Cuộc săn lùng Karadzic, đồ tể Bosnia

Chủ Nhật, 12/12/2021, 21:49

Bị Tòa án hình sự quốc tế cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, diệt chủng, vi phạm Công ước Geneva về vấn đề tù binh trong thời gian làm tổng thống nước Cộng hòa Srpska (1992-1995), Radovan Karadzic đã trực tiếp ra lệnh tàn sát hơn 100.000 người, trong đó có khoảng 30.000 người Hồi giáo Serbia. Tội ác của Karadzic đã khiến thế giới gọi ông ta là “đồ tể Bosnia”…

Thay hình đổi dạng

Đầu năm 1999, tại Belgrade, thủ đô của Serbia (tách ra từ Liên bang Nam Tư), xuất hiện một tiến sĩ, bác sĩ tâm thần tên là Dragan David Dabic. Bằng lối nói thuyết phục cộng với những kiến thức về bệnh lý nên phòng mạch của ông ta lúc nào cũng kín khách, nhất là khi Dabic tổ chức diễn thuyết tại khách sạn Ada Ciganlija với chủ đề “Làm thế nào để nuôi dưỡng năng lượng của chính bạn” trong chương trình “Ngày hội sống khỏe” thì số người tham dự lên đến con số nghìn.

Cuộc săn lùng Karadzic, đồ tể Bosnia -0
Karadzic (trái) khi là Tổng thống Cộng hòa Srpska và khi đội lốt thành bác sĩ Dabic.

Trong buổi diễn thuyết ấy, Dabic với mái tóc dài và bộ râu bạc trắng, chẳng hiểu vô tình hay cố ý, cầm micro phát biểu trước tấm áp phích khổ lớn in hình và lệnh truy nã của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đối với Radovan Karadzic, nguyên Tổng thống nước Cộng hoà Srpska về các tội danh diệt chủng, vi phạm Công ước Geneva về vấn đề tù binh, tội ác chiến tranh.

Suốt 9 năm sau đó, tiếng tăm của tiến sĩ, bác sĩ Dragan David Dabic càng lúc càng nổi như cồn, nhất là khi Dabic liên tục cổ vũ lối sống lành mạnh như một biện pháp chống lại bệnh tật mà ông ta gọi là “y học thay thế”. Bên cạnh đó, Dabic còn mở những lớp dạy thiền, tổ chức nhiều chương trình trợ giúp bệnh nhân tiểu đường, hen suyễn, động kinh và rối loạn tình dục. Chưa hết, những bài viết của Dabic đăng trên tạp chí Zdrav Zivot, chuyên ngành tâm thần cùng một số tờ báo Y học khác được nhiều người đón đọc. Trên trang web của Dabic, ông ta nêu rõ số điện thoại và địa chỉ email để bất cứ ai có những chuyện riêng tư đều có thể liên lạc nhờ tư vấn. Dưới mắt người dân và chính quyền Belgrade, tiến sĩ, bác sĩ Dragan David Dabic là mẫu người đáng kính, là hình ảnh tượng trưng cho lý tưởng “mình vì mọi người”. Hầu hết những đứa trẻ hàng xóm với Dabic gọi ông ta là “Ông già Noel” vì Dabic luôn thể hiện là người tốt bụng, thường hay trò chuyện, chơi đùa với chúng.

9 năm êm ả trôi qua cho đến tối 18-7-2008, sau một ngày làm việc, Dabic ra khỏi phòng mạch ở số 267, phố Yuri Gagarin, Belgrde. Ông ta mặc chiếc áo khoác màu xanh nhạt, bên trong là bộ vest xám, đầu đội mũ rơm, vai đeo ba lô, tay phải xách chiếc túi nhựa còn tay trái cầm một chiếc túi khác. Ông ta đi bộ đến bến xe buýt gần đó rồi lên ngồi ở hàng ghế thứ ba. Khi xe chuẩn bị khởi hành, lại có thêm 4 cảnh sát cũng lên xe, 2 người ngồi phía trước Dabic, 2 người ngồi phía sau. Một trong 2 người này nhìn quanh xe một lượt rồi cho biết họ muốn kiểm soát vé của hành khách. Và khi Dabic đang lục túi quần tìm vé thì một cảnh sát nắm lấy tay ông ta: “Bác sĩ Karadzic?”.

“Không!”, Dabic trả lời: “Tôi là Dragan Dabic”. Viên cảnh sát vẫn nắm lấy tay ông ta, hỏi tiếp: “Ông là Radovan Karadzic, đúng không?”.

Lần này thì Dabic có vẻ bực bội: “Cấp trên của cậu có biết cậu đang làm gì không?”. Viên cảnh sát trả lời: “Biết chứ. Hoàn toàn biết ấy chứ. Họ còn biết ông đang bị Tòa án hình sự quốc tế truy nã về tội diệt chủng, giết người”.

Mặt Dabic tái đi. Một số người khách ngồi gần Dabic từ tò mò chuyển sang sửng sốt. Có lẽ họ chẳng bao giờ ngờ rằng vị bác sĩ khả kính vẫn được báo chí ca ngợi lại là kẻ phạm tội ác chiến tranh, đã ra lệnh hành hình hàng loạt dân thường vô tội. Krajisnik, người khách ngồi đối diện với Dabic lúc thấy cảnh sát giải ông ta xuống xe, đã đứng dậy nhìn thẳng vào mặt: “Karadzic, mày không biết tao nhưng tao không bao giờ quên mày. Em ruột tao cùng vợ và 4 đứa con nó đã bị mày ra lệnh bắn chết ở Srebrenica”.

Tội ác diệt chủng

Radovan Karadzic sinh ngày 19-6-1945 trong một gia đình  người Serb tại làng Petnjica, nước Cộng hòa nhân dân Montenegro thuộc Liên bang Nam Tư. Tốt nghiệp trung học, Karadzic đến Sarajevo năm 1960 để theo học ngành tâm thần tại Đại học Y khoa Sarajevo. Năm 1970, ông ta tiếp tục nghiên cứu chứng rối loạn thần kinh và trầm cảm ở Bệnh viện Naestved, Đan Mạch. Từ 1974 đến 1975, Karadzic đi tu nghiệp tại Đại học Columbia, New York, Mỹ.

Cuộc săn lùng Karadzic, đồ tể Bosnia -0
Một hố chôn tập thể nạn nhân người Serb Crotia.

Trở về Nam Tư, Karadzic làm việc cho Bệnh viện Kosevo ở Sarajevo. Tại đây, ngoài tiền lương, ông ta còn kiếm thêm bằng cách giả mạo các chứng nhận về tâm thần cho những người muốn nghỉ hưu sớm, hoặc ký các giám định thương tật mà mức độ tổn hại được hạ thấp để kẻ gây ra khỏi phải ngồi tù.

Năm 1983, Karadzic chuyển sang làm việc tại Bệnh viện Vozdovac. Đến năm 1989, được sự khuyến khích từ một bệnh nhân của ông ta là Dobrica Cosic - người sau này sẽ là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa liên bang Nam Tư và Jovan Raskovic, lãnh đạo người Serb Croatia, Karadzic cùng Jovan Raskovic đứng ra thành lập đảng Dân chủ Serb (SDS) nhằm thống nhất cộng đồng người Serb Bosnia và người Serb Croatia trong trường hợp hai nước cộng hòa này ly khai khỏi Liên bang Nam Tư

Tháng 9-1991, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, Liên bang Nam Tư bắt đầu xuất hiện mầm mống chia rẽ. Tận dụng cơ hội này, SDS thành lập nhiều khu tự trị Serb trên khắp Bosnia-Herzegovina. Ngày 9-1-1992, quốc hội người Serb Bosnia tuyên bố Cộng hòa Serb Bosnia và Herzegovina là quốc gia độc lập rồi đến ngày 28-2-1992, hiến pháp của Cộng hòa Bosnia và Herzegovina được thông qua. Cuối cùng, SDS tổ chức trưng cầu dân ý về việc Bosnia và Herzegovina tách khỏi Nam Tư. Kết quả của cuộc trưng cầu được châu Âu, Mỹ công nhận ngày 6-4-1992. Hơn 1 tháng sau đó, Bosnia và Herzegovina gia nhập Liên Hợp Quốc. Từ đây, nó có tên gọi mới là Cộng hòa Srpska, do Karadzic là tổng thống.

Thấy mình bị gạt ra ngoài, ngày 4-8-1992, người Serb Croatia huy động lực lượng quân sự tấn công các khu tự trị của người Serb Bosnia rồi chiếm được 2 thành phố quan trọng, trong đó có Sarajevo. Phản ứng lại, ngày 2-5-1992, Karadzich ra lệnh cho quân đội của mình tiến hành những cuộc tàn sát mang tính diệt chủng. Đích thân Karadzic chỉ huy cuộc vây hãm thành phố Sarajevo với 18.000 lính. Từ các ngọn đồi xung quanh, quân đội Serb Bosnia sử dụng pháo binh, súng cối, tên lửa phóng loạt, máy bay ném bom vào thành phố, giết chết 11.541 người, trong đó có hơn 1.500 trẻ em, 56.000 người bao gồm 15.000 trẻ em bị thương, khoảng 15.000 phụ nữ bị cưỡng hiếp.  Cuộc chiến kéo dài đến tháng 2-1994 mới tạm lắng khi Liên Hợp Quốc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Sarajevo và một hiệp ước đình chiến được các bên ký kết.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Karadzic, các chiến dịch diệt chủng vẫn được lực lượng vũ trang Serb Bosnia tiến hành mà đỉnh điểm là vụ tàn sát xảy ra ở Srebrenica năm 1995, diễn ra ngay trong vùng an toàn do Liên Hợp Quốc thiết lập. Chưa hết, Karadzic còn ra lệnh bắt giữ một nhóm nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc làm con tin nhằm ngăn cản họ bảo vệ thường dân Serb Croatia.

Công lý thực thi

Cuối năm 1995, Karadzic bị Tòa án hình sự quốc tế cáo buộc trách nhiệm cá nhân trong vai trò tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang người Serb Bosnia, đồng thời là chủ tịch hội đồng an ninh quốc gia Cộng hòa Srpska, đã phạm tội ác chiến tranh chống lại những người không phải là người Serb Bosnia. Theo Tòa án hình sự quốc tế, Karadzic phải chịu trách nhiệm về cái chết của 100.000 người, trong đó có 30.000 tín đồ Hồi giáo Croatia.

Cuộc săn lùng Karadzic, đồ tể Bosnia -0
Dân thường tìm chỗ ẩn nấp khi quân đội Serb Bosnia bắn pháo vào thành phố Sarajevo.

Ngay sau đó, Karadzic bỏ trốn. Bằng cách để râu dài, thay đổi tất cả những loại quần áo mà ông ta vẫn thường mặc, vứt bỏ máy tính xách tay, điện thoại di động, chỉ sử dụng những thiết bị này tại những điểm dịch vụ công cộng, giảm trọng lượng cơ thể từ 120kg xuống 80kg, thuê nhà trong một chung cư ở Belgrade, đồng thời thay tên đổi họ thành Dragan David Dabic để hành nghề bác sĩ tâm thần.

Thời điểm ấy, Bộ Ngoại giao Mỹ treo giải 5 triệu USD cho bất kỳ ai bắt giữ hoặc cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ Karadzic. Các đặc vụ Interpol truy lùng ông ta khắp hang cùng ngõ hẻm ở Bosnia và thậm chí là ở cả nước Áo. Điều trớ trêu là một nữ đặc vụ Interpol hoạt động ở Belgrade vẫn thường xuyên đến phòng mạch của bác sĩ Dabic để chữa chứng mất ngủ mà không hề ngờ rằng Dabic lại chính là Karadzic.

Lời khai của Karadzic sau khi bị bắt cho thấy sở dĩ ông ta mở phòng mạch là vì hết tiền. Karadzic nói: “Nếu lúc ấy tôi có 600 Euro thì các ông không bao giờ bắt được tôi”. Suốt thời gian chạy trốn, Karadzic được một số người giúp đỡ về tài chính nên nhờ đó, ông ta tổ chức những buổi diễn thuyết nhằm củng cố thanh danh, tránh bị nghi ngờ. Tại quê nhà của Karadzic, hàng trăm người tổ chức biểu tình ủng hộ ông ta trong lúc tháng 3-2003, mẹ Karadzic là bà Jovanka công khai lên tiếng kêu gọi Karadzic đầu hàng. Ngay cả vợ ông ta là Ljiljana cũng khuyên ông ta nên ra trình diện nhưng trong lớp vỏ bọc “bác sĩ Dabic”, Karadzic tin rằng ông ta sẽ chẳng bao giờ bị phát hiện.

Ngày 3-6-2008, hơn 1 tháng trước khi Karadzic bị bắt, Interpol thu được cuộc gọi từ số SIM của Luka, anh ruột Karadzic, gọi đến máy điện thoại công cộng ở một bưu điện trên phố Kosmaj, Belgrade. Tiến hành kiểm tra, các đặc vụ được nhân viên bưu điện cho biết bác sĩ Dabic thường xuyên sử dụng điện thoại ở bưu cục này. Lập tức, một nữ đặc vụ trong vai bệnh nhân tâm thần đến phòng mạch của Dabic. Trong quá trình thăm khám, nữ đặc vụ bỗng dưng… lên cơn. Cô vừa túm lấy đầu Dabic vừa la hét. Khi Dabic đẩy được “bệnh nhân” ra thì cô đặc vụ đã kịp lấy 3 sợi tóc trên đầu ông ta. Kết quả kiểm tra AND cho thấy Dabic chính là Karadzic.

Ngày 24-3-2016, Karadzic bị đưa ra xét xử trước Tòa án hình sự quốc tế với 11 tội danh, bao gồm diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và vi phạm các quy chế về tù binh theo Công ước Geneve. Ông ta bị kết án 40 năm tù nhưng ngày 22-7, Karadzic kháng cáo.

Ngày 20-3-2019, kháng cáo của Karadzic bị bác nhưng hình phạt dành cho ông ta được Tòa án hình sự quốc tế nâng lên mức chung thân mà nguyên nhân là người Serb Crotia phát hiện hơn 300 bộ hài cốt trước đây chưa từng được biết đến trong hố chôn tập thể ở Tomasica, miền Nam Croatia. Lời khai của những chỉ huy quân đội Serb Bosnia cho thấy chính Karadzic trực tiếp ra lệnh cho họ thực hiện vụ diệt chủng này.

Tháng 5-2021, Karadzic bị chuyển đến một nhà tù ở nước Anh. Cho đến lúc ấy, Karadzic vẫn khẳng định Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thành lập Tòa án hình sự quốc tế để xét xử ông ta là bất hợp pháp. Tất cả những việc ông ta đã làm trong cuộc chiến chỉ thể theo ý nguyện của người Serb Bosnia mà thôi…

Vũ Cao (Theo  Criminal Report)
.
.