Cuộc chiến trên mạng của các băng đảng Mexico

Thứ Bảy, 26/02/2022, 13:02

Một video mới được đăng tải trên mạng Internet đang làm cả đất nước Mexico xáo động. Đoạn phim quay cảnh một thành viên băng đảng Jalisco New Generation dùng tay moi tim khỏi xác chết rồi xé từng mảnh nhét vào miệng.

Hắn ta vừa ăn tim người, vừa chửi bới kẻ đã chết vốn là thành viên một băng đảng đối địch. Góc máy quay còn bắt được cảnh một xác chết khác bị xẻ thịt bằng dao rựa ở đằng xa.

Giáo sư Robert J. Bunker đến từ công ty tư vấn C/O Futures LLC, là một chuyên gia về các băng đảng ma tuý (cartel) tại Mexico, cho biết: “Những video quay cảnh ăn thịt người đang trở thành “vũ khí tâm lý” đối với các cartel. Ngay cả đoạn phim ăn tim người cũng là một lời đe dọa của Jalisco New Generation (JNG) đối với băng Sinaloa đối địch”.

Cuộc chiến trên mạng của các băng đảng Mexico -0
Các băng đảng thường xuyên đăng tải những đoạn video tra tấn lên Youtube

Mexico là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng người dùng mạng xã hội cao nhất thế giới. Chớp lấy cơ hội này, các băng đảng ma túy đã và đang sử dụng mạng xã hội như một công cụ tuyên truyền, tuyển mộ lẫn dọa nạt.

Tẩy não

Những ông trùm ma tuý Mexico chẳng mấy khi giấu mặt, sống cuộc đời kín đáo. Trái lại, họ sống như những ông hoàng. Nhà cao cửa rộng, vợ đẹp xe sang,… Và đã giàu có kiểu hợm hĩnh như thế thì tất nhiên phải đem khoe. Không ít cartel sở hữu những tài khoản mạng xã hội có số lượng fan đông đảo. Đơn cử như tài khoản Twitter của băng Sinaloa có tới 88.000 người theo dõi. Hay tài khoản Facebook của nhóm Los Zetas có 47.000 người theo dõi. Một video quay cảnh thành viên Los Zetas chặt đầu kình địch đạt gần 500.000 lượt người xem trên YouTube trước khi bị trang mạng này gỡ xuống.

Trong cuốn sách “The Dark Side of Social Media”, nhà báo Nilda Garcia chỉ ra rằng, đối với nhiều thanh niên Mexico sống tuyệt vọng trong cảnh nghèo đói, sự giàu có được những tên gangster phô ra làm nảy sinh tham vọng trong lòng họ. Các cartel mới nhân vậy tuyển mộ đám thanh niên làm một thế hệ gangster mới.

Cuộc chiến trên mạng của các băng đảng Mexico -0
Không hiếm để bắt gặp những tên gangster Mexico khoe súng ống trên Instagram

Nói vậy nhưng cũng thật khó để tưởng tượng một thanh niên lại có thể thản nhiên làm những việc như tra tấn, chặt đầu và ăn thịt người. Theo nhà nhân chủng học người Hà Lan,  Teun Voeten, Mexico nên được hiểu là một bãi chiến trường: “Trong chiến tranh thì một bên lấn tới, bên kia chắc chắn cũng phải lấn theo. Chỉ cần một băng đảng đăng video chặt đầu thì các cartel khác cũng chạy theo”. Voeten còn cho biết là đoạn video ăn tim người được đăng tải trong khi hai băng JNG và Sinaloa đang chiến đấu tranh giành địa bàn tại bang Zacatecas.

Băng JNG dưới sự chỉ đạo của ông trùm El Mencho (tên thật là Nemesio Oseguera-Cervantes) khét tiếng sử dụng việc ăn thịt người vừa như công cụ tuyên truyền, vừa là cách để “huấn luyện” tay chân. Băng nhóm này mở các trường huấn luyện khủng bố (tên tiếng Mexico là “Escuelas de Terror”) để đào tạo thanh niên thành côn đồ. Cứ khoảng ba, bốn tháng sau khi khóa huấn luyện bắt đầu, các học viên sẽ được ra lệnh phải ăn thịt người.

Một thành viên JNG trả lời phỏng vấn tờ Daily Beast như sau: “Tôi gia nhập cartel vì họ hứa ai tham gia thì gia đình sẽ được nhận ngay một khoản tiền thưởng. Sau này tôi mới biết người nhà tôi không nhận được đồng tiền nào… Họ dạy chúng tôi cách cầm súng, bắn súng y như trong quân đội. Họ cũng dạy cách xẻ thịt người nữa. Họ dọa sau này chúng tôi cắt ngón tay, ngón chân người khác mà để nạn nhân chết thì chính mình cũng bị phạt”.

Cuộc chiến trên mạng của các băng đảng Mexico -0
Tại Mexico, những người có đến 4, 5 thân nhân bị các băng đảng sát hại không phải là hiếm

Các ông trùm ma túy buộc tay chân phải làm những việc vô nhân tính như vậy để họ bớt tính người đi, tội ác gì cũng sẵn sàng làm. Mặt khác, những hành động vô nhân tính tại các Escuelas de Terror được quay lại để tung lên mạng nhằm vừa làm xáo động tinh thần kẻ thù, vừa buộc thành viên băng đảng phải trung thành hơn.

Với những người cố “vùng vẫy” thoát ra, hậu quả thật đáng sợ. Nhà khoa học chính trị Javier Oliva Posada tại Trường đại học NAU kể lại: “Tôi từng phỏng vấn một cô gái có quan hệ tình cảm với người đang tham gia trại huấn luyện. Anh ta vì nói với bạn gái địa điểm đặt trại huấn luyện mà bị tra tấn đến chết. Có một đoạn video trên mạng đăng tải hình ảnh người thanh niên bị cái cuốc đập liên tiếp vào hộp sọ”.

Ông Posada nói tiếp: “Các ông trùm cartel nhìn vào những giáo phái cổ xưa có nhiều hành động man rợ như hiến tế người sống. Họ nhận ra những hủ tục này không chỉ để thỏa mãn một mục đích tôn giáo nào đó mà còn nhằm “chỉnh đốn lực lượng”… Ngày nay các băng đảng không khác gì mấy những giáo phái hay tổ chức tôn giáo cực đoan. Họ đang biến cả một thế hệ thanh niên thành những kẻ “cuồng giáo”,  sẵn sàng chết vì bề trên của mình”.

Nỗi sợ trong cuộc sống trên mạng

Người nước ngoài nhìn vào tình hình tại Mexico hẳn sẽ tự hỏi: “Vì sao Mexico không làm gì?”. Họ không thể và cũng không muốn làm gì vì sợ hậu quả. Người dân thành phố Guadalajara vẫn còn nhớ về cái chết của một nữ bác sỹ vào năm 2014. Cô gái trẻ thường xuyên sử dụng Twitter để đăng tải thông tin về những tội ác của một băng đảng địa phương. Cô sau đó bị bắt cóc và giết hại. Những tên gangster dùng điện thoại của nữ bác sỹ để truy cập vào tài khoản Twitter của cô. Chúng đăng lên Twitter hình ảnh thi thể đầy thương tích của chính cô gái.

Ngoài việc đe dọa đến tính mạng của bất kỳ ai có biểu hiện chống lại chúng trên Internet, các cartel còn dùng mạng xã hội để bắt cóc tống tiền. Chúng tìm xem ai có vẻ giàu có hay có người thân khá giả trên mạng xã hội, sau đó sẽ bắt cóc người này. Mọi giao dịch đối với người nhà nạn nhân cũng được thực hiện qua mạng xã hội.

Cuộc chiến trên mạng của các băng đảng Mexico -0
Giới trẻ Mexico đang hằng ngày bị tẩy não bởi những hình ảnh tuyên truyền về lối sống giàu sang của đám gangster

Mariana sinh ra tại bang Guerrero, miền Tây - Nam Mexico. Cô hiện làm công nhân tại Mỹ. Mariana phải ly hương vì không chịu nổi cảnh lúc nào cũng phải sợ sệt những nhóm côn đồ. Vào một ngày giữa năm 2014, mẹ cô bất ngờ gọi sang báo là anh trai Roberto của Mariana đã bị bắt cóc. Mariana còn chưa hết hoảng sợ thì nhận được tin nhắn từ một tài khoản Facebook lạ. Những kẻ bắt cóc yêu cầu cô phải trả cho chúng ngay 3.700 USD thì mới trả tự do cho anh trai cô.

Mariana đã chuyển tiền theo đúng theo yêu cầu của bọn bắt cóc. Tuy vậy, anh trai cô vẫn bặt vô âm tín. Gia đình Mariana và chính quyền đã phải mở một cuộc truy tìm khắp hạt để tìm Roberto. Cuối cùng họ phát hiện ra xác nạn nhân bị giấu tại đám sậy bên bờ sông. Roberto mất để lại hai con nhỏ.

Vẫn biết là người dùng mạng xã hội không nên đăng tải thông tin cá nhân một cách rộng rãi, nhưng chẳng nơi đâu mà họ lại phải chịu hậu quả nghiêm trọng như ở Mexico cả. Tuy vậy, họ không có sự lựa chọn nào khác. Tại một đất nước mà hạ tầng cơ sở thông tin liên lạc còn kém phát triển ở nhiều nơi trong khi thị trường dịch vụ viễn thông ì ạch, nhiều người Mexico chỉ có cách giữ liên lạc với người thân, bạn bè qua Facebook, WhatsApp,… Trong khi đó các băng nhóm tội phạm có thừa kỹ năng và nguồn lực để khai thác thông tin người dùng mạng xã hội cho những mục đích bất chính của chúng.

Hiện tượng toàn cầu, giải pháp toàn cầu

Băng đảng MS-13 hiện “làm mưa làm gió” tại El Salvador đã nhanh chóng “copy” những hành vi man rợ của cartel Mexico. Việc thành viên tự chặt ngón tay, ngón chân để “đền tội” không phải là hiếm. Chúng có các kênh Telegram riêng tư chuyên đăng tải hình ảnh những tội ác của mình, hoặc làm nơi để gangster khoe súng ống, tiền bạc, xe hơi,…

MS-13 tuy vậy chỉ là “người mở đường” cho một làn sóng chiến tranh tâm lý khắp Trung và Nam Mỹ. Những nhóm gangster tại Brazil, Colombia, Honduras, Argentina,… đang hằng ngày đem sự man rợ phát tán trên mạng xã hội. Mạng Internet giúp mọi người dễ dàng tiếp cận thông tin, kể cả những kẻ tội phạm. Những băng nhóm tội phạm có tổ chức đang học hỏi lẫn nhau để làm sao biến không gian mạng trở thành “sân chơi” của chúng.

Tất nhiên các cơ quan hành pháp ở Trung và Nam Mỹ không đứng ngoài cuộc. Thành phố Buenaventura ở Colombia đã từ lâu bị cartel La Local thống trị. Có lúc chúng đứng đằng sau đến 90% số vụ ngộ sát tại thành phố. Cảnh sát Colombia đã mất nhiều năm truy lùng ông trùm Diego Optra của La Local nhưng bất thành. Nhưng kể từ năm 2018, y bất ngờ mở tài khoản Instagram để “khoe” cái sự giàu có của mình. Diego Optra không ngờ rằng những bức ảnh về biệt thự, trang sức, súng ống của y lại giúp cảnh sát lần ra nơi ông trùm lẩn trốn. Rồi cũng chính những bức ảnh đấy bị đem ra làm bằng chứng chống lại Optra và băng La Local trước tòa.

Tuy vậy, khả năng của cảnh sát, tòa án, chính phủ các nước cũng có hạn. Họ không thể trực tiếp gỡ bài đăng của các đối tượng tội phạm mà phải gửi công văn sang Mỹ yêu cầu công ty chủ quản làm vậy. Nhưng các tập đoàn như Facebook hay Google đã từ lâu vận động hành lang Washington nhằm bảo vệ họ khỏi trách nhiệm đối với nội dung đăng tải ở ngoài nước Mỹ. Chính rào cản này đã từ nhiều năm nay buộc chính quyền Mexico, El Salvador, Colombia,… phải “khoanh tay đứng nhìn” những kẻ tội phạm lộng hành trên mạng.

Tờ Daily Beast đã thử liên lạc với Facebook và Google để hỏi về vấn đề này. Trong khi Google không hồi âm, đại diện Facebook chỉ đưa ra một thông cáo chung chung nói rằng: “Facebook luôn giữ cam kết về việc loại bỏ các nội dung độc hại khỏi các nền tảng của mình”. Họ còn cho biết tập đoàn hiện có 15.000 nhân viên có nhiệm vụ gỡ bỏ nội dung độc hại.

Tuy vậy, Giáo sư Robert J. Bunker đã chỉ ra rằng, 15.000 chuyên viên chưa là gì so với hàng chục triệu người dùng Facebook hằng ngày tại Mexico nói riêng và Châu Mỹ nói chung. Chưa hết, hầu hết số nhân viên nói trên chỉ tập trung vào các bài đăng viết bằng tiếng Anh. Số người biết tiếng Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha rất ít. Trừ khi Facebook và các công ty mạng xã hội khác sớm đầu tư thêm vào việc kiểm soát thông tin. Cuộc chiến khủng bố giữa những nhóm cartel sẽ còn kéo dài rất lâu nữa.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.