Đừng đặt thiện tâm vào nhầm chỗ

Thứ Hai, 02/10/2023, 13:38

Trong lúc mọi người chung tay chia sẻ những mất mát đau thương với gia đình 56 nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini Khương Hạ (Hà Nội) thì lại có những kẻ lợi dụng điều này để kêu gọi từ thiện trục lợi. Để lòng tốt của mình không bị đặt nhầm chỗ, các nhà hảo tâm cần cảnh giác trước những chiêu trò của những đối tượng xấu.

Trục lợi từ nỗi đau vụ cháy chung chư mini

Vừa qua, Đội Phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội) chủ động rà soát và phát hiện tài khoản mạng xã hội có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kêu gọi ủng hộ nạn nhân trong vụ cháy ở quận Thanh Xuân, xảy ra hôm 12/9.

Cụ thể, sau quá trình rà soát, xác minh, cơ quan Công an đã phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Thường, sinh năm 1991, trú tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) đã lập một Facebook ảo có tên “Hoài Thu”, sau đó giả danh, thay ảnh đại diện là bác sĩ Trưởng khoa chấn thương và phục hồi Bệnh viện Bạch Mai kêu gọi từ thiện ủng hộ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ.

a1.jpeg -0
Đối tượng Nguyễn Văn Thường tại cơ quan Công an.

Theo lời khai của đối tượng Nguyễn Văn Thường, ban đầu anh ta cũng chỉ định lập một fanpage đăng những bài viết, hình ảnh liên quan đến vụ cháy chung cư mini để câu view, câu like, tăng tương tác để tiện cho việc bán giày dép trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình tìm mọi cách để tăng tương tác, Thường nhận ra rằng thời điểm đó mọi người ai cũng xót thương cho những nạn nhân vụ cháy chung cư mini nên đối tượng đã nảy sinh ý định đăng bài kêu gọi từ thiện. Cụ thể, đối tượng này đã sao chép một bài viết kêu gọi ủng hộ các nạn nhân trong vụ cháy và ghi số tài khoản của bản thân vào với mục đích chiếm đoạt số tiền của nhà hảo tâm.

Tại cơ quan công an Thường khai rằng, mục đích chính ban đầu của anh ta khi lập page chỉ là lấy tương tác vì vụ cháy khi đó đang được nhiều người quan tâm. Nhưng trong lúc đăng bài liên quan đến vụ cháy, Thường phát hiện một tài khoản Facebook đã vào page của anh ta để đăng bài từ thiện. Thường bảo, không biết có thế lực nào xui khiến mà anh ta lại nhanh tay copy bài kêu gọi từ thiện đó rồi dán tài khoản ngân hàng của mình vào và đăng lên page.

Đến ngày 16/9, vợ Thường phát hiện chồng giả mạo bác sĩ để kêu gọi từ thiện là vi phạm pháp luật nên đã xóa bài viết. Ngoài ra, sau khi đăng tải bài viết Thường chưa nhận được khoản tiền ủng hộ nào.

Trước đó, cũng có một tài khoản mạng xã hội nghi giả mạo kêu gọi ủng hộ, gây bức xúc cho người nhà nạn nhân. Cụ thể, theo thông tin từ chị Nguyễn Thị A., người nhà của 7 nạn nhân vụ cháy chung cư mini phản ánh, đã rất bất ngờ khi cô giáo của con gọi điện xác nhận, gia đình có đang kêu gọi từ thiện hay không. Theo đó, cô giáo của con chị mới nhận được thông tin có một tài khoản tự nhận là cô giáo, biết hoàn cảnh của gia đình nên đã kêu gọi giúp đỡ, ủng hộ.

Tuy nhiên, chị A. cho biết, sau khi liên lạc với tài khoản Facebook kêu gọi ủng hộ này thì họ không hề biết thông tin gì về gia đình chị. Hiện gia đình cũng chưa đăng bất kỳ thông tin và kêu gọi nhờ mọi người giúp đỡ. Chị A. nghi vấn đây là chiêu trò câu views, câu like, trục lợi từ thiện.

Đừng đặt thiện tâm vào nhầm chỗ -0
Người dân nên tìm đến các địa chỉ tin cậy để lòng tốt không bị lợi dụng.

Được biết, tài khoản Facebook tự nhận là giáo viên đã gửi tin nhắn, kèm hình ảnh có nội dung kêu gọi từ thiện: “Gia đình đã mất người, kinh tế chỉ đủ lo cơm bữa hàng ngày, mẹ của bé phải gồng mình chăm lo cho gia đình...”. Tài khoản này cũng viết và cung cấp hàng loạt thông tin, hình ảnh để kêu gọi ủng hộ, nhưng khi được chính người nhà của nạn nhân hỏi thì không hề hay biết gì về nạn nhân và người nhà nạn nhân.

Đại diện người nhà nạn nhân khuyến cáo những người có tấm lòng hảo tâm có ý định giúp đỡ các gia đình nạn nhân cần tìm hiểu kỹ thông tin để giúp đỡ đúng người, đúng địa chỉ, cần cảnh giác để tránh bị mắc lừa, đồng thời mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ những kẻ lợi dụng hoạn nạn của người khác để lừa đảo, trục lợi.

Xót xa trước sự tang thương của vụ cháy, chị M.T.H. (Thanh Trì, Hà Nội) đã đăng tải bài viết với nội dung thông báo hỗ trợ chỗ ở cho nạn nhân vụ hỏa hoạn hoàn toàn miễn phí, thế nhưng chị H. không ngờ sau khi bài viết của mình được chia sẻ, một tài khoản Facebook có tên “Lương Hoạt” đã ngang nhiên lấy ảnh cùng nội dung bài đăng của chị về đăng lại, đáng nói tài khoản này đã bỏ phần số điện thoại liên hệ trong bài gốc đi, đồng thời thêm một số tài khoản khác phía dưới. Chị H. bức xúc chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ vì tài khoản giả mạo này đã sao chép nguyên xi ảnh và nội dung bài viết của tôi, trong phần nội dung mô tả của tài khoản này còn để một số tài khoản khác kêu gọi từ thiện, rõ ràng là có ý định lừa đảo. Thế mới thấy mọi người nếu muốn hỗ trợ thì cần cảnh giác để tránh bị mắc lừa”.

Nhận biết thủ đoạn lừa đảo kêu gọi từ thiện

Gần đây việc lợi dụng lòng tốt để thực hiện hành vi lừa đảo quyên góp tiền ủng hộ xảy ra liên tục. Thủ đoạn dễ nhận thấy nhất của các đối tượng chính là lập ra các trang mạng xã hội sau đó sáng tác ra những câu chuyện đáng thương cần được giúp đỡ. Đính kèm trong các bài viết đăng tải trên mạng xã hội là những tấm hình giả về bệnh nhân, giấy nhập viện, giấy báo phẫu thuật… Bên cạnh đó họ không quên đính kèm số tài khoản ngân hàng và số điện thoại của người nhà bệnh nhân. Một điều dễ nhận thấy, các trường hợp này được một số trang báo viết từ khá lâu. Chúng lấy lại thông tin đăng lên trang cá nhân kêu gọi ủng hộ bằng cách chuyển khoản để chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm.

Đừng đặt thiện tâm vào nhầm chỗ -0
Hình ảnh và bài viết của một nhà hảo tâm bị kẻ xấu lợi dụng.

Đối tượng mà bọn lừa đảo mang ra để đánh vào lòng trắc ẩn của mọi người chính là những bệnh nhi ung thư, những người có hoàn cảnh đặc biệt thương tâm hoặc kêu gọi chi phí mai táng cho những thai nhi xấu số.

Mới đây trên một trang cá nhân có đăng tải hình ảnh băng bó kèm theo thông tin cá nhân, bệnh lý của bệnh nhân B.H.M (26 tuổi, quê Đồng Nai) đang điều trị bỏng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Trang này viết: “Gia đình em ấy rất nghèo, vợ làm công nhân, có hai con còn rất nhỏ. Tai nạn ập đến làm gia đình em khánh kiệt, giờ còn phải đối mặt với viễn cảnh phải chết do hết tiền điều trị”, trang Facebook này viết.

Chỉ sau vào giờ đăng tải, trang Facebook của đối tượng này đã có gần 1.900 lượt bày tỏ cảm xúc “đau buồn”, có nhiều người tỏ vẻ sốt sắng sẵn sàng chuyển tiền vào tài khoản ngay để giúp người bệnh. Thế nhưng, khó có ai ngờ rằng phía sau câu chuyện thảm thương ấy là một “vở kịch” mà đối tượng lừa đảo là “đạo diễn”. Ngay sau đó, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định bệnh nhân M. không phải “nằm chờ chết”  mà anh M. đã có thể ngồi, ăn uống được bình thường.

Riêng khoản chi phí điều trị gần 442 triệu đồng, BHYT đã chi trả gần 320 triệu đồng. “Số tài khoản đăng trên mạng không phải của gia đình và đến nay chúng tôi không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ việc kêu gọi hỗ trợ này”, người nhà của anh M. cho biết.

Một chiêu thức lừa đảo khác mà các đối tượng hay sử dụng chính là làm giả các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện đã được cấp phép. Chúng sẽ đăng tải các hoàn cảnh cần giúp đỡ lên và kêu gọi cộng đồng quyên góp. Nhiều người không biết sẽ dễ dàng bị mắc bẫy lừa đảo. Những trang này có thể thu hút hàng ngàn người theo dõi. Sau khi tiếp nhận tiền ủng hộ, các đối tượng không bàn giao cho người cần giúp đỡ hoặc bàn giao một phần rất nhỏ để che mắt thiên hạ. Số tiền còn lại chúng trục lợi vào mục đích cá nhân.

a3.jpeg -0
Đối tượng Trần Văn Lâm đã lập ra hàng chục fanpage để lừa đảo kêu gọi từ thiện.

Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an từng phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam bắt giữ Trần Văn Lâm, 23 tuổi (Hà Nam) để điều tra về hành vi lập fanpage kêu gọi người dân ủng hộ tiền từ thiện rồi chiếm đoạt.

Kết quả điều tra xác định từ tháng 9/2020, Lâm lập trang fanpage “Hỗ trợ trẻ em” và đăng gần 250 bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là câu chuyện về các cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. Tin vào những thông tin này, đã có hàng ngàn nhà hảo tâm gửi tổng số tiền hơn 6,6 tỉ đồng đến tài khoản ngân hàng do Lâm tạo lập, quản lý.

Tại cơ quan công an, Lâm khai nhận còn điều hành 7 trang fanpage khác nhằm mục đích tương tự gồm: “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương kết nối yêu thương”, “Quan thế âm bồ tát”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”.

Để tạo lòng tin với các nhà hảo tâm, Lâm thường sử dụng những hoàn cảnh có thật đã được đăng trên báo chí để đăng tải lại trên các fanpage này rồi chèn số tài khoản của mình vào và “kêu gọi từ thiện”. Sau khi nhận tiền, Lâm không chuyển tiền cho gia đình các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn mà chuyển đến các tài khoản ngân hàng khác dùng để chơi game bài và chi tiêu cá nhân.

Trước đó, cơ quan công an cũng bắt giữ nhóm quản trị fanpage “Chia sẻ vì người nghèo” ở Lâm Đồng với cùng thủ đoạn tương tự. Trang fanpage này do Đào Bá Lộc (27 tuổi) cùng một số người lập ra để kêu gọi từ thiện. Đã có hơn 1.000 người chuyển tiền vào 2 số tài khoản của nhóm quản trị trang “Chia sẻ vì người nghèo” số tiền từ 50.000 đến 5 triệu đồng/người. Tổng cộng, Đào Bá Lộc và đồng phạm đã lừa và chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng tiền từ thiện của các nhà hảo tâm

Cho đi là một hành động đẹp. Tuy nhiên, lòng tốt cần được trao gửi đúng chỗ. Nếu không nhiều nhà hảo tâm sẽ bị sập bẫy và bị lợi dụng tình thương để lấy tiền. Khi niềm tin về một xã hội nhân văn đã bị bào mòn thì người thiệt không ai khác chính là những hoàn cảnh khó khăn đang cần được sẻ chia, giúp đỡ.

Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác trước những tài khoản mạng xã hội kêu gọi ủng hộ. Cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện, yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ. Chỉ lựa chọn các quỹ, chương trình quyên góp ủng hộ do Nhà nước, đoàn thể được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức như Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp... Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan Công an để kịp thời xử lý nghiêm vi phạm.

Pháp luật Việt Nam đã có quy định cho phép các cá nhân kêu gọi, phân phối và sử dụng nguồn tiền ủng hộ tự nguyện để khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh… Điều này được thể hiện trong Nghị định 93/2021/NĐ-CP. Theo đó, người đứng ra kêu gọi ủng hộ từ thiện cần phải công khai minh bạch mọi vấn đề có liên quan đến công tác này trên các phương tiện thông tin truyền thông như phương thức, hình thức vận động, số tiền, hiện vật tiếp nhận, thời gian phân phối sử dụng… Ngoài ra các thông tin này phải được gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi diễn ra công tác từ thiện.

Ngoài ra, Nghị định 93/2021/NĐ-CP cũng quy định người kêu gọi đóng góp từ thiện không được sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân. Cần phải sử dụng tài khoản ngân hàng riêng cho mỗi cuộc vận động để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ. Điều này góp phần tạo sự minh bạch, rõ ràng trong việc tiếp nhận và phân phối nguồn tiền.

Phong Anh
.
.