Cuộc chiến băng đảng ở Serbia
Serbia được biết đến từ nhiều năm trở lại đây như một điểm nóng về buôn người, vũ khí, ma túy, và các loại hàng hóa cấm khác. Không chỉ những băng đảng tại Serbia mà tội phạm từ Albania, Afghanistan, Morocco, Syria v.v... cũng hoạt động ở quốc gia Balkan này. Sau một khoảng thời gian dài sống chung với nhau, các băng đảng Serbia đang lâm vào cuộc chiến đẫm máu nhằm tranh giành địa bàn.
Đổ máu
Ngôi làng Makova Sedmica nằm gần biên giới giữa Serbia và Hungary. Từ hơn chục năm trở lại đây chính quyền Serbia cho mở một trại tị nạn ở bìa rừng gần Makova. Cả trăm người tị nạn sống tạm bợ tại Makova nhằm chờ ngày được phép đi qua biên giới sang một quốc gia thành viên EU. Bọn tội phạm buôn người dĩ nhiên hoạt động mạnh ở Makova. Chúng lợi dụng sự cùng quẫn và cả tin của người tị nạn để làm giàu.
Tiếng súng nổ ra vào tảng sáng ngày 2/7/2022 ở trại tị nạn Makova. Những người tị nạn nghe thấy tiếng súng nổ bèn chạy tán loạn tìm cách thoát thân. Đến khi cảnh sát thiết lập lại được trật tự thì đã có 1 người chết, 7 người bị thương, trong đó có một cô gái mới 16 tuổi. Họ là nạn nhân của vụ một đụng độ giữa hai băng buôn người Afghanistan.
Một đối tượng buôn lậu gốc Syria ở Serbia nói với phóng viên hãng tin AP: “Chỉ có những tay buôn người tại Serbia mới manh động như thế. Không đâu trên tuyến đường buôn lậu qua vùng Balkan mà chúng dám rút tiểu liên AK ra bắn người giữa ban ngày”.
Từ hơn một năm nay các băng đảng buôn lậu ở Serbia thường xuyên tấn công nhau để tranh giành địa bàn. Chiến tranh, nạn đói, thiên tai và nhân tai ở Đông Âu và Bắc Phi đã khiến số người tị nạn ở châu Âu tăng vọt. Serbia, quốc gia có biên giới với các nước thành viên EU, đã đón khoảng 26.521 người tị nạn trong năm 2022, và 5.186 người tị nạn còn đang trú tại nước này. Đây là thời điểm kiếm ra tiền đối với các băng đảng buôn người, và điều đó tất nhiên dẫn đến bất đồng trong việc ăn chia lợi nhuận.
Vào tháng 11 năm ngoái, một vụ đọ súng giữa hai băng đảng người Afghanistan và Morocco diễn ra vào giữa trưa tại thị trấn vùng biên Horgos. Một vụ đọ súng khác vừa mới xảy ra vào cuối tháng 7 rồi cũng tại Horgos. Vụ tấn công đầu tiên khiến sáu người chết. Vụ việc thứ hai khiến 1 đối tượng tội phạm người Afghanistan chết và 5 dân thường bị thương.
Khu vực biên giới phía bắc Serbia giáp Hungary và Croatia đang là điểm nóng của tệ nạn buôn người. Một sỹ quan cảnh sát Serbia giấu tên cho biết: “Các băng nhóm buôn người gốc Afghanistan và Morocco đang “lên như điều gặp gió”. Chúng đang đẩy đi các nhóm gốc Syria. Băng đảng người Syria nào muốn làm ăn yên ổn thì phải cống nạp hằng tháng cho chúng”.
Tổ chức tội phạm manh động nhất là băng đảng Tetwani gốc Morocco. Chúng được lãnh đạo bởi tên Mohammed Tetwani (tên giả là Mohammed Maghrebi) và đóng tại thị trấn Horgos. Tên Tetwani được cho là đã trốn sang Bỉ, để lại việc lãnh đạo băng đảng cho cấp phó là Hamza. Một điều thú vị là trước khi vượt biên lẩn trốn, Tetwani còn xuất hiện trong một video ca nhạc của cặp đôi rapper Tusinia Lady Miro & Dadlee.
Hicham Siqli, một cựu thành viên băng Tetwani nay đã hoàn lương và sinh sống tại Hy Lạp, trả lời phóng viên báo Ta Nea: “Tetwani có một ngôi nhà chuyên giam giữ những người tị nạn bị chúng bắt cóc. Người nhà phải trả tiền chuộc thì Tetwani mới thả người... Một số phụ nữ không có tiền trả bị chúng hãm hiếp. Có cả những cô gái chưa đầy 18 tuổi là nạn nhân”.
Băng Tetwani đang tranh giành địa bàn với một băng đảng Morocco khác mang tên Kazawi. Không ai biết danh tính thật của ông trùm của Kazawi ngoài việc tên này đến từ Casablanca. Hắn ta cũng từng xuất hiện trong một MV ca nhạc của rapper Tati G13 người Tunisia. Băng Kazawi “đóng đô” tại Srpski Krstur, một ngôi làng bên sông Tisa. Chúng có đường dây buôn lậu người tị nạn từ Bắc Phi đến Hungary. Hai vụ đọ súng tại Horgos nhắc đến ở trên là giữa các thành viên của Tetwani và Kazawi.
Các băng nhóm gốc Afghanistan hoạt động chủ yếu quanh khu rừng Radanovac và thành phố Subotica thuộc tỉnh tự trị Vojvodina. Một “tay chơi” quan trọng phải nhắc tới là tên buôn lậu Noor Aga, ông trùm băng đảng 313. Cái tên “313” được đặt theo tên của đơn vị lính đặc công Badri 313 của quân Taliban. Vụ đấu súng ở Makova Sedmica hồi tháng 7 năm ngoái là giữa 313 và một băng đảng khác mang tên 400/59.
Cảnh sát Serbia mới đây đã công bố kết quả điều tra vụ việc Makova Sedmica, theo đó Noor Aga đã đưa “tối hậu thư” đòi phân chia địa bàn tới Shir Ali, ông trùm của 400/59. Shir Ali từ chối, từ đó dẫn đến cuộc đấu súng. Cảnh sát Serbia đã bí mật ghi âm được Noor Aga nói với cấp dưới như sau: “Chúng ta có 12 khẩu AK và 5 khẩu súng lục. Chúng ta thừa lực đấu với bọn đàn em Shir Ali... Tôi cần tiền, các cậu cũng cần tiền. Chúng ta không làm việc này để chơi. Chúng ta phải nuôi gia đình mình”.
Những kẻ buôn người gốc Syria tập trung chủ yếu ở thị trấn miền đông bắc Sombor, cách không xa ngã ba biên giới Serbia-Hungary-Croatia. Theo thông tin từ cảnh sát thì chúng đã và đang cài người ở hai trại tị nạn tại Sombor và Subotica. Gần đây các nhóm buôn người Syria đã bị giáng một đòn mạnh khi ông trùm Alen Basil trở thành “tay trong” cho cảnh sát Serbia. Hàng chục đầu lãnh lớn nhỏ đã bị bỏ tù hay buộc phải chạy trốn sang các nước Châu Âu khác.
“Con buôn thần chết”
Bạo lực súng đạn không phải chuyện mới tại Serbia, nhưng làm thế nào các tổ chức tội phạm ở đây lại đang được trang bị vũ khí? Câu trả lời là những băng nhóm Albania. Vũ khí được buôn lậu từ Albania và phân phối cho bất kỳ băng đảng nào có tiền. Cảnh sát Serbia đang đặt vào tầm ngắm cặp anh em song sinh Amir và Amar Xhemshiti. Hai đối tượng này sinh ra ở Albania, nhưng lớn lên và “lập nghiệp” trong cộng đồng người Albania ở thủ đô Pristina của Kosovo. Chúng đã nhiều lần bị cảnh sát Kosovo bắt giữ vì tội buôn lậu ma túy và vũ khí.
Tờ Kurir của Serbia mới đây đã đăng tải một loạt bài điều tra về anh em Xhemshiti. Một đoạn video được cấp dưới của hai tên buôn lậu cung cấp cho phóng viên quay cảnh Amir và Amar lái xe mui trần trên đường phố Subotica để khoe chiếc túi xách chứa toàn súng AK. Đoạn video này được quay nhằm mục đích quảng cáo súng ống. Số súng AK trên được anh em Xhemshiti mua từ Albania và bán lại cho những kẻ buôn lậu gốc Afghanistan.
Anh em Xhemshiti chỉ là hai trong số nhiều con buôn người Albania đang kinh doanh súng tại Albania, Kosovo và Serbia. Nhà báo Branka Hakani của tờ Kurir viết: “Có rất nhiều vũ khí còn lại từ những cuộc chiến tranh Serbia, Georgia-Kosovo, và nội chiến Albania. Tội phạm chỉ cần mua vũ khí trôi nổi trên thị trường, đưa qua được biên giới và bán lại với giá cao cho những băng đảng”.
Một đối tượng buôn lậu người Syria cho biết: “Các băng nhóm bắt đầu nghiêm túc trang bị vũ khí từ năm 2021. Hồi đó có một con buôn tên là Yaseen người gốc Morocco. Tên này là trung gian giữa các băng đảng và đầu mối buôn vũ khí người Albania... Ban đầu bọn buôn người chỉ mua súng lục, rồi dần dần chuyển sang tiểu liên và AK. Bây giờ một băng đảng lớn là phải có ít nhất 100 khẩu AK. Mỗi “đơn vị” đóng ở thành phố hay thị trấn có từ 20-30 khẩu”.
Giá trung bình của một khẩu súng lục trên thị trường chợ đen Serbia rơi vào khoảng 900-1.000 euro. Giá một khẩu AK thì cao gần gấp đôi, vào khoảng 1.700-1.800 euro. Vậy nhưng nguồn cung không đủ nhu cầu. Cảnh sát Serbia mới đây đã bắt giữ được đối tượng buôn lậu Dine Hetaj ở nhà nghỉ Simke, thành phố Subotica. Tên này khai bán súng AK với giá 2.000 euro/khẩu. Khi bị bắt hắn đang đem theo 8 khẩu AK, 3 khẩu súng lục, và 4.000 viên đạn. Lô hàng này có tổng giá trị 24.000 euro.
Vấn đề trầm trọng
Tại sao cảnh sát Serbia lại không có hành động mạnh tay hơn để trấn áp tội phạm buôn người có vũ trang? Báo Kurir đã tiết lộ một sự thật chấn động trong loạt bài điều tra của họ - không ít cán bộ tham nhũng đang tiếp tay cho những kẻ buôn lậu. Tờ Kurir còn đăng tải một đoạn video quay cảnh thành viên băng đảng 400/59 nhảy nhót trên xe tuần tra của biên phòng Serbia, trong khi cấp phó của Shir Ali ngồi với sỹ quan cảnh sát trong lều để bàn chuyện phân chia hoa hồng. Đoạn video được quay gần thành phố Subotica và đăng trên mạng xã hội TikTok và Instagram.
Một bằng chứng khác được phóng viên Kurir đưa ra là những tin nhắn WhatsApp giữa một số cảnh sát và các thành viên 400/59. Điều đáng chú ý là một số tin nhắn được gửi đi chỉ vài ngày sau vụ đọ súng ở Makova Sedmica. Bọn buôn người yêu cầu được cảnh sát xóa bỏ mọi truy tố, đổi lại chúng sẽ giao nộp súng và tiền cho cảnh sát. Một thanh tra cảnh sát giấu tên nhận xét: “Bọn buôn lậu khôn ngoan lắm. Chúng sẵn sàng giao nộp cho cảnh sát vài khẩu AK để có cái gọi là “viết báo cáo”. Mấy khẩu súng thì có là gì với chúng? Chúng muốn mua bao nhiêu AK từ bọn buôn súng Albania cũng được”.
Nữ nhà báo chuyên điều tra về tội phạm Serbia Fatjona Mejdini nhận xét: “Tình hình ở miền bắc Serbia chỉ có thể leo thang. Thị trường buôn người đang mở rộng, và các tổ chức tội phạm đang tìm mọi cách để tranh giành địa bàn. Việc chúng sử dụng vũ khí là điều dĩ nhiên”.
Vũ khí đang không chỉ lan tràn ở Serbia. Cảnh sát Hungary hồi đầu năm nay đã bắt được một đối tượng buôn lậu người Albania khi tên này đang đưa 20 khẩu AK, 24 băng đạn AK và 20 băng đạn súng lục qua biên giới. Chỉ mới 2 tháng trước cảnh sát Hungary lại bắt được thêm một chiếc Mercedes màu đen biển Albania đang chở 15 khẩu tiểu liên, 2 khẩu AK, 2 súng lục, và 2 thùng carton đạn. Hai vụ việc này là dấu hiệu cho thấy các tổ chức tội phạm Hungary đang khẩn trương trang bị vũ khí để tranh giành địa bàn. Việc giải quyết chiến tranh băng đảng ở Serbia vì vậy không chỉ là nhiệm vụ khẩn cấp đối với chính phủ nước này mà còn với cả các quốc gia láng giềng nữa.