Động vật hoang dã và mối nguy hiểm từ thị trường ngầm

Thứ Tư, 30/04/2025, 10:17

Mua bán động vật hoang dã qua mạng xã hội đang trở thành một vấn nạn nguy hiểm, đặc biệt trên các nền tảng như Facebook và Zalo. Những loài động vật quý hiếm bị săn bắt và giao dịch công khai trong các nhóm kín với mức giá hấp dẫn. Việc này không chỉ đe dọa sự tồn vong của các loài mà còn gây hại cho hệ sinh thái. Cần có sự chung tay mạnh mẽ từ cộng đồng và cơ quan chức năng để ngừng lại thị trường ngầm này và bảo vệ thiên nhiên.

Mua bán động vật hoang dã - thị trường ngầm trên mạng xã hội

Trong những năm gần đây, việc mua bán động vật hoang dã trên mạng xã hội đã trở thành một hiện tượng đáng lo ngại, đặc biệt là trong các nhóm kín trên Facebook, Zalo và các nền tảng nhắn tin khác. Đây là một "nghề" không chính thức nhưng rất phổ biến, với sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau, từ những người săn bắt động vật hoang dã đến những người tiêu thụ những sản phẩm này. Các giao dịch mua bán động vật hoang dã diễn ra một cách kín đáo, không dễ dàng bị phát hiện bởi cơ quan chức năng, và điều này càng làm cho thị trường này trở nên phức tạp và khó kiểm soát.

v1.jpg -0
Một con hoẵng được rao bán công khai trên mạng xã hội.

Những loài động vật bị buôn bán chủ yếu là các loài quý hiếm, như các loài thú hoang dã, rùa, chim quý hiếm và thậm chí là các sinh vật biển. Giá trị của những động vật này có thể dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, tùy vào loài và độ hiếm của chúng. Các thông tin giao dịch thường được trao đổi qua tin nhắn riêng tư, kèm theo những hình ảnh rõ nét và các lời mời chào hấp dẫn, khéo léo nhằm thu hút người mua.

Một đặc điểm đáng chú ý là các đối tượng buôn bán động vật hoang dã thường xuyên sử dụng các hội nhóm kín trên Facebook, Zalo và những nền tảng nhắn tin khác để quảng bá và giao dịch. Những hội nhóm này có thể có số lượng thành viên lên đến hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn người. Các nhóm như “Hội yêu thích động vật hoang dã”, “Hội bảo tồn động vật hoang dã”, hay “Hội mê săn bắn động vật hoang dã” là nơi giao lưu, trao đổi thông tin và là trung tâm hoạt động của các giao dịch này. Mặc dù tên của các nhóm nghe có vẻ lành mạnh, nhưng thực tế đây lại là những nơi diễn ra các hoạt động mua bán trái phép.

Để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này, phóng viên đã tham gia vào một nhóm có tên "Hội mua bán các loại thú rừng giá gốc". Mặc dù số lượng thành viên chỉ có 1,7 nghìn người, nhưng hoạt động trong nhóm lại rất mạnh mẽ và sôi nổi. Các bài đăng rao bán động vật hoang dã, đặc biệt là thịt thú rừng, xuất hiện thường xuyên. Một tài khoản có tên Hùng Thiên đã đăng tải một video về 6 con mèo rừng nhỏ, kèm theo lời chào mời đầy hấp dẫn: "Ai yêu các em này không?".

Khi chúng tôi nhắn tin hỏi giá, người này liền trả lời: "Đây là đàn mèo rừng, với 6 con con. Mới đây em có đi săn và bắt được, nếu chị thấy yêu các bé em sẽ để lại cho giá hữu nghị là 3 triệu một em". Đặc biệt, người này còn cam kết sẽ giao hàng tận nơi, dù cho khách hàng ở bất kỳ đâu.

Thêm một ví dụ điển hình từ thị trường động vật hoang dã ngầm này là việc buôn bán chồn hương - một loài động vật hoang dã quý hiếm. Trong một nhóm kín khác có tên “Thị trường thú rừng”, một tài khoản có tên là “Hải Vũ” đăng tải hình ảnh những con chồn hương đang được nuôi nhốt trong lồng, kèm theo lời mời chào hấp dẫn: “Chồn hương nhà mình đang có, ai có nhu cầu mua để nuôi hay làm quà biếu thì liên hệ ngay, giá 5 triệu một con”.

Khi phóng viên nhắn tin hỏi về các thông tin chi tiết, người này liền trả lời: “Chồn hương là loài quý, nếu chị yêu thì em có thể gửi tận nơi, mình làm giấy tờ đầy đủ, chỉ cần thanh toán trước để đảm bảo. Nếu chị ở xa thì em sẽ gửi xe khách như bình thường, chị yên tâm không lo về vận chuyển”. Điều này cho thấy mức độ tinh vi và khó kiểm soát của thị trường động vật hoang dã qua mạng xã hội, nơi mà những đối tượng buôn bán này dễ dàng tìm thấy người mua và thực hiện giao dịch trái phép.

Ngoài các loài thú rừng, các đối tượng còn bán thịt động vật hoang dã. Một tài khoản ẩn danh trong nhóm đã đăng tải hình ảnh một con mang (hoẵng) và đề nghị: "Ai có nhu cầu ăn thì nhắn cho em nhé, hàng em vừa bẫy được hoang dã. Giá cực yêu thương". Khi phóng viên gọi điện để hỏi giá, người này liền cho biết: “Nếu chị ưng thì em cân cả con lên em bán 500 nghìn/1kg. Chị ở xa em thịt sẵn, làm sạch sẽ rồi bảo quản ướp lạnh, sau đó em gửi xe khách đến bến xe gần nhất”.

Mặc dù biết rằng đây là động vật hoang dã, và việc mua bán chúng là vi phạm pháp luật, nhưng người này vẫn khẳng định: “Đúng là cấm mua bán thật nhưng ship có một con thế này mà lại gửi xe khách theo kiểu thùng hàng thì ai người ta biết. Em vẫn bán thế suốt ấy mà, nếu như bị bắt em bắn trả chị tiền cọc”.

Một tài khoản trên nhóm “Hội mua bán các thịt thú rừng giá gốc” đã đăng tải hình ảnh một chiếc tay gấu lớn, được chế tác khéo léo và bảo quản kỹ càng. Kèm theo đó là lời mời chào hấp dẫn: "Ai cần tay gấu chuẩn, không sợ hàng giả, giá 3 triệu/1 chiếc. Chuyên cung cấp các vật phẩm quý, liên hệ trực tiếp". Đây là một ví dụ điển hình về cách mà các đối tượng buôn bán động vật hoang dã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để bán các sản phẩm trái phép. Khi phóng viên liên hệ với người bán, họ tự tin khẳng định: "Hàng chuẩn, đã qua xử lý, chỉ cần thanh toán trước là tôi gửi hàng ngay".

Tình trạng mua bán vảy tê tê cũng diễn ra một cách không kém phần tinh vi. Một tài khoản khác đăng tải lời mời chào đầy lôi cuốn: “Vảy tê tê bán rất chạy, ai có nhu cầu thì liên hệ ngay, giá chỉ từ 500 nghìn đến 1 triệu một kg”. Tê tê là một trong những loài bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng, có vảy được cho là có nhiều công dụng trong y học cổ truyền và là một món đồ quý hiếm trên thị trường chợ đen. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vảy tê tê không chỉ làm giảm số lượng loài động vật này mà còn gây mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, bởi tê tê là loài ăn côn trùng, giúp điều chỉnh quần thể sâu bọ và kiểm soát dịch bệnh.

v3.jpg -1
Những vật phẩm từ động vật hoang dã được nhiều người ưa chuộng.

Có thể thấy, hệ thống thanh toán trực tuyến cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao dịch này. Người tiêu dùng có thể thanh toán qua các ứng dụng chuyển tiền nhanh chóng và dễ dàng mà không cần phải gặp mặt trực tiếp. Việc này càng làm cho những giao dịch mua bán trái phép trở nên đơn giản và khó bị phát hiện. Một số người bán còn cam kết giao hàng tận nơi, dù người mua ở bất kỳ đâu, làm giảm bớt lo ngại về việc vận chuyển các sản phẩm vi phạm pháp luật.

Thực trạng này không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho các loài động vật hoang dã mà còn góp phần vào việc làm suy yếu các nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã và duy trì đa dạng sinh học của thế giới tự nhiên. Các cơ quan chức năng và cộng đồng cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn thị trường ngầm này, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc tiêu thụ động vật hoang dã và các vật phẩm chế tác từ chúng.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển nhanh chóng, vấn nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép đã chuyển hướng mạnh mẽ sang không gian mạng, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội. Sự chuyển dịch này không chỉ làm gia tăng tần suất vi phạm mà còn tạo ra những thách thức mới cho công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học. Mặc dù các cơ quan chức năng và tổ chức bảo vệ động vật hoang dã đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng thực tế cho thấy hoạt động buôn bán trái phép vẫn diễn ra mạnh mẽ, với quy mô lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó kiểm soát trong môi trường mạng.

v4.jpg -2
Hai con chồn hương vừa dính bẫy được rao bán với giá 2 triệu đồng/con.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, cho biết, trong nhiều năm qua, tỷ lệ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã trên Internet đã không ngừng gia tăng. Cụ thể, năm 2025, các vi phạm này chỉ chiếm khoảng 21% trong tổng số vụ việc ghi nhận, nhưng trong những năm gần đây, tỷ lệ này đã vượt 50%. Trung bình mỗi ngày, đường dây nóng 1800-1522 của Trung tâm tiếp nhận khoảng 8,5 vụ việc, phần lớn trong số đó là các hành vi rao bán, quảng cáo hoặc nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép thông qua các nền tảng như Facebook, Zalo và các nền tảng trực tuyến khác.

“Việc cộng đồng tích cực thông báo các vi phạm là tín hiệu đáng mừng, phản ánh sự nâng cao nhận thức trong bảo vệ động vật hoang dã. Tuy nhiên, để chấm dứt nạn buôn bán và khai thác trái phép, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ hơn từ toàn xã hội,” bà Dung nhấn mạnh.

Theo thống kê từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, trong năm 2024, đã có 1.914 vụ việc liên quan đến động vật hoang dã được cộng đồng báo cáo, trong đó có nhiều vụ vi phạm xảy ra trên không gian mạng. Các loài động vật thường xuyên bị buôn bán, quảng cáo trái phép gồm khỉ, rùa, chim hoang dã, cùng với các sản phẩm từ động vật như ngà voi, sừng tê giác, nanh hổ… Các hành vi vi phạm này không chỉ diễn ra công khai trên các trang cá nhân và hội nhóm kín, mà còn xâm nhập vào một số nền tảng thương mại điện tử.

Trong năm 2024, có 180 vụ án hình sự liên quan đến động vật hoang dã được khởi tố, trong đó 166 vụ (chiếm 92,2%) đã bắt giữ thành công các đối tượng vi phạm. Mức án tù trung bình là 3,5 năm, gần gấp ba lần so với giai đoạn trước khi Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực. So với giai đoạn 2014-2017, khi mức án tù trung bình chỉ là 1,3 năm, con số hiện tại phản ánh một xu hướng tăng rõ rệt.

Các hình phạt nghiêm khắc không chỉ mang tính răn đe mà còn thể hiện quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc chấm dứt triệt để hành vi buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép. Một số hành vi nghiêm trọng liên quan đến các loài động vật nguy cấp, quý hiếm có thể bị phạt tù lên đến 15 năm, và mức án cao nhất hiện tại là 14 năm tù.

Một vụ việc điển hình là vào ngày 18/7, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã tuyên phạt đối tượng Hoàng Văn Hảo (sinh năm 1986, trú tại thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Hoàng Văn Hảo bị bắt giữ khi cầm đầu đường dây nhập lậu hơn 615 kg ngà voi từ châu Phi về Việt Nam, ngụy trang dưới dạng sừng bò châu Phi và vận chuyển qua đường biển để che giấu hành vi phạm tội. Đây được xem là bản án nghiêm khắc, thể hiện quyết tâm của lực lượng chức năng trong việc đấu tranh với tội phạm liên quan đến động vật hoang dã.

 Một vụ việc vào ngày 29/10/2024, Công an tỉnh Lai Châu thông báo đã bắt giữ Bùi Văn Cường (SN 1982, quê Vĩnh Phúc) vì hành vi mua bán và vận chuyển trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm.  Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 5 vừa qua, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Lai Châu phát hiện một nhóm đối tượng tham gia mua bán và vận chuyển động vật quý hiếm từ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đến các tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội.

Ngày 18/5, cảnh sát đã bắt giữ Nguyễn Văn Toàn (SN 1986, trú tại Lai Châu) về hành vi vận chuyển trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm. Tang vật thu giữ tại chỗ gồm 2 con gấu ngựa và 7 cá thể rùa đầu to. Tại cơ quan điều tra, Toàn khai nhận số động vật trên là của Lê Thị Hường (SN 1976, ở Lai Châu), và Hường đã nhờ Toàn vận chuyển số hàng này về Hà Nội để bán cho khách.

Cùng ngày, cảnh sát tiến hành khám xét nơi ở của Lê Thị Hường, thu giữ nhiều động vật rừng cùng các đồ vật, tài liệu liên quan. Công an tỉnh Lai Châu xác định Hường là kẻ chủ mưu cầm đầu đường dây buôn bán động vật quý hiếm, còn Bùi Văn Cường là một mắt xích quan trọng trong việc giúp Hường thực hiện hành vi mua bán này.

Ngày 22/10, cảnh sát đã khởi tố và bắt tạm giam Lê Thị Hường và Bùi Văn Cường, nhưng Hường hiện đang trốn tránh sự truy bắt. Công an tỉnh Lai Châu đang tiếp tục truy tìm Lê Thị Hường. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đang làm rõ hành vi của một số đồng phạm trong vụ án, những người đã lợi dụng quyền tự do dân chủ để đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội nhằm vu khống, bôi nhọ các cơ quan chức năng.

Bảo Phương
.
.