Đòi nợ thuê “núp bóng” mua bán nợ

Thứ Sáu, 18/11/2022, 18:33

Mua bán nợ bằng hợp đồng mua bán không bị pháp luật ngăn cấm, các quyền và nghĩa vụ do hai bên tự thỏa thuận, nhưng không được để xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật khi đòi nợ. Thế nhưng trên thực tế hiện nay nhiều công ty lấy danh nghĩa mua bán nợ nhưng thực chất là đòi nợ thuê biến tướng với nhiều hình thức đòi nợ kiểu xã hội đen, gây bức xúc trong dư luận.

Thủ đoạn đòi nợ thuê tinh vi

Năm 2010, bà L.T.M có góp vốn vào Công ty TNHH Tin học công nghệ kỹ thuật số do anh Đỗ T.A làm Giám đốc với số tiền 2,5 tỷ đồng. Do làm ăn thua lỗ, bà M đã đòi tiền nhiều lần nhưng anh T.A không trả. Tìm hiểu trên mạng, bà M đã tìm đến Công ty cổ phần Mua bán nợ Hưng Thịnh, Hà Nội.

anh 1.jpg -0
Các đối tượng đòi nợ thuê của công ty mua bán nợ Hưng Thịnh

 Tống Văn Vịnh (SN 1974) trú tại xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, với danh nghĩa Phó Giám đốc công ty, đã ký hợp đồng với bà M. Theo đó, bà M bán khoản tiền 2,5 tỷ đồng góp vốn vào công ty của anh T.A để Công ty Hưng Thịnh đi thu hồi nợ. Song trên thực tế, việc bán khoản nợ này chỉ là trên giấy, không có tiền thực, giữa hai bên tự thỏa thuận ăn chia theo tỉ lệ 50- 50 nếu đòi được tiền.

Sau khi ký hợp đồng với bà M, Tống Văn Vịnh đã chỉ đạo và trực tiếp cùng các đối tượng trong các ngày 15, 17, 22/10 liên tiếp đến nhà anh T.A để đe dọa, chửi bới anh và gia đình, gây sức ép để đòi số tiền 2,5 tỷ đồng. Vịnh đọc và yêu cầu anh T.A phải viết giấy nợ 1,5 tỷ đồng, hẹn phải trả trước 200 triệu đồng vào ngày 29/10. Mỗi tháng tiếp theo phải trả 100 triệu đồng cho đến hết số tiền 1,5 tỷ.

Ngày 29/10, các đối tượng kéo đến nhà anh T.A để đòi tiền. Anh T.A chưa có tiền trả nên buộc phải hẹn sang ngày 31/10. Đúng hẹn, Vịnh cùng 2 đối tượng là Nguyễn Văn Tuân (SN 1987) trú tại xã Nga Văn, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa và Phạm Văn Dũng (SN 1983) trú tại xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa đến nhà anh T.A yêu cầu phải nộp số tiền 200 triệu đồng, nhưng anh T.A trình bày vẫn chưa chuẩn bị đủ tiền.

Thấy vậy, Vịnh gọi điện đe dọa anh T.A nếu không về trả nợ sẽ cho cả công ty đến nhà, đồng thời gọi về công ty để tăng cường thêm 3 đối tượng là Mai Đại Hoàn (SN 1997) trú tại xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, Thanh  Hóa; Mai Thanh An (SN 1983) trú tại xã Nga Yên, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa; Tống Văn Quyền (SN 1987) trú tại xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, xuống gây sức ép buộc anh T.A phải trả số tiền như đã viết trong giấy hẹn. Khi Vịnh viết phiếu thu tiền và nhận số tiền 50 triệu đồng từ anh T.A thì bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố bắt giữ.

Đòi nợ thuê  “núp bóng” mua bán nợ -0
Tang vật thu giữ được của công ty mua bán nợ Hưng Thịnh

Để hoạt động đòi nợ thuê dưới dạng mua bán nợ, nhóm của Vịnh đã có những thủ đoạn rất tinh vi, bài bản. Đầu tiên Vịnh thành lập công ty mua bán nợ, mua tên miền trang web, lập trang facebook để quảng cáo hoạt động, mua lại các khoản nợ “xấu”, nợ khó đòi. Công ty có mô hình tổ chức, phân công các đội, tổ hoạt động với các quy định “ngầm”. Sau khi ký kết hợp đồng mua bán nợ, công ty cho nhân viên đi gửi thông báo cho con nợ, gửi thông báo cho Công an cơ sở về thời gian đến làm việc.

Các đối tượng mặc đồng phục, đeo thẻ nhân viên công ty, đi ô tô có dán chữ “Công ty mua bán nợ” đến đỗ tại nhà con nợ để thị uy, đồng thời đi đông người gây sức ép, chửi bới, đe dọa. Nếu chây ì không trả, bọn chúng sẵn sàng “ăn nằm” tại nhà, tại công ty, gây xáo trộn cuộc sống gia đình, gây ảnh hưởng đến hoạt động cơ quan tổ chức nơi con nợ làm việc, làm mất uy tín, danh dự, buộc con nợ phải viết cam kết trả tiền theo kế hoạch, lộ trình mà chúng đưa ra. Đến khi bị bắt, nhóm của Vịnh còn thực hiện nhiều vụ đòi nợ thuê tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Cẩn trọng với dịch vụ mua bán nợ

Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) đã đưa ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Thế nhưng thời gian qua những hành vi đòi nợ thuê kiểu bất chấp pháp luật vẫn ngang nhiên diễn ra mà các đối tượng xã hội đen đã khôn khéo đổi tên thành dịch vụ “mua bán nợ” và hoạt động công khai trên các hội nhóm mạng xã hội.

Trên thực tế, có cung ắt có cầu. Nhiều người vay nợ chây ì không chịu trả, trong khi đó, việc đòi nợ hợp pháp bằng con đường khởi kiện tại tòa án lại kéo dài thời gian, mất thêm công sức, tiền của nhưng đến khi thắng kiện thì chưa chắc lấy lại được tiền vì người nợ không có tài sản để thi hành án khiến nhiều người tìm đến dịch vụ mua bán nợ và đòi nợ thuê.

Đòi nợ thuê  “núp bóng” mua bán nợ -0
Các đối tượng đe dọa nạn nhân để đòi tiền

Để quảng bá hình ảnh công ty, thu hút khách hàng, các công ty mua bán nợ quảng bá rầm rộ trên các website, thành lập các hội nhóm trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ cụm từ “mua bán nợ” trên mạng xã hội, sẽ cho ra một loạt những hội nhóm kín, mở chủ yếu do các công ty mua bán nợ lập ra để thu hút khách hàng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết những khách hàng vào hội nhóm mua bán nợ không phải là để bán nợ mà nhờ các công ty đòi nợ thuê với giá thoả thuận. Trong các hội nhóm này, không khó để tìm thấy những người có nhu cầu thu nợ kiểu như: “Tôi có khoản nợ 1 tỷ, con nợ là chủ công ty xây dựng. Vợ là giáo viên cấp 3 trường công lập. Nhà 4 tầng mặt phố, có giấy nhận nợ và ảnh chụp cùng giấy. Địa chỉ: Phủ Lý - Hà Nam. Nhờ anh em giúp đỡ: Phí sau 50/50. P/S: nick face của tôi bị khóa bình luận, mọi người bình luận để ý tin nhắn chờ giúp tôi”…

Sau một loạt những thông báo bán nợ của khách hàng là các công ty mua bán nợ vào comment quảng bá cho dịch vụ của mình nhưng thông tin và giá cả thì đều “inbox”.

Trong vai một người đi bán nợ, phóng viên liên hệ với một công ty mua bán nợ ở Hà Nội thì nhân viên tư vấn cho biết, công ty sẽ mua nợ 75% giá trị của số nợ. Công ty sẽ tiếp nhận mọi giấy tờ liên quan đến khoản nợ sau đó tiến hành xem xét về tính pháp lý, nếu đầy đủ về tính pháp lý thì sẽ cho người đi thẩm định. Nếu thẩm định thấy khách có khả năng trả nợ thì công ty tiến hành ký kết hợp đồng mua bán nợ và tiến hành đi đòi nợ. Sau khi ký kết hợp đồng xong thì công ty sẽ gửi thông báo cho khách nợ trong vòng từ 10-15 ngày, nếu không phối hợp sẽ có biện pháp cụ thể và mạnh tay hơn. Đồng thời không quên khẳng định: “Công ty chúng tôi sẽ đảm bảo làm đúng theo quy định của pháp luật”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các công ty quảng cáo mua bán nợ trên các hội nhóm đều khẳng định uy tín, thương hiệu sau nhiều năm hoạt động, với dịch vụ mua bán nợ được thực hiện ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Nhiều công ty còn ghi rõ khẩu hiệu trên trang web của công ty “Nợ là phải trả”. Ngoài việc mua lại bằng 75% giá trị số nợ, thì chi phí đi lại sẽ do người bán nợ chịu toàn bộ. Chưa kể phí “thẩm định” hồ sơ con nợ. Nếu các tỉnh thành ở xa công ty thì phí dịch vụ sẽ đắt hơn. Người bán nợ sẽ phải chịu chi phí đi lại của bên mua nợ.

Đòi nợ thuê  “núp bóng” mua bán nợ -0
Rất nhiều người tìm đến các hội nhóm để nhờ đòi nợ thuê

Nhiều công ty còn đăng tải hình ảnh đội ngũ nhân viên cực “chất”, cực “ngầu” của mình như mặc đồng phục đen, xăm kín người, đầu cạo trọc, đến tận nhà con nợ đòi nợ hoặc trực sẵn tại cửa nhà con nợ gây áp lực để thể hiện sự “uy tín”, hiệu quả hoạt động của công ty.

Quyền đòi nợ là quyền tài sản theo quy định ở Điều 105 Bộ luật Dân sự. Chính vì được coi là một loại tài sản, nên quyền đòi nợ được phép tham gia vào các giao dịch dân sự, trong đó có việc các chủ thể có quyền được thực hiện mua bán nợ với nhau. Xét về bản chất, việc mua bán nợ nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của chủ nợ nhưng trên thực tế, pháp luật vẫn còn một số kẽ hở, nên mới có nhiều biến tướng đòi nợ thuê từ mua bán nợ.

Để hạn chế vấn nạn đòi nợ thuê cùng nhiều hậu quả đi kèm, đòi hỏi pháp luật phải có thêm những quy định chặt chẽ liên quan đến nhiều lĩnh vực chứ không đơn thuần là tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự của lực lượng Công an.

Mai Ngọc
.
.