Đức vất vả với nạn gây nổ cướp ATM
Cảnh sát Đức vẫn chưa thể đối phó với làn sóng cướp tiền tại cây ATM đang càn quét khắp cả nước. Bọn cướp từ Hà Lan lợi dụng việc yêu thích tiền mặt của nước láng giềng và sự yếu kém về luật pháp và ngân hàng Đức để gây ra các vụ cướp tiền bằng chất nổ tại các cây ATM. Cảnh sát cho biết “Các vụ cướp ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp hơn”.
Các vụ nổ trong đêm
Vào đêm ngày 6/5/2023 một vụ nổ lớn đã xảy ra tại ngân hàng Bad Homburg tại Hesse. Cửa sổ của những ngôi nhà xung quanh rung lên, các mảnh thủy tinh vỡ rải rác trong bán kính khoảng 50m. Vào buổi sáng hai kẻ tấn công đã cài chất nổ vào cây ATM rồi bình tĩnh rời đi với 165.000 euro. Chúng lên chiếc ôtô đang chờ sẵn và biến mất trong đêm. Bọn cướp chỉ mất vài phút để làm mọi việc và điều này xảy ra hầu như mỗi đêm tại Đức, bởi ban ngày có thể gây nguy hiểm cho người qua đường cũng như nguy cơ bị bắt cao hơn.
Tội phạm có tổ chức tại châu Âu hiện nay không còn thường xuyên cướp ngân hàng vì so với độ rủi ro cao thì lợi nhuận không đáng là bao. Việc cho nổ tung một vài máy ATM chứa đầy tiền mệnh giá cao sẽ dễ dàng hơn, nhanh hơn và có lợi hơn nhiều với số tiền cướp được trung bình sau mỗi vụ vào năm ngoái trên 100.000 euro. Tính đến hiện nay, tại Đức “những kẻ đánh bom” đã đánh cắp 30 triệu euro vào năm 2022, nhiều hơn 53% so với năm 2021.
Mới đây, một vụ cướp khác xảy ra tại Frankfurt vào 2h30 sáng. Chỉ chưa đầy 2 phút cho mỗi vụ nổ, 5 kẻ tấn công đã nhanh chóng đặt chất nổ và làm nổ tung 4 máy ATM tại điểm rút tiền. Chúng lấy tiền ra khỏi đống đổ nát và phóng đi trên chiếc Audi S6 với số tiền khá lớn…
Sự phổ biến của các vụ nổ ATM đang gia tăng trên toàn thế giới, nhưng số lượng này ở Đức rất ấn tượng. Nguyên nhân là cho đến năm 2015, chính quyền Hà Lan đã cho giảm số cây ATM từ 20.000 xuống còn 5.000 máy và việc bảo vệ chúng được tăng cường. Những kẻ phá hoại máy ATM đã chuyển mục tiêu của chúng sang nước láng giềng Đức, nơi có số dân, mức độ phổ biến tiền mặt và số lượng cây ATM nhiều hơn đáng kể so với Hà Lan. Hầu hết những kẻ đột kích ATM ở Đức, ít nhất là những tên bị bắt, đều đến từ Hà Lan, nơi chúng được gọi là "những kẻ bẻ khóa" với số lượng lên tới hàng nghìn tên.
Cần lưu ý rằng “nghề đánh bom” ATM khá nguy hiểm vì phải đối mặt với chất nổ và thiết bị nổ, thỉnh thoảng có tình trạng phát nổ vào thời điểm không thích hợp nhất và ở nơi không thích hợp nhất. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng thường xuyên bị tai nạn nghiêm trọng và bị thương, thậm chí có khi tử vong. Hơn nữa, mối nguy hiểm không chỉ đe dọa trong vụ đánh bom máy ATM. Những tên cướp còn gặp rủi ro lớn khi chạy xe trốn khỏi hiện trường với tốc độ cao, có lúc tới 300 km/h. Timo Gottlich, người đứng đầu bộ phận chống cướp ATM của cảnh sát Hesse cho biết: “Đôi khi chúng tắt đèn pha hoặc phóng nhanh vào dòng xe cộ đang chạy tới”.
Bọn cướp thường mang theo can xăng trong cốp xe để không tốn thời gian bơm xăng. Để giảm nguy cơ tai nạn, cảnh sát Đức thường từ bỏ việc truy đuổi và để bọn cướp chạy thoát, và mạng lưới đường cao tốc dày đặc đã giúp cho chúng thoát thân. Cảnh sát ngại nổ súng vì có khả năng cao dính vào chất nổ hoặc xăng. Cảnh sát trưởng Achim Smithz ở Nort Rhine Westphalia thừa nhận: “Kể từ năm 2015 chúng tôi đã bắt giữ hơn 200 tên cướp nhưng các cuộc tấn công vào các máy ATM không hề giảm” và “Chúng hoạt động không chỉ chuyên nghiệp mà còn rất kỷ luật”.
Việc bắt những tên trộm đang hành động không dễ dàng. Chúng kết thành các băng đảng và hợp tác hiệu quả với nhau. Thậm chí chúng còn có những nhà phân tích riêng để xem xét từ những vụ thất bại và bị bắt giữ để tìm ra sai sót và cố gắng khắc phục.
Trong khi đó, sự phối hợp giữa cảnh sát với các ngân hàng và giữa các ngân hàng với nhau lại không hiệu quả. Các sở cảnh sát của tất cả 16 bang của CHLB Đức hoạt động độc lập với nhau. Mỗi bang có sở cảnh sát riêng và việc thiếu sự phối hợp, gắn kết hành động đã cản trở rất nhiều đến cuộc chiến chống bọn cướp. Ông Smithz cho biết: “Lúc đầu, vào năm 2015 chúng tôi nghĩ rằng toàn bộ hoạt động phá hoại này được điều hành bởi một nhóm lớn tội phạm có tổ chức và nếu bắt được những kẻ cầm đầu của nhóm thì sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn đề. Bây giờ chúng tôi biết rằng việc đối phó với chúng không hề dễ dàng”.
Sau khi hầu hết những kẻ cầm đầu bị bắt giữ với sự giúp đỡ của cảnh sát Hà Lan và Bỉ, thay vì hoạt động của những kẻ phá hoại ATM giảm đi thì số lượng của chúng vẫn không hề giảm. Vì lý do nào đó mà các cơ quan pháp luật vẫn chưa rõ, nguồn bổ sung cho các băng nhóm nhỏ có chuyên môn hóa vẫn chưa cạn kiệt.
Các biện pháp chống trộm
Hai năm trước, chính quyền Đức bắt đầu yêu cầu các ngân hàng khóa khu vực ATM vào ban đêm. Chính phủ hiện muốn cho phép cảnh sát sử dụng dữ liệu viễn thông. Các quan chức cũng kêu gọi các chủ ngân hàng chú ý hơn đến các biện pháp an ninh: giám sát video, giảm số tiền trong máy ATM, làm mờ khoang máy bằng hệ thống đặc biệt trong trường hợp bị cướp v.v…
Văn phòng công tố cũng tìm cách cảnh báo bọn tội phạm. Gần đây một số kẻ gây nổ bị giam giữ, ngoài tội trộm cắp nghiêm trọng, còn bị buộc tội giết người và sẽ phải nhận hình phạt nghiêm khắc hơn. Ví dụ, một tên cướp tại ATM đã bị kết án 9,5 năm tù vì 4 vụ cướp ATM bằng chất nổ.
Năm ngoái, Bộ Nội vụ Đức đã tổ chức một cuộc họp giữa đại diện cảnh sát liên bang và chính quyền tiểu bang với đại diện ngân hàng trung ương, khu vực tài chính và các công ty bảo hiểm để thảo luận về cách đối phó với các vụ đánh bom ATM. Kết quả bàn tròn là một loạt các khuyến nghị như: cài đặt các công nghệ bảo mật trên máy ATM, di chuyển máy từ những nơi bảo vệ kém đến gần trung tâm hơn v.v. Tuy nhiên, các biện pháp này không bắt buộc mà là tự nguyện, và điều này làm giảm hiệu quả.
Lĩnh vực tài chính đã chi hơn 300 triệu euro cho các biện pháp bảo vệ trong những năm gần đây, gồm: lắp đặt hệ thống báo động hiện đại, công nghệ bảo mật, khóa khu vực ATM vào ban đêm và đơn giản hơn là giảm lượng tiền mặt trong ATM để khiến chúng kém thu hút hơn đối với bọn tội phạm.
Tất nhiên, đã có những thành công nhưng các ngân hàng vẫn buộc phải “chơi trò đuổi bắt” với tội phạm chuyên nghiệp có tổ chức. Kết quả là bọn phá hoại ATM vẫn “đuổi kịp” ngân hàng. Chẳng hạn, các cây ATM được trang bị hệ thống tạo sương mù, khi bị cướp hệ thống này sẽ nhanh chóng khiến cả khoang bị khói dày đặc thì bọn cướp đã nhanh chóng tìm ra thuốc giải độc và mang theo máy thổi để phân tán khói. Hoặc, sau khi gia cố cấu trúc ATM để bảo vệ khỏi làn sóng gây nổ thì bọn cướp chuyển thuốc nổ thể khí sang thể rắn mạnh hơn. Tuy nhiên, theo Ủy ban Chứng thực cấp cao, tỷ lệ phá nổ ATM thành công gần đây đã giảm và hiện ở mức 60%. Một quan chức phàn nàn “Chúng tôi không biết bọn tội phạm sẽ nghĩ ra điều gì tiếp theo. Không thể thiết kế máy ATM an toàn 100% vì có những hạn chế, cả về vật chất và tài chính”.
Ngoài ra, đôi khi các biện pháp bảo vệ có những nhược điểm đáng kể. Chẳng hạn, việc áp dụng các công nghệ bảo vệ phổ biến như: phun sơn có chứa hóa chất hoặc dán keo vào tiền. Kết quả là lớp sơn và keo đã không thể rửa sạch và tiền không thể sử dụng được nữa. Ngân hàng trung ương Đức buộc phải bồi thường cho các ngân hàng và số tiền này cũng không ít: năm 2023, con số này là khoảng nửa triệu tờ tiền bị hệ thống an ninh làm bẩn từ các vụ cướp giả định.
Khi những kẻ phá hoại ATM cố gắng phá vỡ mọi biện pháp bảo vệ và thường là khá thành công thì các chủ ngân hàng thường muốn đóng cửa vĩnh viễn một số chi nhánh ATM hơn là chi số tiền lớn để bảo vệ chúng. Bởi ngoài chi phí trực tiếp còn chi phí gián tiếp. Chẳng hạn, việc tìm mặt bằng để lắp đặt máy ATM gần đây không còn dễ dàng do chủ nhà không muốn mạo hiểm cho ngân hàng thuê mặt bằng đặt máy ATM. Việc cho thuê nhà trong những tòa nhà khu dân cư, ở tầng trệt nơi thường có các ngân hàng khó hơn nhiều so với nơi không có ngân hàng. “Tất nhiên, việc đóng cửa ATM là biện pháp cuối cùng. Và không phải là biện pháp phổ biến nhất. Nhưng nếu có nguy cơ đe dọa đến tính mạng người dân thì không còn lựa chọn nào khác”.
Trong 9 năm qua, việc phá hoại máy ATM đã trở thành vấn đề nghiêm trọng ở Đức. Những thành công lớn nhất đạt được ở một số vùng mà bọn cướp hoạt động mạnh nhất đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Chính quyền ở các bang đó cho rằng thành công của họ là nhờ sự kết hợp của nhiều biện pháp: sử dụng công nghệ kỹ thuật số giúp theo dõi tội phạm gần như toàn thời gian, sự hợp tác chặt chẽ với cảnh sát Hà Lan và tích cực thuyết phục các ngân hàng thực hiện các đề xuất chung, phân loại máy ATM theo mức độ nguy hiểm v.v...
Tất nhiên, bọn tội phạm sẽ phản ứng với những sự thay đổi tình hình. Các biện pháp an ninh gia tăng buộc chúng phải di chuyển từ miền bắc xuống miền Nam nước Đức và thậm chí đến Áo và Thụy Sĩ. Ví dụ, vào mùa xuân và mùa hè năm nay đã xảy ra hàng loạt vụ gây nổ máy ATM ở thành phố Basel của Thụy Sĩ.
Biện pháp tuyên truyền giảm dùng tiền mặt: Về vấn đề này, nhu cầu phối hợp cuộc chiến chống bọn cướp ở cấp độ liên bang ngày càng tăng. Ông Jens Burrichter đã làm việc cho Europol được hai năm đã điều phối hoạt động của cảnh sát các quốc gia khác nhau để ngăn chặn các vụ cướp bằng chất nổ. Giống như nhiều đồng nghiệp, Burrichter tin rằng người Đức có nhiều điều phải học hỏi từ người Hà Lan về vấn đề này. Ông nhấn mạnh, trước hết cần cố gắng giảm số lượng máy ATM trong nước và giảm việc dùng tiền mặt.
Mặt khác, cũng giống như bất kỳ người Đức nào, ông nhận thức rõ rằng vấn đề này cũng mang tính chất chính trị và các chính trị gia ở Đức không thể thắng cử nếu ủng hộ việc bãi bỏ máy ATM. Ông than thở: “Thật tiếc rằng khả năng về vấn đề này rất hạn chế - Có rất ít điều chúng ta có thể thay đổi. Cha tôi đã 70 tuổi và ông sẽ không bao giờ trả tiền bánh mì ở tiệm bánh bằng thẻ ngân hàng”.
Vào tháng 7/2024 chính phủ Đức đã công bố những biện pháp cứng rắn hơn đối với các vụ làm nổ máy ATM. Trước đây, mức án tối thiểu cho tội danh này ở Đức là 1 năm nhưng hiện nay đã tăng lên 2 năm. Nếu vụ cướp có gây tổn hại sức khỏe cho những người xung quanh thì theo luật mới sẽ tăng thời hạn phạt 5 -15 năm, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi gây hại…