Dùng app giả lừa giao dịch trực tuyến

Thứ Hai, 23/09/2024, 14:57

Trong thời đại số hóa, các giao dịch ngân hàng trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và tiện lợi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, những thủ đoạn lừa đảo tinh vi cũng không ngừng gia tăng. Một trong những thủ đoạn đáng báo động hiện nay là việc sử dụng ứng dụng ngân hàng giả mạo để lừa đảo chuyển tiền. Những kẻ xấu đang lợi dụng sự thiếu cảnh giác của người dùng để chiếm đoạt tài sản và gây thiệt hại nghiêm trọng.

Mua bán app ngân hàng giả công khai trên mạng

Hiện nay trên mạng xã hội, các hội nhóm cho thuê, bán app bank ảo hoạt động sôi động. Chỉ cần gõ cụm từ “mua bán app bank ảo” sẽ cho ra một loạt hội nhóm mời chào khách hàng mua, thuê app ngân hàng giả, tài khoản giả.

Các hội nhóm này không chỉ là nền tảng cho các hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn những hiểm họa lớn đối với người dân và nền kinh tế.

Dùng app giả lừa giao dịch trực tuyến -0
Trần Hữu Duy và Trần Văn Kỳ lúc lấy lời khai tại hiện trường.

Trong hội nhóm “mua bán bank ảo - app ảo”, một tài khoản N.B rao bán: “Bank ảo theo tên (VP, TECH, NCB, SHB). Bank online (tất cả ngân hàng). Bank quầy random, theo tên (tất cả ngân hàng). Nhận rửa tiền phí thấp cho anh em. Cần tìm các boss lớn nhỏ để hợp tác lâu dài. Số lượng lớn có giá đẹp. Bao nhanh, bao tốc độ. Giá siêu mềm. Bao sim theo yêu cầu. Phục vụ 24/7. Cọc hoặc giao dịch trung gian. Uy tín đặt lên hàng đầu”.

Còn một tài khoản P.T đăng status “Ai mua app bank ảo inbox em. Có MB bank, Techcombank, Vietinbank và nhiều app khác ai cần inbox” Liên hệ với người này để hỏi mua app MB Bank, người này cho biết, nếu chọn gói thường thì chi phí 700 nghìn đồng/tháng, với 1.000 giao dịch 1 tháng. Gói cao cấp là 2,2 triệu đồng với 5.000 giao dịch trên tháng. Đồng thời, khẳng định có quét QR, lịch sử giao dịch, dùng để live được. Chỉ cần chuyển khoản cọc trước, xong app với tên của khách hàng thì sẽ chuyển khoản 100% và được test app trước.

Mới đây, chủ nhân một tài khoản Threads (một ứng dụng mạng xã hội) đã phát hiện ra một ứng dụng “fake” (giả mạo) thông báo chuyển khoản ngân hàng. Chỉ với một vài thao tác nhập liệu đơn giản, người dùng có thể tạo ra bằng chứng “ảo” xác nhận tài khoản của mình đã trừ tiền thành công.

Cụ thể, khi truy cập ứng dụng này, người dùng được yêu cầu nhập các thông tin bao gồm: Số tài khoản, Số tiền giao dịch, Thời gian giao dịch, Số dư, Nội dung. Đây là những dữ kiện thường xuất hiện trên thông báo giao dịch smartbanking của các ngân hàng trên điện thoại. Đồng thời, người dùng có thể lựa chọn thông báo giả này là trừ tiền hay nhận tiền.

Ngay sau khi nhập đủ các thông tin và ấn “Thực hiện”, trên điện thoại của người dùng sẽ nhảy ra thông báo biến động số dư giống hệt như được gửi từ ứng dụng của một ngân hàng.

Điều này rất nguy hiểm nếu người dùng sử dụng ứng dụng này trong các giao dịch dân sinh, mở điện thoại lên xác nhận là mình đã chuyển khoản thành công, nhưng thật ra không hề phát sinh giao dịch này.

Ngay lập tức cảnh báo này đã nhận được sự đánh giá, bình luận của đông đảo cư dân mạng. Nhưng, nhiều người vẫn bày tỏ sự nghi ngờ về app ứng dụng giả này và cho rằng tác giả tự dựng lên.

Tuy nhiên, tác giả bài viết cho biết, ứng dụng ngân hàng giả này vẫn có một điểm sơ hở, người dân cần nắm để tránh sập bẫy lừa đảo. Thông báo trừ tiền, chuyển tiền “ảo” sẽ chỉ xuất hiện trên điện thoại của kẻ lừa đảo, không thể bắn trực tiếp thông báo sang máy người khác.

Vì vậy, với các giao dịch chuyển khoản thường ngày, người dân cần kiểm tra xác nhận chuyển khoản từ ứng dụng ngân hàng trên điện thoại của mình, tuyệt đối không chủ quan tin tưởng các nội dung trên máy người khác.

Cảnh giác với thủ đoạn mới

Gần đây thủ đoạn sử dụng app ngân hàng giả để lừa đảo bắt đầu xuất hiện, khiến nhiều người hoang mang. Nhiều đối tượng đã bị bắt, đặt ra bài học cảnh giác cao độ cho mỗi người dân khi giao dịch qua tài khoản.

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đang tạm giữ hình sự Trần Hữu Duy (sinh năm 1998) trú tại khu 3, thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng; Trần Văn Kỳ (sinh năm 2002) trú tại xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, Ninh Bình để điều tra về hành vi cướp giật tài sản.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 12/9, Công an quận Nam Từ Liêm nhận được trình báo của chị M.H về việc vừa bị cướp giật số tiền 1 triệu yên Nhật. Theo trình báo của chị H, chị làm nghề đổi ngoại tệ. Chiều cùng ngày, có người đàn ông liên hệ đổi 1 triệu yên Nhật, hẹn giao dịch tại khu vực trước cửa số nhà 22, ngõ 63, Thiên Hiền thuộc địa phận phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đối tượng đến giao dịch đổi tiền với chị H là một người đàn ông khoảng gần 30 tuổi. Trong lúc hai bên đang tiến hành giao dịch thì đối tượng này cầm tiền của chị H bỏ chạy lên xe máy của một đối tượng khác đang đỗ gần đó. Chị H hô hoán đuổi theo nhưng không kịp nên đã đến Cơ quan công an trình báo. Số tiền chị H bị chiếm đoạt tương đương khoảng hơn 170 triệu đồng.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an quận  Nam Từ Liêm đã triển khai lực lượng đến hiện trường rà soát camera, tang vật và đối tượng. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, với một tinh thần hết sức khẩn trương, chưa đầy 24 giờ sau khi tiếp nhận tin báo, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận  Nam Từ Liêm đã điều tra, xác định 2 đối tượng thực hiện hành vi cướp giật tài sản là Trần Hữu Duy và Trần Văn Kỳ.

Sau khi cướp giật tài sản của chị H, 2 đối tượng đã bỏ trốn vào TP Hồ Chí Minh. Ngày 13/9, tổ công tác Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Nam Từ Liêm đã vào TP Hồ Chí Minh, phối hợp với công an sở tại bắt giữ 2 đối tượng, di lý về Hà Nội xử lý theo thẩm quyền.

Tại cơ quan điều tra, Duy và Kỳ khai nhận không có nghề nghiệp, để có tiền chi tiêu hằng ngày, cả hai đã bàn nhau tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác. Duy tham gia vào các nhóm thu đổi tiền mới, ngoại tệ trên ứng dụng Facebook với mục đích tìm người đổi tiền hẹn giao dịch và lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt tài sản.

Duy mua trên mạng xã hội app có giao diện giống với app của Ngân hàng M có chức năng thao tác chuyển tiền và thông báo chuyển tiền thành công; nhưng thực chất không hề có biến động số dư. Duy sử dụng app này với mục đích khi gặp người đổi tiền sẽ thao tác cho người đổi tiền xem thông báo chuyển tiền thành công để người đổi tiền tin tưởng đưa tiền cho Duy.

Trong một nhóm đổi tiền, Duy thấy thông tin chị H đăng việc đổi 1 triệu yên Nhật, Duy liên hệ và hẹn gặp chị H ở ngõ 63, Thiên Hiền. Trước khi gặp chị H, Duy và Kỳ bàn nhau, Duy sẽ đi taxi Grab đến địa điểm giao dịch, còn Kỳ đỗ xe máy ở gần đó.

Hai bên giao dịch, Duy mở app ngân hàng giả, cho chị H xem thông báo chuyển tiền thành công. Thấy vậy, chị H đưa tiền cho Duy. Lợi dụng chị H không để ý, Duy cho tiền vào túi quần rồi bỏ chạy lên xe máy của Kỳ đợi sẵn...

Sau đó, Duy và Kỳ trốn về TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, Duy giao dịch với một người không quen biết đổi 1 triệu yên Nhật lấy 170 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, Duy mua một điện thoại nhãn hiệu hạng sang với giá 43 triệu đồng để sử dụng; mua vé máy bay vào TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian bỏ trốn, Duy đưa cho Kỳ 18 triệu đồng và chi tiêu cá nhân. Chưa đầy 24 giờ sau khi gây án, trong túi Duy chỉ còn lại chưa đến 11 triệu đồng.

Điều tra mở rộng, Cơ quan công an xác định ngày 3/9, Duy và Kỳ bằng phương thức, thủ đoạn tương tự đã chiếm đoạt số tiền 110 triệu đồng của một phụ nữ đến đổi tiền mới tại phố Nguyễn Văn Trỗi, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Sau khi chiếm đoạt số tiền này, Duy đã xóa toàn bộ tin nhắn và chặn liên lạc với người bị hại. Cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh làm rõ vụ việc này để xử lý...

Thượng tá Đặng Mạnh Cường, Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm đánh giá, việc giả mạo các biên lai chuyển tiền gửi ảnh cho bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn không mới. Tuy nhiên, trong vụ án này, các đối tượng rất tinh vi khi sử dụng app ngân hàng giả, thao tác trước mặt nạn nhân và thông báo chuyển tiền thành công. Theo Thượng tá Đặng Mạnh Cường, đây là thủ đoạn mới, người dân cần hết sức cảnh giác, khi tiền chưa vào tài khoản thì tuyệt đối không giao dịch tiền, hàng với đối tác, tránh bị thiệt hại về kinh tế.

Trước đó, tại Long An, với thủ đoạn tương tự, đối tượng Võ Thành Tài, sinh năm 1992, trú tại ấp 8, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành đã lừa được một chủ cửa hàng điện thoại số tiền lớn. Ngày 25/8/2024, thông qua tài khoản mạng xã hội Zalo có tên Vini, Võ Thành Tài nhắn tin liên hệ cho chị N.T, chủ một cửa hàng điện thoại ở huyện Bến Lức để mua điện thoại. Qua trao đổi, Tài đồng ý mua một chiếc điện thoại di động Oppo Reno T8 cũ với giá 4,2 triệu đồng và hẹn điểm giao hàng tại giao lộ đường Vành Đai - Khương Minh Ngọc, thuộc xã Bình Tâm, thành phố Tân An.

Dùng app giả lừa giao dịch trực tuyến -0
Đối tượng Võ Thành Tài.

Chị N.T thuê người đi giao điện thoại theo thời gian và địa điểm đã hẹn. Khi gặp người giao hàng, Tài nói là không mang theo tiền mặt, đề nghị thanh toán qua hình thức chuyển khoản và được đồng ý. Sau đó, Tài sử dụng điện thoại mang theo bấm vào một  app chuyển tiền, thực hiện các thao tác chuyển tiền và chụp màn hình nội dung chuyển tiền thành công qua Zalo cho người giao hàng và chị N.T.

Thấy vậy, người giao hàng ra về. Tuy nhiên, sau đó kiểm tra và chờ mãi chủ cửa hàng vẫn không nhận được tiền chuyển vào tài khoản. 2 ngày sau, chủ cửa hàng điện thoại này lại nhận được tin nhắn lạ qua Zalo với nội dung đặt mua điện thoại. Qua thỏa thuận và hẹn thời gian, địa điểm giao hàng là ở một đoạn đường ở TP Tân An.

Thấy nghi ngờ lừa đảo nên chủ cửa hàng điện thoại báo Công an TP Tân An. Sau khi bị bắt giữ, tại Cơ quan công an, Tài khai nhận sử dụng app chuyển tiền giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một trong những cách thức phổ biến của các đối tượng lừa đảo là tạo ra các giao dịch chuyển tiền giả bằng các app ngân hàng giả. Các ứng dụng ngân hàng giả mạo này có giao diện rất giống app chính thức từ các ngân hàng lớn. App này sẽ tạo được rất nhiều biên lai chuyển tiền từ các ngân hàng khác nhau. Khi thực hiện chuyển khoản qua ứng dụng này, màn hình sẽ hiển thị thông báo giao dịch thành công, nhưng thực tế không có khoản tiền nào được gửi đi.

Đặc biệt, ứng dụng giả này còn có khả năng tạo biên lai giao dịch giống y như thật để người dùng tưởng rằng tiền đã được chuyển đi.

Dùng app giả lừa giao dịch trực tuyến -0
App ngân hàng giả được quảng cáo trên mạng xã hội.

Các nạn nhân của thủ đoạn này có thể là người bán hàng hoặc các đối tác kinh doanh, khi họ nhận được biên lai chuyển khoản giả và tin rằng tiền đã được chuyển. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra tài khoản ngân hàng thực tế, họ phát hiện không có khoản tiền nào được ghi nhận. Điều này dẫn đến mất mát tài chính, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh.

Ngọc Mai
.
.