Đi chợ... “hàng nóng” online

Thứ Ba, 11/07/2023, 08:35

Thời gian qua, khi triệt phá một số vụ án hình sự, ma túy, tín dụng đen, đòi nợ thuê, tụ tập đám đông giải quyết mâu thuẫn mà Công an TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An... triệt phá, các đối tượng khai nhận đã mua súng trôi nổi trên mạng xã hội để làm hung khí gây án. Từ những lời khai của các đối tượng, chúng tôi lên mạng tìm hiểu và ghi nhận thực tế thật khủng khiếp.

Súng đạn rao bán như rau, như cá

Trong vai người đi tìm mua súng để áp tải những lô hàng cấm từ biên giới vào nội địa, tôi lên Facebook gõ lệnh “chợ súng đạn” và ngay lập tức nổi lên hàng chục trang giới thiệu chuyên mua bán súng đạn mô hình, súng hơi, “kẹo chì” (đạn chì). Trong lúc còn đang nấn ná chưa biết chọn tài khoản nào để vào trao đổi sâu thì Facebook của tôi lập tức nhận được hàng chục tin giới thiệu mua bán, trao đổi tất cả các loại súng đạn.

Để tìm hiểu sâu hơn về phương thức mua bán, thời gian giao súng đạn và thanh toán tiền, tôi gọi vào một số di động đăng trên tài khoản Facebook: “Súng bắn đạn cao su, chơi được cả kẹo đồng” nhưng lập tức nhận được thông tin phản hồi từ nhà đài rằng: “Số điện thoại này không tồn tại”.

Đi chợ... “hàng nóng” online -0
Hoàng Việt Tới bị bắt quả tang khi chuẩn bị mang súng quân dụng đi bán.

Được sự chỉ dẫn của một trinh sát Cục An ninh mạng, tôi lập một tài khoản Facebook mới rồi bịa ra những thông tin sặc mùi giang hồ, đao búa và sau đó vài ngày gọi lại bằng Messenger thì có tiếng nam giới trả lời, nhưng khẳng định rằng chỉ bán mô hình chứ không có hàng “hạng nặng”. Không còn cách nào khác, tôi đành vào vai đàn em của một đối tượng chuyên đòi nợ thuê ở vùng ven TP Hồ Chí Minh và kể về việc may mắn thoát tội khi băng nhóm bị triệt phá, người này mới hé lộ rằng có thể cung cấp đủ loại “đồ chơi” từ kiếm, mã tấu có kiểu dáng độc lạ, súng hơi, súng thể thao cho đến các loại súng công cụ hỗ trợ bắn đạn bi, đạn cao su nhưng “chơi được cả kẹo đồng” và linh kiện các loại... Cùng với đó, các quản trị trang yêu cầu phải lấy một cái tên nào đó không phải tên mình lập tài khoản Facebook, Zalo để tham gia nhóm thì mới xem và trao đổi thông tin “hàng” được.

Ngoài ra, nếu trường hợp muốn mua nhiều để bán lại cho người khác thì trả mức phí theo thỏa thuận để được hướng dẫn lắp ráp tất cả linh kiện thành súng hoàn chỉnh và cả cách tự chế đạn từ nguyên vật liệu qua trao đổi. Nếu trả nhiều phí hơn nữa thì còn được chỉ cho cách gia công các linh kiện súng cũ thành những khẩu súng có độ chính xác cao hơn.

Theo hướng dẫn, khách hàng muốn đặt mua loại súng nào thì cứ thống nhất giá rồi chuyển trước vào tài khoản và bên bán sẽ cho shipper giao hàng đến tận địa chỉ trong thời gian từ 3 đến 7 ngày tùy theo loại. Nếu “hàng” không đúng như giao kèo, bên mua có quyền trả lại, nhưng cứ hẹn tại một địa điểm bất kỳ nào đó để bên bán cử shipper đến lấy. Khi tôi thắc mắc sao không đưa số tài khoản của chính người đang nói chuyện để chuyển tiền, mà lại chuyển vào tài khoản mang tên phụ nữ ở một vùng nông thôn Tây Nam bộ vì như vậy tiền sẽ không đảm bảo đến được tay người giao dịch mua bán thì người ở đầu dây bên kia vặn hỏi: “Ông là công an đang điều tra bọn này hay sao mà hỏi nhiều thế?”. Rồi hắn xổ một tràng văng tục, chửi bậy rồi cúp máy, khóa liên lạc không cho tôi vào trang của hắn nữa. Ngay sau đó, hàng loạt trang giới thiệu mua bán, trao đổi súng các loại trước đó gửi đến tài khoản của tôi cũng lập tức biến mất.

Đi chợ... “hàng nóng” online -0
Những loại linh kiện mà Nguyễn Quang Cường mua về để gia công, chế tác, lắp ráp thành khẩu súng hoàn chỉnh.

Hiểm họa từ nguồn vũ khí trôi nổi

Một trinh sát Cục An ninh mạng cho biết, qua phối hợp với công an các tỉnh, thành phía Nam triệt phá các băng nhóm mua bán vũ khí trên không gian mạng, các anh ghi nhận thực tế là các đối tượng lợi dụng việc không cần kê khai tên, địa chỉ, số điện thoại mà vẫn tạo được tài khoản ảo trên Facebook, Zalo, YouTube hoặc lập trang web riêng để giới thiệu, quay video clip hướng dẫn cách chế tạo, mua bán, trao đổi. Vì vậy, để lần ra những đối tượng cầm đầu các đường dây, trinh sát phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ... và phải thật kiên trì, khôn khéo vì các đối tượng rất lọc lõi, chỉ cần có nghi ngờ gì là lập tức cắt liên lạc rồi lặn mất tăm trên mạng. Cho đến nay, mặc dù công an các địa phương trên cả nước đều tập trung đấu tranh và đã triệt phá nhiều băng nhóm mua bán súng trên mạng, tuy nhiên vẫn còn nhiều loại vũ khí đã lọt vào tay các đối tượng tội phạm và nhiều trường hợp đã sử dụng trong các vụ án ma túy, hình sự và đặc biệt là tụ tập băng nhóm thanh toán lẫn nhau hoặc giải quyết mâu thuẫn gây chết người.

Điển hình như vụ “đấu” súng săn làm chết một người ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An xảy ra ngày 4/6/2023. Do mâu thuẫn giữa các cá nhân trong hai băng nhóm nên Nguyễn Đức Tài (sinh năm 1988, ngụ xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã hẹn nhóm của Bùi Tuấn Anh gặp mặt để giải quyết. Khi thấy nhóm của Tuấn Anh không gặp mặt mà đến trại gà của mình phá rối rồi nhắn tin khiêu khích, Tài gọi thêm khoảng hai chục đàn em mang theo hung khí và súng săn đến nghênh chiến. Vừa ráp mặt, Tài chĩa súng về phía nhóm của đối phương xả đạn khiến cho Bùi Tuấn Anh tử vong. Ngay sau khi Cơ quan công an vào cuộc, đã thu giữ tại nhà các đối tượng 4 khẩu súng, 9 viên đạn và các đối tượng khai nhận mua trên mạng xã hội.

Đi chợ... “hàng nóng” online -0
Các kiểu giới thiệu mua bán súng trên mạng.

Ngược thời gian vào những tháng cuối năm ngoái, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tục xảy ra các vụ nam nữ ở độ tuổi vị thành niên tụ tập thành băng nhóm để giải quyết mâu thuẫn ghen tuông, tranh giành người yêu, giải quyết mâu thuẫn qua những bình luận trên mạng xã hội, đòi nợ thuê... bằng súng. Nguy hiểm hơn, một số băng nhóm còn sử dụng súng quân dụng đi cướp tài sản của người đi đường gây mất an ninh trật tự trên diện rộng, người dân thì hoang mang lo sợ mỗi khi có việc phải ra đường. Không để tâm lý người dân bất an, cuộc sống bị ảnh hưởng, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã tung trinh sát vào cuộc và nhanh chóng ngăn chặn nhiều vụ giải quyết mâu thuẫn bằng súng, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm như nhóm của Nguyễn Văn Thi (quê Cà Mau), Hoàng Văn Tuấn (quê Gia Lai) cùng đồng bọn đã gây ra hàng chục vụ cướp (bị bắt ngày 11/12/2022) hay vụ đối tượng Lê Huy Dũng (ngụ huyện Long Thành) nổ súng thực hiện vụ cướp Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Tam Phước...

Trung tá Võ Nhật Hồng Phúc, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, thời điểm ấy, tuy tất cả các vụ tụ tập gây rối của các băng cướp có súng đều bị triệt phá nhanh chóng, nhưng khi đối mặt với điều tra viên, đối tượng trong các băng nhóm đều khai nhận đã mua súng trên mạng. Chuyên án đấu tranh với các băng nhóm mua bán súng quân dụng trên mạng được thành lập ngay, nhưng khi vào cuộc đã vấp phải hàng loạt tình huống khiến các anh đau đầu bởi trong lúc lấy lời khai, các đối tượng mua súng trên mạng không biết số điện thoại và tên thật của các chủ tài khoản là ai, mà chỉ giao dịch qua Zalo hoặc Messenger, thanh toán qua tài khoản ngân hàng, nhận súng từ shipper. Ngoài ra, khi kiểm tra thì các số điện thoại quảng cáo trên tài khoản mua bán súng đạn mà các đối tượng khai đã giao dịch đều không tồn tại (số ảo), tài khoản Facebook, Zalo cũng được lập trên nền tảng số điện thoại ảo...

Để truy tìm dấu vết của các đối tượng, ngoài việc yêu cầu trinh sát phải đảm bảo bám sát để nắm chắc tình hình địa bàn, tự cập nhật kiến thức từ những kỹ sư công nghệ, những người dân có nhiều kiến thức về hoạt động trên không gian mạng, đơn vị còn mời các đơn vị nghiệp vụ trong công an tỉnh cùng tham gia công tác đấu tranh. Trong tất cả các công đoạn đều có chỉ huy đơn vị trực tiếp đi cùng anh em trinh sát để có thể đưa ra những quyết định kịp thời trong công tác đấu tranh. Sau hơn 3 tháng kiên trì mục tiêu, đến đầu tháng 3/2023 thì phát hiện và xác định được 3 đối tượng cầm đầu 3 đường dây mua bán súng trên mạng gồm Hoàng Việt Tới (sinh năm 1990, tại tỉnh Thanh Hóa, tạm trú TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Quang Cường và Bùi Vũ Nhật Huy (cùng sinh năm 1990, tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Đi chợ... “hàng nóng” online -0
Một khẩu shotgun được Nguyễn Quang Cường độ chế theo yêu cầu của người mua.

Đến 1 giờ 30 phút sáng 19/3, nhận thấy thời cơ đã đến, chỉ huy chuyên án phát lệnh cho 3 tổ công tác đồng loạt ập vào nơi ở của các đối tượng, bắt quả tang đối tượng, thực hiện lệnh bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở của 3 đối tượng cầm đầu, thu giữ 2 khẩu súng quân dụng dạng K59, 1 súng bắn đạn hoa cải, 1 súng shotgun, 1 súng bắn đạn cao su, 9 súng bắn đạn chì, 428 viên đạn (trong đó có 51 viên đạn súng quân dụng), 33 vỏ đạn, 2 thùng linh kiện súng, 26 viên thuốc lắc cùng nhiều loại hung khí, tang vật có liên quan. Tới, Cường, Huy khai ngoài mua súng nguyên đai nguyên kiện, cả 3 còn mua từng loại linh kiện về gia công lại thành súng tự chế để bán kiếm lời.

3 đường dây mua bán súng trên mạng bị triệt phá, các đối tượng đều sa lưới pháp luật, an ninh trật tự được lập lại, cuộc sống của bà con trở lại như thường nhật, nhưng đây chỉ là bề nổi của những “tảng băng chìm” vẫn đang ngấm ngầm hoạt động ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Nguy hiểm hơn đó là các đối tượng có thể tự mua nhiều loại máy móc, thiết bị rồi mua linh kiện của các loại súng về dùng để gia công, chế tác, lắp ráp thành những khẩu súng bán cho các đối tượng phạm tội mang đi gây án trong xã hội.

Để ngăn chặn tận gốc, xóa sổ chợ súng đạn trên mạng, không chỉ Cơ quan công an mà rất cần sự chung tay của các ngành liên quan, các nhà mạng và các nhà quản lý nền tảng mạng xã hội. Ngoài ra, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân trong việc sẵn sàng tố giác tội phạm cũng là yếu tố rất cần thiết trong công tác đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm.

Đức Cương
.
.