Đi “chợ” tiền giả online

Chủ Nhật, 11/08/2024, 16:30

Chỉ với vài từ khóa đơn giản, ai cũng có thể tìm thấy dấu vết của "chợ" tiền giả online. “Thị trường” này hoạt động sôi nổi với không ít mánh khóe, thủ đoạn nhằm qua mặt lực lượng chức năng...

Đổi tiền thật lấy tiền giả

Có mặt trong group “Hội những người cần tiền” đang có hơn một nghìn thành viên theo dõi, chúng tôi dễ dàng nhận thấy, hoạt động mua bán tiền giả ở đây rất nhộn nhịp. Mỗi ngày có hàng chục lượt tin bài đăng quảng cáo bán tiền giả.

Tài khoản Facebook có tên P.L đăng ảnh xấp tiền cùng dòng chữ: "Hàng về phục vụ mọi người bất cứ lúc nào. Cung cấp tiền giả uy tín, chất lượng, giao hàng toàn quốc. Đảm bảo chất lượng giống thật 98%". Bên kia, nhiều tài khoản hỏi về giá mua, trực tiếp cũng có mà “inbox” (nhắn tin)
riêng cũng có.

Tài khoản này không ngần ngại giới thiệu: “Tỷ lệ quy đổi tiền giả là 1:10 hoặc 1:12 (nghĩa là 1 triệu tiền thật mua được 10 triệu hoặc 12 triệu tiền giả), mua 10 triệu miễn phí giao hàng...”.

Sau đó vài tiếng, tài khoản Đ.N lại có bài bán tiền giả rất hấp dẫn: “Tỷ lệ đổi 1:12, 2:24 (1 triệu tiền thật lấy 12 triệu tiền giả, 2 triệu tiền thật lấy 24 triệu tiền giả), chất liệu polymer đẹp 99%, không phải cọc đồng nào, được kiểm tra hàng trước khi thanh toán...”.

Đi “chợ” tiền giả online -0
Lực lượng chức năng khám xét nhà kho của nhóm đối tượng bán tiền giả.

Chúng tôi lần theo số điện thoại quảng cáo trên nhóm, tuy nhiên hầu hết đều trong tình trạng thuê bao ngoài vùng phủ sóng. Nhưng, chỉ cần tìm kiếm số điện thoại trên Zalo và kết bạn sẽ được những chủ tài khoản này nhanh chóng tiếp cận và mời chào mua tiền giả bằng cách gửi thông tin, video quay hàng chục cọc tiền giả đủ mệnh giá.

Tài khoản nhanh chóng xin địa chỉ của người mua để gửi hàng. Khi chúng tôi đang lưỡng lự và muốn hỏi thêm thông tin thì tài khoản im bặt, rồi biến mất. Vài tiếng sau đó, tài khoản Zalo này không thể tìm thấy nữa. Tiếp tục liên hệ với một tài khoản Zalo khác, chúng tôi được chủ tài khoản nhiệt tình giới thiệu về các lô tiền giả mới “ra lò”, chất liệu polymer mệnh giá 200.000 - 500.000 đồng đảm bảo mắt thường không thể phân biệt được. Giá đổi sẽ ưu đãi nếu khách hàng chuyển khoản trước. Để lôi kéo người mua, chủ tài khoản còn “mách nhỏ” cho chúng tôi một số mẹo khi lưu hành tiền giả. Nếu khách hàng là thanh niên, cần tiền giả để chơi bời, ăn tiêu bên ngoài thì nên mua tờ mệnh giá 500.000 đồng, khi nào trả tiền sẵn “típ” luôn cho khách hàng, như thế sẽ không bị soi mói. Chủ tài khoản tư vấn xong, thấy chúng tôi chưa chốt đơn, lập tức khóa tài
khoản, không để lại dấu vết.

Đi “chợ” tiền giả online -0
Quảng cáo bán tiền giả trên trang mạng.

Mua tiền giả về... dùng thử (!?)

Việc trao đổi, mua bán tiền giả trên các hội, nhóm được giao dịch như mua bất kỳ món hàng nào bằng hình thức trực tuyến. Đây là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đánh vào lòng tham, tâm lý hám lợi của một số người. Đối tượng sử dụng các tờ giấy có kích thước, hoa văn giống các tờ tiền, trên mặt các tờ giấy có in các dòng quảng cáo xem bói online, xem bói số điện thoại, xem bói tình duyên hoặc chữ xem bói năm sinh... gói kỹ trong các bưu phẩm kèm theo một vòng phong thủy để đánh lừa người nhận. Hình thức thanh toán là các nhân viên bưu điện gọi điện cho người đặt mua và giao hàng đến tận nhà. Khi nhận hàng, người mua sẽ kiểm tra qua loa, thấy các tờ giấy giống tiền giả thì an tâm thanh toán cho nhân viên bưu điện.

Khi tiền đã thanh toán xong, người mua mở xấp tiền ra đếm thì mới vỡ lẽ là tiền âm phủ hoặc tiền thật được in màu. Do vậy, những trường hợp này người mua chỉ biết ngậm ngùi vì... không thể tiêu được tiền giả.

Cách đây hơn 2 tháng, bà L.P (56 tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương) được con trai cho 2 triệu đồng tiền mệnh giá 200.000 đồng. Bà P. cầm số tiền này ra chợ mua thức ăn và một số đồ dùng sinh hoạt trong nhà. Sự việc êm xuôi, sáng hôm sau, bà P. tiếp tục ra chợ mua hàng thì bà chủ hôm qua bán hàng gọi giật lại, trả tờ tiền 200.000 ngàn và nói rất tế nhị: “Chị đổi lại cho em tờ tiền này với, tiền của chị, em không dùng được”. Đến một tiệm khác, bà P. đưa tiền ra mua hàng nhưng ông chủ từ chối nhận vì trông màu tiền không bình thường.

Không hiểu lý do vì sao, bà P. về nhà hỏi con trai nguồn gốc số tiền. Con trai khai là đặt mua trên mạng về... dùng thử (!?). Tá hỏa, bà P. yêu cầu con mang đi tiêu hủy ngay. “Tôi lo đến nỗi mất ăn mất ngủ, sợ việc con trai làm bị phát hiện rồi liên lụy cả nhà. Đồng ý là gia đình có túng thiếu, khó khăn nhưng chưa từng nghĩ đi mua tiền giả về xài”, bà P. phân trần.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đa số những người mua tiền giả trên mạng xã hội là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức chưa đầy đủ về hành vi mua bán tiền giả là vi phạm pháp luật, thanh niên muốn có nhiều tiền để tiêu xài nhưng lười lao động nên dễ dàng sập bẫy các đối tượng lừa đảo. Đáng chú ý, người mua tiền giả cũng bị lừa, đa phần đều mua phải tiền âm phủ hoặc tiền phô tô, in màu, tiền vẽ... nên dính quả lừa “tiền mất tật mang”.

Đi “chợ” tiền giả online -0
Tiền âm phủ mệnh giá 200.000 đồng mà các đối tượng lừa đảo mang đi giao cho người mua tiền giả.

Bán tiền của... ngân hàng địa phủ!

Bán tiền giả, thực chất là lừa đảo, với các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng am hiểu về công nghệ thông tin và mạng xã hội. Vào đầu tháng 8 vừa qua, Công an TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã triệt phá thành công chuyên án lừa đảo bán tiền giả quy mô lớn.

Đại tá Nguyễn Tấn Vũ, Trưởng Công an TP Bảo Lộc cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 14 đối tượng để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, vào khoảng cuối tháng 6, thông qua công tác trinh sát cùng các thông tin tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân về việc một nhóm đối tượng có hành vi quảng cáo bán tiền giả trên mạng xã hội Facebook, Công an TP Bảo Lộc đã vào cuộc xác minh, làm rõ các thông tin liên quan. Đội Cảnh sát hình sự được giao nhiệm vụ chủ công phối hợp cùng các đội nghiệp vụ và Công an các phường, xã vào cuộc thu thập tài liệu, chứng cứ đấu tranh phá án.

Sau thời gian thu thập các tài liệu, chứng cứ, ngày 24/7, lãnh đạo Công an TP Bảo Lộc chỉ đạo ban chuyên án huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ chia làm 4 mũi đồng loạt tấn công vào 4 tụ điểm của đường dây lừa đảo này tại các căn nhà cho thuê trên TP Bảo Lộc.

Qua khám xét 4 tụ điểm, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều tang vật liên quan cùng các bao tải bên trong chứa nhiều giấy ghi tiền âm phủ mệnh giá 200.000 đồng và nhiều hộp giấy bên trong chứa các loại hạt khử mùi, xi măng đã được đóng gói dán tiền âm phủ.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, có 5 đối tượng cầm đầu gồm: Phạm Minh Thành (26 tuổi, ngụ tại phường 1, TP Bảo Lộc), Trần Hoài Tiến (32 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Hoài Tâm (24 tuổi, ngụ tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm), Nguyễn Hữu Nghĩa (34 tuổi, ngụ tại phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) và Tô Hoàng Bảo Thuy (24 tuổi, ngụ tại xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc).

Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng đã tạo các tài khoản Facebook ảo rồi thuê chạy quảng cáo trên không gian mạng nhằm tạo lượng tương tác cao. Qua đó, các đối tượng rao bán tiền giả và tìm người cần mua để thực hiện hành vi lừa đảo.

Đi “chợ” tiền giả online -0
Ảnh đăng trong các hội, nhóm kín mua bán tiền giả trên mạng xã hội, nơi có hàng nghìn thành viên tham gia.

Các loại mệnh giá được quy đổi thể hiện qua giao dịch bán và mua tiền giả, cụ thể: 200.000 đồng tiền thật được 5 triệu đồng tiền giả; 250.000 đồng tiền thật được 10 triệu đồng tiền giả; 400.000 đồng tiền thật lấy về 16 triệu đồng tiền giả... Khi đặt mua tiền giả, khách hàng không cần đặt cọc tiền, mà chỉ cần cung cấp số điện thoại và địa chỉ nhận hàng.

Khi có khách hàng đặt mua tiền giả, các đối tượng thuê người đóng gói các hộp giấy thành các kiện hàng nhỏ. Sau đó, các đối tượng cho các loại bột khử mùi, xi măng vào bên trong hộp, rồi khoét lỗ dán sẵn mẫu tiền âm phủ mệnh giá 200.000 đồng. Các kiện hàng này sau đó được gửi giao hàng tại các bưu cục chuyển phát nhanh cho khách mua theo hình thức không được kiểm tra hàng trước khi giao.

Trong thời gian khoảng 6 tháng, đường dây này đã giao thành công hơn 23.000 đơn hàng trong cả nước và chiếm đoạt số tiền hơn 6 tỷ đồng. Đơn hàng mà các đối tượng giao thành công chiếm khoảng 30% đơn hàng được giao đi.

Có nhiều cách để kiểm tra tiền thật, tiền giả. Cách đơn giản và dễ dàng nhất chính là dùng tay. Theo các chuyên gia, tiền thật được in trên chất liệu polymer, có độ đàn hồi và độ bền cao. Do đó, người dân có thể kiểm tra độ đàn hồi bằng cách nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và khi mở ra, tờ tiền sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu.

Ngoài ra, có thể kiểm tra độ bền bằng cách kéo, xé nhẹ ở mép tờ tiền, tiền thật sẽ khó rách, khó bai dãn.

Trong khi đó, tiền giả chủ yếu được in trên nilon nên không có độ đàn hồi đặc trưng, độ bền như tiền thật. Nếu nắm gọn tờ tiền giả trong lòng bàn tay và mở ra, tờ tiền sẽ không đàn hồi về trạng thái ban đầu. Khi kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ tiền sẽ dễ bị bai dãn hoặc rách.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), việc cố ý rao bán tiền giả trên mạng xã hội hoặc bất cứ phương tiện nào khác, cho dù đó là chiêu thức để lừa đảo, chiếm đoạt tiền thật thì cần phải bị nghiêm trị và dẹp bỏ. Nếu việc rao bán tiền giả chỉ là cái cớ để cho những chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tiền thật của những kẻ tham lam, thì cũng cần được lên án, răn đe thậm chí xử lý trước pháp luật để thông tin trong sạch và xã hội yên bình.

Về trách nhiệm trước pháp luật của những người đặt mua tiền giả. Đây là hành vi vi phạm pháp luật vì với các sản phẩm cấm lưu hành, luật pháp ghi rõ các cá nhân khi phát hiện phải báo cho cơ quan chức năng xử lý. Hành vi cố ý giao dịch với kẻ buôn bán tiền giả bị xem như tàng trữ và buôn bán hàng giả đều bị xử lý trước pháp luật.

Việc rao bán tiền giả còn vi phạm các quy định của Nhà nước về an ninh tiền tệ quốc gia. Điều 207, Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt từ 3 năm đến 7 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5.000.000 đồng đến trên 50.000.000 đồng thì phạt tù từ 5 năm đến chung thân.

Ngoài ra, luật quy định, người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm, bị phạt tiền hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngọc Thiện
.
.