Đầu tư chứng khoán: Cẩn trọng với cổ phiếu đầu cơ
Chỉ trong vòng 3 tháng, thị trường chứng khoán Việt Nam 2 lần rúng động trước những thông tin, sai phạm liên quan đến “họ” cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC. Những sai phạm của ông Quyết đang bị cơ quan chức năng xử lý, song vẫn cần có những biện pháp cứng rắn để làm trong sạch thị trường. Đặc biệt, đây cũng là bài học đắt giá cho những nhà đầu tư ham cổ phiếu đầu cơ...
“Ác mộng” vì ôm cổ phiếu FLC
Tối Chủ nhật, 27-3-2022, chị Hoàng Quyên (một nhà đầu tư F0, trú trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội) cũng như nhiều nhà đầu tư đang “ôm” hàng vạn cổ phiếu thuộc “họ” FLC như FLC, ROS, HAI... tim đập chân run khi nghe tin dữ. Trong nhóm chat Zalo của chị xuất hiện hình ảnh ông Quyết ngồi xơi mì tôm tại sân bay. Chị lập tức vào tài khoản chứng khoán đặt lệnh ATO (lệnh mở cửa) bán sạch hàng vạn cổ phiếu họ FLC mà chị đang nắm giữ và cầu mong một phép màu...
Nỗi lo sợ của chị Quyên đã trở thành sự thật khi mở cửa phiên giao dịch ngày 28-3, nhóm cổ phiếu FLC, ROS, AMD, KLF, ART... đều lâm vào cảnh giảm sàn (giá thấp nhất trong phiên) mà vẫn trắng bên mua. Cùng với đó, hàng loạt cổ phiếu bất động sản cũng bị “vạ lây”, giảm mạnh. Chỉ số VNINDEX có lúc mất đến 30 điểm. Chiều 29-3, cơ quan chức năng xác nhận thông tin đã khởi tố, bắt giam ông Trịnh Văn Quyết thì các ngày sau đó tiếp tục chứng kiến cổ phiếu FLC, ROS nằm sàn thêm nhiều phiên nữa. Chỉ sau 5 phiên, nhà đầu tư đã bay mất hơn 30% tài khoản.
Cú đầu tư vào cổ phiếu họ FLC đã khiến chị Quyên thua lỗ nặng nề chỉ trong 1 tuần.Song, vẫn chưa là gì so với nhiều cổ đông của Công ty FLC thời điểm tháng 1-2022.
Anh Minh Tùng, một cổ đông của FLC cay đắng kể lại. Đầu năm 2022 anh được một broker (người môi giới chứng khoán) “phím” mua cổ phiếu FLC với giá khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu. Vốn tham gia thị trường chưa lâu, ít kinh nghiệm, cộng với niềm tin rằng cổ phiếu này sẽ được “đánh” lên tầm 30.000-40.000 đồng/cổ phiếu, anh Tùng mua thử 20% tài khoản. Thấy cổ phiếu “tím” 2 phiên liên tiếp, lại được broker khuyến khích: “Dáng anh cao, mắt anh hiền, anh đem tiền... cho nhà đầu tư” (ám chỉ ông Quyết), anh Tùng liền “all in full margin” (dốc hết vốn và vay thêm tiền từ công ty chứng khoán) để ôm mấy trăm ngàn cổ phiếu FLC.
Bất ngờ buổi chiều ngày 10-1-2022 có thông tin xác nhận Chủ tịch FLC bán chui gần 75 triệu cổ phiếu.Ngay lập tức cổ phiếu FLC giảm sàn và tiếp tục “lau sàn” thêm gần chục phiên nữa.Từ giá khoảng 24.000 đồng/cổ phiếu giảm về mức 12.000 đồng.Anh Tùng ngày nào cũng đặt lệnh bán mà chỉ đến phiên thứ 9 mới khớp được vài ngàn.Số tiền đầu tư mấy tỷ giờ “bốc hơi” quá nửa.
Cú bán chui của ông Quyết đã khiến cho hàng ngàn nhà đầu tư như anh Tùng lâm vào cảnh mất Tết. Không những thế, “cháy thành vạ lây” nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản cũng giảm liên tục nhiều phiên, khiến rất nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề. Niềm hy vọng có một cái Tết no ấm đã trở thành ác mộng đối với những người ôm cổ phiếu họ FLC.
Ngỡ nhân đôi nhân ba, ai ngờ mất trắng
Trong đầu tư chứng khoán có 2 khái niệm là đầu tư và đầu cơ.
Dù không mua các cổ phiếu thuộc “họ FLC”, song anh Phan Tuấn cũng phải trả giá bằng việc “bay” đến 80% vốn khi ôm cổ phiếu IDI. Cuối tháng 11-2021, anh Tuyến nhận được tin nhắn của một trưởng nhóm chat trên Zalo khuyến nghị mua cổ phiếu IDI. Dù đã tăng liên tục nhiều phiên, song trưởng nhóm chat khẳng định cổ phiếu được “phím” sẽ tiếp tục “tím” (tăng kịch trần) trong giai đoạn tới vì chủ tịch công ty này sẽ tìm cách đẩy giá lên. Trưởng nhóm nhấn mạnh rằng, nếu ai không mua cổ phiếu này thì sau này sẽ phải hối hận, rằng “có lỗi nghiêm trọng với vợ con”.
Với tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội), anh Tuyến cũng mua thăm dò vài ngàn cổ phiếu.Chỉ hôm sau, cổ phiếu tăng trần thật.Anh Tuyến dốc sạch mấy tỷ vốn liếng vừa bán được lô đất để với hy vọng nhân đôi tài khoản như trưởng nhóm.Chẳng ngờ ngày 29-11-2021, IDI bắt đầu giảm sàn, mất thanh khoản liên tiếp 9 phiên.
Tương tự, thời điểm cuối tháng 9-2021 hàng ngàn nhà đầu tư cũng xanh mắt mèo khi ôm cổ phiếu liên quan nhóm Louis Capital của ông Nguyễn Thành Nhân.Đây cũng là một điển hình của câu chuyện nhà đầu tư “lướt song” cổ phiếu không ngờ gặp phải “sóng thần”.
Các cổ phiếu “họ” Louis Capital như BII, TGG, APG, AGM, TDH, DDV... ban đầu được kéo giá tăng trần liên tục, kèm nhiều thông tin tốt đưa ra. Lãnh đạo công ty này còn tuyên bố giá cổ phiếu sẽ tăng mạnh gấp 2-3 lần trong thời gian tới.
Ban đầu, một số nhà đầu tư chưa mua vội nhưng thấy nó tăng trần liên tục nên đã “FOMO” và đua nhau đặt lệnh mua. Kết quả, không ít người “đu đỉnh” rồi ôm quả đắng... Cổ phiếu TGG đầu năm 2021 có thị giá chỉ 1.200 đồng, đến tháng 9-2021 đã được đánh lên đến hơn 70.000 đồng trong khi kết quả kinh doanh không khả quan. Sau nhiều phiên rơi tự do đã trở về với giá khoảng 10.000 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư “đu đỉnh” bay gần 90% giá trị.
Không để “cá mập” “úp sọt” nhà đầu tư
Trở lại vụ việc của ông Quyết, theo thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra, hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết bị xác định được thực hiện từ đầu tháng 12-2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10-1-2022 - phiên mà Chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu.
Ông Quyết đã vẽ ra một “kịch bản” khá tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia “thổi giá” cổ phiếu của tập đoàn mình nắm giữ lên một mức cao ngất ngưởng để “lùa gà” nhiều nhà đầu tư rồi “úp sọt” bán chui số cổ phiếu ông mua rẻ với mục đích hưởng lợi bất chính.
Bị can Trịnh Văn Quyết cùng một số người khác điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc “làm giá”. Những cá nhân này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo cung cầu giả để đẩy giá lên cao. Ông Quyết cùng những người giúp sức đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, số lượng đặt mua chiếm 12% và số lượng đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng thị trường.
Hành vi tạo cung cầu giả của nhóm ông Trịnh Văn Quyết đã đẩy giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 1-12-2021 liên tục tăng, thậm chí tăng “trần” nhiều phiên và phiên tăng “trần” cao nhất là 24.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu FLC đã được nhóm của bị can Quyết làm “ảo thuật” tăng hơn 64%.
Sau khi giá cổ phiếu FLC được “thổi” lên cao thì chủ tịch tập đoàn này chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu FLC nhóm của ông Quyết bán ra đã khớp lệnh là 74,8 triệu, với giá trung bình là 22.500 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu này đã được bán “chui”, không công bố trước khi thực hiện giao dịch.
Tổng số tiền ông Trịnh Văn Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính số tiền hơn 530 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra, những nhà đầu tư đã mua số cổ phiếu này may mắn được hoàn lại tiền. Tuy nhiên, với khoảng hơn 75 triệu cổ phiếu còn lại bị giảm sàn, “múa bên trăng” suốt 9 phiên sau đó thì những nhà đầu tư ôm cổ phiếu này đều thiệt hại nặng nề.
Ông Nguyễn Viết Anh, chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán VPS nhận định: Việc khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết là thông điệp thể hiện rõ quyết tâm làm trong sạch và minh bạch thị trường chứng khoán. Cho dù vụ việc này trong ngắn hạn sẽ khiến cho thị trường chứng khoán bị “rung lắc”, các nhà đầu tư ít nhiều bị ảnh hưởng khi cổ phiếu mất giá hàng loạt. Tuy nhiên, đây là điều tích cực trong dài hạn, khi mà thấy gương tày liếp của ông Quyết sẽ khiến những “đội lái” khác chùn tay. Ngoài trấn an tâm lý cho nhà đầu tư cá nhân, việc này sẽ mang lại niềm tin cho giới đầu tư nước ngoài. Nhất là trong thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Nhà đầu tư nên bình tĩnh
Ngày 31-3-2022 trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định, thị trường chứng khoán vẫn đang diễn biến tích cực nhờ yếu tố nền tảng, nhà đầu tư nên bình tĩnh trước các sự việc đơn lẻ. Theo ông, thị trường chứng khoán được ví là thị trường của thông tin, của lòng tin. Vì thế, khi các thông tin liên quan xuất hiện, thì ít nhiều sẽ có tác động tới thị trường và tâm lý nhà đầu tư theo chiều hướng cả tiêu cực và tích cực.
“Các thông tin liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết, do đó cũng khó tránh khỏi những tác động tâm lý tới nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng những tác động đó đến thị trường chứng khoán chỉ là ngắn hạn và không quá lớn do giá trị vốn hóa của FLC, cũng như các công ty trong hệ sinh thái FLC chiếm phần không lớn trên thị trường, lần lượt chiếm khoảng 0,16% và 0,35% vốn hóa toàn thị trường. Vì thế, nhà đầu tư nên bình tĩnh để có góc nhìn khách quan, nên phân tích, nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.
Dù có thể sẽ có nhiều biến động vì nhiều yếu tố khách quan nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt” - ông Dũng khẳng định.