Đại án Việt Á và những chuyện không có trong hồ sơ

Chủ Nhật, 10/07/2022, 16:57

Hơn 60 đối tượng bị khởi tố trong vụ Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á và các tổ chức, đơn vị có liên quan đã cho thấy sức công phá của “quả bom” Việt Á lớn khủng khiếp đến mức nào.

Đặc biệt, trong các đối tượng bị khởi tố, có cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc và hàng chục lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) các tỉnh, thành, nhiều giám đốc bệnh viện. Những vi phạm liên quan đến công ty Việt Á, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng làm thất thoát ngân sách nhà nước, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

“Nổ quả bom” khủng

Ngày 10-12-2021 là ngày được đánh dấu mở màn cho “chiến dịch Việt Á” bởi sau khi được sự cho phép của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cảnh sát kinh tế) chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an huy động gần 400 cán bộ, chiến sỹ đồng loạt triển khai khám xét 19 địa điểm, triệu tập trên 30 đối tượng tại Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Cần Thơ…

Qua đấu tranh và có đủ căn cứ, Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 19 bị can về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong đó, đã khởi tố Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính và nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế thuộc Bộ Y tế; Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; 3 Giám đốc Trung tâm CDC Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương và nhiều cán bộ liên quan. 

Đại án Việt Á và những chuyện không có trong hồ sơ -0
Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện khám xét tại CDC Khánh Hòa.

Để thực hiện được việc bắt, khám xét hàng loạt đối tượng gây chấn động dư luận, từ nhiều tháng trước, CBCS Cục Cảnh sát kinh tế đã nắm tình hình, thu thập tài liệu và phát hiện định mức nguyên liệu xây dựng giá thành sản phẩm kit test có nhiều dấu hiệu bị các đối tượng thông đồng nâng giá để trục lợi. Điều này đã thôi thúc Cục Cảnh sát kinh tế quyết tâm, khẩn trương tiến hành đồng bộ các biện pháp để chứng minh, làm rõ hành vi sai phạm của Công ty Việt Á và các đối tượng liên quan.

Cụ thể, tháng 4-2020, sản phẩm kit test COVID -19 của Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm (đây là kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện, được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập thông qua). Mặc dù đây là tín hiệu rất tích cực, góp phần đem lại sự chủ động trong phòng, chống dịch COVID – 19, nhưng dưới con mắt của các nhà điều tra thì giá của kit test này có nhiều điểm bất thường, chênh lệch rất cao so với sản phẩm do nước ngoài sản xuất.

Cụ thể, giá sản phẩm theo thông báo của Bộ Tài chính trên cơ sở hiệp thương giữa Bộ Y tế và Công ty Việt Á là 470.000 đồng/test. Cũng từ kết quả hiệp thương này, Bộ Y tế công bố giá xét nghiệm PCR tối thiểu là 734.000 đồng/cá nhân/xét nghiệm. Mức giá này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của nhân dân và kinh phí phòng, chống dịch tại các đơn vị, doanh nghiệp. Đặc biệt, qua biện pháp trinh sát đã thu được tài liệu về định mức nguyên liệu xây dựng giá thành sản phẩm cho thấy có nhiều dấu hiệu các đối tượng thông đồng nâng giá để trục lợi. Điều này đã thôi thúc Cục Cảnh sát kinh tế quyết tâm, khẩn trương tiến hành đồng bộ các biện pháp để chứng minh, làm rõ hành vi sai phạm của Công ty Việt Á và các đối tượng liên quan.

Đại án Việt Á và những chuyện không có trong hồ sơ -0
Cơ quan Công an thực hiện khám xét tại CDC Thừa Thiên Huế.

Quá trình triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã xác định, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt, Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Phan Quốc Việt) và Đồng Sỹ Huy thành lập ngày 28-2-2007 tại TP. Hồ Chí Minh; vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Phan Quốc Việt làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật. Ngoài Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt còn đứng ra thành lập, điều hành gần 40 công ty khác (như Công ty cổ phần y tế Việt Á; Công ty cổ phần đầu tư Việt Á Y Dược 99; Công ty TNHH Khoa học Việt Á; Công ty TNHH khoa học An Việt; Công ty cổ phần thiết bị y tế và dược phẩm Thừa Thiên - Huế; Cửa hàng Âu Lạc…).

Để phục vụ sản xuất, cung ứng kit test COVID-19, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo các đối tượng liên quan sử dụng các công ty thuộc hệ thống Công ty Việt Á ký hợp đồng, xuất hóa đơn mua bán lòng vòng với nhau nhằm tạo dòng tiền ảo, nâng khống giá trị hàng hóa, nguyên vật liệu, vật tư y tế đầu vào phục vụ sản xuất kit test COVID - 19 trước khi bán vào các cơ sở y tế công (CDC, bệnh viện công các tỉnh, thành phố).

Để trúng thầu cung cấp kit test cho các cơ sở y tế công, Phan Quốc Việt đã thông đồng với các đối tượng trong cơ sở y tế lợi dụng mặt hàng này để tổ chức theo hình thức “chỉ định thầu rút gọn” và sẽ chi tiền “chiết khấu” ngoài hợp đồng theo tỷ lệ từ 20% - 30% giá trị gói thầu, cá biệt có trường hợp lên đến 40%.

Quá trình đấu thầu, Phan Quốc Việt và đồng phạm sử dụng pháp nhân các công ty trong cùng hệ thống làm “quân xanh” lập báo giá cung cấp cao hơn giá chào hàng của Công ty Việt Á để Công ty Việt Á “đủ điều kiện” được chỉ định thầu. Chính vì vậy, doanh thu bán hàng kit test COVID - 19 của Công ty Việt Á từ tháng 3-2020 đến tháng 10-2021 là gần 4.000 tỷ đồng, số tiền chiết khấu lên đến hàng nghìn tỷ đồng cho các đơn vị y tế trên 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đại án Việt Á và những chuyện không có trong hồ sơ -0
Ba cán bộ cao cấp bị khởi tố: Ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc.

Xóa dấu vết, chuyển tiền hoa hồng lòng vòng

Điều đáng nói trong vụ Việt Á, việc chuyển tiền chiết khấu cho các cá nhân trong cơ sở y tế công rất tinh vi bằng thủ đoạn, sau khi các cơ sở y tế chuyển tiền mua kit test vào tài khoản chính của Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt chỉ đạo các đối tượng chuyển tiền chiết khấu qua tài khoản phụ của Công ty Việt Á, sau đó tiếp tục chuyển vào tài khoản cá nhân của em ruột Hồ Thị Thanh Thủy, vợ Phan Quốc Việt để chuyển cho các nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á.

Để tránh cho các quan chức bị phát hiện việc nhận tiền, Phan Quốc Việt yêu cầu các nhân viên phụ trách vùng sau khi nhận được chuyển khoản sẽ rút tiền mặt rồi đưa cho các cá nhân trong cơ sở y tế công. Trường hợp chuyển khoản từ tài khoản của em vợ Việt đến số tài khoản theo chỉ định của các cá nhân trong cơ sở y tế công đều ghi nội dung dưới dạng “thanh toán tiền mua hàng”, “nhờ thanh toán tiền mua hàng”.

Tiền chiết khấu đa số được quyết toán cá nhân, không đưa vào sổ sách kế toán theo dõi, kê khai, báo cáo thuế theo quy định. Cùng với đó, toàn bộ hoạt động kinh doanh của các Công ty thuộc hệ thống Công ty Việt Á sử dụng 2 hệ thống phần mềm, sổ sách. Do đó, quá trình xác định các nguồn tiền và tiền chiết khấu của các đối tượng trong vụ án này gặp rất nhiều khó khăn, các trinh sát phải thực hiện trong thời gian hơn 4 tháng liên tục.

Bên cạnh đó, các đối tượng chủ động đối phó bằng việc sử dụng hệ thống quản trị mạng bảo mật rất cao, thành lập phòng IT với trên 10 chuyên gia để bảo mật thông tin, cũng như nhanh chóng xóa dữ liệu điện tử khi bị phát hiện. Theo đó, vào tháng 8-2021, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế có văn bản đề nghị UBND các tỉnh tiến hành tranh tra, kiểm tra giá kit test, vật tư, thiết bị y tế, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo xóa toàn bộ dữ liệu điện tử liên quan đến chi phí, chiết khấu…

Đến tháng 10-2021, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã trực tiếp thanh tra Công ty Việt Á liên quan đến giá kit test, các đối tượng tiếp tục xóa dữ liệu và bàn bạc, thống nhất khai báo nếu cơ quan điều tra triệu tập…, gây rất nhiều khó khăn trong công tác thu thập dữ liệu điện tử và điều tra, xác minh của Cơ quan điều tra.

Đại án Việt Á và những chuyện không có trong hồ sơ -0
Đối tượng Phan Quốc Việt.

Mặc dù trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, khối lượng công việc rất lớn, hoạt động đối phó của các đối tượng tinh vi, nhưng CBCS Cục Cảnh sát kinh tế không quản hiểm nguy, vất vả tiến hành rà soát hàng trăm tài khoản liên quan đến các đối tượng để tìm các đối tượng nghi vấn nhận tiền chiết khấu qua tài khoản cá nhân, vì đây là “điểm đột phá” của vụ án.

Tuy nhiên việc rà soát gặp nhiều khó khăn, có lúc tưởng như bế tắc. Cùng với đó, công tác xác minh, trinh sát gần 40 công ty, hộ kinh doanh và 100 đối tượng liên quan ở nhiều tỉnh, thành cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Long An, Hải Dương… gặp nhiều khó khăn do địa bàn, đối tượng rộng; nhiều đối tượng nằm trong vùng cách ly, phong tỏa, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam (nơi dịch dệnh diễn biến phức tạp). Các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc đi lại, hàng quán, nhà nghỉ nhiều nơi đóng cửa… nhưng các trinh sát, điều tra viên vẫn nỗ lực thu thập thông tin, xác minh trong nhiều tháng liên tục và phát hiện các sai phạm.

Chính vì vậy, lực lượng chức năng đã xác định “điểm đột phá” trong Chuyên án là hành vi chuyển “chiết khấu” hơn 30 tỷ đồng cho Giám đốc Trung tâm CDC trong 5 gói thầu mua kit test COVID-19 trị giá hơn 150 tỷ đồng tại Trung tâm CDC Hải Dương và báo cáo lãnh đạo Bộ cho phá án. 

Đặc biệt, trong vụ án này, ngoài việc khó khăn trong quá trình điều tra do các đối tượng chuyển tiền lòng vòng qua người nhà, qua hiệu vàng để che giấu, Cơ quan điều tra còn chịu áp lực từ nhiều phía. Các bị can là người có chức vụ quyền hạn, là nhà khoa học có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội và có quan hệ rộng rãi, luôn tìm cách tác động bằng các mối quan hệ, nhưng với bản lĩnh, tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, Cơ quan điều tra đã từng bước đưa ra ánh sáng hành vi phạm tội của các đối tượng.

Phương Thủy
.
.