Đằng sau giáo phái đặc biệt nguy hiểm tại Mỹ
Từ ngày 30 -12-2021, một trận cháy rừng dữ dội đã đặt bang Colorado, Mỹ vào tình trạng khẩn cấp. Hơn 40.000 người đã phải di tản khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ cháy. Ước tính 1.000 ngôi nhà trên diện tích 2.428 ha đã bị thiêu rụi.
Ngọn lửa còn khiến hai người tử vong và hơn 40 người khác bị thương. Trong khi lực lượng lính cứu hỏa lao vào cuộc chiến với “giặc lửa”, cảnh sát tiến hành điều tra kẻ đã gây ra vụ cháy. Đối tượng hiện bị tình nghi nhất là những thành viên một gia đình tham gia giáo phái “Twelve Tribes”. Những người này vì lý do tôn giáo đã đốt căn nhà gỗ của họ, từ đó “châm ngòi” cho vụ cháy. Nhưng Twelve Tribes là giáo phái nào, và tại sao nó lại khiến tín đồ làm những việc như vậy?
Rao giảng tư tưởng độc hại
Twelve Tribes thuở đầu là một giáo đoàn nhỏ ở thành phố Chattanooga, Tennessee. Do bất đồng với những vị chức sắc địa phương mà người lãnh đạo giáo đoàn tên là Gene Spriggs tự mình tách ra thành lập giáo phái mới.
Theo lời một cựu thành viên của Twelve Tribes có mặt từ những ngày đầu của giáo phái: “Khi đó Twelve Tribes giữ một thái độ vô cùng cởi mở. Ai cũng được chào đón, mặc cho người đó thuộc tầng lớp, sắc tộc hoặc đức tin nào. Chúng tôi cố gắng sống với nhau thật hòa thuận và thân ái giống như những người híp-pi. Nhưng giáo phái theo thời gian dần thay đổi. Nó cũng giống như con ếch nhảy vào nồi nước vậy. Phải đến khi con ếch chết rồi mới biết là nước sôi”.
Gene Spriggs đổi tên thành Yoneq và bắt đầu rao giảng những tư tưởng độc hại. Ông ta dạy rằng tất cả những nhánh Công Giáo khác thực chất chỉ là quỷ Satan đội lốt mê hoặc người tốt. Chỉ có Twelve Tribes mới thực sự “cứu rỗi” con chiên của mình. Còn người da đen, người Do Thái và người đồng tính là tội đồ vì đã phản bội Chúa, việc bắt những người này làm nô lệ thực chất là một cách “thế thiên hành đạo”.
Con cái của những tín đồ là đối tượng chịu nguy hiểm nhiều nhất từ giáo phái Twelve Tribes. Matthias, một thanh niên trẻ sinh ra trong gia đình có cả bố và mẹ là tín đồ, kể lại cho phóng viên tờ Daily Beast: “Điều đầu tiên mà mọi đứa trẻ lớn lên trong giáo phái học được là cách giữ im lặng. Không bao giờ được nói trái lời người lớn, và khi những đứa trẻ khác bị người lớn đánh thì vẫn không được hé răng… Tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi tiếng chị tôi khóc mỗi tối sau khi bị bố đánh thậm tệ.”
Một cô gái trẻ giấu tên khác trả lời phỏng vấn: “Trên lưng tôi vẫn còn nhiều vết sẹo do bị đánh. Vết sẹo sâu nhất là do bị chú tôi đánh bằng một tấm ván gỗ. Tôi còn nhớ là khi đó mình mới 4 tuổi, lần đầu tiên nhìn thấy máy bay bay trên trời nên mới nghĩ ra trò giả làm máy bay. Chú tôi nhìn thấy vậy liền với lấy tấm ván gỗ để đánh”.
Việc sử dụng đòn roi để dạy trẻ được Twelve Tribes khuyến khích như một cách để giữ các em “trong sáng” đến tận ngày gặp Chúa. Họ cho “trong sáng” là trẻ em không được vui chơi và phải dành toàn bộ thời gian cho học hành hay làm những công việc nặng nhọc như làm mộc, nướng bánh mỳ, nấu xà phòng, v.v…
Mới đây đài truyền hình CBS đã cho đăng tải một phóng sự điều tra cho biết thương hiệu mỹ phẩm Acure và Savannah Bee hợp đồng với nhà máy Common Sense Farm để sản xuất các dòng sản phẩm sữa tắm của họ. Common Sense Farm là do Twelve Tribes quản lý, còn phần đông công nhân trong nhà máy là con cái các tín đồ. Bị vắt kiệt sức lao động trong môi trường hóa chất độc hại khiến không ít em phải chịu tai nạn dẫn đến thương tích suốt đời.
Tội ác
Vào năm 2013, nhà báo Đức Wolfram Kuhnigk đã bí mật ghi lại 50 video cảnh các tín đồ Twelve Tribes hành hạ con cái họ. Nhiều em bị đánh đập dã man và chịu đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Sau khi những đoạn phim được đăng tải, cảnh sát Đức đã buộc phải đi vào làng Klosterzimmern (huyện Deiningen, bang Bavaria) nơi tín đồ sinh sống và đưa toàn bộ số trẻ em tại đây đi. Một vụ việc tương tự từng xảy ra tại bang Vermouth, Mỹ vào năm 1984. Cảnh sát Mỹ đã giải cứu được 100 trẻ khỏi chính bố mẹ các em, sau đó đưa các em đến bệnh viện để điều trị thương tích cơ thể và tâm lý.
Ngoài lý do tôn trọng tự do tôn giáo, chính quyền nhiều nước phương Tây luôn gặp phải nhiều khó khăn khi họ tìm cách buộc Twelve Tribes chịu trách nhiệm cho các tội ác của mình. Ngay cả việc tìm nhân chứng cũng đã vô cùng khó. Matthias giải thích: “Twelve Tribes đối với nhiều tín đồ là toàn bộ cuộc sống của họ. Những đứa trẻ lớn lên chỉ được dạy giáo lý, rồi việc làm nghề gì, lấy ai, lúc nào có con, v.v… cũng đều do các vị chức sắc quyết định. Họ không coi những việc tàn ác mà họ làm, bố mẹ họ làm là thứ tồi tệ. Tất cả những quan điểm thiện – ác của họ đều bị đảo ngược so với người thường”.
Bản thân Matthias cũng phải khó khăn lắm mới lấy đủ dũng khí để dứt khỏi Twelve Tribes. Năm Matthias 12 tuổi, anh có hôn trộm một cô bạn gái. Nụ hôn của hai đứa trẻ khiến chúng phải chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết, rồi cô bé bị chuyển đi đến một ngôi làng khác ở đầu kia nước Mỹ. Đến năm 18 tuổi cô và Matthias mới gặp lại nhau, nhưng họ bị buộc phải lấy nhau.
“Giọt nước tràn ly” đối với Matthias là khi vợ anh sau khi xảy thai bị người lớn trong làng mắng chửi chỗ đông người vì “tội” “không biết giữ con”. Hai người quyết định chạy trốn khỏi cuộc sống cũ, và tuy hiện nay họ đã phần nào ổn định lại đời sống, vợ chồng Matthias vẫn phải tìm đến sự trợ giúp của bác sỹ tâm lý.
Những vị chức sắc và tín đồ có địa vị trong giáo phái có thể làm việc độc ác với người khác mà không sợ hậu quả gì. Họ được tự do làm thế vì ngoài quyền lực tôn giáo, tất cả mọi tư liệu, công cụ sản xuất đều do họ nắm. Chuyên gia Ted Patrick, người được gọi là “cha đẻ” của quy trình tái hòa nhập cộng đồng cho tín đồ tôn giáo, nói với phóng viên hãng tin Vice: “Ở bán cầu Tây này Twelve Tribes có chi nhánh tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Canada, Brazil, và Argentina. Họ sống thành các ngôi làng, thị trấn cô lập gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Từ ruộng đất đến xưởng thủ công đến nhà máy cũng đều do giới chức sắc quản lý. Chỉ cần họ muốn là khiến một gia đình chết đói được. Không ai dại gì mà đi ngược lời họ cả”.
Cuộc sống của những tín đồ đã từ bỏ đức tin của mình cũng chẳng dễ gì. Họ không được học hành nghiêm chỉnh, không người thân lẫn gia đình, thậm chí ngay cả những quyền lợi công dân cơ bản họ cũng không biết là mình có. Nhiều người do vậy phải tìm đến rượu hay ma túy để khuây khỏa. Thật may mắn là có một số tổ chức tương trợ được những người như Matthias lập nên để giúp các tín đồ tạo lập cuộc sống mới.
Quay trở lại vấn đề đưa Twelve Tribes ra ánh sáng, cảnh sát nhiều nước đã từng đột kích khám xét vào các địa bàn do giáo phái này kiểm soát. Trong nhiều trường hợp như vậy, ví dụ như cuộc khám sát một trang trại tại bang New South Wales, Úc, cảnh sát tìm thấy bằng chứng về những hành vi trái pháp luật như tự ý chôn cất thai nhi chết yểu hay xâm phạm đất rừng. Vấn đề là mục tiêu chính của cảnh sát - tìm bằng chứng về tội bạo hành trẻ em - lại không thực hiện được.
Các gia đình tín đồ rất kỹ lưỡng trong việc che giấu mọi dấu hiệu cho thấy họ đã đánh đập hay lạm dụng sức lao động con trẻ. Họ sống trong các ngôi làng, thị trấn cô lập nên không có người ngoài đứng ra làm chứng để đưa họ ra tòa. Đến nay chưa có vụ kiện tín đồ Twelve Tribes tội bạo hành trẻ em giành được chiến thắng tại tòa.
Riêng về vụ cháy rừng tại Colorado, cảnh sát có bằng chứng video rằng một gia đình tín đồ sống tại hạt Boulder đã châm lửa đốt nhà của họ. Ngọn lửa sau đó lan ra khu rừng gần đó và gây ra cháy diện rộng vì Colorado đang ở giữa mùa khô. Theo Joe Pelle, cảnh sát trưởng hạt Boulder, thì gia đình này nằm trong số bị đơn của một vụ kiện bạo hành trẻ em được đưa lên tòa án bang hồi năm ngoái.
Không rõ việc họ đốt nhà có liên quan đến vụ kiện này hay không, vì những hành vi tương tự từng được các tín đồ khác thực hiện do họ muốn “đuổi quỷ” khỏi nhà. Cảnh sát Colorado đang gặp khó khăn trong việc tìm đối tượng gây án do ngôi làng trong đoạn băng bằng chứng đã bị lửa thiêu rụi, còn gia đình các tín đồ đi sơ tán sang bang khác.