Di dân tự do hay kỹ nghệ buôn người

Thứ Hai, 14/11/2022, 10:40

Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng bảo vệ biên giới Mỹ, Mexico, hiện có khoảng 30.000 di dân tự do từ các quốc gia Nam, Trung Mỹ, đang tụ tập ở khu vực này chờ cơ hội vượt biên vào Mỹ. Một trong những điểm tập trung di dân tự do là làng Altar, cách biên giới bang Arizona, Mỹ, 100km. Tại đây, kỹ nghệ buôn người đã được công nghiệp hóa bởi các băng nhóm tội phạm…

1. Với diện tích 4.000 km vuông, dân số khoảng 10.000 người, phần lớn làng Altar là những nông trại trồng măng tây, cắt ngang bởi đường cao tốc dẫn đến thành phố Caborca, bang Sonora, Mexico.

Di dân tự do hay kỹ nghệ buôn người -0
Di dân vượt sa mạc Arizona vào Mỹ dưới sự dẫn đường của một thành viên buôn người (áo ca rô sọc đen).

Nói chuyện với trang tin Mỹ Latin ngày nay, nông dân Rodiguez cho biết: “Cuộc sống của chúng tôi đảo lộn khi những di dân từ Honduras, Venezuela, Nicaragua…, tràn đến nơi này”. Hình ảnh rõ ràng nhất là chỉ một thời gian ngắn, trong làng mọc lên 150 nhà trọ, 30 khách sạn cùng hơn 100 cửa hàng chuyên bán những trang bị mà di dân cần có để vượt biên. Phần lớn những dịch vụ này được điều hành bởi những băng nhóm. Rodiguez nói tiếp: “Tất cả các nhà trọ đều không giấy phép. Giá mỗi đêm là 30 peso (1,5 USD) nhưng không có nệm và chăn mền. Di dân ở đó để chờ ngày khởi hành”.

Việc vượt biên được các đường dây buôn người tổ chức dưới nhiều hình thức. Với những người ít tiền, giá của chuyến đi là 1.000 USD nhưng họ phải tự mua sắm trang bị. Các cửa hàng ở Altar luôn có sẵn quần áo ngụy trang, ba lô, bình đựng nước, lương khô, đèn pin cùng những tấm bản đồ vẽ tay, trong đó mô tả những lối đi tương đối an toàn khi băng qua sa mạc, những loài bò sát có nọc độc chết người như rắn đuôi chuông, rắn hổ, bọ cạp, rết; cùng những loại xương rồng có thể ăn hoặc nhai để lấy nước.

Bên cạnh đó, di dân còn bị buộc phải mua giày booties, đế giày được thiết kế đặc biệt với giá 120 peso (6 USD) để bảo đảm rằng họ không lưu lại bất kỳ một dấu vết nào trên đường qua sa mạc. Một di dân là Camaro nói với trang tin Mỹ Latin ngày nay: “Sau khi được thông báo ngày giờ khởi hành, chúng tôi bị cấm không cho ra ngoài nữa. Tất cả phải ở yên trong nhà trọ. Sở dĩ họ cấm là vì nếu để chúng tôi ra, thông tin về chuyến đi có thể bị lộ và những di dân không có tiền trả cho băng nhóm sẽ bám theo”. 

Thông thường, giờ giấc vượt biên phụ thuộc vào những “chim cú” - là những kẻ cảnh giới nằm bên đất Mỹ. Bằng bộ đàm, “chim cú” báo cho những kẻ cầm đầu đường dây buôn người ở Altar biết về quy luật tuần tra của lực lượng hải quan, biên phòng Mỹ cùng những chốt phục kích, tất cả đều sử dụng tiếng lóng.

Trung úy Ferguson thuộc đội kiểm soát biên giới bang Arizona, Mỹ, nói: “Rất khó để bắt những  “chim cú” vì họ là người Mexico nhưng quốc tịch Mỹ. Chẳng ai có thể cấm họ đi lại, cấm sử dụng bộ đàm ngoại trừ trường hợp chúng tôi có đặc tình nằm trong các đường dây bên đất Mexico nhưng điều này chẳng mấy khi thành công vì bọn buôn người phân cấp rất cụ thể. Ai không có nhiệm vụ thì không được phép biết đến việc làm của người khác”.

Vẫn theo trung úy Ferguson, thời điểm đỉnh cao như năm 2000 chẳng hạn, lực lượng hải quan, biên phòng Mỹ ở miền nam Arizona ghi nhận hơn 600.000 vụ vượt biên. Năm 2021 do đại dịch COVID-19 nên con số ấy có giảm đi, còn năm nay ước lượng có khoảng 230.000 vụ. Ferguson nói: “Có những vụ chỉ 2, 3 người nhưng có vụ là hàng chục người. Họ xuất hiện ở những khu vực hiểm trở mà xe tuần tra không vào được nên chúng tôi phải dùng trực thăng vây bắt. Nếu ai đó bỏ mạng dọc đường thì ngoài những bầy chó hoang, nắng, gió và những trận bão cát sẽ nhanh chóng xóa tan dấu tích”.

Di dân tự do hay kỹ nghệ buôn người -0
Xe chở di dân gây tai nạn chết người ở thành phố Benson.

2. Trở lại chuyện vượt biên, như đã nói giờ giấc khởi hành tùy thuộc vào sự báo tin của những “chim cú”. Một di dân là Hernandez đến từ Venezuela kể lại: “Nhóm chúng tôi gồm 9 người được lệnh lên đường lúc 3 giờ chiều. Họ dồn tất cả lên thùng xe ben và bắt chúng tôi phải ngồi bệt xuống. Đến 6 giờ tối, xe dừng lại ở một nơi hoang vu, không nhà cửa, mặt đất đầy đá sỏi cùng những bụi xương rồng. Chúng tôi xuống xe đi bộ dưới sự dẫn đường của một thanh niên khoảng 20 tuổi. Lệnh của anh ta là tuyệt đối im lặng. Không được bật đèn pin và không được dừng lại khi chưa có sự đồng ý của anh ta. Khi qua khỏi biên giới chừng 5km, anh ta chỉ cho chúng tôi biết vị trí của các làng mạc, thị trấn cần phải tránh né rồi quay về, để mặc chúng tôi tự lo liệu”.

Thông thường, di dân nếu có thân nhân hoặc người quen ở Mỹ, họ sẽ báo trước qua Facebook để những người này đón họ tại một điểm nào đó dọc theo xa lộ liên bang. Trước khi lên xe, họ thay quần áo và vứt bỏ mọi thứ liên quan đến chuyện vượt biên còn với người tứ cố vô thân, họ cũng thay quần áo rồi tìm đến các trang trại, nơi luôn cần công nhân giá rẻ, biết điều và không quậy phá.

Trung úy Ferguson nói: “Rất khó để bắt quả tang dân nhập cư ở lậu tại những nơi này vì nhiều trang trại rộng đến vài trăm hecta. Chủ trang trại thuê mướn di dân vì vừa rẻ tiền, vừa khỏi phải nộp các khoản bảo hiểm, an sinh xã hội cũng như không sợ bị thưa kiện nếu cho thôi việc. Họ dễ dàng phát hiện xe chúng tôi từ rất xa. Khi ấy, họ chỉ cần lùa di dân vào những cánh đồng ngô bạt ngàn thì dù ngồi trên trực thăng cũng khó mà tìm thấy…”.

Để “công nghiệp hóa” kỹ nghệ buôn người, các băng nhóm tội phạm tổ chức một mạng lưới khép kín. Theo điều tra của nhóm phóng viên trang tin Mỹ Latin ngày nay, ngoài xe tải, xe ben để chở người, họ còn có các cơ sở cung cấp lốp xe và đồ phụ tùng, cửa hàng xăng dầu và thậm chí có cả một doanh nghiệp xây dựng, chuyên lắp ghép những căn nhà tiền chế để cho thuê trọ. Bên cạnh đó, còn có những cửa hàng bán bánh tacos barbacoa và bánh burritos (tương tự như bánh mỳ thịt) cho di dân.

Phóng viên Joaquin (tên đã thay đổi) cho biết khi đường dây vượt biên bị tắc dài ngày, nhằm tận dụng sức lao động, các băng nhóm tội phạm “giới thiệu” di dân đến làm việc tại các nông trại nhưng thực chất là bán họ. Tại đó, di dân thu hoạch măng tây - là loại cây chủ lực ở Altar hoặc làm đất, tưới tắm, chăm sóc cây trồng nếu không đúng vụ mùa. Kết thúc công việc, tiền công chủ trang trại giao cho băng nhóm và di dân thường chỉ nhận được 1/3. Theo ghi nhận của chính quyền làng Altar, 6 tháng đầu năm 2022 các nông trại đã thu nhận hơn 75.000 lượt di dân đến làm việc thời vụ.

Ngoài hình thức vượt biên bằng cách đi bộ, các băng nhóm tội phạm ở Mexico còn đưa di dân đến Mỹ bằng xe hơi nhưng dĩ nhiên là giá cũng đắt hơn: 10.000 USD cho mỗi đầu người. Họ thường được thả xuống gần một thị trấn, thành phố nào đó trên đất Mỹ rồi tự lo liệu. Với những di dân sẵn sàng trả giá cao hơn: 20.000 hoặc 30.000 USD chẳng hạn, tài xế sẽ đưa họ đến một nơi gọi là “nhà an toàn”. Tại đó, họ sẽ ở tạm vài ngày hoặc vài tuần trong khi chờ đợi đường dây làm giấy tờ giả.

Các nhà chức trách bang Arizona đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự gia tăng trước việc các nhóm buôn người tuyển dụng tài xế, phần lớn là thanh thiếu niên thông qua các trang mạng mà lắm khi đã để lại những hậu quả bi thảm cho lái xe, di dân và người chứng kiến. Amstrong, thành viên Đội điều tra an ninh nội địa thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết sau khi di dân vượt qua biên giới an toàn, những chiếc xe này - thường là xe bán tải sẽ đón họ rồi đưa họ đến một thành phố, thị trấn nào đó. Cứ mỗi chuyến đi, tài xế được trả 500 USD/đầu người mà họ chở, hoặc trọn gói 2.500 USD. Tuy nhiên, hậu  quả của những chuyến đi ấy khó mà lường được. 

Hồi tháng 7, khi cảnh sát đuổi theo một chiếc bán tải Ford Explorer vì nghi ngờ chở di dân bất hợp pháp, tài xế Ford Explorer chạy với tốc độ cao để trốn thoát nhưng đã đâm vào một chiếc xe khác ở một ngã tư tại thành phố Benson, hạt Cochise, bang Arizona. Một di dân chết ngay tại chỗ còn tài xế và 2 di dân bị bắt.

Trước đó, vào tháng 10-2021, một tài xế 17 tuổi lái chiếc Chevrolet chở di dân với tốc độ 160km/giờ, đã lao vào một chiếc Ford Focus. Người phụ nữ 65 tuổi lái chiếc Ford tử vong tại hiện trường. Tài xế Chevrolet cùng 3 di dân, trong đó có 1 đứa trẻ bị thương nhưng sống sót. Robert Watkins, chỉ huy cảnh sát thành phố Benson cho biết từ khi văn phòng của ông bắt đầu theo dõi hoạt động này từ 6 tháng trước, họ đã ghi nhận gần 600 vụ vận chuyển di dân, bắt giữ 107 vụ sau những cuộc truy đuổi tử thần! 

Vẫn theo ông Robert Watkins, tài xế do các băng nhóm buôn người thuê mướn thường đến từ các bang xa như California, New Jersey. Gần như tất cả đều được tuyển dụng theo hình thức trực tuyến nên rất khó tìm ra những kẻ chủ chốt. Đã vậy, việc thanh toán tiền công lại bằng tiền điện tử nên cũng khó truy vết vì sau khi nhận được mật mã trên Facebook hay Twitter, Instagram, tài xế chỉ cần nhập mã này vào một địa chỉ đã định trên mạng thì trong tài khoản của họ sẽ có một số tiền ảo. Nếu cần tiêu xài, họ xài luôn bằng tiền ảo vì nhiều cửa hàng online chấp nhận loại tiền ấy.

Di dân tự do hay kỹ nghệ buôn người -0
Một tấm bản đồ vẽ tay bán cho di dân, hướng dẫn lộ trình và các mối nguy hiểm.

3. Về phía di dân, đa số ra đi vì muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn và kiếm được nhiều tiền. Hoan Carlos, 36 tuổi đến từ Nicaragua nói: “Ở Mỹ, lái máy cày cho trang trại cũng kiếm được 15 USD mỗi giờ, bằng ở quê tôi phải làm cả ngày”. Magarita, 21 tuổi cho biết cô ra đi từ Venezuela: “Lạm phát cao cộng với tình hình bất ổn nên tôi quyết tâm đến Mỹ”.

Khi được hỏi cô sẽ làm gì ở Mỹ thì Magarita trả lời: “Tôi nghe nói nhiều nơi cần người nấu ăn mà việc đó tôi có thể làm tốt. Còn cùng lắm thì tôi chăm sóc người già”. Lúc biết làm nghề nấu ăn thì phải có bằng, chăm sóc người già cũng phải đi học để lấy bằng mà tiếng Mỹ một chữ bẻ đôi cô không biết, muốn đi học cũng chẳng được vì không có giấy tờ hợp pháp thì Magarita nhún vai: “Thôi kệ, miễn cứ tới được Mỹ rồi tính”. Mark Dannels, cảnh sát trưởng quận Cochise nói: “Khi thẩm vấn, một di dân trả lời tôi rằng họ có chú ruột ở Mỹ, đã làm hồ sơ bảo lãnh nhưng 10 năm nay chưa thấy tăm hơi gì. Nay họ vượt biên vì sợ rằng nếu người chú chết, chú cháu sẽ chẳng bao giờ còn được gặp mặt!”.

Năm 2021, nhà nghiên cứu Gabriella Sanchez đã hoàn thành luận án tiến sĩ ở Đại học Arizona, nội dung phân tích 66 trường hợp buôn người vào Mỹ đồng thời phỏng vấn hàng trăm người vượt biên bị bắt. Nó là một công trình nghiên cứu kỹ lưỡng nhất về vấn đề di dân, các mạng lưới tội phạm ở hành lang biên giới Arizona, Mỹ, Sonora, Mexico. 

Trong luận án, Gabriella Sanchez viết: “Sau những cuộc chiến nhằm tranh giành lãnh địa trong việc buôn bán ma túy, các tổ chức tội phạm ở Mexico giờ đây quay sang lĩnh vực đưa người vượt biên trái phép vì nó an toàn hơn đồng thời thu nhập cũng chẳng kém. Nếu năm 2020, giá cho một di dân đi bằng xe hơi là 5.000 USD thì bây giờ là 10.000 USD thậm chí có người còn trả 15.000 USD để được đưa đến thành phố Houston, bang Texas”.

Victor White, Giám đốc lực lượng đặc nhiệm Alpha thuộc Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trung bình mỗi tháng có 3.000 di dân đi qua Altar và điều đó có nghĩa là cũng trong 1 tháng, 3 triệu USD rơi vào túi bọn buôn người, chưa kể các dịch vụ kèm theo như tiền thuê nhà, tiến bán thức ăn, nước uống, các trang bị dùng để vượt biên vào Mỹ…

Vũ Cao (Theo Latin America Today)
.
.