Cuộc thanh trừng tàn khốc của Taliban

Chủ Nhật, 12/12/2021, 19:11

Taliban bị cáo buộc bắt cóc và hành quyết 47 cựu nhân viên của lực lượng an ninh, quân đội Afghanistan, khiến Mỹ và các đồng minh bày tỏ quan ngại. Những người này gồm binh sĩ quân đội, sĩ quan cảnh sát, nhân viên tình báo và dân quân bán vũ trang đã đầu hàng hoặc bị bắt từ ngày 15-8 đến 31-10.

Cam kết ân xá nhưng khôi phục hành quyết và trừng phạt man rợ

Hai ngày sau khi chiếm thủ đô Kabul của Afghanistan, lực lượng Taliban tuyên bố “ân xá” cho toàn bộ quan chức chính quyền Afghanistan và kêu gọi họ quay trở lại làm việc. Động thái này được xem là bước đi đầu tiên để xây dựng chính quyền mới.

Vào thời điểm đó, Hãng tin AP dẫn nguồn tin cho hay quan chức cấp cao của Taliban là Amir Khan Muttaqi đã đến Kabul đàm phán với các lãnh đạo chính trị, bao gồm ông Abdullah Abdullah - lãnh đạo hội đồng đàm phán của Afghanistan. Ông Muttaqi được cho là đã tiếp xúc với các quan chức Afghanistan từ trước khi Tổng thống Ashraf Ghani chạy khỏi Kabul.

Cuộc thanh trừng tàn khốc của Taliban -0
Taliban từng tuyên bố ân xá cho toàn bộ quan chức chính quyền Afghanistan và kêu gọi họ quay trở lại làm việc.

Giới chức Taliban cam kết ân xá cho người dân địa phương, kể các những người từng làm việc cho chính phủ Afghanistan, quân đội Mỹ hay mọi tổ chức của Mỹ. Tuy nhiên, lời cam kết này bị người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế nghi ngờ và hiện cũng đã có những dấu hiệu cho thấy Taliban không giữ cam kết về việc không trả thù.

Mặc dù nhiều người Afghanistan nằm trong diện được “ân xá” của Taliban nhưng họ vẫn đang sống trong tâm trạng sợ hãi. Họ từng biết đến quá khứ “khét tiếng” của Taliban. Trong suốt một tuần, Taliban hứa hẹn nhiều đến mức khi được hỏi về việc đảm bảo cam kết không truy xét quá khứ, một phát ngôn viên của Taliban gắt gỏng với các phóng viên rằng: “Các vị muốn ngày nào cũng phải tuyên bố ân xá  hay sao?”.

Không lâu sau lời hứa ân xá, Taliban đã khôi phục lại những hình thức hành quyết và trừng phạt gây tranh cãi.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin AP hôm 23-9-2021, Mullah Nooruddin Turabi, một trong những chỉ huy của Taliban, cho biết lực lượng này sẽ khôi phục các hình thức hành quyết và trừng phạt tội phạm cũ từng được áp dụng trong quá khứ.

Một trong những hình thức trừng phạt gây tranh cãi là chặt tay chân tội phạm. Theo Turabi, hình phạt này có tác dụng răn đe, và cho biết thêm rằng nội các Taliban cũng đang nghiên cứu xem có nên trừng phạt nơi công cộng hay không và sẽ “xây dựng một chính sách” về vấn đề này.

Cuộc thanh trừng tàn khốc của Taliban -0
Mullah Nooruddin Turabi, người nỗ lực khôi phục các vụ hành quyết và trừng phạt tội phạm gây tranh cãi của Taliban.

Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên án các biện pháp trừng phạt bằng cách hành quyết của Taliban, thường diễn ra ở sân vận động thể thao ở Kabul hoặc trong khuôn viên của nhà thờ Hồi giáo Eid Gah, trước sự chứng kiến của hàng trăm người đàn ông Afghanistan. Những tội phạm giết người thường bị bắn vào đầu và do chính người thân của họ thực hiện. Đối với những tên trộm, hình phạt là chặt tay. Còn với những người bị kết tội cướp bóc trên đường cao tốc, họ sẽ bị chặt đứt một tay và một chân. “Việc chặt tay là rất cần thiết cho an ninh”, Turabi nói.

Wazir Ahmad Seddiqi, chủ một hiệu thuốc địa phương, cho hay vào ngày 25-9-2021, Taliban đã đem 4 thi thể đến quảng trường trung tâm tại thành phố Herat và dùng cần cẩu để treo một thi thể lên. Sau đó, nhóm này đã đem 3 thi thể còn lại tới nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố để công chúng quan sát. Theo Seddiqi, Taliban đã thông báo tại quảng trường rằng 4 người này đã chủ mưu thực hiện một vụ bắt cóc 2 cha con và bị giết chết trong cuộc đọ súng với cảnh sát.

Kể từ khi Taliban lên nắm quyền, Mỹ và các nước đồng minh đã nhiều lần chỉ trích và cố gắng gây áp lực buộc lực lượng này thay đổi cách quản lý đất nước và cho phép những người thuộc nhóm thiểu số và phụ nữ được tham gia nắm quyền. Phản hồi lại, Turabi bác bỏ những lời chỉ trích về sự cầm quyền hà khắc của Taliban và cho rằng chính việc này đã đem lại sự ổn định cho đất nước vào những năm 1990: “Chúng tôi hoàn toàn có được sự an toàn ở mọi nơi trên đất nước”.

“Mọi người đều chỉ trích chúng tôi về các hình phạt trong sân vận động, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nói bất cứ điều gì về luật pháp và các hình phạt của họ” - ông Turabi  nói, cảnh báo thêm rằng thế giới không nên can thiệp vào công việc của chính quyền mới tại Afghanistan. “Không ai có quyền ý kiến về luật của chúng tôi phải như thế nào. Chúng tôi sẽ theo giáo lý của đạo Hồi và chúng tôi sẽ đưa ra luật của mình dựa trên kinh Koran” - thủ lĩnh Taliban khẳng định.

Ngay cả với người dân Kabul, dù bày tỏ sự sợ hãi trước sự thống trị của Taliban, một số người cũng nhìn nhận một cách miễn cưỡng rằng thủ đô đã trở nên an toàn hơn chỉ trong một tháng qua. Trước khi Taliban tiếp quản, các băng trộm thường xuyên lang thang khắp đường phố.

Cuộc thanh trừng tàn khốc của Taliban -0
Bà Patricia Gossman, Giám đốc HRW (người đang cầm bút ghi chép) đi phỏng vấn người dân.

Những vụ trả thù công khai hay mất tích thần bí

Dù có tuyên bố ân xá, nhưng Taliban vẫn tiến hành nhiều vụ hành quyết công khai nhắm mục đích trả thù.

Theo đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, diễn viên hài Kandahari ngồi trên ghế sau cạnh hai chiến binh Taliban trên ôtô. Ngay khi bị kéo lên xe và ngồi giữa những tay súng Taliban, ông Nazar vẫn giữ được sự bình tĩnh, thậm chí là vui vẻ mặc dù biết trước được số phận của mình. Ông Nazar rất bình thản và tiếp tục diễn hài, châm biếm Taliban.

Ông bị đưa đi khỏi nhà, chở đến một địa điểm không được tiết lộ. Taliban sau đó hành quyết ông. Ban đầu, Taliban phủ nhận sự liên quan của mình với cái chết của ông Nazar, nhưng sau đó đã thừa nhận. Đoạn video cuối cùng cho thấy, nam diễn viên hài này pha trò chọc tức Taliban dù ông đang đối mặt với cái chết gần như chắc chắn.

Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid thừa nhận rằng hai tay súng của nhóm đứng sau vụ hành quyết dã man này và cam kết cả hai sẽ bị đưa ra xét xử. Tuy nhiên, người phát ngôn của Taliban cũng cáo buộc Kandahari làm việc cho Cảnh sát Quốc gia Afghanistan và nói ông có liên quan đến việc tra tấn và giết hại các thành viên Taliban.

Cuộc thanh trừng tàn khốc của Taliban -0
Nhiều cựu sĩ quan an ninh của chính quyền Afghanistan cũ được cho là đã bị Taliban hành quyết và bắt cóc.

Ngày đầu tháng 9-2021, một người cháu cho biết ông Rohullah Azizi, anh trai cựu Phó tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh bị Taliban hành quyết và gia đình không được đem thi thể về chôn cất. Trang thông tin Alemarah của Taliban thì “dẫn các thông tin” cho hay ông Rohullah Azizi bị giết trong khi chiến đấu tại Panjshir.

Một số người thì được báo là mất tích, không thể liên lạc. Gần đây nhất, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) công bố báo cáo cho biết Taliban đã bắt cóc hoặc hành quyết 47 cựu sĩ quan an ninh kể từ khi lên nắm quyền. HRW cho biết thêm rằng số liệu của họ dựa trên 67 cuộc phỏng vấn, trong đó có 40 cuộc phỏng vấn trực tiếp ở tỉnh Ghazni, Helmand, Kunduz và Kandahar của Afghanistan. Các nhà điều tra của tổ chức này đã nói chuyện với các nhân chứng và gia đình nạn nhân, cũng như cựu quan chức chính phủ và thành viên Taliban trước khi đưa ra kết luận.

Theo báo cáo, các cựu sĩ quan an ninh phải đến đăng ký xin thư bảo đảm an toàn từ Taliban và bị kiểm tra, nhằm xác định họ có quan hệ với những đơn vị đặc nhiệm hay cảnh sát cụ thể hay không. Những người này cũng bị yêu cầu giao nộp vũ khí. “Taliban dùng quá trình kiểm tra này để bắt và hành quyết những cựu sĩ quan chỉ vài ngày sau khi họ đầu hàng”, báo cáo viết.

Thông tin chưa được xác nhận, nhưng Mỹ và nhiều đồng minh đã lên tiếng bày tỏ quan ngại với những nội dung trong báo cáo này. “Chúng tôi nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền con người và đi ngược lại lệnh ân xá được Taliban công bố, kêu gọi Taliban thực thi lệnh ân xá với cựu nhân viên an ninh và quan chức chính phủ. Các sự việc cần được điều tra đầy đủ và minh bạch, những người chịu trách nhiệm cần bị xử lý và quá trình này phải được công khai để ngăn tình trạng tương tự tái diễn”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong thông cáo chung cùng 21 chính phủ.

Về phần mình, Taliban chưa bình luận về báo cáo của HRW, cũng như thông cáo chung của Mỹ và đồng minh.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền cho biết Taliban tuyên bố đã loại 755 thành viên có hành động trả thù, đồng thời thành lập tòa án quân sự để xét xử những người bị cáo buộc giết người, tra tấn và bắt giữ trái phép. Phát ngôn viên Taliban Sohail Shaheen từng nói rằng chính phủ mới sẽ bao gồm những người Afghanistan không thuộc lực lượng và cả người từ chính quyền cũ.

Đối với câu hỏi Taliban có kêu gọi quân đội và cảnh sát từ chính phủ Afghanistan tham gia lực lượng hay không, Shaheen cho biết tất cả những người giao nộp vũ khí và gia nhập Taliban đều được ân xá cũng như đảm bảo tính mạng và tài sản.

Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Patricia Gossman cho biết: “Những vụ giết người và các vụ lạm dụng khác gần đây cho thấy các chỉ huy Taliban sẵn sàng ra tay với cả những người đưa ra lời chỉ trích hoặc phản đối nhóm này dù nhỏ nhặt nhất”.

Bà Patricia Gossman tin chắc rằng chẳng mấy hy vọng được vào những tuyên bố của Taliban và Afghanistan sẽ phải chịu cảnh tương tự những gì đã diễn ra trước đây.

Đỗ Tiến
.
.