắt theo lệnh của Cảnh sát châu Âu (Europol) do Áo đề xuất, trong một chiến dịch truy lùng có sự tham gia của Europol, Pháp, Áo và Serbia. Hai thành viên cao cấp khác của Uros Clan (một nam và một nữ), cũng đã bị bắt giữ.
Balkan Cartel là mạng lưới buôn bán ma túy lớn nhất ở châu Âu. Các tổ chức ở Mỹ Latinh cung cấp ma túy cho Balkan Cartel và tập đoàn này sử dụng các bờ biển cũng như các cảng biển của Tây Ban Nha để nhập ma túy và hợp tác với các băng nhóm tội phạm có tổ chức khác, như Primeiro Comando da Capital - nhóm tội phạm lớn nhất ở Brazil để phân phối ma túy trên toàn cầu.
Tin từ Correio da Manhã cũng cho hay, cùng với vụ bắt giữ trùm ma túy là vụ thu giữ 11 tấn cocaine được vận chuyển từ Colombia qua Ecuador và đến các cảng Vigo, Galicia và Valencia của Tây Ban Nha. Số cocaine này được đựng trong các gói bọc bằng nhựa giấu trong các container đông lạnh đựng phi lê cá ngừ. 20 người đã bị bắt trong vụ này, phần lớn là người Albania, Colombia, Dominica và Tây Ban Nha. Hồi tháng 11, Europol cũng đã thu giữ 1 tấn cocaine của Balkan Cartel tại cảng Algeciras của Tây Ban Nha và phối hợp với lực lượng cảnh sát Serbia bắt giữ nhiều thành viên của Uros Clan. Tờ báo này cũng tiết lộ, thủ lĩnh của Uros Clan bị bắt giữ do “bất cẩn” khi du lịch tới Lisbon bởi bình thường, hắn sống xa hoa ở một tòa nhà sang trọng tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Hắn gần như trở thành thủ lĩnh của cả Balkan Cartel khi trùm ma túy người Serbia Zoran Jaksic bị bắt ở Peru và bị kết án 25 năm tù hồi tháng 2/2021.
Tháng 11, cảnh sát Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng đã bắt giữ Christijan Palic - tên tội phạm người Croatia, kẻ chịu trách nhiệm về hoạt động của một băng đảng buôn bán ma túy quốc tế ở các nước Balkan. Vụ bắt giữ được tiến hành ở quận Besiktas của Istanbul, một ngày sau khi thủ lĩnh của băng đảng này bị Interpol truy lùng với thông báo đỏ. Ngoài ra, một thủ lĩnh khác của Balkan Cartel tên là Nenad Petrak bị Interpol truy nã cũng bị bắt giữ ở Istanbul khi đang trên hành trình di chuyển tới UAE.
Tội phạm di cư đến UAE
Tháng 9/2020, Europol công bố một chiến dịch lớn chống lại một nhóm tội phạm nói tiếng Albania được coi là một trong những nhóm hoạt động tích cực nhất trong hoạt động buôn bán cocaine ở châu Âu. Các cuộc điều tra đã dẫn đến việc bắt giữ 20 cá nhân từ 9 quốc gia. Một trong số chúng là Eldi Dizdari, một người Albania sống ở Dubai. Dizdari là một trong số những ông trùm Albania bị buộc tội buôn bán ma túy quốc tế đã tìm được nơi ẩn náu ở UAE. Europol cho rằng, khoảng 2/3 thủ lĩnh tội phạm người Albania đang ẩn náu ở UAE. Điều đáng chú ý là khả năng ở lại UAE của những tội phạm này dường như được tạo điều kiện thuận lợi hơn bằng cách mua bất động sản và đầu tư vào nền kinh tế địa phương.
“Những tên tội phạm lớn từ vùng Balkan mua được nơi ở an toàn bằng cách đầu tư số tiền lớn vào đất nước và chi tiêu rất nhiều, duy trì lối sống xa hoa. Quy tắc duy nhất mà chúng phải tuân theo là không tham gia buôn bán ma túy hoặc các hoạt động tội phạm khác ở Vùng Vịnh”, một nhà báo điều tra giấu tên ở Albania cho hay. Nhiều tội phạm cảm thấy an toàn ở UAE đến mức chúng còn đưa thêm cả gia đình và bạn bè sang ở cùng. Nhà báo này cũng giải thích thêm rằng, các quốc gia ở Vùng Vịnh, đặc biệt là UAE tỏ ra hấp dẫn đối với thế giới ngầm vì cho đến gần đây, rất khó dẫn độ những tội phạm bị truy nã từ nơi này. Năm 2021, cảnh sát Dubai bắt giữ 5 trùm tội phạm ma túy quốc tế đến từ Mỹ, Anh, Pháp và Đan Mạch, tuy nhiên, Italy đã phải chờ đợi hơn 18 tháng để nhận được phản hồi về yêu cầu dẫn độ Dizdari.
Không chỉ các ông trùm Albania mới cảm thấy như ở nhà tại UAE, mà ngay cả các thủ lĩnh băng nhóm tội phạm ở Bosnia và Herzegovina, thủ lĩnh của băng đảng Tito và Dino khét tiếng, Edin Gačanin cũng từng sử dụng đất nước này làm căn cứ địa chính của mình kể từ năm 2019. Được mệnh danh là “Escobar châu Âu”, Gačanin (người Bosnia), bị cáo buộc là buôn lậu cocaine số lượng cực lớn, có mạng lưới cung cấp kết nối thị trường sản xuất Mỹ Latinh với thị trường tiêu dùng Tây Âu. Lợi nhuận từ buôn bán ma túy đã giúp hắn mua khối lượng lớn tài sản cũng như mua sự an toàn cho bản thân cho dù là mục tiêu của một số cuộc điều tra lớn bao gồm cả lực lượng chống ma túy Mỹ.
Xu hướng mới của tội phạm buôn ma túy
Quyết định của các trùm tội phạm Balkan chuyển đến UAE là một phần của xu hướng rộng lớn hơn. Các cơ quan thực thi pháp luật ở Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố rằng, khu vực Vùng Vịnh đang trở nên hấp dẫn đối với các ông trùm ma túy châu Âu. Báo chí Anh còn mệnh danh Dubai là “vùng đất mới của tội phạm”, thay thế cho khu vực Costa del Sol của Tây Ban Nha từng được coi là nơi ẩn náu tội phạm khét tiếng. “Với rất nhiều trùm băng đảng đang sinh sống, khu vực này được coi là thiên đường cho tội phạm; một trung tâm rủi ro thấp để điều phối các hoạt động bất hợp pháp với các sứ giả ở nước ngoài và là nơi tốt để giao lưu và thực hiện các giao dịch mới”, một tờ báo ở châu Âu viết.
Hiện, UAE đang đứng thứ 57 trong số 193 quốc gia trên thế giới trong bảng xếp hạng tội phạm tổng thể của Chỉ số tội phạm có tổ chức toàn cầu năm 2021 do Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia thực hiện. Và, đất nước này cũng nằm trong số 10 quốc gia có điểm kém nhất trên thế giới về thị trường tội phạm và đạt điểm kém về quy định chống rửa tiền, với số điểm 4,00/10. Tháng 3/2022, Cơ quan giám sát toàn cầu lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính đã đưa UAE vào danh sách xám vì lo ngại rằng nước này chưa nỗ lực đủ để giải quyết các hoạt động tài chính bất hợp pháp. Theo cơ quan liên chính phủ này, các quốc gia có tên trong danh sách này nên nỗ lực giải quyết những thiếu sót mang tính chiến lược trong chế độ của mình nhằm chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Tương tự, tổ chức xã hội dân sự chống tham nhũng Minh bạch quốc tế gọi UAE là “mảnh ghép quan trọng trong câu đố rửa tiền toàn cầu”.
Rõ ràng, xu hướng di chuyển đến các thị trường xa xôi để rửa tiền thu được từ tội phạm cho thấy mức độ tinh vi ngày càng tăng của tội phạm Balkan và là một dấu hiệu cho thấy các tổ chức này đã trở nên linh hoạt và có định hướng kinh doanh như thế nào. Vì vậy, các cơ quan thực thi pháp luật nên hợp tác với UAE để giải quyết vấn đề này, kết hợp cách tiếp cận toàn diện và lâu dài. Ngoài ra, cần phải làm nhiều việc hơn nữa để giải quyết những nguy cơ của việc tích hợp tiền thu được từ tội phạm được rửa ở nước ngoài trở lại các nền kinh tế chính trị mong manh ở Balkan.
Theo Báo cáo ma túy thế giới 2023 do Văn phòng Liên hợp quốc về tội phạm và ma túy (UNODC) công bố gần đây, các nước sản xuất ma túy nhiều nhất trên thế giới gồm Morocco, Afghanistan, Pakistan và Lebanon. Trong khi đó, cocaine chủ yếu được sản xuất ở Nam Mỹ và cung cấp cho cả châu Mỹ cũng như Tây Âu và Trung Âu. Ước tính có 2.304 tấn cocaine được sản xuất trong năm 2021. Cocaine chủ yếu được buôn lậu bằng đường biển với mạng lưới phức tạp và 2/3 các vụ bắt giữ cocaine bên ngoài Nam Mỹ đều liên quan buôn lậu bằng đường biển, do Balkan Cartel quản lý.