Đổ nợ vì tin vào “mác” cán bộ, nhân viên ngân hàng
Thời gian gần đây, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế liên tiếp bắt giữ nhiều đối tượng là cán bộ của một số ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Các đối tượng lừa đảo đang bị tạm giam, còn các bị hại cho vay mượn tiền thì bỗng dưng trở thành “con nợ”.
“Ôm nợ” vì vay tiền cho cán bộ ngân hàng mượn
Cuối năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Võ Chí Thành (sinh năm 1992, trú phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Là cán bộ tín dụng tại một ngân hàng đóng trên trên địa bàn tỉnh nên Võ Chí Thành có nhiều mối quan hệ quen biết, trong đó, có một khách hàng (xin giấu tên, trú tại phường Xuân Phú, TP Huế) thường xuyên gửi tiết kiệm tại ngân hàng Thành đang làm việc. Thành đã nhiều lần mượn tiền của khách hàng này để làm thủ tục đáo hạn ngân hàng cho khách. Đồng thời, Thành còn rủ khách hàng này cùng góp tiền mua bất động sản.
Do mối quan hệ thân quen nhiều năm, khi nghe Thành đặt vấn đề mượn tiền làm đáo hạn ngân hàng cho khách thì khách hàng này đã tin tưởng và nhiều lần chuyển tiền cho Thành mượn. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Thành không làm thủ tục đáo hạn cho khách mà dùng toàn bộ số tiền đó để trả nợ cá nhân.
Được biết, khách hàng này đã 3 lần chuyển cho Thành mượn với tổng số tiền 8,3 tỷ đồng. Để có số tiền 8,3 tỷ đồng cho Thành mượn, khách hàng này đã phải giấu người thân vay mượn của người quen, bạn bè số tiền hơn 5 tỷ đồng. Lúc cho mượn, Thành nói với khách hàng này chỉ mượn khoảng 1 tuần để làm dịch vụ đáo hạn, đến khi ngân hàng giải ngân, sẽ gửi lại nhưng không ngờ Thành đã chiếm đoạt.
Không chỉ có khách hàng ở phường Xuân Phú nói trên sập bẫy lừa của Võ Chí Thành, mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT xác định, với thủ đoạn mượn tiền làm đáo hạn ngân hàng và góp vốn mua bán bất động sản, Thành còn lừa đảo của nhiều người khác với tổng số tiền đối tượng chiếm đoạt của các bị hại là hơn 25 tỷ đồng.
“Khi nghe Thành nói cần mượn 2 tỷ đồng để làm đáo hạn, chỉ vài ngày trả lại, dù lúc này, tôi chỉ có 500 triệu đồng nhưng vẫn mượn thêm bà con cho đủ 2 tỷ đồng để đưa cho Thành. Sở dĩ tôi giúp Thành là vì biết Thành làm ở ngân hàng uy tín nên tin tưởng. Giờ đây, Thành bị bắt, tôi không biết lấy tiền ở đâu để trả cho những người bà con. Thật sự tôi rất mệt mỏi, hoang mang khi tự dưng trở thành con nợ”, một khách hàng chia sẻ.
Thế chấp nhà, đất, vay tiền cho kẻ lừa đảo mượn
Cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế vừa quyết định khởi tố, bắt giam một nhân viên ngân hàng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền 5 tỷ đồng. Ngày 4/10, theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, cơ quan này vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Đình Quốc (SN 1990, trú TP Huế) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175, Bộ luật Hình sự. Theo hồ sơ vụ án, từ hoạt động kinh doanh bất động sản và làm thủ tục vay vốn tại một chi nhánh ngân hàng ở Huế, anh N.S.Đ (trú tại phường An Cựu, TP Huế) có mối quan hệ thân thiết với Ngô Đình Quốc - cán bộ tín dụng chi nhánh ngân hàng này.
Trong quá trình quen biết, khi có giao dịch về buôn bán bất động sản, anh Đ thường dẫn Quốc đi cùng để nhờ Quốc đứng tên chủ sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm thuận tiện cho việc giao dịch và mua bán. Sau khi giao dịch thành công, anh Đ thường cho tiền Quốc. Đồng thời, thấy Quốc cư xử đàng hoàng, lễ phép nên anh tin tưởng và xem Quốc như con cái trong gia đình.
Cuối tháng 9/2022, Quốc đặt vấn đề với anh Đ để hỏi vay số tiền 5 tỷ đồng. Anh Đ. trả lời không có tiền thì Quốc lấy lý do có bà chị tên là N.T.N.B hiện nay có nhà, xưởng may tại tỉnh Đồng Nai và đang thế chấp tại ngân hàng, đến thời kỳ trả nợ nhưng không có tiền trả. Vì vậy, Quốc đề nghị anh Đ thế chấp căn nhà của mình tại đường Đội Cung, phường Phú Hội, TP Huế rồi lấy số tiền 5 tỷ đồng cho Quốc mượn để trả tiền nợ giúp chị N.T.N.B. Theo lời của Quốc, khi có tiền, Quốc sẽ đem tiền vào Đồng Nai lấy sổ đỏ căn nhà ra, đồng thời sẽ phân lô xưởng may thành các thửa đất nhỏ để bán rồi trả lại cho anh Đ. Tin tưởng Quốc là người đàng hoàng, có uy tín nên anh Đ đồng ý thế chấp thửa đất để cho Quốc mượn số tiền trên.
Sau khi ký hợp đồng tín dụng thế chấp thửa đất tại một ngân hàng chi nhánh tại tỉnh Thừa Thiên Huế và công chứng hợp đồng, ngân hàng đã giải ngân số tiền 4,9 tỷ đồng cho anh Đ vào tài khoản của N.T.B.Đ (vợ của Ngô Đình Quốc). Khi nhận được tiền vào tài khoản, theo yêu cầu của Quốc, chị N.T.B.Đ đã chuyển số tiền khoảng 4 tỷ đồng vào tài khoản của Quốc. Anh Đ chuyển thêm số tiền 790 triệu đồng của mình vào tài khoản của Quốc cho Quốc mượn. Thế nhưng, sau khi nhận được tiền, Quốc đã không chuyển tiền cho chị N.T.N.B như lời hứa ban đầu với anh Đ mà sử dụng toàn bộ số tiền này để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Ngô Đình Quốc về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4, Điều 175, Bộ luật Hình sự. Hiện, vụ án đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Tương tự, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Nguyễn Thị Lê Na (SN 1979, trú phường Xuân Phú, TP Huế) sau khi Na lừa 7 tỷ đồng của 2 bị hại. Theo hồ sơ vụ án, do có mối quan hệ thường xuyên giao dịch và quản lý nợ của anh V.N.H.P và chị H.T.H.P, Nguyễn Thị Lê Na - nguyên là nhân viên giao dịch ngân hàng đã đưa ra thông tin gian dối với anh P, chị P để vay tiền, mục đích đáo hạn ngân hàng và trả lãi đúng thời hạn. Trong khoảng thời gian từ ngày 17/8/2022 đến ngày 10/2/2023, tin tưởng Na, anh P và chị P đã đưa cho Na vay 4 lần với tổng số tiền là 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, Na lấy số tiền này để trả nợ cho người khác và sử dụng vào mục đích cá nhân.
Quá trình điều tra, Cơ quan công an xác định, vào khoảng đầu tháng 2/2023, anh V.N.H.P có nhu cầu vay thêm tiền nên đặt vấn đề với Na nâng hạng mục gói vay đang thế chấp nhà đất từ 3 tỷ đồng lên thành 5 tỷ đồng, Na đã đồng ý thẩm định, giải ngân và cho anh P vay thêm số tiền 1,8 tỷ đồng. Trong thời gian này, Na nợ chị N.T.T (trú tại phường Phước Vĩnh, TP Huế) số tiền hơn 2 tỷ đồng nên đề nghị anh P cho vay số tiền 1,8 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng, thời hạn vay từ 4 ngày đến 10 ngày, lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày và trả cả vốn, lãi của khoản vay 1 tỷ đồng đã vay trước đó nên anh P đồng ý.
Sau khi vay được số tiền này, Na đã chuyển khoản để trả nợ cho chị N.T.T. Đến ngày hẹn, Nguyễn Thị Lê Na đã không chịu trả lại tiền cho anh P và sau đó hẹn lần hẹn lỡ cho đến khi công bố không còn khả năng chi trả. Trước sức ép của nợ nần, Na phải thôi việc tại ngân hàng... Cơ quan công an đã khởi tố Nguyễn Thị Lê Na về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự.
Theo Cơ quan công an, hiện nay phương thức phạm tội của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn vay đáo nợ ngân hàng rất tinh vi. Theo cảnh báo, một số chiêu thức, thủ đoạn được các đối tượng tung ra và đã có không ít trường hợp bị “sập bẫy”. Trong đó, một số đối tượng thường khoe khoang có người thân làm ở ngân hàng hay quen biết nhiều người cần vay đáo hạn ngân hàng và đã thuyết phục những người khác đưa tiền cho mình để cho những người cần đáo hạn ngân hàng vay mượn. Với lời hứa, sau khi đáo hạn ngân hàng xong, người trung gian sẽ trả cả gốc lẫn lãi cao cho người đưa tiền cho họ. Thường những lần đầu phối hợp sẽ rất thuận buồm xuôi gió, người bỏ tiền cho mượn sẽ được người trung gian trả lại cả tiền gốc lẫn lãi rất nhanh và hậu hĩnh. Nhưng, khi đã lấy được niềm tin của người cho vay mượn tiền, đối tượng trung gian sẽ thực hiện hành vi chiếm đoạt trong những lần vay mượn tiền tiếp theo.
Ngoài ra, một số đối tượng đang làm việc trong ngân hàng hay chuyên làm công việc đáo hạn ngân hàng sẽ rủ rê những người thân quen hay người có tiền nhàn rỗi cùng chung vốn hoặc đưa tiền cho họ vay để làm đáo hạn ngân hàng. Những lần đầu được chia sòng phẳng, song khi có số lượng tiền lớn, nguy cơ các đối tượng sẽ tìm cách chiếm đoạt.
Vì vậy, để khỏi “sập bẫy” đối tượng xấu dẫn đến “tiền mất tật mang”, nếu có tiền nhàn rỗi, người dân hãy đầu tư vào các tổ chức tín dụng hợp pháp, trường hợp cho vay mượn, phải xem người vay có khả năng trả nợ hay không hoặc chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp...