Định mệnh oan nghiệt của thương gia Do Thái giàu nhất Iraq
“Có ngày người dân Iraq sẽ tuyên trắng án cho Adas, cũng như người Pháp từng tha bổng Dreyfus”. Luật sư người Hồi giáo Iraq, Muhammed Zaki al-Hatib, đã phát biểu như thế trong năm 1948. Nhưng sự thật quá đỗi tàn khốc.
Vị tiểu vương bị thần dân xa lánh
Một quý bà đã hỏa tốc thực hiện một chặng hành trình từ thành phố Basra (miền Nam Iraq) đến Hoàng cung ở Baghdad. Tên bà là Aliza (Alice) Adas, bà là vợ của ông Shafiq Adas nhưng sớm trở thành góa phụ. Chờ đợi bà Aliza phía trong cung điện là tiểu vương Abd al-Ilah, người đứng đầu hoàng tộc Iraq. Aliza quỳ xuống trước mặt Abd, phủ phục xuống nền nhà và hôn chân ông.
Thời khắc đó Aliza không hay biết rằng việc hành quyết chồng bà không chỉ kết liễu sinh mạng của ông mà còn ảnh hưởng tới định mệnh của toàn cộng đồng Do Thái. Đó là tháng 9 năm 1948, cùng với ông Shafiq, bà Aliza (40 tuổi) đã mang theo 3 người con trai (Zaki, Victor và Sabah) và 3 cô con gái (Dolly, Vicky và Stella). Bà Aliza là dân địa phương, bà là con gái của một gia đình giàu có chuyên nghề buôn bán chè (trà) và đường. Còn ông Shafiq (sinh ở Aleppo, Syria) đã theo chân người anh cả Avraham đến Iraq để tìm vận may làm ăn ngay sau Thế Chiến I, thời kỳ đó Iraq bị xâm lược bởi đế quốc được mệnh danh “Mặt trời không bao giờ lặn”.
Đối với anh em nhà Shafiq, Iraq là một thế giới hoàn toàn lạ lẫm với họ, một nơi có vô vàn cơ hội buôn bán. Dù sinh ra và lớn lên ở kinh thành Baghdad cùng việc nói tiếng Arab hoàn hảo nhưng bà Aliza lại hoàn toàn mù chữ. Mặc dầu vậy, bà lại tinh thông tiếng Anh và Pháp, quả phù hợp với mong đợi của giới tinh hoa Do Thái ở Iraq khi đó. Về phần mình, tiểu vương Abd là người có vẻ ngoài yếu đuối, hay ông là người lập dị nhất trong hoàng tộc Iraq, và Abd al-Ilah biết rằng cơ hội để thay đổi quyết định là vô cùng ngặt nghèo. Người anh vợ của vị vương tử là vua Ghazi, người đã chết trong một tai nạn xe hơi thảm khốc ngay lối vào hoàng cung Bagdad chỉ 9 năm trước đó (một cột điện báo đột nhiên đổ xuống chiếc xe đua của nhà vua và bửa đầu vị quốc vương ra làm hai), vì là người thừa kế hợp pháp nên Abd tiếp quản ngai vàng khi mà hoàng thái tử Faisal (con của vua Ghazi) mới 4 tuổi. Là anh trai của hoàng hậu Aliya (sống cùng bà trong cung điện), tiểu vương Abd al-Ilah cũng trở thành nhiếp chính vương, chủ quản tạm thời hậu cung.
Nhiếp chính vương thực tế là không được thần dân Iraq quý mến bởi họ coi ông là người theo thực dân Anh. Một nhà ngoại giao Anh khi đó viết rằng sở thích chính của nhiếp chính vương là cưỡi ngựa, một thú tiêu khiển càng khiến thần dân xa lánh. Abd từng nghi ngờ mình có phải là người Arab không, cũng như những nghi ngờ về xu hướng tình dục đồng giới của ông. Bản thân tiểu vương Abd al-Ilah từng bị phế truất trong một vụ đảo chính quân sự. Chuyện đó xảy ra năm 1941 ngay trong Thế chiến II, khi một nhóm người Iraq thân Đức Quốc xã đã tiếp quản quyền lực với sự hậu thuẫn của quân đội. Nấp trong xe hơi của một nhà ngoại giao Mỹ, Abd al-Ilah đã trốn thoát khỏi Baghdad. Người Anh đã bố trí Abd cư ngụ tạm thời trong khách sạn Vua David ở Jerusalem cho đến khi họ tái chiếm Baghdad, hất cẳng đám người âm mưu và đồng thời tái khôi phục tiểu vương - đó là trước khi một đám đông Hồi giáo đã thực hiện cuộc tàn sát người Do Thái lớn nhất trong lịch sử Iraq.
Để tiểu vương phải ra mặt chống lại quân đội và thần dân Iraq để có lợi cho người Do Thái chẳng khác nào là hành động tự sát. Trong khi đó bên ngoài hoàng cung, trên khắp các đường phố Iraq, nhiều tiếng la ó giận dữ đòi lấy đầu Shafiq Adas sau khi ông bị kết án tại một tòa án binh với tội danh phản quốc và hỗ trợ cho “kẻ thù Do Thái”. Nhiều nhân chứng có mặt tại phiên tòa xét xử sơ khởi đều lên tiếng cáo buộc các cáo trạng đưa ra đều nhằm “khủng bố” cộng đồng Do Thái. Shafiq Adas bị buộc tội đã bán các thiết bị quân sự cũ của Anh từ thời Thế chiến II cho kẻ thù không đội trời chung của Iraq: Israel. Tiểu vương Abd al-Ilah đã biết về Shafiq Adas, người đã tiếp đón ông tại tư gia khi ông ghé thăm Basra. Toàn bộ đất nước Iraq non trẻ đều biết Shafiq Adas là ai. Shafiq cũng thân cận với chính trị gia quan trọng nhất của vương quốc Iraq khi đó là Nuri al-Said, và gọi con của ông, Sabah, là con trai mình.
Các bộ trưởng, thương nhân, quan chức cao cấp, và thành viên của quốc hội Iraq đều đã từng gặp mặt Shafiq Adas, một quý ông làm ăn phát đạt và giờ đây là thương gia giàu nhất Iraq. Khi Shafiq bị đưa ra xét xử trùng với thời điểm các nước Arab tổ chức phản công chống lại Israael chỉ vài tháng trước đó, không ai trong số các đối tác Hồi giáo của ông bị chỉ đích danh là đồng bị cáo. Rõ ràng Shafiq Adas (người Do Thái) bị đám đông điệu ra làm dê tế thần. Sau khi phán quyết được đưa ra tại tòa án binh ở Basra, nó được chuyển tới hoàng cung Baghdad để đợi bút phê của tiểu vương Abd. Vào những ngày trước khi vị tiểu vương ra quyết định, vô số người đã khẩn nài xin tha mạng cho Shafiq bao gồm cả một phái đoàn giáo sĩ Do Thái và đại sứ Mỹ (những người theo đạo Hồi của Shafiq), cũng như các cựu chính trị gia. Cũng có một cuộc gặp gỡ giữa Abd với phu nhân Aliza, nhưng không ai rõ họ đã nói những gì.
Ám ảnh nỗi sợ kép
Trước khi phê án tử cho Shafiq Adas, tiểu vương đã triệu các đại thần đến triều để hỏi ý kiến. Adb nói rằng Hồi giáo cấm làm đổ máu những người vô tội. Iraq chống lại người Do Thái ở Palestine nhưng không làm điều đó với người Do Thái ở Iraq. Thông tin về bản án tử hình đã biến Shafiq trở thành biểu tượng của toàn thể cộng đồng Do Thái. Ngay từ khi đó, người Do Thái tin rằng vận mạng của Shafiq sẽ ảnh hưởng đến họ. Một số người khấp khởi hy vọng nhà nước Iraq có thể đòi tiền chuộc để ân xá cho Shafiq. Bà Aliza đề nghị trả 8 triệu dinar (tương đương 300 triệu USD ngày nay) để cứu mạng chồng mình. Nhưng mọi hy vọng trở thành tuyệt vọng. Người Do Thái sợ hãi khi cho rằng số mệnh của cộng đồng họ ở Iraq đã bị phong ấn. Nếu Shafiq bị dẫn đến giá treo cổ, định mệnh cho toàn thể cộng đồng Do Thái đã được an bài.
Nhà văn gốc Iraq, Yitzhak Bar-Moshe, viết: “Khi được thông báo rằng tiểu vương đã cho phép tuyên án, người Do Thái cảm giác như họ lạc vào hoang mạc Sinai lần nữa”. Nhiều người Do Thái cố gắng tìm hiểu căn nguyên nào khiến cho những cáo buộc chống lại Shafiq lại được tòa án chấp thuận. Shafiq rõ ràng không ủng hộ chủ nghĩa phục quốc, và tránh xa các hiệp hội chính trị. Shafiq không phải là thành viên trong cộng đồng Do Thái cũng như né tránh các tổ chức và sự kiện của cộng đồng này. Có thời điểm Shafiq còn quyên góp hàng ngàn dinar cho quân đội Iraq chống lại Israel. Các lãnh tụ cộng đồng Do Thái ở Baghdad tranh luận sôi nổi nhưng không biết phải làm gì. Họ đang thừa hưởng lịch sử 2500 năm của cộng đồng Do Thái lâu đời nhất thế giới bên ngoài lãnh thổ Israel. Một số người Do Thái đã bí mật gặp nhau ở Baghdad, trong số họ là Salman Shina (một trong 6 đại diện cộng đồng Do Thái trong quốc hội Iraq) cùng thượng nghị sỹ kiêm nhà từ thiện Menachem Daniel.
Việc bắt giữ Shafiq Adas thực ra là một phần của chiến dịch bài Do Thái quy mô lớn được kích động bởi chính phủ và công luận Iraq thời đó. Kể từ năm 1948 (và thậm chí trước khi Iraq tuyên chiến chống Israel) cộng đồng Do Thái đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công và sách nhiễu. Cảnh sát mật Iraq bắt đầu trấn áp người Do Thái, còn các thương nhân bị bắt giữ vì mục đích tống tiền. Các sĩ quan chìm thường xuyên lảng vảng ở những địa điểm có người Do Thái sinh sống, chờ đợi sơ hở để chộp bắt họ.
Các quan chức Do Thái (cả cấp thấp và cấp cao) đều bị sa thải khỏi các ban, ngành. Mỗi đêm, số lượng người Do Thái bị bắt ngày càng tăng. Lời đồn râm ran rằng Bộ trưởng Quốc phòng Iraq đã có sẵn một bản danh sách bắt người Do Thái vì đủ loại tội kỳ quặc. Mọi thư từ từ Israel chuyển đến Iraq đều bị tịch thu. Ngay cả thư từ thăm hỏi đơn giản cũng có thể khiến người Do Thái ở Baghdad bị tù 3 năm và chịu phạt nặng. Đến năm 1948, chủ nghĩa phục quốc Do Thái bị chính thức tuyên bố là tội ác. Mùa hè năm 1948, hàng trăm người Do Thái bị đưa ra xét xử, phần lớn là bị phạt tiền, trong khi số khác đối mặt với “bóc lịch dài ngày” sau song sắt. Abba Hillel Silver và Stephen Wise (các lãnh tụ Hồi giáo Mỹ) đã gửi điện tín khẩn cấp cho Ngoại trưởng George Marshall nhằm thúc giục ông sử dụng ảnh hưởng của mình để cứu Shafiq thoát khỏi giá treo cổ.
Ngày hắc ám trong lịch sử người Do Thái ở Iraq
Trước lúc tảng sáng ngày 23/9/1948, một chiếc xe bọc thép của cảnh sát tiến vào quảng trường lớn bên ngoài dinh thự của nhà Adas thuộc khu phố thượng lưu Al Ashar, gần sông Shatt al-Arab. Mới hơn 4 giờ sáng nhưng đường phố đã chật ních lính canh và dân địa phương, nhiều người trong số họ biết Shafiq và thậm chí còn phụ thuộc vào ông để kiếm sống. Xe buýt ngược xuôi như mắc cửi chở người đến coi phiên xử giảo. Đi đầu đám rước là một thanh niên trẻ với xác con chó xiên trên cây giáo gỗ và gầm lên: “Shafiq Adas lên đầu đài!”. Nhà của người Do Thái bị ném đá tơi tả. Cuối cùng, người tù bước ra cùng với 2 viên cai ngục. Tòa án binh tuyên bố bản án tử sẽ được thi hành trước tư dinh Adas. Tờ Herut (tiếng Do Thái) đưa tin rằng bà Aliza Adas đã ghé phòng giam chồng mình chỉ vài giờ trước đó. Tờ Herut viết tường thuật: “Gia đình Adas khóc ngất. Shafiq cố kiềm chế bản thân, hôn mọi người và yêu cầu người ở lại phải tôn trọng mẹ mình vì ông đã sao nhãng mẹ ruột”.
Shafiq viết di chúc và chỉ định em trai mình trở thành người giám hộ các con ông. Trước bình minh, trưởng giáo sĩ ở Basra đã ghé thăm Shafiq, người đã đọc một chương trong Thi Thiên (Thánh ca). Trong đồng phục tử tù, Shafiq băng qua quảng trường vào lúc 4 giờ 30 phút sáng, tiến đến cái bục dựng cho giá treo cổ. Đi bên cạnh là trưởng giáo sĩ Basra. Quảng trường chật kín 15.000 người. Suốt thời gian, Shafiq không thốt lời nào. Khi các cai ngục yêu cầu nói lời cuối, Shafiq đề nghị một cốc nước. Lãnh sự quán Anh mô tả đám đông theo dõi vụ việc trong im lặng, đại sứ Anh ở Baghdad viết: “Tôi hơi ngạc nhiên về hành vi lạ thường đó”. Các nhà ngoại giao Anh ở Basra theo dõi vụ việc từng phút một và yêu cầu cảnh sát địa phương bảo vệ khu nhà ngoại giao đoàn. Một thiết giáp hạm Anh được chuyển đến gần thành phố Basra đề phòng sự cố.
Tờ Herut giật tít: “Ngày treo cổ là ngày hắc ám nhất trong lịch sử người Do Thái Iraq”. Shafiq bị ép tới bục treo cổ và hỏi có muốn nói lời cuối không, tử tù đáp không. Đột nhiên, Shafiq ngã vật xuống có thể là do sợ hãi hoặc do gió nóng buổi sáng. Những người lính xốc tử tù lên và choàng thòng lọng vào cổ ông. Đáng lý phải được che mặt bằng một chiếc bao đen thì khuôn mặt Shafiq lòi ra ngoài. Lần đầu tiên khi cánh cửa bẫy sập bên dưới mở ra, tử tù cố bám lấy sự sống. Bản án tử dành cho Shafiq “không chỉ treo cổ mà là treo đến khi y lìa đời”. Chiếu theo ý đó, tay đao phủ lại hành quyết lần nữa, và chỉ lần này Shafiq mới trút hơi thở cuối cùng. Xác Shafiq bị treo lủng lẳng suốt hơn 2 giờ cho đến khi có người đi ngang qua xác nhận tử tù đã chết hẳn. Lãnh sự Anh đánh điện: “Có một bầu không khí hài lòng trong buổi sáng”.